Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:10 GMT+7

Tìm “đường đi” cho nông sản trước tác động của dịch Corona

Biên phòng - Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) diễn biến phức tạp và đang lây lan nhanh tại Trung Quốc được dự báo sẽ có những tác động ảnh hưởng đến các hoạt động xuất khẩu chính ngạch nông sản, đặc biệt là các mặt hàng có lợi thế của Việt Nam như trái cây, thủy sản. Trong bối cảnh thương mại biên giới đang bị hạn chế bởi dịch nCoV, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã xây dựng nhiều kịch bản khác nhau để thúc đẩy thương mại và sản xuất nông sản.

68dbyqr3e2-24538_f_k67lkmxp2_IMG_7063
Dự báo mặt hàng Thanh long bị ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch nCoV do “tắc” đường sang Trung Quốc. Ảnh: Bích Nguyên

Thương mại biên giới chịu ảnh hưởng lớn nhất

Đánh giá về tác động của dịch bệnh nCoV đối với ngành Nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực và thương mại biên giới chịu ảnh hưởng lớn nhất. Công tác đàm phán mở cửa chính thức thị trường cho các mặt hàng cà phê, sầu riêng… nhiều khả năng bị đình trệ. Thông tin từ Bộ Công thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu đất liền năm 2019 đạt khoảng 7 tỉ USD, riêng xuất khẩu trái cây theo đường trao đổi cư dân đạt khoảng 1 tỉ USD.

Cho tới thời điểm hiện tại, xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân vẫn chiếm tỉ trọng khá lớn dù Bộ Công thương đã khuyến nghị các doanh nghiệp chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Hiện, nhiều trung tâm, chợ đầu mối nông sản tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đóng cửa nghỉ giao dịch, các cặp chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) đang bị hạn chế giao dịch đến hết ngày 8-2 để đảm bảo công tác phòng, chống dịch nCoV. Trong bối cảnh đó, mặt hàng trái cây sẽ chịu sức ép về thời vụ và bảo quản nên rất khó để các doanh nghiệp xoay chuyển tình thế trong thời gian ngắn và không đáp ứng về tiêu chuẩn nhãn mác.

Bộ NN&PTNT nhận định, diễn biến phức tạp, khó lường của dịch nCoV và những động thái của Chính phủ Trung Quốc trong việc hạn chế giao dịch hàng hóa để tránh lây lan dịch trên diện rộng, sẽ có những tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Theo đó, xuất khẩu nông sản của Việt Nam dự báo sẽ gặp nhiều thách thức, nhất là các mặt hàng chủ lực là trái cây, sản phẩm từ chăn nuôi và thủy sản.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, từ nay đến hết rằm tháng Giêng âm lịch, tỉnh Long An sẽ thu hoạch khoảng 21.600 tấn thanh long. Đợt tiếp theo từ ngày 8 đến 28-2, địa phương này thu hoạch khoảng 54.000 tấn. Đầu tháng 3, tỉnh Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn, Bình Thuận khoảng 100.000 tấn... Hầu hết các sản phẩm trái cây xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến. Tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ sẽ diễn ra do việc hạn chế giao dịch tại các cặp chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, lịch nghỉ Tết Nguyên Đán của Trung Quốc kéo dài và các biện pháp đảm bảo công tác phòng chống dịch nCoV được triển khai từ cả hai phía.

Đến trưa ngày 3-2-2020, có khoảng 195 xe chở thanh long loại 20 tấn/xe ùn ứ tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn. Việc xuất khẩu các sản phẩm từ chăn nuôi cũng sẽ gặp khó khăn khi thông thương nội địa và quốc tế của Trung Quốc bị đình trệ do tác động của dịch nCoV. Trong khi đó, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9-2-2020 hoặc cho đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc.

Không chỉ vậy, việc tạm dừng đường bay, khó khăn trong giao thông giữa hai nước sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động giao dịch, làm việc trao đổi của doanh nghiệp hai nước, đặc biệt đối với các hoạt động vận chuyển hàng hóa nông sản bằng đường hàng không, đường thủy, đường bộ; ảnh hưởng tới tiến độ đàm phán xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc với một số mặt hàng nông sản mới như tổ yến, bột cá…

Tập trung phát triển thị trường mới

Ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, cần nhận diện rõ tác động của dịch nCoV để xác định cả kế hoạch trước mắt và lâu dài để có biện pháp hiệu quả. “Phải tìm thấy cơ hội từ thử thách đặc biệt này. Để ứng phó được với dịch nCoV, phải xác định sự đồng hành và quyết tâm của 3 khu vực: Nhà nước, chính phủ; các doanh nghiệp và người dân".- ông Cường nhấn mạnh.

7r492t6hfm-24538_f_k67lk9h11_IMGP8889
Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị vắng vẻ trong thời điểm các cặp chợ biên giới bị đóng cửa để phòng, chống dịch nCoV. Ảnh: Vi Toàn

Hiện, Bộ NN&PTNT đã xây dựng các phương án ứng phó trong ngắn hạn và dài hạn. Trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, căn cứ vào tình hình diễn biến dịch, các tỉnh biên giới cần phối hợp với các bộ ngành tăng cường công tác kiểm dịch động thực vật, cấm nhập khẩu động vật hoang dã vào Việt Nam. Đồng thời, rà soát các mặt hàng, trước mắt, mặt hàng nào dễ bị tổn thương, khi chưa đi qua biên giới được, nhất là thanh long thì cần chú trọng tiêu thụ thị trường trong nước. Bên cạnh đó, cần tập trung dự trữ và chế biến. Riêng nhóm dưa hấu, các tỉnh cần rà soát, nếu chưa xuống giống thì đề nghị bà con chuyển đổi trồng cây khác.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức các đoàn công tác tới các thị trường trên thế giới để xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu vào Trung Đông, Hoa Kỳ, Braxin, Nhật Bản, Úc, Nga, Hàn Quốc, Châu Âu, New Zeland, Myanma… Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc triển khai xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc trong thời điểm phù hợp nhất ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát dịch nCoV và công bố mở cửa lại bình thường.

0szulnc3kb-24538_f_k67lk9gi0_IMGP8887
Các xe hàng “mắc kẹt” tại khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn do dịch nCoV. Ảnh: Vi Toàn

Trong trường hợp bùng phát dịch kéo dài nhiều tháng, Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong thị trường nội địa, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản. Đồng thời, chỉ đạo và phối hợp với các địa phương, nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và lợi thế của từng địa phương.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay, ứng phó với dịch nCoV, Bộ Công Thương đã yêu cầu các thương vụ ở nước ngoài tìm kiếm các thị trường tiêu thụ nông sản mới. Đồng thời, thường xuyên trao đổi với phía Trung Quốc về thời điểm mở lại chợ biên giới và tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tìm đầu ra mới cho nông sản. Thứ trưởng cũng đề nghị các tỉnh biên giới bố trí diện tích bảo quản cho các xe hàng nông sản đến ngày 9-2, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Bộ Công thương cũng khuyến nghị doanh nghiệp bán hàng nên đóng gói, gắn nhãn truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm để chuyển sang xuất khẩu chính thức.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO