Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 01/07/2024 04:30 GMT+7

Toàn cầu trước thách thức về xung đột

Biên phòng - Nửa đầu năm 2024, đúng như nhiều dự đoán, thế giới vẫn phải chứng kiến những diễn biến phức tạp từ những cuộc xung đột chưa nhìn thấy “ánh sáng nơi cuối đường hầm”. Bức tranh toàn cầu vẫn bị phủ bóng bởi những gam màu xám, nhưng cũng có nhiều sắc sáng tươi.

Tàu USS Bataan (LHD 5) của Mỹ trong một sự kiện diễu binh vào tháng 5/2023. Đây là một trong những “con át chủ bài” bảo đảm an ninh trên biển Đỏ. Ảnh: Reuters

Xung đột với nhiều bất trắc

Trong thời gian gần đây, các cuộc xung đột nổi cộm trên thế giới không “xuống thang” mà còn có những phát triển mang tính tiêu cực. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn - Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, những phát triển tiêu cực thể hiện ở việc mở rộng đối đầu từ vũ lực sang đối đầu công nghệ, truyền thông, kinh tế... Đặc biệt là sự mở rộng năng lực chuyển hóa nền kinh tế nhanh chóng, hiệu quả sang phục vụ ở thực địa giao tranh.

Bất ổn an ninh châu Âu kéo dài cùng sự phát triển nhanh chóng, hiệu quả về sản lượng công nghiệp quốc phòng, cũng như các biện pháp chiến lược. Một trong những bước tiến dễ thấy gần đây là việc Liên minh châu Âu (EU) công bố Chiến lược công nghiệp quốc phòng nhằm tăng cường khả năng tự chủ về quốc phòng. Cùng với đó, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố Chiến lược công nghiệp quốc phòng quốc gia (NDIS) nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng quốc phòng có thể sản xuất các sản phẩm, dịch vụ và công nghệ với tốc độ, quy mô đủ đáp ứng cho nhu cầu tiêu hao cao của các xung đột vũ trang.

Trong bối cảnh xung đột, việc cần thiết đối với tất cả các bên là phải chuyển hóa các nguồn lực thành sức mạnh sản xuất công nghiệp nhanh chóng, kịp thời. Nếu không, tất cả các chỉ số Tổng sản phẩm nội địa (GDP), sức mạnh tài chính, ngân sách, tài trợ... đều sẽ trở nên vô nghĩa.

Tại “chảo lửa” Trung Đông, hàng vạn sinh mạng đã bị tước đoạt bởi xung đột leo thang và lan rộng, bao gồm rất nhiều trẻ em, phụ nữ. Thương vong tại Trung Đông trong nhiều tháng trở lại đây đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng bậc nhất ở thời điểm hiện tại.

Trong các nỗ lực kìm chế xung đột, nhiều cuộc đàm phán ngừng bắn tại Trung Đông đã diễn ra, nhưng hầu như chưa đạt được bất kỳ kết quả nào đáng kể. Trong khi đó, các bên vẫn đang tranh cãi về những khái niệm, như quyền tự vệ chính đáng, đáp trả tương xứng, tôn trọng luật pháp nhân đạo quốc tế... Từ đó, “vòng xoáy” bạo lực ở Trung Đông vượt giới hạn kiểm soát, với các cuộc tấn công, trả đũa... gây ra những hệ lụy khó lường.

Một “điểm nóng” khác thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế hiện nay là biển Đỏ, nơi phiến quân Houthi cát cứ miền Bắc Yemen tiến hành hơn 60 cuộc tấn công tàu vận tải thương mại kể từ tháng 11 đến nay, gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng tuyến đường vận chuyển quan trọng hàng đầu thế giới, cũng như khiến chi phí vận tải giữa các lục địa tăng hàng chục phần trăm.

Tại châu Á, dù không xảy ra xung đột, đối đầu quân sự, nhưng cũng có những diễn biến xấu. Nổi bật nhất là ngay từ đầu năm, Triều Tiên tuyên bố bãi bỏ mục tiêu thống nhất với Hàn Quốc, thay vào đó bằng chính sách đối đầu quân sự và liên tục phóng thử tên lửa đạn đạo, triển khai các cuộc tập trận bắn đạn thật gần biên giới với Hàn Quốc. Triều Tiên cũng đã triển khai máy bay chiến đấu và tiến hành diễn tập quân sự gần biên giới trên biển và trên không. Đáp lại, Hàn Quốc đình chỉ Hiệp định quân sự liên Triều 2018 và tăng cường diễn tập quân sự với Mỹ và Nhật Bản. Đây được xem là những động thái tiêu cực đối với an ninh ở bán đảo Triều Tiên.

Vẫn có những gam màu sáng

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, dù xám là gam màu dễ nhận thấy trong bức tranh an ninh toàn cầu nửa đầu năm 2024, nhưng thực tế vẫn có những gam màu sáng.

Nổi bật nhất là quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang có những dấu hiệu “nồng ấm” hơn. Hai siêu cường đã và đang tập trung vào việc duy trì đối thoại và kiểm soát cạnh tranh. Đồng thời tiếp tục duy trì các tương tác ở cấp cao, sau cuộc gặp giữa người đứng đầu của hai quốc gia bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại thành phố San Francisco, Mỹ vào tháng 11/2023.

Trong những diễn biến tích cực này, hai bên đã mở lại các kênh liên lạc quân sự và cam kết tăng cường hợp tác về các vấn đề toàn cầu. Dù hai bên vẫn tồn tại nhiều bất đồng, nhưng đều cho thấy những nỗ lực tránh leo thang căng thẳng và duy trì ổn định khu vực. Đây được là xu hướng có thể tạo ra những kỳ vọng lớn, bởi hai siêu cường này đều hiểu lợi ích của hợp tác, ngay cả trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược.

Đặc biệt, kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm đã có những dấu hiệu tích cực, thể hiện ở con số tăng trưởng dự kiến đạt 3,1% trong năm 2024, cao hơn so với dự báo trước đó. Tuy tốc độ tăng trưởng này là tích cực nhưng vẫn thấp hơn so với mức trung bình lịch sử từ năm 2000 đến năm 2019 - thời điểm trước khi xuất hiện đại dịch Covid-19.

Cùng với đó, gam màu sáng cũng được tạo nên bởi lạm phát toàn cầu giảm đáng kể so với mức cao kỷ lục trong năm 2022. Tại Mỹ, lạm phát cơ bản dự kiến giảm xuống còn 2,4% trong năm 2024, từ mức 3,4% của năm 2023.

Là khu vực hấp dẫn đầu tư bậc nhất thế giới, kinh tế Đông Nam Á trong 6 tháng qua tăng trưởng 4,6%, tiếp tục đạt mức cao hơn nhiều mức bình quân của thế giới. Các quốc gia như Indonesia và Việt Nam tiếp tục được xem là đạt tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, khu vực vẫn đối mặt với thách thức từ lạm phát và rủi ro từ căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh giữa các nước lớn.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, các dự báo tình hình nửa sau năm 2024 hiện nay cho thấy nhiều yếu tố khó lường, xuất phát từ các cuộc xung đột, cũng như những thay đổi về chính trường, sách lược chính trị tại các nước lớn.

Hướng đến tương lai tươi sáng hơn, chắc chắn cả thế giới đều chung kỳ vọng phát triển các mối quan hệ hợp tác tích cực, kiểm soát tốt cạnh tranh chiến lược. Đây sẽ là những yếu tố quan trọng giúp đẩy lùi những gam màu xám, tô đậm hơn những sắc tươi sáng cho bức tranh chung của thế giới.

Trong 6 tháng đầu năm, thế giới không chỉ “nóng” vì xung đột, mà còn phải chứng kiến những tác hại nhìn thấy được bởi nắng nóng kỷ lục do biến đổi khí hậu gây ra. Song hành với nắng nóng là lượng mưa toàn cầu cũng đạt gần mức kỷ lục, gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở nhiều khu vực, trong khi nhiều vùng khác phải trải qua hạn hán và nguy cơ cháy rừng tăng cao.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO