Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 01:10 GMT+7

Thường trực mối nguy an ninh Nam Á

Biên phòng - Vụ đánh bom gần đây tại Pakistan đã gióng lên hồi chuông báo động về tình hình an ninh ngày càng diễn biến tiêu cực không chỉ tại Pakistan, mà còn lan ra khắp khu vực Nam Á.

Hiện trường vụ đánh bom nhắm vào một sự kiện chính trị của đảng JUI-F tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Pakistan vào cuối tháng trước. Ảnh: Rruters

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vừa qua đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ đánh bom liều chết ở Pakistan khiến 54 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương vào cuối tháng 7/2023. Vụ đánh bom nhằm vào một sự kiện chính trị của đảng Jamiat Ulema-e-Islam Fazl (JUI-F) tại tỉnh biên giới Khyber Pakhtunkhwa đánh dấu những diễn biến tiêu cực mới trong sự bất ổn chính trị, an ninh Pakistan.

Theo đánh giá của giới quan sát khu vực, IS đang trỗi dậy tại khu vực Nam Á với hành động ngày càng tàn bạo mà Pakistan được xem là mục tiêu thuận lợi. Các phân tích an ninh khu vực chỉ ra rằng, kể từ khi phong trào Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan từ tháng 8/2021, an ninh tại quốc gia láng giềng Pakistan đã xuống cấp nghiêm trọng khi gia tăng những vụ tấn công, cũng như sự trỗi dậy của các tổ chức khủng bố trong nước.

Giới chuyên gia cho rằng, chính quyền Pakistan từng được cho là “chống lưng”, tạo thuận lợi cho những thành viên có quan điểm cứng rắn của Taliban chiếm ưu thế trong nội các của chính phủ của phong trào này. Tuy nhiên, sau khi Taliban thay thế chính quyền thân phương Tây kiểm soát Afghanistan, chính quyền Pakistan thậm chí không thể kiểm soát được những quyết sách và hành động bất hợp tác của Taliban.

Lý giải từ giới chuyên gia cho hay, Taliban định hình phương cách không chịu sự ảnh hưởng từ các thế lực bên ngoài trong việc lãnh đạo đất nước. Điều này gây bất lợi rất lớn cho Pakistan trong việc kiểm soát lực lượng Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) - nhóm vũ trang được xem là phiên bản Taliban tại Pakistan vốn là mối đe dọa an ninh lớn nhất với nước này.

Minh chứng cho tình trạng an ninh Pakistan ngày càng xuống cấp, truyền thông khu vực dẫn nguồn thống kê cho biết, từ tháng 8/2021 đến nay ghi nhận số vụ tấn công khủng bố tăng vọt. Điển hình trong năm 2022 có tới 506 vụ khủng bố, gây thương vong lớn đối với thường dân và lực lượng an ninh. Tình trạng bạo lực nghiêm trọng nhất là ở các tỉnh biên giới Pakistan giáp Afghanistan, nổi bật như tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, số vụ khủng bố tăng hơn 30% trong năm 2022.

Theo giới chuyên gia, thực tế trong chiều dài lịch sử, chính quyền Pakistan luôn phải chật vật với vấn nạn khủng bố, bởi đặc thù mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo... Tuy nhiên, làn sóng khủng bố mới với các hạt nhân là TTP và IS đang khiến an ninh nước này bước vào mối nguy hơn bao giờ hết.

Vụ khủng bố tàn khốc vừa qua nhắm vào một sự kiện chính trị chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử bầu quốc hội, chính phủ khóa mới càng cho thấy tham vọng gây áp lực của các tổ chức khủng bố đối với nền chính trị Pakistan. Giới chuyên gia cũng nhận định, chính những diễn biến phức tạp trong chính trường Pakistan là một yếu tố khiến đất nước này dễ bị tổn thương trước các nguy cơ khủng bố.

Trong bối cảnh đất nước Pakistan bộn bề các cuộc khủng hoảng đan xen, chắc chắn, chính quyền của Pakistan sẽ không thể toàn tâm, toàn sức cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, thay vào đó là phải chia sẻ một phần không nhỏ nguồn lực cho việc tái thiết lập trật tự trị an.

Ở góc độ rộng hơn, giới chuyên gia bày tỏ quan ngại về sự trỗi dậy của các làn sóng khủng bố sẽ lan rộng khắp khu vực Nam Á. Sự bất an ngày càng gia tăng tại Pakistan kể từ khi Taliban nắm quyền là một minh chứng rõ nét cho những nguy cơ được dự báo đối với an ninh khu vực.

Đối với Taliban, phong trào này thực chất cũng thường trực mối lo các nhóm khủng bố khác tranh giành lãnh thổ với mình. Thực tế thời gian qua, các nhóm thánh chiến đã gia tăng hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan, đối đầu trực tiếp với Taliban.

Nhận định từ giới chuyên gia cho hay, cần thiết phải dập tắt xu hướng bành trướng của TTP ở Pakistan nhằm ngăn chặn sự lan tỏa chủ nghĩa cực đoan cho các nhóm phiến quân chống chính quyền. Dài hơi hơn, cần thiết phải có những động thái từ cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo Afghanistan với một chính quyền non trẻ của Taliban không trở thành vùng lãnh thổ thuận lợi cho sự dung dưỡng khủng bố.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO