Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 03:13 GMT+7

Tiếp sức vượt đại dịch

Biên phòng - Chỉ trong vòng 2 tháng qua, 10.000 doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long đã phải tạm dừng kinh doanh, ngừng hoạt động và giải thể. Những doanh nghiệp gắng gượng duy trì sản xuất để giữ đơn hàng, khách hàng và việc làm cho người lao động đành chấp nhận doanh thu giảm sút trên 50% vì có đến 45% đơn hàng không thực hiện được.

Cần có giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch. Ảnh: Minh họa

Theo các chuyên gia kinh tế, dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp gần như kiệt sức, bởi gánh nặng chi phí phát sinh về nguyên liệu, lưu thông hàng hóa và khó khăn trong tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” để bảo đảm phòng dịch.

Tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện Chỉ thị 16, chuỗi sản xuất đang bị đứt gãy do thiếu nguồn nguyên liệu nội vùng. Giãn cách xã hội đi kèm với quy định vận tải hàng hóa giữa các địa phương không thống nhất làm cho các doanh nghiệp không thể tìm nguồn nguyên liệu. Trong khi đó, các hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã thì lại ùn ứ nguyên liệu vì không bán được.

Các chuyên gia dự báo, ít nhất đến giữa quý IV/2021, doanh nghiệp sẽ vẫn còn khó khăn do chuỗi cung ứng nguyên liệu và sản xuất chưa kịp phục hồi. Nếu thách thức này không sớm được cải thiện thì có khả năng hàng chục nghìn doanh nghiệp phải tiếp tục rời thị trường. Những doanh nghiệp muốn hoạt động trở lại cũng không dễ dàng do thiếu công nhân, thị phần bị mất rất khó phục hồi...

Bộ Công thương nhận định, các tháng cuối năm là thời gian xuất khẩu tăng tốc, nhu cầu tiêu dùng của các quốc gia trên thế giới tăng mạnh khi kinh tế phục hồi, dịch Covid-19 được kiểm soát nhờ chiến lược tiêm vaccine. Đây là thời cơ để Việt Nam chuẩn bị nguồn hàng, tăng tốc xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.

Nhưng để thực hiện được mục tiêu “kép” trong bối cảnh dịch vẫn diễn biến phức tạp ở nước ta, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương phải có ngay các giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, đảm bảo các chuỗi cung ứng, nhất là ở khu vực phía Nam.

Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách tương đối kịp thời, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp được thụ hưởng không nhiều, do khoảng trống giữa chính sách và thực thi. Mặt khác, nguồn lực bị dàn trải, triệt tiêu khi phân bổ hỗ trợ bình quân theo từng doanh nghiệp.

Do đó, nhiều chuyên gia đề xuất, các chính sách trợ giúp doanh nghiệp cần phải tách bạch rõ ràng giữa chính sách an sinh xã hội (hỗ trợ người lao động khó khăn, mất việc) với chính sách tăng cường năng lực dựa trên khả năng hấp thụ vốn, gói hỗ trợ của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các chính sách về tài khóa như thuế, tín dụng, hỗ trợ hạ lãi suất, giãn nợ cho khu vực sản xuất kinh doanh cần được cam kết mạnh mẽ hơn và sớm đến tay doanh nghiệp. Có như vậy, mới giúp doanh nghiệp cầm cự, vượt qua khó khăn hiện tại và phục hồi nhanh sau khi kiểm soát được dịch bệnh.

Bộ Công thương cho rằng, giải pháp trọng tâm hiện nay là đảm bảo đủ nguyên vật liệu, thiết bị, phụ tùng máy móc cho sản xuất cùng với hỗ trợ tiền điện, xăng dầu, giảm chi phí logistics, lưu kho bãi cho doanh nghiệp và đẩy mạnh kết nối giao thương để doanh nghiệp khai thác tốt hơn các hiệp định thương mại tự do, đồng thời nhanh chóng tiếp cận những thị trường xuất khẩu mới.

Trước mắt, các bộ, ngành, địa phương cùng nhau tập trung khơi thông hệ thống gần 290 cảng biển và các cửa khẩu đường bộ phía Bắc để nhanh chóng giải phóng hàng hóa xuất khẩu đang bị ách tắc, tạm dừng vì dịch bệnh.

Trong tình hình dịch bệnh, không có cách nào khác là phải chấp hành nghiêm Chỉ thị 16, bảo vệ sức khỏe và an toàn cho nhân dân. Tuy nhiên, các địa phương cần thiết lập các “vùng xanh” sản xuất, cho phép những doanh nghiệp đủ điều kiện an toàn phòng dịch được mở rộng sản xuất, phát huy tối đa năng lực, công suất sản xuất để kịp đơn hàng giao theo hợp đồng và bù đắp lại sự ngưng trệ sản xuất trong thời gian qua.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO