Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:20 GMT+7

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng thế giới

Biên phòng - "Trong nhiều thập niên, không ai tưởng tượng nổi có một ngày Tổng thống Mỹ đứng cạnh lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội và cùng cam kết đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước lên cấp độ cao nhất. Đây là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng lịch sử không nhất thiết phải quyết định tương lai của chúng ta" - Tổng thống Mỹ Joe Biden mở đầu bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 19/9/2023.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Mỹ năm 2015. Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam

Đối tác chiến lược toàn diện

Trước đó, từ ngày 10 - 11/9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm chính thức Việt Nam, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cả hai nhà lãnh đạo nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện và đề ra những phương hướng lớn cho hợp tác trong 10 năm tới và lâu hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu đầy cảm xúc dạt dào về quan hệ Việt Nam và Mỹ tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2023, điều đó cho thấy uy tín của Việt Nam, cả kinh tế và đối ngoại được nâng cao trên trường quốc tế.

Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa từ trần, Tổng thống Joe Biden đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới nhân dân Việt Nam và gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đi đầu trong việc gây dựng mối quan hệ sâu sắc giữa nhân dân Việt Nam và Mỹ và trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Điện chia buồn của Tổng thống Mỹ Joe Biden có đoạn viết: “Ngày nay được sống trong môi trường an ninh và những cơ hội lớn hơn, đó là nhờ công lao của Ngài Tổng Bí thư. Đất nước Mỹ và cá nhân tôi sẽ luôn ghi nhớ, đánh giá cao cam kết của Ngài trong hàn gắn và xây dựng một tương lai vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và trên thế giới. Chúng tôi tôn vinh di sản của Ngài Tổng Bí thư và cùng với người dân Việt Nam xin được tỏ lòng tiếc thương sự ra đi của Ngài".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình là vị lãnh đạo đến Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc viếng sớm nhất thế giới, chia buồn sâu sắc và ghi sổ tang trước việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần: "Hơn 10 năm qua, tôi và đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc mật thiết, đã kết nên tình đồng chí nồng thắm. Sự kiện mang ý nghĩa cột mốc là năm ngoái, chúng tôi cùng tuyên bố xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược. Sự ra đi của đồng chí Nguyễn Phú Trọng khiến chúng tôi mất đi một đồng chí thúc đẩy quan hệ Trung Quốc - Việt Nam và đồng hành trong sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, khiến chúng tôi vô cùng thương tiếc. Chúng tôi sẽ mãi mãi ghi nhớ sự đóng góp kiệt xuất của đồng chí Nguyễn Phú Trọng dành cho quan hệ hai Đảng, hai nước và sự nghiệp phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới".

Biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, bà Naly Sisoulith, phu nhân của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã xúc động viết thư tay dài 3 trang giấy: “Bức thư mà em đang viết đây thực sự là bức thư được viết bằng mực hòa quyện với nước mắt của em. Em không chắc rằng có được đi cùng với đoàn của anh Thongloun Sisoulith sang dự lễ viếng, lễ truy điệu anh Trọng hay không, trong trường hợp em không được sang, em sẽ nhờ anh Thongloun Sisoulith trao thư này trực tiếp cho chị (bà Ngô Thị Mận, phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng)”.

Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, chúng tôi không thể truyền tải hết những tình cảm, đánh giá cao của bạn bè thế giới đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nâng tầm ngoại giao cây tre Việt Nam

Đất nước ta đã trải qua bao nhiêu biến cố lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra đường lối ngoại giao: “dĩ bất biến, ứng vạn biến". Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt. Có thể hiểu “nguyên tắc” bao gồm mục tiêu độc lập dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa. Còn sách lược thì thiên biến vạn hóa tùy vào tình hình cụ thể, thời điểm cụ thể, vấn đề diễn biến.

Tổng thống Vladimir Putin và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư (Sochi, 6/9/2018). Ảnh: TTXVN

Sinh thời, Bác Hồ đề ra tư tưởng ngoại giao: "Việt Nam làm bạn với mọi nước dân chủ, không gây thù oán với ai... Lấy tình người xóa đi khúc mắc”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiểu biết sâu sắc, vận dụng triệt để tư tưởng Hồ Chí Minh vào đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta một cách nhuần nhuyễn. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế và triển khai chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, cách tiếp cận biện chứng được áp dụng theo tinh thần: Lợi ích quốc gia - dân tộc là bất biến, còn ứng xử thì phải mềm dẻo, có tiến có thoái, có cương có nhu... Nhờ vậy, chúng ta sẽ làm bạn với nhiều nước trên thế giới, giữ được hòa bình, ổn định. Điều đó thể hiện qua tầm nhìn phải rộng, cảm nhận phải nhạy, suy nghĩ phải sâu, tính toán phải kỹ, hành xử phải sắc...

Thập kỷ vừa qua, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Cạnh tranh lợi ích giữa các cường quốc ngày càng gay gắt. Xung đột vũ trang, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, đảo chính, nội chiến... cùng nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống đang vượt khỏi tầm kiểm soát ở nhiều quốc gia, khu vực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn mang tư tưởng “Lấy tình người xóa đi khúc mắc” để xây dựng mối quan hệ bang giao, giải quyết các vấn đề quốc tế dựa trên tình người và lẽ phải. Nhiều học giả, chuyên gia thế giới cho rằng, Việt Nam là duy nhất trên thế giới cùng một thời điểm nhất định đã đón tiếp cấp Nhà nước với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ (Donald Trump, Joe Biden), Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Pháp, Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản, Hà Lan, Canada.... Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 192 nước, trong đó có 7 nước mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện: Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Nhật Bản, Australia.

Ngày 14/12/2021, Hội nghị đối ngoại toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nâng tầm và đưa ra trường phái "Ngoại giao cây tre Việt Nam”. Cây tre luôn có 3 phần: gốc, thân và ngọn. Gốc cây tre rất chắc, bám rễ rất chặt, là hình tượng phản ánh tư tưởng, văn hóa truyền thống ngàn đời của Việt Nam, đó là tư tưởng hòa hiếu, lấy chí nhân thắng cường bạo. Còn thân cây tre thể hiện lợi ích quốc gia dân tộc, quan điểm của chúng ta về thế giới, cho nên thân phải gắn vào gốc rất vững chắc, để giữ cho cây tre đứng, nhưng đồng thời giúp cho ngọn cây tre uyển chuyển. Ngọn uyển chuyển chính là nghệ thuật ngoại giao "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Hội nhập, đàm phán quốc tế bây giờ không chỉ liên quan đến chính trị, quân sự, không chỉ biên giới lãnh thổ, mà còn về hợp tác đầu tư, kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa, xã hội... Trên cơ sở đó, chúng ta phải hiểu được tinh thần này, mới có thể phát huy được tất cả những truyền thống ngoại giao và bản sắc ngoại giao của Việt Nam.

Hải Luận

Bình luận

ZALO