Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 30/06/2024 12:54 GMT+7

Thượng tướng Võ Trọng Việt - Sáng mãi phẩm chất người anh hùng

Biên phòng - Cửa sông làng Trung Hòa, xã Đức Hòa, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh nơi hai con sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố chắt chiu dành dụm nước đổ ra sông La, thiêm thiếp xanh bên chùa Am, chùa thờ vị tướng có công khai khẩn lập ấp Đồng Công từ thế kỷ XII, nền móng của huyện Đức Thọ bây giờ. Bình minh nơi cửa sông đầu xuân vàng ửng và tĩnh lặng. Nước lóc bóc trên mặt sông Ngàn Sâu, những đám cỏ năn, cỏ lác xôn xao trong ánh bình minh, xa xa, gà nhà ai đang gáy trong tiếng chân trâu thậm thịch ngõ làng. Một bình minh thơ thới và thanh sạch. Một sự đầm ấm phảng phất phong vị nho gia.

Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội Khóa XII, XIII, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (2015), Chính ủy Bộ đội Biên phòng (2006-2012), Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (2012). Ảnh: Tư liệu

Hà Tĩnh, một trong những cái nôi của Nho giáo Việt Nam với Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Biểu, Đặng Dung, Đặng Tất, Phan Huy Ích, Phan Huy Chú... Sau này, vùng đất Đức Thọ anh hùng cũng là nơi sinh của Tổng Bí thư Trần Phú và những tiền bối cách mạng khác. Nhưng, cũng phải nói thật lòng mình, Hà Tĩnh cũng còn là đất nghèo và bà con ở đây sau bao nhiêu năm phấn đấu, lao động cật lực, hoặc bôn ba mưu sinh nơi phương trời nào trong, ngoài nước vẫn đang hằng mong một Hà Tĩnh thay da đổi thịt nhanh hơn, cùng cả nước tiến bước vững chắc trong hành trình vượt lên chính mình.

Đất nghèo nuôi chí khí anh hùng, phẩm cách của người Hà Tĩnh cũng khác thường lắm, âm thầm và quyết liệt, kiên trì và linh hoạt trong một vận động chung đã nảy sinh nhiều tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực. Trung trinh với Đảng, với Bác Hồ và với Nhân dân là tấm lòng không bao giờ suy suyển của người Hà Tĩnh. Người Hà Tĩnh hôm qua và hôm nay luôn luôn sát cánh cùng nhân dân cả nước gánh vác sự nghiệp chung.

Với chàng thanh niên Võ Trọng Việt, những năm đầu thập kỷ bảy mươi của thế kỷ trước, khi mới mười ba mười bốn tuổi, cái tuổi ăn tuổi chơi, tuổi học và nghịch ngợm cũng là thời kỳ thiếu đói cơ cực của gia đình còn hằn sâu trong tâm trí. Hẳn những cánh đồng, ruộng bãi nơi cửa sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố còn nhớ dấu chân nhỏ gầy, sạm nắng và nứt nẻ của cậu bé Việt, người anh cả của một gia đình nghèo có bảy anh chị em. Cha ốm đau liên miên, bao nhiêu khốn khó mưu sinh dồn lên đôi vai người phụ nữ, người mẹ trẻ. Khi ấy, cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ cũng đang ở cao trào. Khu Bốn đất lửa anh hùng, vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến lớn. Vừa lo cho chồng cho con, vừa lo việc làng việc nước, chạy đói nghèo, chạy đạn bom. Người phụ nữ bình thường đã nhiều thua thiệt, trong chiến tranh, đức hy sinh của họ thật vô bờ. Nhắc về tuổi thơ bên dòng sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố của mình, anh Võ Trọng Việt, bây giờ đã là một vị tướng, đã trở thành người anh hùng, đang đảm đương một cương vị quan trọng, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng bỗng trầm mặc. Anh chợt im lặng. Tôi cũng chìm vào im lặng. Tuổi thơ của anh cũng thiếu đói, cơ cực và lam lũ lắm. Cơm không được ăn no, áo không được mặc lành là chuyện thường ngày. Gia đình anh là gia đình nông dân nghèo.

Có lẽ từ những cơ cực, lam lũ và thiệt thòi của tuổi thơ mà ông đã sớm nhận ra con đường đi của mình là học tập và rèn luyện. Học tập và rèn luyện, cụm từ đơn giản và khô khan, trùng lặp ấy ai mà không biết, làm gì có ai không hiểu và lúc nào chả vang lên ra rả ở đâu đây. Với ông thì khác. Ngay từ nhỏ, cậu bé Việt đã chú tâm vào học, học thực sự trong cái đói và cái rét, trong vóc người khắc khổ, gầy guộc của mẹ. Biết các em đói rét, cậu bé Việt đã nhịn ăn cơm, san sẻ áo mặc, mót khoai, mót lúa, bắt cua, bắt cá phụ giúp gia đình. Sự khó khăn ấy còn in hằn vào anh đến tận bây giờ trên vầng trán sớm đong đầy nếp nhăn kia, nhưng cũng cho anh sự quyết tâm đến bây giờ và cả phía trước nữa. Phía trước bao giờ chả có nhiều gian nan, thử thách, nhưng phía trước cũng luôn luôn là chân trời mới, sáng và rộng mở.

Tháng 3/1975, đang học phổ thông trung học, theo lệnh tổng động viên, Võ Trọng Việt đi bộ đội vào Tiểu đoàn 22 của Khu Bốn anh hùng. Anh vào khóa huấn luyện tân binh gấp, hội nhập cùng đoàn quân lớn trong Đại thắng Mùa Xuân 1975.

Sau ngày giải phóng miền Nam, anh được chuyển sang lực lượng Công an nhân dân vũ trang Hà Tĩnh; đi học trinh sát và trở về Đồn Biên phòng 94, Diễn Châu, Nghệ An, đồng thời làm Bí thư Chi đoàn của đồn. Chiến sĩ biên phòng vùng biên giới dù ở nơi nào nhiệm vụ cũng giống nhau: Ăn cùng dân, ở cùng dân và giúp đỡ nhân dân mọi mặt. Bí thư Chi đoàn Võ Trọng Việt ngày đi dạy văn hóa, cuốc đất, bắc nước, đan lưới, vá thuyền; đêm đêm lại chong đèn tự học. Công việc chính của anh thời điểm này là tham gia chuyên án và phá án trên bờ, trên biển. Có những chuyên án rất đau lòng. Do túng thiếu và nhận thức kém, một số người đi buôn lậu, tiếp tay cho kẻ xấu để mưu sinh. Càng đi sâu vào nghiên cứu, giải quyết chuyên án, càng làm cho người thanh niên Bộ đội Biên phòng Võ Trọng Việt thận trọng, chín chắn nhiều hơn. Cũng không ít những trăn trở. Đang quen, đang gắn bó với vùng đất Diễn Thịnh, Diễn Kim, bà con theo đạo Thiên chúa ở đây đã mến, đã thương anh thì anh được điều đi học. Cấp trên đã sớm nhận ra một tố chất bẩm sinh về năng khiếu công tác trinh sát để đưa Võ Trọng Việt đi đào tạo cán bộ.

Năm 1980, tốt nghiệp Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang, Thiếu úy Võ Trọng Việt về Phòng Trinh sát, Cục Biên phòng Quân khu 5 nhận nhiệm vụ mới: Chủ yếu là nghiên cứu chống FULRO ở Đắk Lắk cùng với đồng chí Trần Đình Dũng và đồng chí Phan Xuân Lai. Đây cũng là thời kỳ khó khăn, phức tạp, gay go nhất với người sĩ quan trinh sát Võ Trọng Việt và hai đồng đội.

Những năm đầu thập kỷ tám mươi, tổ chức FULRO tại đây hoạt động ráo riết. Ngày nào cũng có tiếng súng, cướp phá dân lành, bắn giết cán bộ; với những âm mưu, thủ đoạn rất quỷ quyệt. Phải rất tỉnh táo, cảnh giác, chỉ sơ sểnh là bắn nhầm, bắt nhầm đồng bào. Nhiệm vụ của đội công tác là nghiên cứu âm mưu, thủ đoạn, hoạt động của chúng và phải trực diện chiến đấu liên miên. Đã có những lần ông bị FULRO phục kích bắn hụt. Nhưng ông vẫn kiên trì cùng đồng đội, bám trụ, lăn lộn trong các vùng đồng bào xa xôi, hẻo lánh để nắm, phân tích, đánh giá tình hình FULRO, tình hình cơ sở chính trị ở địa phương... để tham mưu đề xuất với cấp trên, với địa phương những chủ trương, biện pháp thiết thực giải quyết tình hình. Trong cuộc chiến đấu phức tạp và quyết liệt này đã là một trong những điều kiện tôi rèn cho ông và các đồng đội của ông một bản lĩnh chiến đấu vững vàng, tích lũy kinh nghiệm và bồi dưỡng kiến thức thực tế, trong đó có công tác giáo dục những người lầm lỡ bị kẻ địch lợi dụng và làm công tác vận động, thuyết phục những tên cầm đầu trở về cuộc sống yên lành... Điển hình việc giáo dục thuyết phục. Ông và đồng đội đã gọi hàng thành công tên trùm FULRO - Trung tá Y Tãi tại Đắk Lắk.

Vụ tai nạn giao thông chân đèo An Khê năm 1985 giáng một đòn khủng khiếp vào trí não ông và còn để lại trên trán ông một vết sẹo đến bây giờ. Hôm ấy, trên đường ông đi công tác ở Tây Nguyên. Xe thời bao cấp sập sệ, cũ nát ậm ạch leo đèo. Lên đến đỉnh đèo, ai nấy không còn thở được vì bị nhồi nhét, vì hơi xăng và tiếng nổ của xe gầm rú. Xe đổ đèo có vẻ khoan khoái hơn. Nửa cây, rồi một cây, mọi người đang hồi dần, thiu thiu thì ầm... ầm.. ầm..., tất cả tung lên, vật xuống. Lái xe gầm lên đau đớn: "Bà con ơi! Xe mất phanh!". Rồi một điều khủng khiếp đã xảy ra, xe lao ầm ầm xuống vực sâu hun hút. Hai mươi mốt người chỉ còn sống có năm người và đều bị thương tích, sứt mẻ, què cụt. Nghĩ tới mà rùng mình, mà thương cảm những người đã bỏ mạng nơi đèo dốc trong công cuộc mưu sinh...

Trán của Trung tướng Võ Trọng Việt, Anh hùng Lực lượng vũ vang nhân dân hằn sâu. Ngoài trời vẫn mưa, sáng nay bản tin truyền hình vẫn đưa tin hàng chục người chết vì tai nạn giao thông. Đúng là con người đã không ít lúc bất lực với chính mình và xã hội. Khoảnh khắc ấy kéo dài. Tôi hầu như cũng không ghi chép gì nhiều vì đã biết ông khá lâu, đã nghe nhiều người nói về ông hoặc giả không ghi chép thì vẫn nhớ được, bởi những chuyện ông kể khá ấn tượng, nó ẩn sâu và hàm chứa nhiều điều.

Năm 1985 có thể nói, đây là thời kỳ khó khăn và gian khổ nhất của ông. Mẹ mất, chỗ dựa tinh thần của ông bị tổn thương nghiêm trọng. Ông là người rất yêu kính mẹ. Ông kể: "Mẹ tôi khổ lắm, khổ từ lúc làm người, lớn lên lấy chồng càng khổ; chồng ốm yếu, một mình nuôi bảy người con ăn học. Tôi không ngờ mẹ tôi giàu nghị lực và sức sống đến thế. Tôi có được như hôm nay là nhờ ở mẹ". Tôi nhìn ông. Bỗng thấy những suy nghĩ về mẹ của những đứa con sao gần nhau đến thế, và chao ôi, bà mẹ nào chả khổ đau, cơ cực, gian truân suốt cả cuộc đời vì chồng, vì con. Nhưng mẹ ơi! Mẹ còn những đứa con. Đó chính là lẽ sống của mẹ, của tất cả những bà mẹ trên thế gian này. Đó cũng là tấm lòng của những đứa con của mẹ.

Mẹ mất, ông suy sụp một thời gian. Cuộc đời một lần nữa lại thử thách người con làng Trung Hòa, nơi có chợ Hà, nơi có chùa Am và sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố. Chính đất đai, sông suối, chợ Hà, chợ Giát và đồng đội nữa, đã vực ông đứng dậy. Vợ con ông và đồng đội còn chờ đợi, còn kỳ vọng vào ông. Thế mà họa vô đơn chí, chút nữa ông hy sinh tại chân đèo An Khê. Nói đến đây, ông nhìn ra ngoài sân, trời vẫn mưa rả rích, mưa xuân sao mà mau hạt vậy và gió bấc ở đâu đang thốc tháo dồn về.

Năm 1986 do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, Đại úy Võ Trọng Việt được điều về Bộ đội Biên phòng Nghệ Tĩnh đảm nhận cương vị trợ lý tổng hợp Phòng Trinh sát. Tại đây, ba năm sau ông đã phá Chuyên án Q.890 rất nổi tiếng, được Chính phủ tặng Bằng khen và được thăng quân hàm Thiếu tá trước niên hạn.

Chuyên án Q.890 là chuyên án cỡ toàn quốc lúc bấy giờ. Năm 1988, 1989, 1990, một số kẻ xấu lợi dụng cơ chế bao cấp và tình hình đất nước còn khó khăn đã tổ chức làm các loại con dấu giả, bằng giả, giấy tờ giả để giả danh cán bộ, viên chức, bộ đội, thương binh tiến hành các hành động trục lợi trắng trợn, công khai, gây nên tâm lý hoang mang, làm mất lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Nguy hiểm và táo bạo hơn, chúng còn giả mạo giấy tờ, con dấu để biến kẻ gian thành người ngay, tìm mọi cách chui luồn vào các cơ quan Nhà nước; trong Công an, Bộ đội ở nhiều nơi, có cả trong Nam, ngoài Bắc. Xác định rõ đây là một hoạt động phạm tội có tổ chức, có kẻ cầm đầu và sự tiếp tay của một số cán bộ, nhân viên biến chất, Võ Trọng Việt đã cùng đồng đội không quản khó khăn, gian khổ vào Nam, ra Bắc, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ. Sau một thời gian, ông và đồng đội đã tìm ra đầu mối quan trọng của chuyên án do tên Mạnh người ở Khâm Thiên - Hà Nội, một tên cầm đầu gian ngoan, rất thạo nghiệp vụ công an, trinh sát.

Chuyện phá án Q.890 không những khẳng định sự mưu trí, cao tay về nghiệp vụ của cán bộ Phòng Trinh sát Bộ đội Biên phòng Nghệ Tĩnh, trong đó có ông, mà còn để lại nghĩa tình sâu nặng cho cuộc đời một người phụ nữ. Chuyện là, một người phụ nữ tại Nghệ An do bị tên Mạnh dụ dỗ, lừa dối, tưởng chừng sẽ xe tóc trăm năm với Mạnh. Thế nhưng, khi Mạnh bị bắt, người phụ nữ mới vỡ òa, tỉnh ngộ. Bản chất của người phụ nữ và gia đình rất tốt nên tình cảm, tinh thần bị suy sụp nặng nề. Trong sự hoang mang, tuyệt vọng của chị, Võ Trọng Việt đã cùng với các đồng chí Phòng Trinh sát động viên chị và tìm việc làm cho chị... Sau một thời gian được sống và làm việc trong môi trường tập thể, người phụ nữ đã trưởng thành, cuộc sống của chị đã thay đổi, hạnh phúc đã đến với chị. Cả dòng họ, gia đình chị mãi mãi biết ơn anh Bộ đội Biên phòng Võ Trọng Việt.

Những năm trên cương vị Phó Chỉ huy trưởng rồi Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, ông ngày đêm lo lắng, suy nghĩ tìm ra những chủ trương, biện pháp để cùng với cấp ủy, chỉ huy tập trung đi sâu làm chuyển biến một số vấn đề cơ bản trong thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng và xây đựng đơn vị. Trước hết là phát huy sức mạnh lòng dân, của cả hệ thống chính trị các cấp ở địa phương chăm lo có hiệu quả công tác bảo vệ biên giới, xây dựng tốt tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào; đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch, phương án, triển khai các mặt công tác trên hai tuyến biên giới cụ thể, sát thực, ngăn chặn, phòng ngừa không để xảy ra điểm nóng. Coi trọng chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị xây dựng kế hoạch bảo vệ biên giới; kế hoạch phòng thủ đồn; các phương án A2, A3; các phương án chiến đấu, bảo vệ sát với tình hình thực tế; đôn đốc triển khai việc thục luyện phương án, huấn luyện kỹ, chiến thuật và các mặt công tác đảm bảo. Duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, chủ động nắm chắc tình hình, xử lý có hiệu quả mọi tình huống xảy ra, không bị động, bất ngờ.

Với công tác huấn luyện, ông đưa ra sáng kiến xây dựng trung tâm huấn luyện chiến sĩ mới thành đồn Biên phòng mẫu để tập trung huấn luyện cho chỉ huy các cấp, làm cơ sở cho công tác huấn luyện hằng năm ở các đơn vị; gắn chương trình huấn luyện theo quy định của trên vào thực tế của từng đơn vị, chính vì vậy công tác diễn tập của các đơn vị đều đạt kết quả tốt. Điển hình là diễn tập "PT-01", "HT-03" và cứu hộ, cứu nạn ở Đồn Biên phòng 164, Hải đội 2, đạt loại giỏi. Rồi ông đưa ra sáng kiến xây dựng các "Đội tàu tự quản", nắm tình hình, bảo vệ trật tự, an ninh vùng biển đạt hiệu quả cao. Đặc biệt là chống tàu thuyền nước ngoài xâm phạm đánh bắt hải sản; đấu tranh thắng lợi nhiều vụ buôn lậu, buôn bán, sử dụng chất nổ đánh bắt hải sản và vận động nhân dân không dùng chất nổ, kích điện đánh bắt hải sản, phá hoại môi sinh, môi trường.

Thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội, ông lựa chọn những vấn đề thiết yếu nhất để tham mưu đề xuất và triển khai thực hiện như: Dự án mở đường ra biên giới: Đường Chúc A qua bản Giàng (địa bàn Đồn Biên phòng 575) lên mốc N9; đường Sơn Hồng (Đồn Biên phòng 565) lên mốc M12, M5; đường Trại Trụ vào bản Phú Lâm (địa bàn Đồn Biên phòng 571). Công trình đưa vào sử dụng, được Ủy ban nhân dân Hà Tĩnh đánh giá cao, góp phần vận động nhân dân lên định canh, định cư, phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh để xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.

Trong công tác đối ngoại biên phòng, ông chú tâm việc quan hệ chặt chẽ với bạn Lào. Đặc biệt là hai tỉnh Bôlykhămxay, Khăm Muộn, làm tốt công tác đối ngoại để phục vụ yêu cầu nắm chắc tình hình từ xa, chủ động trước mọi diễn biến của tình hình. Từ năm 1992 đến nay, đã thực hiện phương án hợp thức hóa và trực tiếp xây dựng mạng lưới hoạt động trên đất Lào, Thái Lan, phát hiện và xử lý nhiều tin tức tình báo quan trọng, góp phần đấu tranh ngăn chặn nhiều âm mưu phá hoại của bọn phản động lưu vong.

Ông đã chỉ đạo sâu sắc công tác nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình; trực tiếp bồi dưỡng, giúp đỡ về nghiệp vụ để nâng cao năng lực công tác cho các đồng chí làm công tác trinh sát; phát hiện và trực tiếp đấu tranh thắng lợi nhiều chuyên án, bắt hàng chục tên, thu nhiều vũ khí, phục vụ đắc lực cho sự chủ động bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Có một câu chuyện gắn với một dân tộc ở vùng biên giới Việt - Lào, đó là cuộc sống mông muội của người Chứt. Mặc dù trước đây đã được Công an nhân dân vũ trang Hà Tĩnh vận động đưa ra khỏi hang đá, thoát cảnh ăn lông, ở lỗ mấy chục năm nay, nhưng cuộc sống của bà con vẫn cực kỳ bấp bênh: Không có nhà, thiếu văn hóa, văn minh, chỉ dựa vào săn bắn con chim, con sóc... Đói rét, ốm đau triền miên. Trước tình cảnh đặc biệt ấy, ông và Đảng ủy, Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã có một chủ trương tích cực để cứu người Chứt thoát khỏi nguy cơ khốn cùng của lạc hậu và nghèo đói.

Chỉ huy trưởng Võ Trọng Việt trực tiếp gặp, trình bày với đồng chí Đặng Duy Báu - Bí thư Tỉnh ủy về tình trạng dân tộc Chứt. Đồng chí Bí thư trao đổi với anh: "Đây là vấn đề nan giải, phức tạp, công phu. Các đồng chí Biên phòng làm được là sẽ giúp cho sự tồn tại phát triển của một dân tộc đang đứng trước sự sống còn. Nhưng khó khăn lắm đấy!". Võ Trọng Việt hăng hái, tự tin: "Chúng tôi đã bàn kỹ, sẽ quyết tâm làm bằng được". Nói rồi, ông mở cặp lấy tài liệu: "Đây là kế hoạch thực hiện quá trình chuyển dân về địa bàn cư trú. Đây là tổ công tác chuyên trách làm việc này. Đây là khu vực làm bản làng mới cho dân cư trú, có nhà, có nguồn nước, có nương. Bộ đội Biên phòng sẽ làm một ngôi nhà cho các cháu học tập và là nơi sinh hoạt cộng đồng. Trước mắt tổ công tác cử một người làm giáo viên, dạy chữ cho các cháu...".

Bí thư Tỉnh ủy mừng vui: "Thế là Bộ đội Biên phòng đã tiên phong làm một việc khó của tỉnh nhà. Thường vụ rất tin ở các đồng chí. Tới đây Thường vụ Tỉnh ủy sẽ huy động tất cả các ban, ngành vào cuộc". Giọng Bí thư Tỉnh ủy chùng xuống: "Anh Việt phải cố gắng, tỉnh ta còn nghèo lắm. Nhưng dẫu sao vẫn phải làm việc này. Tỉnh sẽ kêu gọi, huy động các nguồn kinh phí. Dứt khoát không được để người Chứt sống lay lắt". Lâu rồi, Bí thư Tỉnh ủy lại được gặp gỡ một người hết lòng cống hiến vì cuộc sống của người dân. Và xúc động ông ôm chặt Chỉ huy trưởng Võ Trọng Việt.

Thế là ngay sau đó, Bộ đội Biên phòng đã góp tiền, góp công, trí tuệ, mồ hôi để triển khai các kế hoạch. Sau khi trực tiếp khảo sát, đánh giá, nắm tình hình, Võ Trọng Việt trực tiếp đề xuất Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành trong tỉnh. Sau hơn 3 năm thực hiện, đời sống của bà con dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, thuộc xã Hương Liên, huyện Hương Khê dần dần ổn định, có những chuyển biến cơ bản về nhận thức, sống định canh, định cư; biết trồng lúa nước; các tập quán, hủ tục lạc hậu được xóa bỏ; bà con thoát khỏi cảnh đói nghèo, từng bước hòa nhập với cộng đồng...

Một bản của người Chứt được thành lập. Ngày đưa người Chứt về bản mới có vài chục người. Đến nay dân số tăng hơn 400 người. Bản làng người Chứt hôm nay đã phát triển rộng thêm nhiều. Nơi đây luôn rộn tiếng cười của trẻ thơ. Đêm về, bếp nhà nào cũng đỏ lửa. Người dân đã có cơm ăn, áo mặc. Cái ấm no hiện rõ trên nụ cười, trên gương mặt của người già, con trẻ. Đặc biệt, có người con gái Chứt đã trở thành vợ của sỹ quan Biên phòng. Ở bản này ai cũng nhắc đến Bộ đội Biên phòng Võ Trọng Việt. Ông đã là một thành viên của bản. Tên ông, tên của Bộ đội Biên phòng gắn với sự phát triển tốt đẹp của một dân tộc trên quê hương Hà Tĩnh.

Cùng với thực hiện nhiệm vụ chính trị và cũng là để thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị, ông đã rất coi trọng việc xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Từ công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống đến xây dựng nề nếp chính quy, ông đều nghiêm khắc, chỉ rõ những yếu kém, tồn tại chung và của từng đơn vị. Nhất là với cán bộ, ông thường giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể và có định tính định lượng công việc, xác định rõ thời gian hoàn thành làm thước đo năng lực cán bộ. Trong làm kinh tế, ông chỉ đạo xây dựng khu kinh tế tập trung theo mô hình kinh tế VACR; xây dựng bếp biogas, máy xay xát cung cấp lương thực cho các đồn Biên phòng và tận dụng cám để chăn nuôi. Ông đề ra 13 tiêu chí "Xây dựng đồn Biên phòng vững mạnh", phong trào "5 xây, 5 chống".

Tổng kết phong trào thi đua hằng năm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh liên tục được Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen và Cờ thi đua đơn vị xuất sắc. Đặc biệt, 5 năm liền (2000-2004), được Chính phủ tặng Cờ thi đua "Đơn vị hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua Quyết thắng của Bộ Quốc phòng, góp phần xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc". Đảng bộ Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh liên tục đạt "trong sạch vững mạnh". Từ năm 1996-2000 được Tỉnh ủy tặng Cờ "Đơn vị đạt trong sạch vững mạnh xuất sắc". Từ năm 2001-2004 được Tỉnh ủy tặng Bằng khen "Đảng bộ trong sạch vững mạnh". Năm 2004, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

Hà Tĩnh, vùng đất quê hương ông, vừa là cái nôi sinh ra ông, lại là nơi thử thách, bồi dưỡng, tạo điều kiện để ông trưởng thành. Trong thời gian ông công tác tại đây, các bản làng, trên biên giới quê nhà, nơi nào cũng in dấu chân Bộ đội Biên phòng Việt. Ông đã để lại một tình cảm cao đẹp, một hình tượng "Bộ đội Cụ Hồ" trong lòng người dân vùng biên. Từ cuộc sống du canh, du cư, người dân đã được quần tụ, gắn bó, đoàn kết giúp đỡ nhau, vượt lên cái khó, cái nghèo. Nhiều bản làng vùng biên giới biết trồng lúa nước, loại bỏ hủ tục lạc hậu, tiếp thu văn hóa mới, các cháu được cắp sách đến lớp học... Quốc phòng, an ninh ở vùng biên luôn thường xuyên được giữ vững, được củng cố, xây dựng vững mạnh... Chỉ huy trưởng Võ Trọng Việt là người tiêu biểu, có những thành tích đặc biệt xuất sắc, là người tiên phong của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh trước những nhiệm vụ gian khó ở địa phương. Ngày 21 tháng 12 năm 2005, Đại tá Võ Trọng Việt được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

Đảng và Nhà nước tuyên dương công trạng cho ông không chỉ là một dấu son, niềm vinh dự của riêng ông mà còn là niềm tự hào của tất cả các bản làng người dân vùng biên quê nhà và của những người Chiến sĩ Biên phòng đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới trên quê hương Hà Tĩnh. Họ luôn nhớ về ông, hình ảnh người cán bộ luôn tận tụy, nhiệt tình, có phẩm chất đạo đức trong sáng, giàu lòng nhân ái, giản dị, hòa đồng với đồng đội, luôn vì hạnh phúc của nhân dân.

Với những bước đường đã qua của ông gắn liền với những thành tích chung của đơn vị và nổi bật vai trò cá nhân của mình, là nhân tố khích lệ, là động lực để ông rèn luyện, học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm đáp ứng với những cương vị, trọng trách cao hơn.

Năm 2005, Chỉ huy trưởng Võ Trọng Việt được cấp trên bổ nhiệm chức vụ Phó Tư lệnh Chính trị Bộ đội Biên phòng, năm 2006 là Chính ủy Bộ đội Biên phòng. Từ năm 2012 đến năm 2015 là Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Gần 10 năm ở cương vị người lãnh đạo, chỉ huy cao nhất trong lực lượng, ông luôn giữ vững định hướng, chủ trương xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh, toàn diện, đáp ứng yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho; xứng đáng là lực lượng tiên phong, đứng ở tuyến đầu thực hiện trọng trách bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Từ Chỉ huy trưởng tỉnh được bổ nhiệm là Phó Tư lệnh Chính trị, có thể ví là từ sông ra biển lớn, lại chưa hề làm công tác đảng, công tác chính trị chuyên sâu bao giờ. Tuy nhiên ông đã thể hiện rõ nét nhân cách của một cán bộ có tầm nhìn xa trông rộng. Rồi từ Chính ủy sang làm Tư lệnh, cương vị nào ông cũng tiếp cận nhiệm vụ mới một cách nhanh nhạy, khoa học và rất thực tiễn. Ông luôn chuẩn bị cho mình một kiến thức toàn diện, tạo tiền đề để đưa ra những chủ trương đúng, sát thực, phù hợp với bối cảnh của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa; nhất là khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập, yêu cầu xây dựng Bộ đội Biên phòng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức ngày càng trở nên bức thiết; đảm bảo cho Bộ đội Biên phòng vừa có kỹ năng làm tham mưu cho Đảng, Nhà nước về công tác Biên phòng, vừa có điều kiện bám trụ biên giới cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng địa bàn biên giới phát triển và làm tốt công tác an ninh, đối ngoại biên phòng. Ông đã giành nhiều thời gian đi cơ sở, làm việc với nhiều cơ quan, ban, ngành của tỉnh và trung ương, đồng thời nghiên cứu, nắm bắt thực tiễn yêu cầu và thực trạng, tình hình tư tưởng, tổ chức và đội ngũ cán bộ. Vừa theo học lớp cán bộ nguồn, ông vừa đảm đương cương vị của mình một cách liên tục, vừa biết tiếp nối người tiền nhiệm, vừa năng động, vừa sáng tạo với lối tư duy sắc sảo, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm.

