Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 09:35 GMT+7

Tìm hiểu về việc biểu quyết kỷ luật trong Đảng

Biên phòng - Hỏi: Việc biểu quyết quyết định kỷ luật hay biểu quyết đề nghị kỷ luật trong Đảng được thực hiện như thế nào? Trong trường hợp nào thì được cộng dồn phiếu biểu quyết?

Trả lời: Tại điểm 2.2, Khoản 2, Điều 13, Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng quy định: Cấp ủy hướng dẫn đảng viên vi phạm kỷ luật chuẩn bị bản tự kiểm điểm. Hội nghị chi bộ thảo luận, góp ý và kết luận rõ nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ và biểu quyết (đề nghị hoặc quyết định) kỷ luật.

Tại Khoản 1, Khoản 2 và Điểm 3.1, Khoản 3, Điều 15, Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, quy định:

1. Sau khi xem xét, kết luận tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì tổ chức đảng phải bỏ phiếu biểu quyết hình thức kỷ luật bằng phiếu kín.

2. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm không thuộc thẩm quyền quyết định kỷ luật của cấp mình thì đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định.

3.1. Kết quả biểu quyết quyết định các hình thức kỷ luật cụ thể mà không có hình thức kỷ luật nào đủ số phiếu theo quy định, thì cộng dồn số phiếu từ hình thức kỷ luật cao nhất xuống đến hình thức kỷ luật liền kề thấp hơn, đến hình thức kỷ luật nào mà kết quả có đủ số phiếu theo quy định thì quyết định kỷ luật bằng hình thức đó.

Tại Mục 6.3, Điểm 6, Phần III, Hướng dẫn số 02-HD/TW, ngày 09/12/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về thực hiện một số nội dung Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, quy định: Việc cộng dồn phiếu chỉ thực hiện đối với việc biểu quyết quyết định hình thức kỷ luật khi phiếu biểu quyết phân tán, không có hình thức kỷ luật cụ thể nào có đủ số phiếu theo quy định; trường hợp đã cộng dồn phiếu nhưng vẫn không có đủ số phiếu để quyết định hình thức kỷ luật theo quy định thì báo cáo tổ chức đảng có thẩm quyền cấp trên xem xét, quyết định (kèm theo hồ sơ liên quan đến việc xem xét, quyết định kỷ luật).

Căn cứ các quy định trên, trường hợp tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì tổ chức đảng phải bỏ phiếu biểu quyết quyết định hình thức kỷ luật hoặc biểu quyết đề nghị hình thức kỷ luật chỉ thực hiện một lần cụ thể bằng phiếu kín.

Việc cộng dồn phiếu biểu quyết, chỉ áp dụng đối với trường hợp biểu quyết quyết định hình thức kỷ luật hoặc biểu quyết giải quyết khiếu nại kỷ luật, không áp dụng cho việc biểu quyết đề nghị hình thức kỷ luật, vì trường hợp đề nghị là thuộc thẩm quyền của tổ chức đảng cấp trên xem xét, quyết định.

BBP

Bình luận

ZALO