Biên phòng - Thời gian qua, xảy ra nhiều vụ việc ngư dân khi đang hành nghề trên biển thì bị rơi xuống biển mất tích hoặc bị tai nạn thương tâm. Mới đây, ngày 19-3-2021, một ngư dân ở Quảng Nam cũng rơi xuống biển mất tích trong quá trình hành nghề trên biển. Sự việc trên tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng mất an toàn khi lao động trên biển đối với ngư dân.
Đầu tháng 4-2021, không khí đánh bắt trên biển vẫn diễn ra nhộn nhịp. Từ khu vực gần bờ vùng biển Quảng Ngãi ra đến cửa biển Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam, hàng chục ngàn tàu cá thả trôi trên biển, bật đèn sáng để thu hút cá. Giữa âm thanh nhộn nhịp đó thì trên sóng Icom vẫn phát ra thông tin tìm kiếm người mất tích trên biển: “Theo thông tin từ các đài duyên hải, có ngư dân rơi xuống biển mất tích...”. Tôi có mặt trên một con tàu đánh bắt cá cơm và được các ngư dân chỉ ra từng chi tiết khiến trên sóng Icom cộng đồng luôn phải phát đi chuyện buồn này.
Nguyên nhân trước tiên là thiết kế tàu cá. Hiện nay, các mẫu thiết kế tàu cá của Cục Đăng kiểm tàu cá Việt Nam quy định rõ kích thước ngang, dọc, một số kết cấu. Tuy nhiên, có những chi tiết thân vỏ tàu được ngư dân đóng theo kiểu tự phát, mỗi tàu một cách khác nhau. Đó là 2 bên be tàu để ngư dân di chuyển từ boong trước ra phía sau tàu. Có chủ tàu vì muốn nới rộng ca bin để 10 ngư dân có chỗ sinh hoạt, vì vậy, lối đi 2 bên tàu chỉ đặt vừa bàn chân, trong lúc chiếc tàu chòng chành lướt sóng.
Ngư dân tên Hải, quê ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cảnh báo: “Nếu nhà báo đi dọc thân tàu thì phải bám thiệt kỹ, bàn tay bám dọc lườn tàu không để bị trẹo, vì tàu lắc mạnh và tay nắm không vững thì rơi xuống biển, không ai cứu nổi, vì máy tàu rất ồn ào”. Những chiếc tàu mà tôi từng đi thì phần lớn được đóng theo kiểu nới rộng ca bin, 2 lối đi rất hẹp, trơn trượt, bị vướng bởi đồ đạc, ống khói nóng bỏng. Theo các ngư dân, nhiều người đi bạn, sau khi kéo lưới thì đi ra phía sau nấu mì tôm ăn và có khi rơi xuống biển ngay trên lối đi.
Khi hành nghề trên biển, các tàu cá thường di chuyển với tốc độ khoảng 7 hải lý/giờ. Vào thời điểm ngư dân hò dô kéo lưới, tôi thử ra phía sau tàu và ước tính, tiếng máy, âm thanh kéo lưới ầm ầm, nếu một ngư dân nào đó rơi xuống biển thì tiếng kêu của họ nhanh chóng mất hút. Ngư dân Trần Văn Thành, ở huyện đảo Lý Sơn cho biết: “Tàu đang chạy mà ngư dân bị rơi xuống biển, chỉ cần 1 phút không ai phát hiện ra thì coi như mất mạng rồi...”.
Nhưng thực tế, cũng có những trường hợp ngư dân rơi xuống biển, mọi người nhìn thấy mà đành bất lực. Đó là vụ tai nạn của thuyền trưởng Dương Văn Giàu xảy ra đúng vào ngày 1-1-2019, anh Giàu cầm lái tàu QNg 96055 TS chạy về đất liền, trong lúc biển động. Chiếc tàu bị sóng hất nghiêng khiến thuyền trưởng rơi xuống biển. Các ngư dân trên tàu nghe tiếng kêu cứu, nhưng con tàu bất động vì chân vịt đang bị quấn chặt vào đống dây neo. Khi chiếc tàu bị sóng hất đổ nghiêng thì dây neo trút xuống biển, sau đó bị hút vào chân vịt. Thuyền trưởng Giàu bơi rất giỏi, nhưng cũng không thể chống chọi được với sóng dữ. Các ngư dân trên tàu đành nuốt nước mắt chứng kiến cảnh người rơi xuống nước mà không cứu được.
