Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 31/10/2024 07:20 GMT+7

Thúc đẩy logistics phát triển

Biên phòng - Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá Việt Nam đang nổi lên là một trung tâm sản xuất công nghiệp toàn cầu với tăng trưởng xuất khẩu đạt bình quân 15%/năm. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nằm trong số quốc gia có cước phí vận tải đắt so với khu vực, thế giới.

Logistics là một chuỗi nhiều hoạt động xoay quanh hàng hóa như: đóng gói, bao bì, lưu trữ hàng hóa, kho bãi, bảo quản, vận chuyển hàng hóa... Các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được đáng kể khoản chi phí vận chuyển, tránh việc “đội giá” sản phẩm và tăng mức lợi nhuận thu được nếu thực thi hoạt động logistics hiệu quả.

Thế nhưng, chi phí vận chuyển logistics tại Việt Nam tính theo tỷ trọng GDP khoảng 18-20%, cao hơn 4% mức bình quân toàn cầu. Chi phí cao, cơ sở hạ tầng chưa được tận dụng tối đa là những điểm yếu được các chuyên gia chỉ ra trong dòng chảy phát triển logistics tại Việt Nam. Điều này phần nào được thể hiện qua chỉ số năng lực logistics (LPI) Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 quốc gia được đánh giá.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, gánh chi phí vận tải có thể khiến hàng hóa Việt Nam không thể cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế, khó tận dụng được cơ hội tăng xuất khẩu khi các hiệp định thương mại có hiệu lực.

Lý giải những bất cập trên, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, 4.000 doanh nghiệp Việt hoạt động lĩnh vực này, doanh thu khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Song, thực tế, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ (90% doanh nghiệp khi đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng), nên chỉ nắm được 25% thị phần logistics. 75% thị phần đang ở trong tay doanh nghiệp nước ngoài, tập trung vào 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới, cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia.

Do vậy, dù sở hữu nhiều lợi thế như: kho tàng, bến bãi, phương tiện vận chuyển..., nhưng hầu hết các doanh nghiệp trong nước mới chỉ hoạt động trong những phân khúc nhỏ của chuỗi dịch vụ logistics như: dịch vụ vận tải, giao nhận hàng hóa, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan...

Mặt khác, vận tải đường bộ đảm nhiệm trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa với chi phí đắt đỏ, gấp 9,7 lần so với vận chuyển bằng đường biển và hơn 2,5 lần so với vận chuyển bằng đường sắt.

Các chuyên gia chỉ ra, chi phí vận tải cao còn do thiếu các trung tâm logistics mang tầm khu vực. Đến thời điểm này, cả nước có 45 trung tâm logistics tại 9 tỉnh, thành phố, nhưng đa phần là các trung tâm logistics cấp II (cấp vùng), các trung tâm logistics tương đương cấp I (cấp quốc gia) mới đếm trên đầu ngón tay.

Thiếu các trung tâm logistics cấp I khiến các doanh nghiệp trong nước thiếu “địa chỉ” để cung cấp dịch vụ sở trường, đồng thời mất cơ hội tập hợp doanh nghiệp lại thành một chuỗi các dịch vụ logictics thích hợp thay vì phân tán khắp nơi, khiến chi phí sản phẩm tăng cao, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.

Để thúc đẩy logistics Việt Nam phát triển, nhiều chuyên gia kiến nghị, giải pháp hàng đầu là hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, bằng việc tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Trong đó, tăng cường kết nối giữa các loại hình vận tải và tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và đường hàng không sẽ giảm được chi phí thương mại cho các doanh nghiệp trong nước về thực hiện đơn hàng.

Dự báo, thị trường logistics sẽ tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, khi nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng gia tăng. Nhưng để nâng tầm và tiếp sức cho các doanh nghiệp trong nước, không thể thiếu những trung tâm logistics đầu tàu để kết nối các dịch vụ, góp phần làm cho chuỗi dịch vụ được tối ưu hóa và tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO