Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 08:53 GMT+7

Thủ đô kháng chiến, vùng biên anh hùng

Biên phòng - Nhắc đến Bình Phước, là nhắc đến “Thủ đô kháng chiến” của miền Đông đất đỏ anh hùng với nhiều địa danh thắng cảnh, di tích lịch sử, danh lam và chiến công vang dội đã đi vào lịch sử dân tộc, trở thành niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân Bình Phước và toàn dân tộc. Miền đất ấy với địa chính trị “đầu gối Trường Sơn” ở phía Bù Gia Mập, “vai kề biên giới” nước bạn Campuchia với chiều dài đường biên 258,939km chạy qua 3 huyện biên giới Bù Gia Mập, Bù Đốp, Lộc Ninh, tiếp giáp với 3 tỉnh Mondulkiri, Kratie, Tboung Khmum của nước bạn.

Các lực lượng của tỉnh Bình Phước thi công cột mốc số 73. Ảnh: Tuệ Lâm

Là địa bàn trung chuyển giữa Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, nên Bình Phước có địa hình rất đa dạng, gồm cả địa hình cao nguyên, đồi núi và đồng bằng. Miền biên giới nơi đây cũng là nơi hội tụ và sinh sống của 41 dân tộc anh em, trong đó, dân tộc Xtiêng, M’nông, Khmer... là những cư dân có lịch sử cư trú lâu đời đã kiến tạo nên những di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, đặc sắc như: Lễ hội Kết bạn cộng đồng của người M’nông, Lễ hội Mừng lúa mới của người Xtiêng, Lễ hội Phá bàu của người Khmer...

Sử liệu ghi lại, dưới thời phong kiến nhà Nguyễn, Bình Phước thuộc trấn Biên Hòa. Đến giữa thế kỉ XIX, sau khi đặt ách đô hộ tại lục tỉnh Nam Kỳ, thực dân Pháp đã chia Nam Kỳ thành 4 khu vực: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bắt Xắc. Bình Phước thuộc khu vực Sài Gòn, trong đó, vùng đất phía Đông thuộc tiểu khu Biên Hòa, vùng đất phía Tây Nam và phía Nam thuộc tiểu khu Thủ Dầu Một. Đến giữa thế kỉ XIX, sau khi đặt ách đô hộ tại lục tỉnh Nam Kỳ, thực dân Pháp đã chia Nam Kỳ thành 4 khu vực: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bắt Xắc, đổi các tiểu khu thành các tỉnh, Bình Phước thuộc địa phận tỉnh Biên Hòa và Thủ Dầu Một, tồn tại cho đến sau Hiệp định Geneve 1954. Từ năm 1956, chính quyền Sài Gòn thiết lập một số tỉnh mới ở miền Nam. Trong đó, có hai tỉnh Bình Long và Phước Long là tiền thân của tỉnh Bình Phước ngày nay.

Ngày 30/1/1971, Trung ương Cục miền Nam quyết định thành lập Phân khu Bình Phước. Tới năm 1972, chiến dịch Nguyễn Huệ được khai hỏa, cụm cứ điểm Lộc Ninh là trận đánh then chốt mở màn chiến dịch. Sau 7 ngày đêm mở chiến dịch, ta đã giành thắng lợi giòn giã trên các hướng thứ yếu, xung yếu, tiêu diệt cụm cứ điểm tiền tiêu Xa Mát, đánh thiệt hại nặng Chiến đoàn 49 địch, làm chủ từ Bắc Thiện Ngôn đến biên giới. Tới 21 giờ, ngày 7/4/1972, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ cụm cứ điểm chi khu Lộc Ninh. Hiện nay, trên địa bàn biên giới của Bình Phước, có nhiều di tích lịch sử quan trọng như Điểm cuối đường Hồ Chí Minh; Căn cứ Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam và Vườn quốc gia Cát Tiên, Di tích Phú Riềng Đỏ, Nhà giao tế Lộc Ninh; Sóc Bom Bo... Đặc biệt là Khu căn cứ Tà Thiết là nơi Quân ủy và Bộ Tư lệnh các lực lượng giải phóng miền Nam Việt Nam chọn làm căn cứ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Bình Phước được đánh giá là một điểm sáng quan trọng trong hoạt động này khi trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ phân giới cắm mốc (PGCM) tuyến Việt Nam-Campuchia. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo PGCM của tỉnh và cử 7 cán bộ có phẩm chất tốt, năng lực, kinh nghiệm, thông thuộc địa hình biên giới để tham gia Đội PGCM của tỉnh. Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan, ban, ngành và lực lượng chức năng, từ tháng 7/2007 đến tháng 12/2012, toàn tuyến đã hoàn thành cắm 19 vị trí, xây dựng 28 cột mốc chính, trong đó có 1 mốc ba, 8 mốc đôi, 10 mốc đơn; phân giới được 260,433km đường biên giới. Tiếp đó, từ tháng 1/2013 đến tháng 12/2018, Bình Phước hoàn thành xây dựng 173 cột mốc phụ, trong đó, tuyến Bình Phước - Mondulkiri: 147 mốc, tuyến Bình Phước - Kratie: 143 mốc, tuyến Bình Phước - Tbong Khmum: 88 mốc.

Là 1 trong 7 cán bộ Biên phòng được cử tham gia, chỉ đạo công tác PGCM từ ngày đầu, Trung tá Phạm Văn Chỉnh, Đội trưởng Đội PGCM số 5 cho biết: “Hiệp ước 1985 chỉ mô tả bằng lời văn, đường biên giới thể hiện trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50.000 với một nét bút mực nên khi ra thực địa có thể sai lệch hàng chục, thậm chí cả trăm mét. Sự không thống nhất giữa lời văn hiệp ước và bản đồ đính kèm với thực địa dẫn đến việc không thống nhất được hướng đi của đường biên giới, tạo ra những tồn đọng buộc hai bên phải nhiều lần đàm phán để giải quyết. Mọi tình huống xảy ra đều được giải quyết một cách linh hoạt, sáng tạo dựa trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị và tôn trọng pháp luật của mỗi nước. Thành công nhất của tỉnh Bình Phước là đã hoàn thành việc PGCM trên tuyến biên giới. Bất kể ngày lễ, tết hay mưa nắng, bạn cùng với ta phối hợp bảo vệ dẫn đường, hỗ trợ tạo điều kiện tốt nhất cho các đội PGCM”.

Trung tá Chỉnh cũng cho biết thêm rằng, quá trình xây dựng mốc trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Do địa hình phức tạp, xa dân cư; chủ yếu cột mốc được xây dựng tại khu vực rừng rậm, sông, suối, đồi núi nên việc vận chuyển vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc, lương thực, nhu yếu phẩm phục vụ xây dựng cột mốc đều dựa vào sức người. Khó khăn nhất là vào mùa mưa, những dòng sông biên giới chảy xiết, cuốn trôi nhiều phương tiện, đồ dùng, lương thực thực phẩm, thậm chí cả người của Đội PGCM. Nhưng nhờ cán bộ, chiến sĩ ta có kinh nghiệm xử lý nên đều thoát hiểm, thậm chí còn cứu hộ được các thành viên của đội bạn.

Năm 2014, trong chương trình giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị”, Đại tá Mao Tha Vi, Chỉ huy phó Tiểu khu Quân sự tỉnh Kratie, Bộ Tư lệnh Lục quân, Quân đội Hoàng gia Campuchia cũng đã kể về một kỷ niệm như vậy: “Tôi nhớ mãi một kỷ niệm vào mùa mưa năm 2009, khi lãnh đạo hai lực lượng khảo sát biên giới ở khu vực cửa khẩu Hoa Lư đi đến Chiu Riu, tại đây lại có dòng suối chia thành hai dòng, một dòng nhỏ và một dòng lớn, đã gây khó khăn cho công tác phân giới của Đội công tác hỗn hợp. Sau khi đưa bản đồ, la bàn ra và đi tìm vị trí thực địa vẫn không thành công. Lúc bấy giờ đã là 12 giờ trưa, cả hai phía mới có được thống nhất địa điểm để cắm cột mốc. Trời nắng gắt, bụng đói, mọi người mệt lả, gai nhọn cào xé cơ thể, mồ hôi ướt đẫm, trời lại đổ một cơn mưa lớn. Anh em đoàn công tác phải ngồi ăn cơm dưới trời mưa. Hình ảnh đó khiến tôi nhớ lại thời chiến tranh: Một hạt muối ta chia đôi, ngồi chung trong một chiến hào. Khi hòa bình, ta vẫn yêu thương nhau, dung hòa nhau và giúp đỡ nhau, hỗ trợ lẫn nhau vì sự phát triển trên tất cả mọi lĩnh vực. Đây là kỷ niệm đậm nét nhất ghi dấu vào trái tim tôi”.

