Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 26/06/2024 04:03 GMT+7

Trả giá đắt vì hám lợi

Biên phòng - Vì một chút lợi nhuận, Hướng Văn Tuân (trú tại thôn Hang Đoỏng, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) đã móc nối với một số đối tượng khác đưa người xuất cảnh trái phép qua biên giới. Hành vi phạm pháp của Tuân đã không lọt qua tinh thần cảnh giác của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Mã, BĐBP Lạng Sơn. Bị bắt giữ phạm tội quả tang, Tuân sẽ phải trả giá đắt cho sự hám lợi của mình.

Đối tượng Tuân (đứng giữa) đưa 2 đối tượng Sương và Hẩu xuất cảnh trái phép bị Đồn Biên phòng Pò Mã bắt giữ. Ảnh: Đỗ Phúc

Vào lúc 21 giờ 30 phút, ngày 10/6, tổ công tác của Đồn Biên phòng Pò Mã đang thực hiện nhiệm vụ tại chốt kiểm soát Biên phòng thuộc thôn Nặm Khoang, xã Đội Cấn, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn thì phát hiện một xe mô tô do một người đàn ông điều khiển, phía sau xe có chở 2 người đàn ông hướng di chuyển từ thôn Nặm Khoang ra biên giới có biểu hiện nghi vấn, tổ công tác đã yêu cầu dừng xe để kiểm tra.

Qua kiểm tra, người đàn ông điều khiển xe mô tô khai tên là Hướng Văn Tuân, sinh năm 1992 đang trên đường chở 2 người đàn ông lên vị trí mốc 999 để xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc với tiền công 1 triệu đồng. Ngoài ra, Tuân khai nhận có M.V.B và P.V.T, trú tại thôn Bản Phạc, xã Quốc Khánh cùng tham gia, đang đưa 4 người đàn ông Việt Nam khác cùng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. 2 người đàn ông ngồi sau xe Tuân khai tên là Quàng Văn Sương, sinh năm 1992, trú tại bản Che Phai II, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên và Lò Văn Hẩu, sinh năm 2000, trú tại bản Tân Hợp, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Khai thác sâu hơn, đối tượng Tuân khai nhận, ngày 8/6, Tuân được một người đàn ông không quen biết gọi điện thoại thuê chở một người Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Do lo sợ bị BĐBP phát hiện, bắt giữ, Tuân không nhận lời. Tuy nhiên, đến sáng 10/6, người đàn ông trên tiếp tục gọi điện cho Tuân cho biết, hiện tại có 4 người Việt Nam có nhu cầu xuất cảnh sang Trung Quốc đang ở nhà nghỉ Hải Vân, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định. Người này thuê Tuân đưa 4 người Việt Nam trên từ thị trấn Thất Khê đến khu vực mốc 999 với tiền công là 500.000 đồng/người. Lần này thì Tuân đồng ý và gọi điện rủ T cùng tham gia. Tuân và T hẹn nhau 17 giờ 30 phút đi ra thị trấn Thất Khê đón người. Trên đường đi, Tuân nhận được cuộc điện thoại của đối tượng thuê cho biết, có thêm 2 người Việt Nam cùng xuất cảnh trái phép, tổng là 6 người khách hiện đang ở nhà nghỉ Hải Vân.

Vì có thêm 2 khách nữa nên Tuân đã gọi điện rủ B cùng tham gia đón người như đã nói ở trên và B đồng ý. Khoảng 20 giờ, cả Tuân, T và B điều khiển 3 xe mô tô đến nhà nghỉ Hải Vân đón 6 người khách lên xe đưa về hướng biên giới. Trong đó, xe của Tuân đi trước, trên đường chở khách đi đến chốt kiểm soát Biên phòng thuộc thôn Nặm Khoang thì bị tổ công tác Biên phòng kiểm tra, phát hiện, lập biên bản bắt người phạm tội quả tang. Tuân khai, không rõ T và B chở 4 người khách đi đường nào.

Làm việc với cán bộ nghiệp vụ của Đồn Biên phòng Pò Mã và cán bộ Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP Lạng Sơn, Quàng Văn Sương khai nhận đang làm phụ hồ xây dựng tại huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, do thu nhập thấp nên Sương muốn xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc tìm việc làm có mức lương cao hơn. Ngày 8/6, thông qua mạng xã hội Facebook, Sương thấy đăng bài tuyển người đi làm việc ở Trung Quốc và kèm theo tài khoản Zalo có tên Tổng Tài.

