Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 04:08 GMT+7

Thúc đẩy năng suất lao động

Biên phòng - Tổng cục Thống kê cho biết, tính theo PPP (sức mua tương đương) 2017 - 2020, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam năm 2022 đạt 20,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,4% mức NSLĐ của Singapore; 15,4% của Mỹ; 26,3% của Nhật Bản 35,4% của Malaysia; 59% của Trung Quốc và 64,8% của Thái Lan. So sánh này cho thấy, chúng ta đang phải đối mặt với thách thức rất lớn để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước trong thời gian tới.

Nâng cao NSLĐ khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quyết định tới việc nâng cao NSLĐ của toàn bộ nền kinh tế. Ảnh minh họa

Mặc dù, NSLĐ của Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với các nước trong khu vực có trình độ phát triển cao hơn. Tuy vậy, 2 năm qua, NSLĐ chỉ tăng 4,65%/năm, thấp khá xa so với mục tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 đặt ra là 6,5%/năm. NSLĐ tăng chậm và chưa có đột phá như kỳ vọng là thách thức lớn đối với nền kinh tế vì việc đẩy mạnh tốc độ tăng NSLĐ có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Lý giải nguyên nhân chính của thực trạng NSLĐ thấp, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang thiếu hụt lao động lành nghề có kỹ năng cao; thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhưng hầu hết là quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khó có thể nâng cao NSLĐ trong lĩnh vực này.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách lớn thúc đẩy nâng cao NSLĐ của Việt Nam, như đổi mới mô hình tăng trưởng, giải quyết thủ tục hành chính, đổi mới khoa học công nghệ nhưng quá trình thực thi chính sách còn chậm; các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa có sự tham gia tích cực từ phía doanh nghiệp. Năng suất nội ngành chưa đạt được như kỳ vọng, các ngành đóng góp cao vào GDP và sử dụng lao động cao nhưng mức năng suất còn thấp, tốc độ tăng trưởng chưa đạt như mong muốn...

Theo các chuyên gia, tăng NSLĐ là vấn đề cốt lõi hiện nay, là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới. Để đạt được mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025, từ nay đến năm 2025, NSLĐ cần phải tăng khoảng 7,8%/năm; đòi hỏi các hoạt động thúc đẩy nâng cao NSLĐ Việt Nam cần được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Trong xu thế hiện nay, lợi thế về nguồn lao động dồi dào, nhân công giá rẻ dần mất ưu thế, thay vào đó nguồn lực mới cho tăng trưởng là năng suất và chất lượng lao động, năng lực sáng tạo và tiềm lực khoa học công nghệ. Do vậy, các chuyên gia đề xuất cải cách thể chế, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, tri thức và sáng tạo; cải cách chính sách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường, phù hợp giữa tăng tiền lương và tăng NSLĐ. Đồng thời, giảm nhanh số lao động giản đơn, gia tăng số lao động có trình độ, tay nghề phù hợp bằng cách đổi mới phương thức, chương trình đào tạo, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, dạy nghề theo hướng hiện đại...

Nâng cao NSLĐ khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quyết định tới việc nâng cao NSLĐ của toàn bộ nền kinh tế. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế và sở trường, năng lực tài chính của doanh nghiệp. Trong đó, lựa chọn quy mô phù hợp, đổi mới máy móc thiết bị và quy trình công nghệ, phát triển những sản phẩm mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đối với người lao động cần nâng cao ý thức, kỷ luật, làm việc nghiêm túc, chịu khó học hỏi, rèn luyện tay nghề, nâng cao trình độ học vấn, phương pháp làm việc mới. Đây là yêu cầu tất yếu, nếu không đáp ứng được thì người lao động có thể bị đào thải...

Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, để bảo đảm cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam, Chính phủ khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về nâng cao NSLĐ Việt Nam. Các bộ, ngành, địa phương cần thấm nhuần nhận thức nâng cao NSLĐ là giải pháp quan trọng hàng đầu đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO