Biên phòng - Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến; tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, tờ trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản phù hợp về đổi mới, phát triển giáo dục mầm non.
Sáng 4/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo (Ủy ban) chủ trì Phiên họp của Ủy ban về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”
Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban; nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các thành viên Ủy ban.
Phiên họp thảo luận sôi nổi xây dựng báo cáo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.” Các đại biểu phân tích về vị trí, vai trò của giáo dục mầm non; tình hình phát triển giáo dục mầm non thời gian qua; những điểm nghẽn; nguyên nhân của hạn chế, yếu kém...
Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cho rằng, giáo dục mầm non có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển giáo dục, đào tạo, trong đó có giáo dục mầm non. Nhờ đó, giáo dục mầm non đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Hằng năm, có trên 5,3 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại hơn 15 nghìn trường mầm non và gần 16.000 cơ sở độc lập; toàn quốc có 56,9% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 82,2%...
Việc thực hiện thành công mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đã tạo cơ chế, động lực thúc đẩy giáo dục mầm non phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, hiện nay vẫn xảy ra tình trạng thiếu trường lớp, thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị dạy học.
Trước nhu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới, giáo dục mầm non cần được đổi mới để đáp ứng yêu cầu. Trong đó, mục tiêu là thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi; đổi mới nội dung chương trình giáo dục mầm non; đặc biệt là cơ chế huy động nguồn lực và các điều kiện để thực hiện đổi mới, phát triển giáo dục mầm non...
Đánh giá cao và cơ bản nhất trí với các báo cáo và ý kiến phát biểu của thành viên Ủy ban, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ giáo dục và đào tạo được Đảng, Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị và của toàn dân.
Nêu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người,” Thủ tướng nhấn mạnh đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển; phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục mầm non, hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo, phù hợp với yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đổi mới giáo dục và đào tạo phải nhằm đào tạo và phát triển toàn diện con người Việt Nam; phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước; đổi mới giáo dục mầm non, cụ thể là đối với trẻ từ 3-5 tuổi; đổi mới huy động nguồn lực, lấy hợp tác công tư là chính để phát triển giáo dục và đào tạo.
Với yêu cầu xử lý, giải quyết các điểm nghẽn, hạn chế về nhân lực, cơ sở vật chất và sự bất bình đẳng về giáo dục và đào tạo nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo..., Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát, có cơ chế chính sách để huy động mọi nguồn lực cho giáo dục mầm non, nhất là chính sách về thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng; cơ chế, chính sách huy động nguồn lực con người và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giáo dục mầm non...
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến của các thành viên Ủy ban; tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, tờ trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản phù hợp về đổi mới, phát triển giáo dục mầm non, trong đó nêu rõ nội dung, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, quy định của pháp luật, sát tình hình thực tế và tháo gỡ được điểm nghẽn, vướng mắc trong phát triển giáo dục mầm non.
Các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để hoàn thiện, trên tinh thần “cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; cái gì chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn nhưng không nóng vội".
Theo TTXVN