Ông là một con người có tính quyết đoán cao, rõ ràng, mạch lạc, dứt khoát, nói đi đôi với làm; ông luôn trăn trở suy nghĩ cần phải mạnh dạn có những việc làm mang tính đột phá. Ông vừa biết kế thừa, phát huy truyền thống, vừa biết sáng tạo, phát triển cái mới, giữ được "trong ấm ngoài êm", "dưới trên đồng thuận", tạo nên những dấu ấn mới trong bước đường xây dựng, trưởng thành của lực lượng Bộ đội Biên phòng.

Trước hết, ông tập trung chỉ đạo sâu Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ đối với Bộ đội Biên phòng" bằng các biện pháp thiết thực, sau đó là cuộc vận động rất sâu sắc là "Phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, sống có tình thương, đề cao trách nhiệm", nhằm làm cho các thế hệ luôn biết tôn trọng, noi gương các thế hệ trước; phát huy, tiếp nối xứng đáng truyền thống; nghiêm ngặt với điều lệnh, điều lệ, có ý thức tự giác, ghép mình vào khuôn khổ tổ chức; trách nhiệm cao với công việc; có tình thương yêu đồng chí đồng đội và thực hiện "Mười xây, mười chống", (mười có, mười không) có ý nghĩa thiết thực. Đó là: Có kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; có hành động chăm lo đối với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân địa phương; có tinh thần trách nhiệm vì dân để gắn bó với địa bàn biên giới; có cơ chế khuyến khích cán bộ phát huy tài năng; có đội ngũ cán bộ giỏi một việc, biết nhiều việc; có cán bộ chủ trì giỏi là người dân tộc, người địa phương; có nếp sống chính quy, môi trường văn hóa tốt; có phong trào thi đua sôi nổi, lành mạnh, hiệu quả; có khu tăng gia sản xuất; có đủ nước sạch và nước nóng cho bộ đội. Và không tham ô, tham nhũng, lãng phí, cơ hội, thực dụng; không chủ nghĩa cá nhân, gia trưởng độc đoán; không mất đoàn kết nội bộ, mất đoàn kết quân dân; không vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiêm trọng; không bị động, bất ngờ, mất cảnh giác; không để đối tượng phần tử xấu mua chuộc móc nối; không để mất an toàn trong công tác huấn luyện và tham gia giao thông; không uống rượu bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa và không say rượu bia; không thờ ơ vô cảm trước khó khăn, hoạn nạn của đồng đội và nhân dân; không để đơn vị và địa bàn phụ trách xảy ra vụ việc phức tạp.

Đến đầu năm 2008, chuẩn bị hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng, ông khởi xướng và thống nhất trong Đảng ủy ra Nghị quyết chuyên đề để có các chủ trương chuyên sâu. Với xác định đúng các trọng tâm công tác trên các lĩnh vực được ông luôn coi trọng. Từ đó, từng bước khắc phục tình trạng dàn đều, chung chung, chiều sâu công việc được triển khai tích cực, hiệu quả hơn.

Là người trưởng thành từ chiến sĩ, Trung tướng Võ Trọng Việt luôn thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, cuộc sống riêng tư của người lính Biên phòng. Tình đồng chí, đồng đội luôn làm nền tảng cho ông suy nghĩ và hành động trong cuộc sống cũng như trong thực hiện nhiệm vụ. Ông luôn quan tâm đến đời sống của cán bộ, chiến sĩ, chăm lo đến hoàn cảnh khó khăn của hậu phương gia đình họ. Trước tình hình thực tế đội ngũ cán bộ của lực lượng, hầu hết công tác ở địa bàn xa quê, xa gia đình, cán bộ ở miền Bắc thừa, miền Trung và miền Nam lại thiếu. Vấn đề xây dựng nguồn cán bộ dân tộc ít người, cán bộ tại địa phương; phấn đấu hợp lý hóa gia đình 100% cho cán bộ cấp phòng, còn sĩ quan nói chung thì 5 tới 7 năm được luân chuyển. Nếu cứ tình hình này, không có bước đột phá toàn diện về công tác cán bộ thì việc mất cơ cấu ba miền là thấy rõ. Bên cạnh đó, việc giải quyết vấn đề cán bộ tồn đọng trong luân chuyển sẽ như thế nào? Tất cả những vấn đề trên đã làm ông suy nghĩ rất nhiều. Ở cương vị Bí thư Đảng ủy, Chính ủy, rồi Tư lệnh, ông luôn đau đáu trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Ông luôn giữ nguyên tắc công tác cán bộ là của cấp ủy, có vậy mới đảm bảo khách quan trong đánh giá, sử dụng cán bộ. Ông chủ động đề xuất, đưa ra bàn bạc cùng với các đồng chí trong Đảng ủy, Bộ Tư lệnh. Đảng ủy Bộ đội Biên phòng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ, trong đó nhấn mạnh trọng tâm công tác luân chuyển cán bộ cho toàn lực lượng. Nghị quyết đã đưa ra từng tiêu chí cụ thể để đánh giá cán bộ, cố gắng đạt đến sự công bằng tương đối. Nghị quyết được quán triệt tới các cấp ủy, đảng viên, đảm bảo tính dân chủ, công khai, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong toàn lực lượng. Riêng vấn để điều chuyển, thì năm đầu tiên cần điều 1.000 cán bộ từ Bắc vào Nam. Thời gian luân chuyển là 3 năm. Nếu ai tình nguyện làm đơn thì được giảm 6 tháng, nếu ai bị kỷ luật thì tăng thời gian luân chuyển lên 1 năm. Ngoài ra, cũng quy định rõ là không điều chuyển những người đã từng điều rồi, những cán bộ là người dân tộc thiểu số, những cán bộ là người Kinh đã đưa vợ con lên các xã biên giới, những cán bộ là con liệt sĩ, thương binh hoặc gia đình neo người...

Ông tâm sự: "Trong vòng dăm năm tới, câu chuyện về sự cân đối cán bộ giữa ba miền sẽ được giải quyết xong. Chúng tôi đã nghĩ đến việc căn cơ lâu dài là tuyển cán bộ tại vùng miền đang thiếu, đồng thời điều chuyển nguồn sĩ quan mới tốt nghiệp ra trường vào nhận nhiệm vụ ở những nơi đó. Và thực tế đang diễn biến theo chiều hướng cân đối, ổn định nguồn cán bộ trong toàn lực lượng".

Quá trình điều chuyển là thận trọng, cán bộ không bị xáo trộn, thay đổi nhiều, mọi người đều tự ý thức, tự giác chấp hành quy chế, quy định. Đây là một bước đột phá, là một thành công của công tác chính trị tư tưởng cần được tổng kết rút kinh nghiệm để có phương hướng tổ chức tiếp tục thực hiện trong những năm tới.

Vị Tư lệnh dành riêng một cuốn sổ công tác để ghi chép lại các trường hợp cán bộ ông đã từng xem xét giải quyết. Trong đó có trường hợp thông qua báo cáo đề nghị của các cấp; có những trường hợp anh em trực tiếp gặp; hoặc những trường hợp ông phát hiện trong khi đi làm việc tại các cơ quan, đơn vị. Ông ghi nhận xét tóm tắt đối với từng trường hợp cán bộ. Đặc biệt, ông lưu ý những trường hợp cán bộ có hoàn cảnh gia đình, cùng tâm tư, nguyện vọng của cá nhân để khi có điều kiện thì đề xuất, tạo điều kiện giúp đỡ.

Năm 2008, trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Chính ủy, ông đến làm việc tại Bộ Chỉ huy Biên phòng An Giang. Đồng chí Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã báo cáo với ông về trường hợp Thượng tá Nguyễn Cảnh Sơn, Phó trưởng phòng Trinh sát Bộ đội Biên phòng An Giang. Đồng chí Nguyễn Cảnh Sơn đã có 21 năm gắn bó với vùng biên giới An Giang, có gia đình, vợ làm ruộng tại quê Thanh Hưng, Thanh Chương, Nghệ An, nay có nguyện vọng chuyển vùng. Thông cảm với hoàn cảnh của cán bộ, ông đồng ý với nguyện vọng trên, đề xuất chuyển đồng chí Sơn về Bộ đội Biên phòng Nghệ An.

Một thời gian sau đó, đồng chí Nguyễn Cảnh Sơn nhận quyết định về làm Phó trưởng phòng Trinh sát Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An. Thế là, bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan, đồng chí Sơn có điều kiện để chăm sóc vợ con. Hai con anh trưởng thành, học giỏi đã vào đại học; ngôi nhà được sửa lại khang trang, cuộc sống gia đình anh được đầm ấm, hạnh phúc. Năm 2012, trước ngày nhận quyết định nghỉ hưu, Đại tá Nguyễn Cảnh Sơn đã "khoe" với tôi về những thay đổi tốt đẹp của gia đình, trong đó anh không ngớt lời cám ơn đồng chí Chính ủy Võ Trọng Việt. Trong bộn bề công việc, nhưng Trung tướng Võ Trọng Việt luôn dành hẳn một góc tâm tư của mình cho những người đồng đội. Ông là cấp trên, là đồng chí, là chú, là anh. Ông là chỗ dựa tinh thần, tình cảm cho bao con người trong lực lượng. Dẫu hôm nay họ ở cương vị nào, làm việc ở đâu, ông vẫn dõi theo, động viên, nhắc nhở họ tu dưỡng, rèn luyện và làm tốt nhiệm vụ. Chẳng thế mà vị Tư lệnh luôn nâng niu những cuốn sổ ghi chép này.

Có một chuyện đời của Bộ đội Biên phòng ai cũng thường nhắc đến, đó là "Quỹ hiếm muộn". Nhắc nhớ điều này, mọi người nghĩ ngay đến Trung tướng Võ Trọng Việt - người đã khởi xướng, tạo dựng nên thành công của quỹ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Xuất phát từ đặc điểm công tác của lực lượng, hầu hết người chồng, khi mang quân hàm xanh đều xa nhà, xa vợ. Một lần nghỉ phép trong năm khó có thể đạt mục tiêu có con. Lại còn phải tính đến môi trường công tác khắc nghiệt, tại nơi rừng xanh nước độc, ảnh hưởng không ít đến sức khỏe. Thực trạng ấy đã làm cho Trung tướng Võ Trọng Việt trăn trở, tìm ra giải pháp, không thể đành lòng khi vợ lính vò võ ở nhà một mình, thấp thỏm tính tháng, tính ngày đợi chồng về để có con. Thế là "Quỹ hiếm muộn" ra đời. Bộ Tư lệnh đã gặp mặt những gia đình hiếm muộn trong toàn lực lượng để mọi người nghe tư vấn về sức khỏe, được động viên, thăm hỏi, được bố trí công tác phù hợp... Sự chân tình, trách nhiệm của lãnh đạo đã thắp niềm tin cho các gia đình hiếm muộn con. Ở các đồn Biên phòng, có gia đình quân nhân hiếm muộn đã được Bộ Tư lệnh hỗ trợ kinh phí xây nhà, đón các cặp vợ chồng hiếm muộn đến ở. Những ngày vợ chồng ở đơn vị sẽ được hỗ trợ bảo đảm ăn ở... Những đồn Biên phòng xa xôi, dẫu là ở cực Bắc như Sì Lờ Lầu, Lai Châu đến Đồn Biên phòng Sông Đốc (Cà Mau), ở cực Nam Tổ quốc đều có "Gian phòng hạnh phúc" dành cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Và đã có những người con của lính Biên phòng ra đời từ gian phòng hạnh phúc đó.

... Sáu năm sau ngày cưới, ngày 4 tháng 1 năm 2014, vợ chồng Thượng úy Đặng Văn Nam ở Bộ đội Biên phòng Điện Biên, mừng vui đón cậu con trai kháu khỉnh chào đời. Niềm vui ngập tràn trong đại gia đình, dòng họ ở làng quê của anh chị. Thượng úy Đặng Văn Nam gửi thư cho Tư lệnh Võ Trọng Việt với tình cảm trân trọng "... Hạnh phúc của gia đình tôi có được như ngày hôm nay là từ chủ trương đúng đắn, là tình nhân ái đơn vị đã dành cho vợ chồng. Gia đình chúng tôi biết ơn các Thủ trưởng và đơn vị nhiều lắm...". Câu chuyện như một điều kỳ diệu đến với các gia đình hiếm muộn của Bộ đội Biên phòng. Thật tự hào, niềm nhân ái lớn lao đã mang lại hạnh phúc cho biết bao người lính để họ càng yên tâm và hăng say nhiệt tình trong công tác, nhiều người coi ông là một ân nhân.

Để phát huy vai trò của biện pháp công tác Vận động quần chúng bằng việc làm cụ thể trong việc đổi mới giúp cấp ủy địa phương xây dựng cơ sở chính trị, giúp dân xóa đói giảm nghèo, ông vừa tập trung chỉ đạo toàn diện cơ quan chức năng trong Bộ đội Biên phòng, đồng thời cùng địa phương bàn cách tổ chức thực hiện. Các kế hoạch giúp đỡ định canh, định cư của đồng bào La Hủ Lai Châu, đồng bào dân tộc Rục Quảng Bình và nhiều mô hình giúp dân có hiệu quả rộng khắp trên các tuyến biên giới là những minh chứng cho quan điểm và phương pháp chỉ đạo của ông. Đặc biệt, từ ý tưởng đề xuất của ông, được sự nhất trí của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Báo Quân đội nhân dân phát động đợt vận động mang tên: "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo", gọi tắt là "Mái ấm biên cương" với mục đích giúp đỡ có hiệu quả những gia đình khó khăn trên địa bàn biên giới. Trung tướng Võ Trọng Việt là đồng Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động này. Với quyết tâm cao, cách làm sáng tạo từ ý tưởng của ông, mặc dù lúc đầu gặp không ít khó khăn từ nhận thức, song ông quyết làm bằng được. Từ việc tuyên truyền, kêu gọi, ông trực tiếp đi nhiều nơi nói rõ mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của Cuộc vận động. Làm cho Cuộc vận động đã được lãnh đạo các tỉnh, thành, cơ quan, các lực lượng, nhất là các doanh nghiệp trong cả nước vào cuộc mạnh mẽ; huy động được sức người, sức của để làm nhà cho đồng bào nghèo và các công trình phúc lợi cho biên giới, hải đảo.

