Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:04 GMT+7

Tiếp tục xây dựng BĐBP vững mạnh, hội nhập sâu rộng với toàn quân

Biên phòng - Trọn cuộc đời gắn bó với màu áo xanh Biên phòng, nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng, nguyên Tư lệnh BĐBP, vẫn tâm huyết với lực lượng. Nhân dịp kỷ niệm 57 năm ngày truyền thống BĐBP, 27 năm "Ngày Biên phòng toàn dân", phóng viên (PV) báo Biên phòng đã có buổi trò chuyện với Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng.

56dcf64c67400cba060006a9
Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng.

PV: Kính thưa Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng, kế thừa tư tưởng "Biên phòng hảo vị trù phương lược" của ông cha ta, Đảng, Bác Hồ và Nhà nước đã hết sức coi trọng việc xây dựng, bảo vệ biên giới và nền biên phòng toàn dân vững mạnh, thể hiện ở việc thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP), Thiếu tướng suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng: Để làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, ngày 29-11-1958, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết (NQ) số 58, thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT)  trên cơ sở thống nhất 3 lực lượng: Bộ đội bảo vệ biên giới, Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong quản lý, bảo vệ biên giới và nội địa. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc có một lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong quản lý, bảo vệ biên giới, cho nên lực lượng CANDVT trước đây (nay là BĐBP) ra đời đã đáp ứng được yêu cầu xây dựng, bảo vệ biên giới Tổ quốc. Trong xây dựng biên giới, vấn đề chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh phải gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trong quản lý, bảo vệ biên giới. Đó là những chủ trương sáng suốt, đúng đắn nên trong hơn nửa thế kỉ qua, sự nghiệp bảo vệ biên giới của chúng ta có lực lượng nòng cốt, chuyên trách, có các lực lượng phối hợp và nhân dân sát cánh bên nhau nơi tuyến đầu Tổ quốc.

PV: Là một trong những người trực tiếp tham gia xây dựng hệ thống pháp luật bảo vệ biên giới, Thiếu tướng có thể chia sẻ đôi điều về quá trình xây dựng Luật Biên giới quốc gia (BGQG)?

Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng: Đảng, Nhà nước chủ trương coi trọng công tác xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới, nhưng muốn vậy, phải có luật làm cơ sở pháp lý. Trải qua hai nhiệm kỳ của Quốc hội, việc xây dựng Luật BGQG mới hoàn thành. Một mặt, phải nghiên cứu tình hình thực tế của đất nước. Mặt khác, phải tìm hiểu, nghiên cứu Luật Biên giới vùng biển của các nước để tham khảo, xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc. Có thể nói, quá trình chúng tôi vừa làm, vừa nghiên cứu trực tiếp với bộ phận biên soạn, dưới sự chỉ đạo của hai Bộ Quốc phòng và Công an mới hoàn thành được Luật BGQG thông qua Quốc hội.

Việc ban hành Luật BGQG có ý nghĩa rất lớn, bởi đó là cơ sở pháp lý khẳng định toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và vùng biển  đảo của Tổ quốc. Trong đó, chúng ta tiếp tục khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam và quan điểm "biên giới thiêng liêng của Tổ quốc" được thể hiện trong Luật. Cho nên, sau khi Luật BGQG được Quốc hội thông qua, một loạt nghị định đã được ban hành để cụ thể hóa luật và làm cơ sở vững chắc để chúng ta bảo vệ BGQG, như Nghị định 34 về quy chế biên giới đất liền, Nghị định về quy chế vùng biển... BĐBP sau này hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới phải dựa vào Luật BGQG và các nghị định đó. Có thể nói, đây là một thành công lớn của chúng ta trong thực hiện quản lý Nhà nước đối với các vấn đề liên quan đến quản lý, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc.

PV: Thưa Thiếu tướng, việc ra đời NQ 11 có tác động như thế nào đối với vai trò nòng cốt, chuyên trách của BĐBP ở biên giới?

Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng: Từ ngày thành lập lực lượng CANDVT theo NQ 58 của Bộ Chính trị thì CANDVT trước đây, nay là BĐBP, đã trải qua rất nhiều NQ. Khi có yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ biên giới thì Bộ Chính trị ra NQ116 phân công nhiệm vụ giữa CANDVT với Quân đội, tiếp đó là NQ22 về việc chuyển giao nhiệm vụ và tổ chức của CANDVT từ Bộ Công an sang Bộ Quốc phòng, đổi tên thành BĐBP. Lúc bấy giờ, khi chuyển về thì Quyết định 1148 đưa BĐBP về trực thuộc huyện, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thuộc Quân khu chỉ đạo. Trong quá trình chuyển đổi đó, có những bất cập được đưa ra tại Hội nghị tổng kết Biên phòng toàn quân lần thứ nhất, thấy đưa Biên phòng về huyện là không phù hợp, nên Bộ Quốc phòng ban hành Chỉ thị 85 đưa Biên phòng về trực thuộc Chủ nhiệm Biên phòng tỉnh, đảm bảo chỉ huy lực lượng Biên phòng tránh bị phân tán. Nhưng như vậy vẫn chưa giải quyết được vấn đề là chỉ huy thống nhất của Bộ Tư lệnh BĐBP và tổ chức Biên phòng cũng bị chia cắt. Cho nên sau hội nghị Đảng ủy Quân sự Trung ương mở rộng, Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định 419 khôi phục lại hệ thống chỉ huy thống nhất lực lượng BĐBP từ Trung ương đến cơ sở với 3 cấp: Bộ Tư lệnh, Bộ Chỉ huy Biên phòng các tỉnh, thành và các đồn Biên phòng trực thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, thành.

14-15-05-anh-2
Khối sỹ quan Biên phòng tham gia diễu binh kỉ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Ảnh: Hoàng Anh

Nói như vậy để thấy, trải qua NQ58, NQ116, NQ22, NQ07 thì NQ11 được tổng kết trên cơ sở 4 NQ trên, rút ra những vấn đề khoa học, hợp lý, khắc phục những vấn đề không hợp lý. Đồng thời NQ 11 là NQ hoàn chỉnh, xác định nhiệm vụ của BĐBP làm chức năng về an ninh trật tự, chiến đấu bảo vệ biên giới, vừa làm công tác đối ngoại và khắc phục được tình trạng Bộ Công an rất coi trọng công tác an ninh trật tự, nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu tác chiến vũ trang. Khi chuyển về Bộ Quốc phòng thì đáp ứng được tác chiến vũ trang và phòng thủ tác chiến, nhưng công tác an ninh biên giới lại bị xem nhẹ, nên có những vấn đề bất cập. Vì vậy, NQ11 đã khắc phục được những sơ hở, lúc thì nhấn mạnh chính trị nghiệp vụ, lúc lại nhấn mạnh nhiệm vụ quốc phòng, mà nhiệm vụ toàn diện của Biên phòng là cả an ninh, quốc phòng, đối ngoại, nên BĐBP có điều kiện phát triển vững mạnh toàn diện để hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới. Vấn đề chế độ chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cũng được xác định rõ ràng, giúp cho cán bộ, chiến sĩ an tâm hơn khi làm nhiệm vụ trên biên giới, hải đảo.

PV: Chứng kiến bước trưởng thành đi lên của lực lượng BĐBP trong tình hình mới, Thiếu tướng nhận thấy vai trò của BĐBP trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc những năm tiếp theo như thế nào?

Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng: Trải qua thực tiễn 57 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành cùng biết bao thử thách cam go, lực lượng BĐBP đã rút ra nhiều bài học. Tôi cũng viết nhiều bài tổng kết thực tiễn để thống nhất nhận thức về công tác biên phòng, xây dựng BĐBP trong tình hình mới và cho rằng, Đảng và Nhà nước hiện nay rất quan tâm đến việc xây dựng BĐBP, có nhiều chính sách ưu tiên, đầu tư, đã tạo thuận lợi cho lực lượng.

Trên cơ sở NQ11 của Bộ Chính trị và Pháp lệnh BĐBP, các văn bản pháp luật, nhất là Thông báo 165 của Bộ Chính trị, đã tạo thuận lợi cho các hoạt động của lực lượng BĐBP. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, BĐBP có những hoạt động hết sức sâu sắc để xây dựng được biên giới lòng dân, phong trào tự quản đường biên, cột mốc, cũng như các tổ, đội tàu thuyền tự quản trên biển, kết hợp đánh bắt thủy hải sản với bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc... Các cán bộ, chiến sĩ BĐBP vừa làm thầy thuốc quân hàm xanh chữa bệnh cho nhân dân, vừa làm thầy giáo quân hàm xanh đưa chữ đến vùng cao cho đồng bào các dân tộc để nâng cao dân trí, vừa làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Đặc biệt là việc phối hợp với các bộ, ngành để đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc. Thông qua những hoạt động như vậy, BĐBP là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân vùng biên giới, hải đảo.

Không những làm tốt việc xây dựng biên giới lòng dân, BĐBP còn làm tốt việc phát triển quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, nên chính quan điểm "trong ấm" mới xây dựng được phòng tuyến nhân dân, bảo vệ biên giới, làm cho đời sống đồng bào ổn định, phát triển. Còn "ngoài êm" là chúng ta kết nghĩa với các cụm dân cư, với các lực lượng bảo vệ biên giới của nước bạn để giải quyết các vấn đề về biên giới, giúp đỡ lẫn nhau cùng xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.

Đặc biệt, việc hội nhập với toàn quân trong tình hình hiện nay là vấn đề rất quan trọng. Ngoài những đặc thù của công tác biên phòng mà chúng ta cần làm rõ để các cơ quan của Bộ Quốc phòng thấy được, như hoạt động phân tán, nhỏ lẻ, hoạt động nghiệp vụ của BĐBP không giống các đơn vị chính quy khác, cũng cần xác định là một thành viên trong đội hình Quân đội, do đó phải chấp hành nghiêm điều lệnh, kỷ luật, thực hiện nền nếp chính quy, đảm bảo huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, kết hợp trong đội hình phòng thủ tác chiến của các tỉnh, thành phố và các Quân khu.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Vân Anh - Thu Hằng (thực hiện)

Bình luận

ZALO