Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:04 GMT+7

Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc!

Biên phòng - Sinh thời, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà. Tổng Bí thư là nhà lãnh đạo được các văn nghệ sĩ, người làm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật vô cùng yêu mến, kính trọng. Sự ra đi của đồng chí đã để lại niềm tiếc thương vô hạn trong mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam vào tháng 7/2023. Ảnh: CTV

Vai trò và trách nhiệm của những người làm văn hóa nghệ thuật

Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa vào tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...”. Đó là kim chỉ nam quan trọng, định hướng cho sự phát triển của nền văn hóa dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Phát triển kinh tế phải hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ nhằm mục tiêu tối thượng là phục vụ đời sống của con người Việt Nam; văn hóa cần được khai thác như động lực nội sinh quan trọng để phát triển kinh tế, phải được đặt ngang hàng và tương xứng với chính trị và kinh tế; văn hóa và kinh tế có sự tác động biện chứng với nhau, trong đó, kinh tế không thể phát triển nếu không có nền tảng văn hóa, đồng thời văn hóa không chỉ phản ánh kinh tế mà còn là nhân tố tác động đến sự phát triển kinh tế”.

Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam vào tháng 7/2023, bên cạnh sự động viên, ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp to lớn của văn học nghệ thuật nước nhà, của đội ngũ văn nghệ sĩ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Tổng Bí thư cho rằng, giới văn nghệ sĩ cần phải mang khát vọng lớn. Đồng chí chỉ rõ: “Những thành tựu văn học nghệ thuật mà chúng ta đã đạt được trong những năm qua chưa thật tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Chất lượng chưa hài hòa với số lượng. Chưa có nhiều tác phẩm tạo được sự thu hút, sự quan tâm rộng lớn của công chúng và có sức lan tỏa làm rung động lòng người. Còn ít những tác phẩm đỉnh cao, những văn nghệ sĩ lớn”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh cùng các văn nghệ sĩ tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, tháng 11/2021. Ảnh: CTV

Tổng Bí thư mong muốn các văn nghệ sĩ hãy nhận thức rõ hơn nữa để xứng với niềm tin yêu và hy vọng của nhân dân; không để những điều tầm thường dễ dãi ám ảnh mình, cũng như cần thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, thường xuyên học hỏi, đúc rút kinh nghiệm từ các thế hệ đi trước để tiếp tục đi xa hơn, tạo nên những tác phẩm lớn mang hơi thở cuộc sống xứng tầm thời đại.

Mặt khác, Tổng Bí thư cũng bày tỏ sự tin tưởng mạnh mẽ rằng, với một đất nước có bề dày truyền thống lịch sử lâu đời, một dân tộc văn hiến, trọng hiền tài, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng và tương lai của dân tộc cùng với sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị; nhất định các văn nghệ sĩ, người làm trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật sẽ khắc phục được những hạn chế, thách thức, sự tác động của văn hóa ngoại lai để chấn hưng và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm vẻ vang thêm truyền thống của cha ông.

Những chỉ đạo sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư

Đánh giá về những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển của văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khẳng định: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một “người anh cả” trong nền văn hóa đương đại Việt Nam. Ở ông có một sự am hiểu rất tinh tế, sâu sắc về văn hóa của Việt Nam, đặc biệt là sự nghiệp văn hóa đã được Đảng, Nhà nước ta xây dựng, giữ gìn và phát triển đến hôm nay”.

Nghệ sĩ thể hiện tình cảm, lòng thương tiếc vô hạn đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thông qua tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: CTV

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có tầm hiểu biết sâu rộng, trong đó hiểu sâu và tường tận về các loại hình văn hóa và những loại hình văn học nghệ thuật, cũng như đặc điểm của từng lĩnh vực như văn chương, thơ ca, sân khấu, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật...

Ở mỗi lĩnh vực, Tổng Bí thư đều có sự chỉ đạo cụ thể. Những chỉ đạo của Tổng Bí thư mang tính định hướng cho sự phát triển văn hóa của đất nước trong sự phát triển chung, đưa vai trò của văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị. Trải qua nhiều cương vị công tác, những bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều thể hiện tư duy sâu sắc, toàn diện, sự am hiểu tường tận của người đứng đầu Đảng về vai trò, vị trí đặc biệt của văn hóa, của truyền thống lịch sử bao đời của dân tộc Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, của từng lĩnh vực sáng tạo văn hóa, văn học - nghệ thuật từ văn học, sân khấu đến nhiếp ảnh, mỹ thuật...

Những chỉ đạo sâu sắc, nhân văn ấy của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khơi nguồn cảm hứng và động lực để các cấp, các ngành và toàn xã hội có những hành động cụ thể, thiết thực nhằm phát triển văn hóa, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước ngày một phồn vinh, hạnh phúc.

Trường Giang

Bình luận

ZALO