Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 10:18 GMT+7

Trấn giữ trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào

Biên phòng - Ra đời tháng 3/1959 trong điều kiện còn khó khăn, thiếu thốn, lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) đã phải đương đầu với nhiều thách thức trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Nhưng bằng sự mưu trí, dũng cảm, được sự ủng hộ của chính quyền các cấp và nhân dân trong khu vực biên giới, các đơn vị CANDVT đã hoàn thành tốt việc đấu tranh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

CANDVT tỉnh Nghệ An bắt toán gián điệp, biệt kích nhảy dù xuống huyện Con Cuông, năm 1963. Ảnh: T.L

Tập trung chống gián điệp, biệt kích và trấn áp phản cách mạng

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, bọn phỉ, gián điệp, biệt kích, phản động lưu vong ráo riết tổ chức các đường dây, tiến hành các hoạt động phá hoại, khiêu khích. Bên cạnh đó, chúng còn móc nối cơ sở, tuyên truyền chống đối, gây hoang mang dao động, mê hoặc, lôi kéo, kích động quần chúng nhân dân gây bạo loạn, chống lại chính quyền.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp, tháng 2/1963, Bộ Tư lệnh CANDVT tổ chức Hội nghị chuyên đề bảo vệ tuyến biên giới Việt Nam - Lào nhằm tăng cường công tác đấu tranh với các hoạt động của địch. Cùng với đó, Bộ Tư lệnh CANDVT chỉ thị cho các tỉnh có chung biên giới với Lào tăng cường công tác nắm bắt tình hình, tiễu phỉ, tiêu diệt các toán gián điệp, biệt kích, phản động, tổ chức tốt màng lưới trinh sát phục vụ bảo vệ biên giới. Với tinh thần “Chủ động đối phó có hiệu quả với mọi tình huống có thể xảy ra”, các đơn vị CANDVT đã phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh biên giới với nội dung và hình thức thích hợp với yêu cầu, đặc điểm của mỗi địa bàn.

Song song với đó, CANDVT đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương tiến hành các biện pháp làm trong sạch địa bàn, trừng trị các phần tử phản cách mạng có biểu hiện chống đối, phá hoại. Tính từ năm 1959 đến 1964, các đơn vị CANDVT đã xây dựng 1.115 đặc tình, hàng nghìn cơ sở bí mật và hoàn thành việc điều tra cơ bản ở 3.058 bản trên toàn tuyến, phục vụ cho việc lập phương án bảo vệ tuyến biên giới và ở từng khu vực.

Cùng với việc triển khai các mặt công tác cơ bản quản lý, bảo vệ biên giới, nhiệm vụ quan trọng và cấp bách trong giai đoạn này của CANDVT tuyến biên giới Việt Nam - Lào là tập trung chống gián điệp, biệt kích và trấn áp phản cách mạng. Từ năm 1959 đến năm 1962, trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, lực lượng trinh sát CANDVT phối hợp với các lực lượng hoạt động ở ngoại biên và bộ đội Pa-thét Lào phát hiện, truy diệt 143 cơ sở gián điệp, biệt kích của địch trà trộn trong số dân tộc ít người lưu vong nằm dọc biên giới. CANDVT cũng đã cung cấp tài liệu cho bạn bắt, xử lý 296 tên gián điệp, phản động; diệt và gọi hàng 604 tên; phát hiện và đấu tranh hiệu quả với 33 đường dây gián điệp, biệt kích hoạt động con thoi qua biên giới, bắt 18 tên. CANDVT khu Vĩnh Linh đã phối hợp với lực lượng trinh sát nội biên lập và đấu tranh 2 chuyên án gián điệp, bắt 14 tên gián điệp xâm nhập bờ Bắc, diệt 34 tên tề, ngụy ác ôn. Kết hợp với công tác truy tìm các toán gián điệp, biệt kích Mỹ - ngụy, các đồn CANDVT tuyến biên giới đất liền vẫn thường xuyên làm nhiệm vụ tiễu phỉ, dẹp bạo loạn. Điển hình như Thượng sĩ Lương Xuân Huyến, Đồn CANDVT Cao Vều (Nghệ An) đã cùng 2 đồng chí dũng cảm vào tận hang ổ địch kêu gọi vận động 19 tên phỉ ra hàng, thu 14 súng các loại.

