Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 01:38 GMT+7

Tìm lối thoát mới trong đàm phàn Mỹ - Triều

Biên phòng - Triều Tiên ngày 18-4 lại trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi thông báo đã bắn thử một loại “vũ khí dẫn đường chiến thuật mới”. Vụ thử đánh dấu sự leo thang căng thẳng sau khi các Hội nghị Thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa đưa ra thỏa thuận nào về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

3dfz_25b
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam, hồi tháng 2-2019. 

Theo giới phân tích, động thái của Triều Tiên dường như phát đi tín hiệu về một kiểu "khiêu khích mức độ thấp" khi các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ vẫn bế tắc. Và họ hy vọng “sức công phá” của loại “vũ khí” này có thể giúp Mỹ-Triều tìm ra lối thoát.

Vũ khí bí ẩn

Theo truyền thông Nhà nước Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giám sát cuộc phóng thử một loại vũ khí chiến thuật mới với “đầu đạn đầy uy lực” trong vụ thử nghiệm đầu tiên kể từ khi các cuộc đàm phán hạt nhân với Washington trở nên bế tắc.Vụ thử được “thực hiện ở nhiều chế độ bắn khác nhau nhằm vào nhiều mục tiêu khác nhau” và ông Kim Jong-un “đã chỉ đạo vụ phóng thử này”. Ông Kim Jong-un mô tả tiến bộ này “có tầm quan trọng mạnh mẽ trong việc tăng cường sức chiến đấu của Quân đội nhân dân Triều Tiên” và “các lợi thế” của vũ khí này đó là “chế độ bay dẫn đường đặc biệt và có thể chở được đầu đạn đầy uy lực”. Theo các nguồn tin, Hàn Quốc không phát hiện bất kỳ điều gì khác biệt qua ra-đa, bởi vậy khó có khả năng vũ khí này là một tên lửa.

Cách miêu tả vụ thử “được tiến hành ở nhiều chế độ bắn khác nhau nhằm vào nhiều mục tiêu khác nhau” có thể đồng nghĩa rằng nó được phóng từ mặt đất, trên biển và trên không. Theo các chuyên gia, nhiều khả năng đây là tên lửa hành trình tầm ngắn có thể được chuyển thành tên lửa mặt đất, tên lửa không đối đất, tên lửa không đối hạm, tên lửa chống hạm, cũng như tên lửa hành trình đất đối đất. Đây có thể là tên lửa dẫn đường chính xác đất đối đất tương tự như tên lửa dẫn đường chống tăng Spike của Israel mà Hàn Quốc mua hồi đầu những năm 2000.

Cũng có ý kiến cho rằng, vụ thử không phải được tiến hành với một tên lửa đạn đạo tầm trung hoặc tầm xa trong danh mục bị cấm thử. Đây có thể là một loại tên lửa hành trình mới được phát triển. Một vụ thử tên lửa đạn đạo sẽ đe dọa các cuộc đàm phán ngoại giao, dù có thể đem lại cho Triều Tiên những sự nhượng bộ để đổi lấy việc nước này giải giáp vũ khí hạt nhân. Nếu Triều Tiên bước qua “lằn ranh đỏ” này, mọi nỗ lực đàm phán từ trước đến nay giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ trở thành “công dã tràng” và hình ảnh một Triều Tiên sẵn sàng cam kết phi hạt nhân hóa sẽ sụp đổ trong mắt cộng đồng quốc tế. 

Có tin cho biết, cả Bộ Chỉ huy chiến lược của Mỹ và Bộ Chỉ huy Phòng thủ không gian Bắc Mỹ đều không quan sát thấy bất kỳ cuộc thử nghiệm vũ khí nào. Điều đó loại trừ các thử nghiệm vũ khí bay cao vào bầu khí quyển, như tên lửa đạn đạo, nhưng không loại trừ các thử nghiệm vũ khí ở độ cao thấp hơn.Theo các chuyên gia, vũ khí mới thử nghiệm của Triều Tiên có thể là bất cứ thứ gì, từ vũ khí chống tăng cho đến tên lửa hành trình, nhưng điều quan trọng đây là vụ thử ở cấp độ thấp và thông điệp mà Bình Nhưỡng truyền đi lại rất “cao”.

Ẩn ý

Triều Tiên có ý của mình khi tiến hành vụ thử. Có thể Bình Nhưỡng muốn cho cộng đồng quốc tế thấy rằng họ đang đẩy mạnh phát triển vũ khí. Cũng có thể đây là thông điệp tới người dân và quân đội Triều Tiên rằng chính quyền cam kết duy trì mức độ phòng thủ mạnh mẽ ngay cả khi tiếp tục đàm phán với Washington về vũ khí hạt nhân. 
Ở góc độ nào đó, giới phân tích đánh giá đây là hành động khiêu khích nhằm buộc Washington từ bỏ lập trường đàm phán cứng rắn và từ đó, các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên dần được nới lỏng. Đi cùng ông Kim Jong-un trong cuộc thử nghiệm có hai quan chức cấp cao của Cục Công nghiệp vũ khí đạn dược Triều Tiên (MID) vốn bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt vì các hoạt động liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, bao gồm cả việc phát triển tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn và tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng tấn công Mỹ. Rõ ràng, ngay cả khi đây không phải là vụ thử tên lửa bị cấm thì những người này và MID đều là những thực thể bị Mỹ trừng phạt vì một lý do nào đó. Và đấy chính là hình ảnh mà Bình Nhưỡng muốn chuyển tới Washington.

Có cơ sở để các nhà phân tích đánh giá như vậy vì ngoài động thái này thì hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy hoạt động gia tăng tại một cơ sở hạt nhân của Triều Tiên.Tóm lại, theo một số nhà quan sát, Triều Tiên đang dàn dựng một kiểu "khiêu khích mức độ thấp" để thể hiện sự tức giận của mình trước cách thức đàm phán hạt nhân của Mỹ. 

Lối thoát

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton mới đây nói rằng, Mỹ cần thấy được “chỉ dấu thực sự từ Triều Tiên rằng họ đã đưa ra quyết định chiến lược từ bỏ vũ khí hạt nhân” trước khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 3 được tổ chức.Trong khi đó, Triều Tiên tuyên bố, không muốn Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tham gia vào các cuộc đàm phán hạt nhân và kêu gọi một ai đó “cẩn thận và chín chắn hơn trong việc giao thiệp”. Bình Nhưỡng cho rằng không một ai có thể dự đoán tình hình trên bán đảo Triều Tiên, nếu Mỹ không loại bỏ “căn nguyên” khiến Bình Nhưỡng phải phát triển chương trình hạt nhân. Xem ra bất đồng vẫn tồn tại ngay từ trong quan điểm của mỗi bên.

b0e6_25a
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng Un thị sát buổi huấn luyện của lực lượng không quân Triều Tiên tại một địa điểm không xác định. Ảnh: KCNA

Cần lưu ý rằng trong bài phát biểu năm mới 2019, ông Kim Jong-un cảnh báo, ông sẽ buộc phải theo đuổi một “phương thức mới” nếu Mỹ không thực hiện “các biện pháp tương ứng” mà cụ thể là dỡ bỏ trừng phạt vì những gì mà Bình Nhưỡng đã thực hiện hồi năm 2018, trong đó có việc dỡ bỏ một địa điểm thử hạt nhân và tuyên bố ngừng hoạt động thử tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa hạt nhân. Vụ thử có phải một “phương thức mới”? Chưa chắc, nhưng nó đã tạo ra được một mức độ “công phá” nhất định, ngay trước thềm chuyến thăm dự kiến của ông Kim Jong-un tới Vladivostok vào tuần tới để có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Liệu Nga có phải là “phương thức mới” tiềm tàng đối với Triều Tiên?

Một cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều sẽ tạo dịp để ông Kim Jong-un “đánh tiếng” rằng ông có những đối tác tiềm năng khác nếu Mỹ không sẵn sàng thực hiện những gì mà Bình Nhưỡng coi là nghĩa vụ theo tuyên bố sau cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất ở Singapore. Rõ ràng Nga, cũng giống như Trung Quốc, là một "người chơi" quan trọng trong xử lý vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Một cuộc gặp tiếp theo với một nhà lãnh đạo thế giới sẽ tiếp tục giúp nâng cao tính hợp pháp của ông Kim Jong-un trong nền chính trị nội bộ, đồng thời giúp nhà lãnh đạo này tỏa sáng trên khán đài chính trị quốc tế sau thất bại của thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai.

Mới đây, ông Kim Jong-un đã đưa ra một lộ trình thời gian kéo dài cho đến cuối năm 2019 để Washington thay đổi lập trường và đưa ra một “quyết định táo bạo” cho hành động của mình. Nếu điều này xảy ra thì ông Kim Jong-un nói rằng, ông sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump trong Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 3. Sau những “phương thức mới”, phải chăng đây mới là lối thoát?

Hồng Ngọc

Bình luận

ZALO