Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 10:35 GMT+7

Thúc đẩy hợp tác thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc

Biên phòng - Sau 3 năm bị ảnh hưởng, gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, hoạt động hợp tác thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã sôi động trở lại với việc khôi phục hoạt động thông quan tại nhiều cặp cửa khẩu. Cùng với đó là các cuộc gặp, làm việc chính thức giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương truyền thống giữa hai nước nói chung và giữa các tỉnh biên giới của Việt Nam với Trung Quốc đã diễn ra với nhiều hình thức đa dạng góp phần thúc đẩy thương mại biên mậu giữa hai nước.

Hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra sôi động tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Trong ảnh: Xe chở hàng hóa chờ xuất khẩu tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Ảnh: Bích Nguyên

Hoạt động thông quan sôi động tại các cửa khẩu

Những ngày này, hoạt động thông quan xuất nhập khẩu (XNK) tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (tỉnh Lào Cai) diễn ra sôi động. Trung bình mỗi ngày có khoảng gần 300 phương tiện được thông quan. Đại úy Nguyễn Hồng Mạnh, Trạm trưởng Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai cho biết, tính từ tháng 1 đến đầu tháng 11/2023, có hơn 27.000 lượt xe hàng hóa được thông quan xuất khẩu qua cửa khẩu này và hơn 69.000 lượt phương tiện chở hàng hóa nhập khẩu.

Theo Sở Công thương tỉnh Lào Cai, thời gian qua, hợp tác kinh tế thương mại giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đạt nhiều kết quả tích cực. Hai bên tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK. Hiện, lượng hàng hóa XNK hai bên có sự tăng trưởng tốt và duy trì ổn định ở mức khoảng trên 300 xe hàng/ngày qua cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ và 2 - 4 đôi tàu liên vận quốc tế tại cặp cửa khẩu quốc tế đường sắt.

Tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam đã quan tâm thúc đẩy triển khai vận hành “luồng ưu tiên” thông quan cho hàng nông sản qua cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Việt Nam) và Bắc Sơn (Trung Quốc)... Hai bên tích cực hợp tác, hỗ trợ nhau trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; quan tâm phát triển các dịch vụ logistics, đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ kho bãi, bốc xếp, vận chuyển... hàng hóa.

Cùng với đó, hai bên đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy kinh tế biên mậu. Gần đây nhất, đầu tháng 11/2023, Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung lần thứ 23, năm 2023 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), Sở Công thương tỉnh Lào Cai phối hợp với Cục Thương vụ châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, chính quyền nhân dân huyện tự trị dân tộc Dao Hà Khẩu, châu Hồng Hà tổ chức đã mở ra nhiều cơ hội tương tác, trao đổi, hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên. Đã có hơn 600 lượt giao thương, kết nối và trao đổi giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc, giữa các doanh nghiệp của Lào Cai với doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong nước; 109 thỏa thuận hợp tác, 22 cặp hợp đồng được ký kết tại hội chợ...

Tại tỉnh Lạng Sơn - cửa ngõ giao thương giữa Việt Nam với nước bạn qua tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) hoạt động thương mại biên giới diễn ra thuận lợi, sôi động. Sau khi Trung Quốc gỡ bỏ chính sách zero Covid, nhiều cửa khẩu đã được khôi phục thông quan. Đến nay, hàng hóa XNK được thông quan tại 6 cửa khẩu. Trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 1.200 phương tiện XNK hàng hóa được thông tin. Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, lũy kế từ ngày 1/1 đến 7/12/2023 kim ngạch XNK hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt 47.853,9 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022.

Tiếp tục đầu tư hạ tầng kinh tế thương mại

Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới trên đất liền dài hơn 1.400km, tiếp giáp giữa 7 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh của Việt Nam với tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc.

Bộ Công thương cho biết, trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, Quảng Tây và Vân Nam đều là thị trường truyền thống, đóng vai trò rất quan trọng không chỉ với 7 tỉnh biên giới phía Bắc mà đối với tổng thể quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch thương mại qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 34,57 tỷ USD, tăng 87,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Mỗi ngày có khoảng hơn 300 phương tiện chở hàng hóa thông quan qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai). Ảnh: Bích Nguyên

Hiện nay, một số cửa khẩu đã ứng dụng công nghệ, tần suất thông quan tốt hơn và thúc đẩy thương mại biên giới tốt hơn. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương truyền thống giữa các tỉnh biên giới của Việt Nam với Trung Quốc được khôi phục với nhiều hình thức đa dạng. Hợp tác giữa chính quyền và doanh nghiệp giữa hai nước diễn ra sâu sắc, toàn diện hơn. Một số dự án đầu tư đã được triển khai ở khu vực này.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, quan hệ kinh tế, thương mại, nhất là thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa khai thác hết năng lực hạ tầng cửa khẩu; xuất khẩu nông thủy sản chủ yếu vẫn là tiểu ngạch, số lượng, chất lượng, giá cả thiếu ổn định...

Để thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại, đầu tư giữa hai nước, nhất là hợp tác kinh tế và thương mại khu vực biên giới Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần khẩn tập trung rà soát sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các nghị định, thông tư, các cơ chế chính sách có liên quan và tăng cường giao thiệp với đơn vị đồng cấp nhằm tạo thuận lợi hóa thương mại, đầu tư giữa hai nước. Đồng thời xây dựng kế hoạch và ban hành những cơ chế, chính sách của địa phương nhằm thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực biên giới, nhất là hạ tầng kinh tế thương mại, khu vực biên giới như các chợ, các trung tâm logistics, kho bãi...

Cùng với đó, các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là các tỉnh biên giới cần rà soát quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất, chế biến theo Đề án xuất khẩu chính ngạch. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, tăng cường giao thương để doanh nghiệp hai nước có điều kiện tìm hiểu cơ hội hợp tác thương mại đầu tư ở khu vực biên giới.

Đối với các bộ, ngành có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, cần tăng cường đàm phán với phía bạn nhằm sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch động thực vật cho nông sản, đàm phán cấp mới mã số nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam có thế mạnh. Triển khai xây dựng, áp dụng cửa khẩu thông minh và áp dụng công nghệ trong quản lý các hoạt động thông quan XNK để nâng năng lực thông quan, đáp ứng được nhu cầu về thương mại biên giới; tham mưu xây dựng các dự án đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông biên giới, đặc biệt là hệ thống giao thông đồng bộ kết nối có tính liên vận quốc tế.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO