Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 11:25 GMT+7

Thương hiệu góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào Bru - Vân Kiều

Biên phòng - Xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là xã biên giới miền núi đặc biệt khó khăn, địa bàn rộng, diện tích tự nhiên hơn 11.000ha, dân số 950 hộ/4.300 nhân khẩu, gồm người Kinh và Vân Kiều sinh sống xen kẽ nhau, trải dài trên 15 thôn, bản. Đây còn được biết đến là "vùng đất vàng" hiếm hoi ở biên viễn nằm ở độ cao khoảng 400m so với mực nước biển nên không khí mát mẻ. Từ thời Pháp thuộc, nơi đây từng là thủ phủ cà phê. Vợ chồng chị Lương Thị Ngọc Trâm đang quyết tâm gây dựng lại thương hiệu và bà con Bru - Vân Kiều thường đến học hỏi kinh nghiệm canh tác kiểu mới.

Cán bộ BĐBP và bà con nông dân chia sẻ về canh tác cây cà phê hữu cơ để vươn ra thế giới. Ảnh: Văn Chương

Bỏ phố về quê

Tây Nguyên có diện tích cà phê là 603.000ha gắn với những thương hiệu nổi tiếng như: Trung Nguyên, Classic, L’amant, Highland; bao gồm các loại Robusta (cà phê vối), Arabic (cà phê chè), Cherry (cà phê mít) và Culi (cà phê Bỉ). Vì cái bóng cà phê Tây Nguyên quá lớn, vì vậy những doanh nghiệp ở vùng cà phê nơi biên viễn thuộc xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (diện tích chỉ 4.500ha) cứ như những ngôi sao băng xuất hiện rồi lại lu mờ, biến mất. Giới doanh nghiệp ở nơi này cho rằng, chỉ khi nào có ai thực sự “hơi điên”, sống chết với cà phê thì mới có thể gây dựng được tên tuổi.

Trong những năm qua, báo chí đã tốn biết bao nhiêu giấy bút để nói về việc làm gì để thủ phủ cà phê trở thành điểm sáng trên vùng biên viễn. Nhưng rồi mới đây, cà phê Hướng Phùng mới chính thức nổi danh trở lại nhờ vợ chồng doanh nhân trẻ Lương Thị Ngọc Trâm và Phan Hồng Phong.

Tháng 9/2019, chị Lương Thị Ngọc Trâm cùng chống quyết định rời thành phố Hồ Chí Minh để trở về quê hương. Giấc mơ khởi nghiệp phải được viết tiếp, vì người cha chồng từng là một doanh nghiệp lớn về cà phê ở rừng núi Hướng Phùng. Nhưng rồi ông vẫn như những doanh nghiệp trước đó, lóe lên như ngôi sao băng rồi lại tắt lịm.

Bỏ phố về quê khởi nghiệp với anh chồng làm chuyên ngành đồ họa, thiết kế, cú "knock out" đầu tiên nếm trải là đại dịch Covid-19. Cặp vợ chồng trẻ phải “vẽ” lại nhiều thứ, trong đó phải thuyết phục cho được bà con dân tộc Bru - Vân Kiều thay đổi tập quán trồng, hái tự nhiên sang phương pháp mới.

Sản phẩm cà phê ngon bắt nguồn từ thổ nhưỡng, phương pháp canh tác, hái lượm, chế biến: không để hạt cà phê dưới đất, bảo quản trong bóng râm, loại bỏ quả xanh, hư, mốc, chọn quả ngọt không có vị chát, cắt bỏ toàn bộ hóa chất trong canh tác cà phê… Nhưng để được như vậy, vợ chồng chị phải đi gõ cửa để thuyết phục bà con nông dân cùng đồng hành.

Tôi tìm đến công ty này vì cơ duyên tủ sách. Lũ trẻ ở xã Hướng Phùng ngồi cạnh tủ sách cộng đồng trong ngôi nhà (nằm sát tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây) chỉ tay lên đồi Pun và nói rằng “sách cô Ngọc Trâm cho”. Trèo lên dốc đồi Pun giữa cánh lạnh buốt của gió núi, cơ nghiệp của vợ chồng bỏ phố về quê là ngôi nhà khá nhỏ treo trên dốc trồng nhiều hoa hồng.

