Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 12:56 GMT+7

Tội phạm mua bán người gia tăng, tiếp tục có diễn biến phức tạp, xuất hiện phương thức mới

Biên phòng - Theo thông tin từ Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), nếu trong năm 2022 các lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 90 vụ/247 đối tượng phạm tội mua bán người liên quan đến 222 nạn nhân bị mua bán, thì chỉ trong 8 tháng đầu năm 2023, số nạn nhân bị mua bán đã lên đến 254 người. Riêng lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP, trong 8 tháng đầu năm 2023 đã bắt giữ, xử lý 35 vụ/41 đối tượng, giải cứu 64 nạn nhân.

Lực lượng BĐBP lấy lời khai các nạn nhân trong vụ 5 công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép qua biên giới tỉnh An Giang và bị bạo hành dẫn đến 1 người tử vong. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Theo Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc, từ năm 2021 đến nay, mỗi năm tội phạm lừa đảo, mua bán người trên nền tảng trực tuyến thu về lợi nhuận khoảng 280 tỷ USD, dự kiến năm 2025, lợi nhuận do tội phạm này mang lại là 350 tỷ USD. Vì siêu lợi nhuận như vậy nên tội phạm mua bán người đã cấu kết tạo lập nên nhiều đường dây, băng nhóm xuyên quốc gia với quy mô, tính chất ngày càng tinh vi…

Nghiên cứu các vụ mua bán người đã bị các cơ quan chức năng đấu tranh làm rõ, cho thấy các đối tượng phạm tội mua bán người sử dụng rất nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt khác nhau để lừa nạn nhân, trong đó, chúng thường sử dụng một số thủ đoạn chủ yếu sau: lợi dụng những mối quan hệ qua mạng xã hội, hứa hẹn rủ đi làm ăn xa, hợp tác làm ăn, tìm “việc nhẹ, lương cao”, ra nước ngoài lấy chồng không phải làm gì vẫn có tiền tiêu...

Đặc biệt, trong thời gian gần đây xuất hiện thêm phương thức mới như: núp bóng “môi giới lao động ngoài nước” để đưa nạn nhân sang Campuchia bóc lột tình dục, chiếm đoạt tài sản; nhiều người rơi vào tình trạng cùng cực, có người đã bỏ mạng nơi xứ người.

Điển hình, ngày 1/9/2023, BĐBP Tây Ninh đã đấu tranh thành công Chuyên án TN823P, bắt giữ 6 đối tượng trong đường dây mua bán người, giải cứu 2 nạn nhân.

Trước đó, từ ngày 23 đến ngày 25/8, với chiêu trò "việc nhẹ lương cao", thông qua các trang mạng xã hội, 5 nạn nhân bị các đối tượng lừa gạt sang Campuchia để đi lao động ở Đài Loan. Ngay sau khi số công dân trên được các đối tượng tổ chức vượt biên sang tỉnh Cần Đan, Campuchia (đối diện tỉnh An Giang, Việt Nam), đã bị một nhóm 10 người, bịt khẩu trang, dùng súng, dao, đánh đập, đòi gia đình phải nộp tiền chuộc. Gia đình của 3 nạn nhân đã nộp 500 triệu đồng tiền chuộc; gia đình của 2 nạn nhân còn lại chưa nộp tiền chuộc nên tiếp tục bị đánh đập. Đến ngày 25/8, 1 nạn nhân đã bị đánh đến chết tại Cần Đan (Campuchia), 4 người còn lại đã trốn thoát và chạy về Việt Nam.

Bên cạnh đó, hoạt động mua bán người nhằm cưỡng bức lao động trên các tàu đánh cá thuộc vùng biển các tỉnh phía Nam cũng có chiều hướng gia tăng. Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ các biện pháp công tác Biên phòng, quyết tâm, quyết liệt đấu tranh; lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP đã phá thành công nhiều chuyên án về tội phạm mua bán người nhằm mục đích cưỡng bức lao động trên biển. Gần đây nhất, thực hiện kế hoạch đấu tranh Chuyên án KG823p, từ ngày 3/7 đến ngày 13/8, BĐBP Kiên Giang đã giải cứu 5 nạn nhân bị mua bán, cưỡng bức lao động trên các tàu cá; triệt phá đường dây mua bán người dưới bình phong “cò ngư phủ”, bắt 5 đối tượng.

Trong thời gian tới, lực lượng BĐBP sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý biên giới, các đường mòn, lối mở, kênh, rạch, sông, suối biên giới, cảng biển; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, đảm bảo an ninh, an toàn địa bàn biên giới; đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền để người dân nắm được các thủ đoạn lừa đảo của tội phạm, tránh trở thành nạn nhân của hoạt động mua bán người.

Đồng thời, tổ chức rà soát địa bàn, quản lý chặt chẽ các đối tượng có điều kiện, khả năng phạm tội, kịp thời phát hiện, đấu tranh với hoạt động mua bán người và tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép; tổ chức tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm; tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân; tích cực điều tra, xác minh, củng cố tài liệu làm căn cứ xác lập chuyên án truy xét.

Ngọc Lâm

Bình luận

ZALO