Quàng Văn Sương khai: “Tôi kết bạn, nhắn tin thì được biết người này là nam giới (không rõ tên tuổi, địa chỉ). Người đàn ông cho biết, hiện nay bên Trung Quốc đang cần người làm ở xưởng chế biến hải sản (chế biến tôm), lương tháng khoảng 5.000 nhân dân tệ. Chi phí để xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc do người đàn ông có tài khoản Tổng Tài chi trả, đến Trung Quốc có việc làm sẽ trừ dần vào thu nhập hằng tháng. Tôi đồng ý và được Tổng Tài dặn ngày 9/6 có người đến đón đưa đến thị trấn Thất Khê sẽ có người đưa xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc”.

Cũng theo lời khai của Sương, khoảng 14 giờ, ngày 9/6, người đàn ông dùng tài khoản Tổng Tài gọi cho Sương thông báo về việc xe ô tô sẽ đến đón và bảo Sương chuẩn bị đồ dùng cá nhân. Khoảng hơn 17 giờ cùng ngày, Sương và Hẩu được một người lái xe ô tô 7 chỗ tới đón. Trên xe còn có 4 người khác gồm 3 người lớn và 1 trẻ nhỏ. “Sau đó, lái xe đưa chúng tôi đến thị trấn Thất Khê. Trước khi đi người đàn ông dùng tài khoản Tổng Tài nói với tôi có người gửi yêu cầu kết bạn Zalo thì chấp nhận kết bạn để liên lạc, trao đổi, hẹn ở cùng nhau tiện cho việc đón, đưa xuất cảnh trái phép. Trên đường đi, tôi nhận được lời mời kết bạn Zalo tên tài khoản “Chàng cô đơn”, người này không giới thiệu tên tuổi, địa chỉ, chỗ ở, chỉ cho biết cũng đang trên đường xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Hơn 22 giờ cùng ngày, xe ô tô đưa tôi và Hẩu đến thị trấn Thất Khê, cả 2 chúng tôi xuống xe và đi bộ đến nhà nghỉ Hải Vân, còn xe ô tô đi đâu tôi không rõ” - Sương khai nhận.

Khi đã đến nhà nghỉ Hải Vân, Sương được Tổng Tài chuyển cho 1 triệu đồng qua tài khoản tên Pham Thi Thao để trả tiền phòng nhà nghỉ. Sau đó, Sương và Hẩu được đón đi cùng 4 người khác. Khi tới chốt kiểm soát Biên phòng thì bị kiểm tra, bắt giữ như đã nói ở trên.

Trên cơ sở lời khai của Tuân, Đồn Biên phòng Pò Mã đã cử cán bộ tới nhà B tuyên truyền, vận động để B nhận ra hành vi vi phạm của mình. Biết hành vi của mình là sai trái, không thể trốn tránh mãi, ngày 11/6, B đã đến Đồn Biên phòng Pò Mã để đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. B khai, do không theo kịp Tuân nên đã dừng lại chờ khoảng 30 phút. Sau đó, B và T đưa 4 người khách về lại thị trấn Thất Khê, nghỉ tại nhà nghỉ Bảo Dương, rồi cả hai điều khiển xe về nhà. Lúc đó là khoảng 0 giờ, ngày 11/6. Hiện, Đồn Biên phòng Pò Mã đang hoàn chỉnh hồ sơ vụ án, bàn giao hồ sơ, đối tượng cho lực lượng công an tiếp tục điều tra làm rõ.

Có thể thấy, trong vụ việc này, các đối tượng tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép hoạt động với nhiều chân rết, phân công nhiệm vụ cụ thể, với sự câu kết giữa các đối tượng ở trong và ngoài nước, cả người Việt Nam và người nước ngoài. Quá trình liên lạc, thỏa thuận, các đối tượng thường sử dụng sim rác, qua tài khoản mạng xã hội ẩn danh, giao dịch chuyển, nhận tiền trực tiếp hoặc qua tài khoản ngân hàng mang tên người khác, qua các dịch vụ chuyển tiền trung gian... Điều này gây nhiều khó khăn cho cơ quan điều tra.

Đối tượng và các đường dây tội phạm này nhắm tới là người trong độ tuổi lao động không có việc làm, hoặc có nhu cầu tìm việc ở nước ngoài. Do đó, người dân cần cảnh giác trước các chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” để tránh bị lừa đảo, cưỡng bức làm việc tại nước ngoài.

Nguyễn Bích

Bình luận

ZALO