Và cách nơi họ ngồi ăn cơm dưới mưa không xa, năm 2011 đã được cắm cột mốc số 73, gồm 3 mốc. Trung tá La Văn Thắng, cán bộ Phòng Công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, khi đó đảm nhiệm vai trò Trung đội trưởng Đội thi công cho biết, vị trí cột mốc 73 là một trong những vị trí khó xác định và hai bên phải bàn bạc nhiều lần mới thống nhất được. Do đó, ảnh hưởng tới tiến độ thi công. Tại cột mốc này, lối vào vị trí vô cùng khó khăn, các cột mốc 73 (1, 2) phải qua sông Chiu Riu. Thành viên Đội thi công phải phối hợp với BĐBP phát quang bụi rậm, mở đường hơn 1 tuần mới có thể đến vị trí xây dựng.

Trên địa bàn của huyện Bù Gia Mập, mảnh đất gối đầu lên Trường Sơn, công tác PGCM còn vất vả hơn gấp bội. Chiếc xe chuyên dụng vốn đã được trang bị đến 3 cầu, vậy mà cũng có những lúc phải chịu thua đường rừng đất đỏ và những cơn mưa tầm tã. Người ngồi trên xe mà tim cứ chực nhảy ra ngoài vì cung đường lắt lẻo đến chóng mặt. Thậm chí, khi xe cơ giới đã không thể di chuyển, các đội lại mang vác dụng cụ, cắt rừng cao su mà đi. Mỗi đợt làm việc ở tuyến biên giới này, anh em mang theo tất cả máy móc, vật dụng, nồi niêu xoong chảo vì xác định sẽ phải mất thời gian cả tháng. Sáng hành quân vào rừng đo đạc, tối về, mọi người ngủ nhờ trong các đồn Biên phòng, điểm nào xa quá thì phải nhờ anh em Biên phòng dựng lán trại và hỗ trợ hậu cần. Đã vậy, lại phải đi theo chiến thuật “như ma đuổi” - nghĩa là guồng chân đi thật nhanh, nếu không sẽ bị vắt bám đầy chân. Khổ ải là thế, vậy mà lắm khi đến thực địa lại về không, vì hai bên không thống nhất được điểm mốc cần cắm.

Thương nhất có lẽ là những cán bộ kỹ thuật của Cục Đo đạc và Bản đồ được cử từ Hà Nội vào Bình Phước. Ông Vũ Gia Hoàng, thành viên Đội PGCM số 5 lắc đầu, lè lưỡi khi kể lại lần đi bộ đường rừng hơn 38 cây số. Sáng đi, anh em mang theo cơm nắm muối vừng, đói thì lấy ra ăn rồi đi tiếp, đi mãi, đi mãi đến nhọ mặt người vẫn chưa tới được nơi cần đến. “Ở tuyến này có rất nhiều sông, nhưng không phải lúc nào cũng có xuồng nên chúng tôi phải bơi qua sông. Nhất là khi nước lên cao, dòng xiết, dù có mặc áo phao cũng không đảm bảo an toàn, nên đội cử người bơi giỏi nhất sang trước để căng thừng, rồi các đội viên bám thừng bơi sang. Nhưng căng thẳng nhất là vượt thác, chúng tôi phải bám rễ cây bò men theo bờ sông, vừa bò, vừa kéo theo xuồng. Đến khi hết thác mới lên xuồng đi tiếp” - ông Hoàng chia sẻ.

Hệ thống cột mốc trải qua hành trình 12 năm cam khó mới hoàn thành, hiện đang được BĐBP tỉnh Bình Phước và các lực lượng bảo vệ biên giới của Campuchia phối hợp bảo vệ hiệu quả. Và câu nói “vai kề biên giới” giờ đây lại có thêm ý nghĩa mới, khi nói đến tình đoàn kết, hữu nghị giữa những người bảo vệ biên cương của hai quốc gia, hai dân tộc.

Phạm Vân Anh

Bình luận

ZALO