Chiều ngày 21-3-2021, chiếc tàu làm nghề câu mực QNa 91417 TS cập cửa biển Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam. Các ngư dân trên tàu buồn rầu vì tàu trở về nhưng thiếu mất một người bạn. Bà Nguyễn Thị Nga, vợ của chủ tàu Nguyễn Thanh Tùng đến Trạm kiểm soát Biên phòng An Hòa báo cáo về việc anh em ngư dân đã cố gắng chạy tàu đi tìm kiếm một ngư dân rơi xuống biển mất tích từ ngày 19-3, đồng thời, thông báo cho nhiều tàu cá khác tìm giúp nhưng thông tin về ngư dân mất tích vẫn vô vọng, nên 48 ngư dân trên tàu đành phải trở về.
Tàu câu mực hiện nay thường chở theo khoảng 50 ngư dân ra quần đảo Trường Sa đánh bắt. Những năm trước đây, ngư dân đi làm nghề câu mực thường đối mặt với nạn gió lốc, thúng trôi lạc tàu mẹ. Cứ mỗi buổi sáng, tàu mẹ lại đi vớt thúng trở về. Nhưng có đêm gặp gió lốc, toàn bộ đoàn thúng con trôi đi nhiều hướng và tàu mẹ phải chạy cả ngày mới vớt hết thúng về. Có trường hợp vớt được thúng nhưng không thấy người. Còn hiện nay, dưới mỗi thúng đều gắn 1 máy Icom loại nhỏ, nên việc lạc tàu mẹ không còn quá đáng lo.
Các vụ việc ngư dân rơi xuống biển mất tích thường xảy ra tại các tàu cá làm nghề giã cào cao tốc và nghề lưới vây. Đầu tháng 2-2021, tàu cá BĐ 95855 TS của ngư dân Lê Thanh Lâm, ở phường Hoài Hương, thị xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đi đánh bắt cá tại vùng biển Phan Thiết, tỉnh Bình Định, ngư dân Lê Thành Hải đã rơi xuống biển mất tích. Việc mất tích của ngư dân này khá kỳ lạ là xảy ra ngay giữa ban ngày. Các ngư dân đi bạn khai báo là ngư dân này lên nóc tàu phơi mực vào lúc 8 giờ sáng thì rơi xuống biển mất tích. Trong khi phần lớn các vụ việc ngư dân rơi xuống biển mất tích thường xảy ra vào ban đêm.
Trước đó, vào khoảng 12 giờ 30 phút, ngày 24-12-2020, tàu cá của ngư dân Nghệ An mang biển kiểm soát NA 90099TS, do ông Lê Văn Kỳ, trú tại phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò làm thuyền trưởng, điều khiển tàu ra đánh bắt cách bờ 42 hải lý. Ngư dân Nguyễn Duy Phương là bạn chài trên tàu đã rơi xuống biển và không ai phát hiện ra. Ông Kỳ đã hốt hoảng thông báo trên Icom để nhiều tàu hợp lại tìm kiếm, nhưng không tìm được nạn nhân.
Xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định là địa phương thường xuyên xảy ra các vụ việc ngư dân rơi xuống biển mất tích. Khi chúng tôi đến địa phương này tìm hiểu nguyên nhân thì được người nhà các nạn nhân cho biết, đây là địa phương chuyên làm nông, hết mùa gặt hái thì thanh niên đi xuống thôn dưới để làm nghề biển, do không quen sóng gió, đi biển không thường xuyên nên có khá nhiều trường hợp rơi xuống biển mất tích. Ông Phạm Châu, một người dân ở địa phương này cho hay: “Người dân trong xã cứ làm ruộng rồi lại đi biển nên không thành thạo nghề bằng dân đi biển chuyên nghiệp, rất dễ xảy ra tai nạn”.
Lê Văn Chương