Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:00 GMT+7

Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những quyết sách quan trọng về vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Biên phòng - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ miền núi (năm 1962): “Chính sách của Đảng và Chính phủ ta đối với miền núi là rất đúng đắn. Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”. Là Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học chuyên ngành Xây dựng Đảng và trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp nối tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu về vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà gia đình thương binh tại tỉnh Gia Lai (tháng 4/2017). Ảnh: Lê Trí Dũng

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm sâu sắc đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Từ các chuyến đi công tác ở cơ sở, Tổng Bí thư đã cùng Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo thực hiện đường lối đúng đắn về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc của Đảng ta, đồng thời có sự phát triển về lý luận mang tầm chiến lược, đột phá cho lĩnh vực này.

Năm 2018, Đảng ta chủ trương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Quá trình tổng kết từ cơ sở cho thấy, công tác dân tộc còn không ít khuyết điểm, hạn chế. Một số mục tiêu quan trọng Nghị quyết đề ra nhưng chưa thực hiện được. Đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm...

Sau khi hoàn thành tổng kết, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW. Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà thường xuyên, trực tiếp là của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thực hiện Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị, tại các Kỳ họp thứ 8, 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, làm căn cứ để ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025.

Tháng 1/2021, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tiến hành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng Tiểu ban Văn kiện. Tư tưởng lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025 được thể hiện trong Văn kiện Đại hội, đó là: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các chính sách đặc thù giải quyết những khó khăn của đồng bào DTTS. Tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào DTTS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Bảo vệ và phát triển dân số các DTTS có dưới 10.000 người, đặc biệt là những DTTS có nguy cơ suy giảm giống nòi”.

Không lâu sau Đại hội XIII của Đảng, nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”. Trong bài viết, Tổng Bí thư phân tích: Một trong những đặc trưng của xã hội XHCN mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là “các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển”...

Để thúc đẩy sự bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ năm 2019-2021, đường lối công tác dân tộc của Đảng ta liên tục được hoàn thiện. Có lẽ, từ những chuyến công tác, trực tiếp chứng kiến những khó khăn của đồng bào, cộng với trái tim nhân hậu, hết lòng thương dân, để rồi trên cương vị người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư là hạt nhân lãnh đạo hình thành và phát triển một quan điểm đột phá - đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN chính là đầu tư cho phát triển bền vững của đất nước. Những quyết sách đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, diễn ra dồn dập trong thời gian ngắn từ 2019-2021 đã thể hiện mạnh mẽ quan điểm và quyết tâm thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh để “miền núi tiến kịp miền xuôi”, tạo ra xung lực, cơ hội mới để vùng đồng bào DTTS&MN phát triển toàn diện, bền vững.

Từ đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước dự kiến đầu tư khoảng 137 nghìn tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, giai đoạn 2021-2025. Đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện, tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS bình quân đạt 3,4% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao). Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 98,6%. Tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đạt 89,5% (vượt so với mức 70% mục tiêu kế hoạch giao). Tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt 91,4%. Tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt 95,7%. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 98,9%. Tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 94% (vượt so với mức 90% mục tiêu kế hoạch giao). Tỷ lệ đồng bào DTTS được xem truyền hình đạt 94,9%. Tỷ lệ đồng bào DTTS được nghe đài phát thanh đạt 94%...

Quyền bình đẳng giữa các dân tộc cơ bản được bảo đảm; đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố. Hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường, đội ngũ cán bộ được kiện toàn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ. Quốc phòng, an ninh, chính trị được giữ vững, ổn định; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường... Những thành tựu to lớn đó cho thấy đặc trưng xã hội XHCN của Việt Nam đang dần được hiện thực hóa ở vùng đồng bào DTTS&MN.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm bà con thôn Cốc Phát, xã Bản Bo, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu (tháng 7/2016). Ảnh: Tư liệu

Do tính chất công việc phải thường xuyên theo dõi các thông tin liên quan đến vùng DTTS&MN, tôi có cơ hội được xem rất nhiều hình ảnh do đồng nghiệp ở các cơ quan báo chí ghi lại trong những chuyến công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến với đồng bào ở các địa phương. Tôi đặc biệt ấn tượng với tác phẩm ảnh "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà gia đình thương binh tỉnh Gia Lai" của tác giả Lê Trí Dũng (Thông tấn xã Việt Nam).

Tác giả Lê Trí Dũng chia sẻ: "Bức ảnh này, tôi chụp khi Tổng Bí thư vào thăm gia đình thương binh Đinh Phi, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, xã Ayun. Hình ảnh người lãnh đạo cao nhất của Đảng giản dị ngồi trên bậu cửa, nắm tay, tặng quà và ân cần hỏi thăm cuộc sống của thương binh Đinh Phi gây ấn tượng mạnh với bà con địa phương và đoàn công tác bởi sự gần gũi, thân thiết, gắn bó với người dân. Tác phẩm đã gửi đi thông điệp về sự gắn bó giữa Đảng với dân. Càng gần gũi, càng giản dị, càng chân thành thì dân càng tin Đảng".

Tôi cũng nhớ chuyến công tác của mình tới vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu ở xã đặc biệt khó khăn Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Ở đó, tôi đã gặp ông Giàng A Châu - người có hơn 20 năm làm Bí thư, Chủ tịch UBND xã, “cây đại thụ” của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Ông Châu khẳng định chắc nịch, đồng bào đang có cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn. Tất cả là nhờ chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.

Tổng Bí thư đã rời xa nhân thế, song sự uyên bác trong nghiên cứu, phát triển và vận dụng đúng đắn lý luận về giải quyết vấn đề dân tộc của các bậc tiền bối chính là di sản quý báu mà Tổng Bí thư để lại cho chúng ta. Di sản đó đang được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức thực hiện để mở ra tương lai mới tốt đẹp hơn cho vùng đồng bào DTTS&MN.

Phương Liên

Bình luận

ZALO