Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 12:39 GMT+7

Thực thi hiệu quả Luật Biên phòng Việt Nam trên địa bàn biên giới tỉnh Đắk Lắk

Biên phòng - Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10, ngày 11/11/2020 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Luật BPVN đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị hướng về biên giới. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy BĐBP Đắk Lắk về vấn đề này.

Đại tá Đỗ Quang Thấm. Ảnh: Văn Chương

- Thưa đồng chí, tại khoản 2, Điều 33 của Luật BPVN đề cập tới trách nhiệm của HĐND, UBND các cấp trong việc hỗ trợ BĐBP về cơ sở vật chất để góp phần hoàn thành nhiệm vụ. Bước đầu, vấn đề này đã được thực hiện như thế nào?

- Bản thân tôi đang tham gia HĐND tỉnh Đắk Lắk nên thường xuyên có những ý kiến đóng góp về nhiều vấn đề, góp phần đưa Luật BPVN đi vào cuộc sống. Tại khoản 2, Điều 33, Luật BPVN đề cập trách nhiệm của HĐND, UBND các cấp trong việc “Lập dự toán ngân sách trình HĐND cùng cấp bảo đảm thực thi nhiệm vụ biên phòng và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách ở địa phương”, vấn đề này đã được địa phương quan tâm.

Trên cơ sở Luật BPVN, địa phương đã chăm lo, đầu tư cho BĐBP, như Đồn Biên phòng Yok Đôn được đầu tư vườn tăng gia rộng 300m2, có đầy đủ hàng rào, hệ thống mái che, tưới tiêu, cải tạo đất. Đơn vị này nằm giữa rừng, nếu đi chợ mua rau thì phải vượt quãng đường 60km, vì vậy, một vườn rau xanh ngát ở đồn Biên phòng nằm giữa rừng khộp đã được cán bộ, chiến sĩ đón nhận trong tinh thần rất phấn khởi.

- Chủ trương xây dựng nền biên phòng toàn dân đã được luật hóa vào Luật BPVN. Việc huy động sức mạnh toàn dân hướng về biên giới đã được tỉnh Đắk Lắk triển khai như thế nào?

- Từ khi Luật BPVN có hiệu lực từ năm 2022 đến nay, hàng loạt đồn Biên phòng nằm trên tuyến biên giới tỉnh Đắk Lắk đã nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách của UBND tỉnh, huyện. Điều 9 của Luật BPVN đề cập về việc xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân. Kết quả là các đơn vị cơ sở của BĐBP Đắk Lắk đã nhận được sự hỗ trợ và gắn bó sâu sắc hơn từ các đơn vị kết nghĩa, các chương trình hướng về biên giới. Gần đây, các đơn vị kết nghĩa đã đến với các đồn Biên phòng, kêu gọi cộng đồng chung tay chia sẻ với người lính Biên phòng và đồng bào các dân tộc nơi biên giới.

Từ các nguồn lực đã được huy động, UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã hỗ trợ cho một đơn vị cơ sở xây dựng nhà khách kết hợp với thư viện đọc sách, đọc báo trị giá hơn 3 tỷ đồng; có đơn vị được hỗ trợ xây dựng cơ bản gần 1 tỷ đồng, UBND huyện Buôn Đôn hỗ trợ 60 triệu đồng...

- Tại một số địa phương, Điều 10 của Luật BPVN đã được triển khai và thực hiện khá thành công. Còn tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

- Điều 10. Phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng trong Luật BPVN quy định cụ thể về phạm vi, nguyên tắc, nội dung phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng. Tỉnh Đắk Lắk có chiều dài biên giới trên 71km, giáp ranh với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia, vì vậy, trong các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của các huyện biên giới đều có những vấn đề rất quan trọng liên quan tới chính sách đối ngoại, kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh; kết hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đối ngoại ở khu vực biên giới.

Vì vậy, trong nhiều cuộc họp của huyện biên giới, đồng chí Chỉ huy trưởng BĐBP Đắk Lắk được Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk phân công đồng chủ trì để có ý kiến tham mưu cho địa phương về công tác chỉ đạo, đưa ra những quyết sách xây dựng địa bàn biên giới phát triển vững mạnh về mọi mặt. Vừa qua, Huyện ủy Ea Súp đã tổ chức cuộc họp bàn về công tác phối hợp giữa các lực lượng để tăng cường quản lý, bảo vệ biên giới; thực hiện các giải pháp nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn biên giới...

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H'leo tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Văn Chương

- BĐBP Đắk Lắk đã phát huy vai trò tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn như thế nào, thưa đồng chí?

- Điều 14 của Luật BPVN quy định về nhiệm vụ của BĐBP, tại điểm 11 đề cập vai trò tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở của BĐBP. Hiện nay, Đại tá Đào Viết Hùng, Chỉ huy trưởng BĐBP Đắk Lắk tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Thiếu tá Vũ Văn Dương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ea H'leo; Thiếu tá Trần Văn Hưng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bo Heng và Trung tá Nguyễn Văn An, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Rvê tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ các huyện trên địa bàn các đơn vị đóng quân.

Ở từng cương vị khác nhau, trong thời gian qua, bản thân tôi và các đồng chí tham gia vào hệ thống chính quyền các cấp của tỉnh Đắk Lắk thường xuyên tham mưu cho các cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể chú trọng thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới. Xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Lê Văn Chương (thực hiện)

Bình luận

ZALO