Là người có chuyên môn kinh tế (làm việc tại Tập đoàn TTC), thuộc thế hệ 8x, chị Ngọc Trâm mang theo kinh nghiệm thương trường Sài Gòn về đồi Pun. Trở thành một lão nông, nhưng không phải lão nông chỉ biết cắm mặt xuống đồng ruộng, cuối mùa xuất bán, mà phải là lão nông 4.0, “cày” trên internet để đưa từ khóa cà phê Quảng Trị đi xa hơn.

Gắn trách nhiệm cộng đồng

Từ năm 1926, những người Pháp đã đặt chân lên Hướng Phùng để phát triển cây cà phê. Trong những năm qua, cây cà phê được UBND tỉnh Quảng Trị đưa vào danh mục là cây chủ lực, ban hành chính sách hỗ trợ, mỗi ha cà phê trồng mới, tái canh được hỗ trợ 5,5 triệu đồng. Trong giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến 2030, tỉnh Quảng Trị tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ để thủ phủ cà phê phát triển.

Chị Trâm đã gây dựng lại được thương hiệu cà phê vùng cao Quảng Trị. Ảnh: Văn Chương

Từ thập niên 90 đến nay, nhiều doanh nhân đã khởi nghiệp cà phê Khe Sanh, còn vợ chồng chị Ngọc Trâm thì mới bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2019. Hướng đi của Pun Coffee có thể gây khó chịu với các doanh nghiệp đi trước vì thường đề cập tới trách nhiệm cộng đồng, kêu gọi trồng cây xanh, chia sẻ lợi nhuận để phục vụ cộng đồng người đồng bào Vân Kiều trồng cà phê.

Lướt tra cứu thông tin trên facebook của cơ sở trồng cà phê này, tôi tìm được dòng status của Pun Coffee nói về việc rang xay cà phê sẽ sinh ra quá nhiều CO2 trong khí quyển gây hiệu ứng nhà kính, nóng lên toàn cầu, nên doanh nghiệp phải có trách nhiệm với xã hội, cải tạo môi trường.

Để bà con “chịu nghe” 2 người vốn không xuất thân từ ngành nông nghiệp, chị Ngọc Trâm đã kết nối và mời các chuyên gia về gặp, khuyến khích bà con trồng cà phê sạch, sử dụng 80% phân bón được làm từ vỏ cà phê để chăm sóc vườn; bảng giá thu mua G + 5 (giá thị trường cộng thêm 5.000 đồng/kg).

Thương hiệu phải gắn với vùng nguyên liệu sản xuất thực sự ổn định, Pun Coffee đang “leo” 1 con dốc khá cao, đó là liên kết với nông dân triển khai thêm hàng trăm ha cà phê sạch. Để có sản phẩm cà phê đặc sản đạt chuẩn, chị Trâm cho biết: “Quy trình chế biến cà phê đặc sản rất kỳ công, hạt cà phê sau khi đưa về xưởng phải rửa để vớt hạt nổi trên mặt nước, loại bỏ những trái nẫu chín quá, đem khô, rồi ủ mát trước khi đưa phơi trên sàn lưới, phải căn nhiệt độ ngoài trời phù hợp…"

Tại cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam 2021” do Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức, có 41 đơn vị đăng ký tham dự với 74 mẫu dự thi, trong đó có 45 mẫu cà phê Robusta và 29 mẫu cà phê Arabica. Kết quả, đoàn Quảng Trị giành thắng lợi lớn với 2 sản phẩm của Công ty TNHH Pun coffee. Sản phẩm của Nhóm cà phê đặc sản Quảng Trị đoạt giải Nhì với 84 điểm. Sau sự kiện trên, đồng bào Bru - Vân Kiều ở đây bắt đầu lắng nghe vợ chồng chị Trâm để nay mai đổi đời. Từ đó góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi biên giới.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO