Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 28/06/2024 01:07 GMT+7

Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn trong quân đội thực hiện chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến năm 2030

Biên phòng - Ngày 2/2/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 140/QĐ-TTg về Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên đến năm 2030.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, BĐBP Quảng Trị phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống ma túy cho học sinh trên địa bàn. Ảnh: CTV

Chương trình xác định các mục tiêu cụ thể như: Kiềm chế tỷ lệ gia tăng; tiến tới giảm số lượng thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy so với năm trước. Bảo đảm quản lý chặt chẽ số thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy, sau cai nghiện ma túy theo quy định. Đến năm 2025, trên 80% và năm 2030, trên 90% thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tư vấn, khám sàng lọc, đánh giá, được giáo dục thay đổi hành vi, điều trị, cai nghiện ma túy thích hợp và thanh, thiếu niên sau cai nghiện ma túy, thanh, thiếu niên chấp hành xong án phạt tù về tội phạm ma túy được hỗ trợ dạy nghề, việc làm và các hoạt động hỗ trợ hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật.

Hằng năm, giảm số vụ thanh, thiếu niên phạm tội về ma túy so với năm trước; các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy liên quan đến thanh, thiếu niên được đấu tranh, triệt xóa kịp thời và không để tái hình thành; trên 90% số vụ phạm tội về ma túy phát hiện liên quan đến thanh, thiếu niên được giải quyết, xét xử theo quy định. Hằng năm, ít nhất 70% cơ sở giáo dục bậc trung học cơ sở trở lên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về phòng, chống ma túy cho cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên. Đến năm 2025, trên 80% và năm 2030, 100% cán bộ, giáo viên, giảng viên được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy để có đủ năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên...

Để thực hiện mục tiêu trên, chương trình xác định 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, liên quan tới trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức: Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan quan Trung ương các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đặc biệt, chương trình nêu rõ trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, đó là: Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức Đoàn trong Quân đội phối hợp cơ quan, đơn vị, tổ chức Đoàn nơi đóng quân đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cho thanh, thiếu niên; xây dựng, nhân rộng các mô hình thanh, thiếu niên xung kích tham gia phòng, chống ma túy ở khu vực biên giới. Như vậy, thực hiện chương trình này, trách nhiệm phối hợp của cơ quan, đơn vị, tổ chức Đoàn trong Quân đội và cơ quan, đơn vị, tổ chức Đoàn nơi đóng quân gắn liền với hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy và xây dựng, nhân rộng mô hình tiêu biểu tham gia phòng, chống ma túy ở khu vực biên giới.

Thượng tá Phạm Thị Thanh Huế (Học viện Biên phòng)

Bình luận

ZALO