Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 05:54 GMT+7

Trang bị kiến thức pháp luật và phòng ngừa rủi ro cho ngư dân

Biên phòng - Không ít ngư dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chưa nhận thức đầy đủ về các quy định của pháp luật và thiếu kiến thức, kỹ năng để đảm bảo an toàn trong hành nghề trên biển. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động truyền thông pháp luật, hướng dẫn kỹ năng sơ, cấp cứu các tai nạn thường gặp sẽ giúp ngư dân nâng cao nhận thức, từ đó chủ động phòng tránh vi phạm pháp luật và đảm bảo an toàn lao động trong hoạt động khai thác hải sản.

Cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Thuận hướng dẫn phương pháp sơ, cấp cứu đối với các trường hợp tai nạn thường gặp trong quá trình hành nghề của ngư dân. Ảnh: Trung Thành

Xuất phát từ mong muốn góp phần cải thiện điều kiện lao động, an toàn cho ngư dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, khích lệ ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, lan tỏa những hành động nhân ái trong cộng đồng, thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ phối hợp với BĐBP Bình Thuận tổ chức nhiều hoạt động trong Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” giai đoạn 2022-2027 do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động. Từ chương trình, nhiều ngư dân nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã nhận được sự quan tâm, sẻ chia từ cộng đồng để có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.

Mới đây, Chương trình truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật và sơ, cấp cứu cho ngư dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2023 đã trở thành hoạt động bổ ích, thu hút sự tham gia của 300 ngư dân nghèo trên địa bàn 35 xã, phường, thị trấn ven biển của tỉnh Bình Thuận. Tham gia các buổi truyền thông, ngư dân được tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Thủy sản năm 2017; Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; tình hình tàu cá, ngư dân trên địa bàn vi phạm vùng biển nước ngoài; chế tài xử lý của các nước và quy định của pháp luật Việt Nam đối với hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản bất hợp pháp.

Ngư dân còn được cung cấp thông tin về tầm quan trọng và các nguyên tắc cơ bản trong sơ, cấp cứu; dấu hiệu nhận biết ngừng thở, ngừng tim, nguyên nhân, nguy cơ, nguyên tắc xử trí; kỹ thuật hồi sinh tim phổi; nguyên tắc xử trí, các phòng ngừa đuối nước; sơ cứu say nắng, sốt cao... và tổ chức thực hành sơ cấp cứu với một số trường hợp tai nạn thường gặp trong quá trình ngư dân hành nghề trên biển.

Ông Nguyễn Văn Tư, ở xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết cho biết: Các buổi tuyên truyền như thế này đối với bà con ngư dân chúng tôi là rất cần thiết, rất ý nghĩa, đây không chỉ là những kiến thức hết sức cơ bản, giúp ngư dân nâng cao nhận thức, mà còn giáo dục, răn đe để mọi người cùng nhau chấp hành tốt các quy định của pháp luật Việt Nam và các nước khi khai thác đánh bắt. Còn theo ngư dân Nguyễn Thành Châu, ở xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, việc BĐBP và Hội Chữ thập đỏ tỉnh tuyên truyền pháp luật và hướng dẫn người dân biết cách xử lý các tình huống khi hành nghề trên biển là những việc làm hết sức hữu ích. Qua đó, giúp ngư dân vững vàng, tự tin hơn trong quá trình khai thác hải sản.

Bình Thuận là một trong 4 ngư trường lớn nhất cả nước, toàn tỉnh hiện có 7.545 tàu cá các loại, với 1.837 chiếc tàu cá có công suất từ 90CV trở lên, trong đó có 179 tàu dịch vụ hậu cần xa bờ; sản lượng khai thác hải sản hằng năm đạt khoảng 240.000 tấn. Số lao động trực tiếp khai thác hải sản trên biển là 36.822 người; trong đó có trên 7.800 ngư dân nghèo, cận nghèo, khó khăn.

Điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều ngư dân gặp không ít trở ngại trong việc bám nghề, bám biển, cũng như nảy sinh vi phạm các quy định của pháp luật trong quá trình đánh bắt vì lợi ích trước mắt. Vì vậy, việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” giai đoạn 2022-2027 do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động trên địa bàn tỉnh Bình Thuận luôn được Hội Chữ thập đỏ tỉnh và BĐBP tỉnh quan tâm, từ đó phối hợp chặt chẽ bằng nhiều chương trình, hình thức thực hiện khác nhau.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Thuận cho biết: Nhằm giúp bà con nâng cao nhận thức, cải thiện điều kiện lao động an toàn, tạo động lực, khích lệ tinh thần để tích cực vươn khơi, từ năm 2022 đến nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và BĐBP tỉnh đã phối hợp cùng các đơn vị tặng 2.250 bộ áo phao cứu sinh đa năng, 140 túi sơ, cấp cứu, 140 lá cờ Tổ quốc với tổng trị giá trên 3 tỷ đồng; hỗ trợ sinh kế với số tiền 190 triệu đồng; tổ chức 5 lớp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 300 ngư dân nghèo, khó khăn và hàng trăm ngày công lao động để sửa chữa, xây nhà cho ngư dân nghèo ở khu vực biên giới biển của tỉnh...

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”, thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Thuận cùng BĐBP tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh vận động các nguồn lực để tổ chức nhiều hơn nữa các lớp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và hướng dẫn sơ, cấp cứu tai nạn thương tích trên biển cho ngư dân. Đồng thời, vận động nguồn lực để thực hiện các chương trình hỗ trợ sinh kế, nhà ở cho ngư dân nghèo ở các địa phương ven biển. Qua đó, giúp ngư dân khắc phục khó khăn, có điều kiện tốt hơn để yên tâm vươn khơi bám biển, vừa đánh bắt hải sản, vừa phát triển kinh tế, khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trung Thành

Bình luận

ZALO