Nhanh chóng dập tắt các vụ “xưng vua”, “đón vua”

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, nhất là các tỉnh khu vực miền Trung, bọn phỉ, gián điệp, biệt kích, bọn phản động lưu vong ráo riết tổ chức các đường dây, tiến hành các hoạt động phá hoại, gây bạo loạn, “xưng vua”, “đón vua”. Xuất hiện từ năm 1960, hiện tượng “xưng vua”, “đón vua” (còn gọi là châu phà) lan rộng ra các vùng đồng bào dân tộc Mông, Thái ở Kỳ Sơn, Nghệ An. Trong 11 xã của huyện Kỳ Sơn, đã có gần 600 người theo “châu phà”. Cuối tháng 12/1963, chúng kích động và tổ chức quần chúng gây bạo loạn, chống lại cách mạng.

Tháng 4/1964, CANDVT tỉnh Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng và nhân dân đập tan vụ bạo loạn ở Kỳ Sơn. Trong đợt chiến đấu này, ta diệt tại chỗ 20 tên, bắt 23 tên, vận động ra đầu thú 175 tên, thu 117 súng các loại. Rút kinh nghiệm vụ dẹp bạo loạn ở huyện Kỳ Sơn, Bộ Tư lệnh CANDVT kịp thời chỉ đạo CANDVT các tỉnh Thanh Hóa, Sơn La, Lai Châu nhanh chóng dập tắt các vụ “xưng vua”, chuẩn bị gây bạo loạn tại các vùng dân tộc Mông ở Pù Nhi (Thanh Hóa), Mộc Châu (Sơn La), Hạnh Phúc (Lai Châu).

Thời gian này, hoạt động gián điệp, biệt kích cũng được tăng cường một cách ráo riết và táo bạo hơn. Địch thường xuyên xâm nhập bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, đặc biệt là qua biên giới Việt Nam - Lào. Nhưng phần lớn các toán này đều bị CANDVT phối hợp với đơn vị Công an, Quân đội và dân quân địa phương kịp thời phát hiện, vây bắt. Giữa tháng 11/1966, Đồn CANDVT Tây Trang nhận được thông tin có một số người lạ mặt khả nghi xuất hiện ở địa bàn. Nhận định đây là bọn biệt kích nhảy dù, ngày 22/11/1966, lãnh đạo CANDVT tỉnh Lai Châu đã cử lực lượng phối hợp với Đồn CANDVT Tây Trang tiến hành truy lùng.

Sau hơn 1 tháng vừa truy đuổi, vừa chiến đấu, ta đã bắt gọn toán biệt kích 8 tên (bắt sống 5 tên, bắn chết 3 tên), thu 18 khẩu súng các loại, 34 quả lựu đạn và nhiều khí tài khác. Qua đấu tranh khai thác, chúng khai, toán này có 8 tên, mật danh là Săm Sông A. Nhiệm vụ của chúng là thu tin tức báo về trung tâm để chỉ đạo cho máy bay đến đánh phá. Thời gian hoạt động 6 tháng. Chúng được máy bay đưa từ sân bay Tân Sơn Nhất sang Thái Lan rồi qua Lào. Sau khi đổ xuống một địa điểm thuộc đất Lào, chúng xâm nhập vào biên giới nước ta và bị bắt.

Ngày 30/10/1967, nhân dân phát hiện một toán địch nhảy dù ở khu vực xóm Quạt, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Dân quân xã đã truy kích, bắn chết 2 tên (trong đó có tên toán trưởng) và bắn bị thương một tên, số còn lại bỏ chạy vào rừng. Ngay khi nhận được tin báo, Bộ Tư lệnh CANDVT đã chỉ đạo CANDVT 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình đưa lực lượng phối hợp với các đơn vị chức năng truy bắt. Sau 18 ngày băng rừng lội suối, các lực lượng đã bắt 6 tên, tiêu diệt 4 tên (trong đó, lực lượng của CANDVT 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình bắn chết 1, bắt sống 6); thu 11 súng, một số mìn, lựu đạn và nhiều khí tài khác.

Qua khai thác, chúng khai, toán này thuộc liên đoàn Xitras 112 của Mỹ - ngụy. Chúng xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất ngày 22/10/1967 bằng máy bay rồi nhảy dù xuống khu vực xóm Quạt. Nhiệm vụ của chúng là điều tra các đoàn xe vận chuyển trên đường chiến lược 12 và 15; các kho tàng và các trận địa pháo, khu vực quân sự trên đường chiến lược của ta để chỉ cho máy bay đánh phá; cứu phi công Mỹ bị bắn rơi.

Đăng Bảy

Bình luận

ZALO