10 năm qua, Trung tướng Võ Trọng Việt đã dành nhiều tâm huyết, đề xuất các chủ trương, biện pháp trong tổ chức thực hiện Cuộc vận động. Ông trực tiếp đến những nơi làm điểm, nơi gặp nhiều khó khăn để cho ý kiến chỉ đạo, sâu sát kiểm tra, đúc rút kinh nghiệm. Ông đặc biệt lưu ý đến việc xác định đối tượng được làm nhà, các công trình dân sinh thiết yếu, để có hướng sử dụng đồng tiền huy động được đúng mục đích, quản lý chặt chẽ, không lãng phí, tiêu cực và tranh thủ tối đa công sức của bộ đội để triển khai một cách tích cực, hiệu quả nhất.

Năm 2014, khi tổng kết Cuộc vận động, Tư lệnh Võ Trọng Việt rất tự hào đánh giá về những người trực tiếp thực hiện: "Đứng trước đồng tiền, dù bất kỳ ở đâu, ở trong hoàn cảnh nào thì chiến sĩ Biên phòng vẫn tuyệt nhiên không hề bị cám dỗ, bị sa ngã. Phẩm chất cao đẹp này, bất luận lúc nào cũng được củng cố, giữ gìn".

Cuộc vận động đã thu được những kết quả lớn: Xây được hơn 6.901 ngôi nhà cho người nghèo biên giới. Bình quân mỗi căn nhà thấp nhất là 15 triệu đồng, có căn nhà lên tới 80 triệu đồng. Tổng kinh phí xây dựng là 241 tỷ đồng. Song song với việc xây dựng nhà cho đồng bào nghèo nơi biên giới, các đơn vị đã phối hợp xây dựng được 272 công trình dân sinh; mỗi công trình trị giá từ 20 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; ước tính bình quân mỗi công trình trị giá là 150 triệu đồng; tổng kinh phí xây dựng khoảng 41 tỷ đồng. Đây là kết quả có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, rộng khắp.

Đánh giá về ý nghĩa và sự thành công của Cuộc vận động, ông tâm sự: "Có ba nhân tố tạo nên thành công: Chủ trương đúng, biện pháp sát hợp và trách nhiệm cao. Thông qua tổ chức thực hiện Cuộc vận động, còn là điều kiện góp phần trau dồi phẩm chất, năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp trong lực lượng. Thành công của cuộc vận động đã ghi dấu ấn đậm nét hơn về hình ảnh, vị thế, uy tín của Bộ đội Biên phòng, củng cố khối đại đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Biên phòng, trên cương vị Tư lệnh, ông đã từng trăn trở tìm cách đổi mới. Trước hết ông chú trọng phối hợp chặt chẽ với các quân khu, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nơi có biên giới, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, thông qua uy tín của bản thân và trên cương vị công tác của mình ông có mỗi quan hệ rộng rãi, tiếp xúc thường xuyên, thông qua việc điều chỉnh, bổ sung, cụ thể hóa và đi vào chiều sâu thực hiện quy chế phối hợp. Từ đó, làm phong phú thêm việc xây dựng nền biên phòng toàn dân và sự ủng hộ, sự hiểu biết sâu sắc hơn của các cấp, các ngành trong công tác biên phòng và xây dựng Bộ đội Biên phòng được thuận lợi hơn trên các lĩnh vực; bảo đảm cho lực lượng Bộ đội Biên phòng không ngừng ổn định phát triển theo Kết luận 165 của Bộ Chính trị về xây dựng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới.

Với công tác Đối ngoại Biên phòng, Tư lệnh Võ Trọng Việt đã nghiên cứu, suy ngẫm rất nhiều về quan điểm "Đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ" của Đảng. Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã quán triệt, thực hiện quan điểm này bằng những chủ trương, biện pháp, cụ thể để thực hiện công tác Đối ngoại Biên phòng. Với cương vị là Chính ủy, rồi Tư lệnh, ông đã cùng Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về những vấn đề cần đổi mới mang tính nguyên tắc và phương pháp quản lý, bảo vệ biên giới và vùng biển quốc gia; việc phối hợp giải quyết những vấn đề tồn tại và phát sinh trên biên giới, lãnh thổ, vùng chồng lấn với các nước láng giềng; mở rộng quan hệ hợp tác với các nước bạn trên nhiều phạm vi, nhiều lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội; trong đó có mô hình kết nghĩa giữa các lực lượng chức năng bảo vệ biên giới các nước láng giềng, các cụm dân cư hai bên biên giới, làm cho sự phối hợp, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau diễn ra với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, hiệu quả, làm phong phú thêm các hoạt động đối ngoại của Bộ đội Biên phòng về xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, và cùng phát triển.

Về công tác kết nghĩa vùng biên giới, Tư lệnh Võ Trọng Việt đã chỉ đạo làm thí điểm tại các tỉnh như Quảng Trị, Lào Cai, Quảng Nam, Long An, từ đó rút kinh nghiệm nhân rộng ở các tỉnh khác. Ông dành nhiều thời gian đến với nhân dân vùng biên để lắng nghe người dân đề đạt ý kiến, qua đó trực tiếp chỉ đạo công tác kết nghĩa với phương châm: Phải đi sâu vào thực chất, cụ thể và hiệu quả. Chính vì vậy, ở mỗi vùng biên, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, các đồn Biên phòng đã làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện việc kết nghĩa với những điều kiện và chỉ tiêu phù hợp và đạt kết quả. Phát biểu trong lần tổng kết công tác kết nghĩa, Tư lệnh Võ Trọng Việt đã nói: "Tổ chức tốt việc kết nghĩa giữa các cụm dân cư hai bên biên giới là việc làm có ý nghĩa vô giá. Chúng ta không thể lấy cái gì để so sánh giá trị tinh thần, tình cảm của người dân hai bên vùng biên. Lợi ích vô cùng lớn lao là giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cư dân hai bên biên giới gắn bó mật thiết, giúp đỡ lẫn nhau là góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, hòa bình, ổn định, phát triển giữa hai nhà nước".

Công tác Đối ngoại Biên phòng còn tham gia các diễn đàn an ninh khu vực và quốc tế nhằm đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu như: chống tội phạm xuyên quốc gia, các loại dịch bệnh, thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng...

Đối với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, ông đã cụ thể hóa nghị quyết Đảng ủy bằng các mệnh lệnh, kế hoạch công tác Biên phòng, sát hợp với diễn biến tình hình, với yêu cầu nhiệm vụ của Công tác Biên phòng. Chủ động tham mưu đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp, giải quyết tốt các vụ việc xảy ra trên biên giới, không để xảy ra các điểm nóng, phức tạp. Thường xuyên duy trì tốt quan hệ với lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng, tạo sự thống nhất, hiệp lực của các lực lượng chuyên trách, góp phần quan trọng vào xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Ông luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị Bộ đội Biên phòng tích cực làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn, kiên quyết trong đấu tranh phòng chống tội phạm, tham gia củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, tạo nhiều chuyển biến ở một số địa bàn biên giới đặc biệt khó khăn. Ông yêu cầu các đơn vị duy trì thường xuyên các chế độ sẵn sàng chiến đấu, tham gia hiệu quả công tác diễn tập khu vực phòng thủ các cấp; có kế hoạch ứng phó kịp thời trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Coi trọng công tác đấu tranh chuyên án, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đấu tranh phòng chống có hiệu quả hoạt động xâm nhập của các tổ chức phản động cũng như các hoạt động tình báo, gián điệp. Điều tra, xác minh, chủ động phát hiện, mở nhiều đợt cao điểm giải quyết các điểm nóng về ma túy, thiết lập lại trật tự kỷ cương trong công tác đấu tranh chống buôn lậu. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an triển khai đấu tranh với các đường dây, tổ chức mua bán người và phòng chống các loại tội phạm khác.

Sự chỉ đạo sắc bén có tính thực tiễn cao của ông, không chỉ giúp cho công tác xử lý kịp thời những vấn đề "nóng", phức tạp nảy sinh trên các địa bàn, mà còn là tiền đề để giải quyết tốt những vấn đề cơ bản, có tầm vĩ mô trên các tuyến biên giới.

Ở tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, ông tích cực đàm đạo, thúc đẩy triển khai tổ chức tuần tra song phương rất có tác dụng; đồng thời triển khai phát quang làm thông thoáng tầm nhìn đường biên. Ông đã tham gia triển khai 8 đại diện biên giới, tham gia đàm phán xây dựng Hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc về Quy chế bảo đảm chế độ tự do đi lại của tàu thuyền tại khu vực cửa sông Bắc Luân, Hiệp định xây dựng cầu đường bộ lI qua sông Bắc Luân (Quảng Ninh), Hiệp định cùng khai thác tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc. Ông chỉ đạo các đơn vị phối hợp với địa phương tổ chức đấu tranh yêu cầu Trung Quốc phá dỡ mốc cũ, rút các chốt quân sự đóng sát biên giới. Các xóm bản hai bên biên giới tăng cường giao lưu hợp tác, xây dựng địa phương phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh.

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, ông chỉ đạo các đơn vị đổi mới phương thức đấu tranh chống các phần tử phản động lợi dụng người Mông trên địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên; tham gia đàm phán với Lào, xây dựng thỏa thuận cấp Chính phủ về việc giải quyết di cư tự do và hôn nhân không giá thú trong vùng biên giới Việt - Lào, đồng thời phát huy vai trò của Bộ đội Biên phòng tham gia thực hiện có hiệu quả dự án tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới. Toàn tuyến đã xác định xong vị trí cắm mốc, tổ chức xây dựng hoàn chỉnh 85% số cột mốc và tiến tới sẽ hoàn thành công tác cắm mốc trên thực địa. Các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã chủ động phối hợp với lực lượng quản lý biên giới của bạn, giải quyết những vướng mắc, tạo điều kiện cho công tác khảo sát, xây dựng hệ thống đường tuần tra biên giới.

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, ông đã chỉ đạo sát sao các đơn vị trong việc phối hợp với các lực lượng của Bạn, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trên thực địa, cùng xem xét giải quyết những khu vực tồn đọng, phục vụ tốt cho đàm phán, giải quyết những khu vực còn nhận thức khác nhau.

Trên tuyến biển - đảo, ông đi sâu chỉ đạo tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý đối với tàu thuyền nước ngoài xâm phạm, hoạt động trái phép trên vùng biển Việt Nam, đảm bảo đúng chủ trương, đối sách; tập trung xây dựng, phát huy vai trò của các tổ, đội an ninh đối với tàu thuyền đánh bắt xa bờ để nắm tình hình an ninh trật tự trên biển; bắt và xử lý nhiều vụ tàu và người nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam.

Cùng với các nhiệm vụ công tác thường xuyên đã là khối lượng công việc khổng lồ, đòi hỏi rất nhiều thời gian và trí tuệ trong chỉ đạo, xử lý, giải quyết, nhưng ông vẫn nghĩ đến việc lớn, rất lớn có tầm chiến lược, đó là phải tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, với Đảng, Nhà nước đề ra chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Thế là ông bắt tay vào chỉ đạo triển khai các bước, xác định lộ trình cụ thể nhất là mục tiêu yêu cầu phải đạt được, từ đó phát huy cao nhất vai trò của Bộ đội Biên phòng trong việc tham gia soạn thảo chiến lược này. Đồng thời, trong bộn bề công việc nhưng ông vẫn quan tâm chỉ đạo công tác tổng kết và nghiên cứu khoa học, ông trực tiếp làm chủ nhiệm một số đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ có ý nghĩa chiến lược.

Không chỉ trong công tác biên phòng, mà tại các diễn đàn Trung ương Đảng, Quốc hội, Quân ủy Trung ương, hay tại các Hội nghị Quân chính toàn quân, Trung tướng Võ Trọng Việt, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng luôn có những ý kiến đóng góp quan trọng, thể hiện một tầm nhìn sâu rộng, biết lựa chọn đúng và trúng các vấn đề. Ông có cách phân tích, lý giải của một tư duy sắc sảo, mạch lạc, khúc chiết, rất thuyết phục, đã để lại ấn tượng sâu sắc, không những ở các hội nghị, các cuộc họp lớn và ngay cả những lần đi tiếp xúc cử tri ở Sơn La, ở Kon Tum, cũng như khi làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành. Những ý kiến của ông đều tạo nên những xúc cảm làm lay động lòng người. Một vị tướng thật sự toàn năng, nhạy bén và sắc sảo.

Điều đặc biệt khi tiếp xúc với Trung tướng Võ Trọng Việt là ông luôn gần gũi, chân tình với mọi người. Vị tướng có đức tính khiêm nhường, kiệm lời, chăm chú lắng nghe các ý kiến của mọi người khi trao đổi. Dẫu đấy là nguyên tắc, là lý luận, hay các quan điểm có tính khái quát, thì ông đều có những cách diễn đạt sắc sảo, thông minh, dễ hiểu, dễ gần và luôn bám vào thực tiễn. Phong cách ấy, cùng với cuộc sống giản dị, đã tạo cho ông, dẫu đang giữ cương vị, trọng trách cao, là Tư lệnh, là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, là Đại biểu Quốc hội, vẫn rất dung dị, đời thường.

Cuối buổi chiều làm việc, ông giữ tôi nán lại trò chuyện thêm ít phút. Ông cho biết: Sáng mai ông vào Kon Tum. Chuyến đi công tác này là để kiểm tra Bộ đội Biên phòng trên địa bàn Tây Nguyên về việc tăng cường công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, đồng thời trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri vì bà con muốn đối thoại về cây trồng. Sản lượng cà phê năm nay thấp, giá lại bấp bênh. Hạt tiêu thì khó bán... Đoàn Đại biểu Quốc hội sẽ phải tập trung hướng vào những băn khoăn, trăn trở đó của nhân dân, phải huy động các doanh nghiệp vào cuộc, giữ cho ổn định, phát triển sản xuất ở địa phương. Rồi ông còn làm việc với những đơn vị làm kinh tế quốc phòng trên địa bàn Tây Nguyên để chia sẻ, giúp dân và cùng nhân dân giữ yên biên giới.

Câu chuyện của ông với tôi, thường xuyên bị ngắt quãng vì chiếc điện thoại trên bàn làm việc liên tục đổ chuông.

Kia nữa, còn có tập tài liệu "Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia trong thời kỳ mới", đang được hoàn thiện để trình Chính phủ. Lại còn một chồng tài liệu, công văn, giấy tờ đang chờ ý kiến của Tư lệnh....

Tháng 10 năm 2015, ông được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ngày 10 tháng 12 năm 2015, ông được Chủ tịch nước ký quyết định thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng.

Trong bộn bề công việc, phong cách của ông vẫn điềm tĩnh, niềm nở đến lạ.

Thượng tướng Tư lệnh Võ Trọng Việt của chúng ta là như thế đấy!

Phùng Văn Khai

Bình luận

ZALO