Biên phòng - Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm rượu bia là nguyên nhân gây tử vong cho 3,3 triệu người, làm mất đi 5,1% số năm sống khỏe mạnh của con người. Tại Việt Nam, rượu bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông; gây ra gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội, 70% vụ phạm pháp hình sự, khiến 800 ca tử vong do bạo lực hằng năm.
Thế nên, Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (có hiệu lực từ ngày 15-11-2020), bao gồm nhiều nội dung nhằm hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của rượu bia như: phạt hành vi ép buộc, xúi giục, lôi kéo, kích động người khác uống rượu bia được xem là vô cùng cần thiết.
Song, nhiều chuyên gia pháp luật chỉ ra, việc chưa có hướng dẫn nhận diện cụ thể các hành vi vi phạm cũng như chưa cụ thể hóa từng cá nhân, tổ chức trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm sẽ dễ khiến quy định này đi vào “vết xe đổ” của nhiều quy định trước đó.
Thực tế, trước đây, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định, chế tài được đưa ra để xử lý xử phạt các hành vi liên quan đến sử dụng rượu bia, song mẫu số chung của các quy định này là thiếu hiệu quả vì không đủ tính răn đe lẫn các công cụ và nhân lực xử lý.
Xin đơn cử, Nghị định 40/2008/NĐ-CP đã ban hành từ năm 2008, quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi. Nhưng đến nay, chúng ta dễ dàng chứng kiến trẻ vị thành niên tụ tập ăn nhậu thoải mái, mà chưa thấy hàng quán nào bị phạt về hành vi này. Nay, Nghị định 117/2020/NĐ-CP tiếp tục quy định chế tài, xử phạt cụ thể từ 1 - 3 triệu đồng đối với các hành vi rủ rê, lôi kéo, xúi giục, kích động hay ép buộc người khác uống rượu bia, song sẽ khó khả thi nếu không xác định được ai giám sát, kết luận được những hành vi này để xử phạt.
Quy định tăng mức xử phạt với hành vi hút thuốc ở nơi công cộng trong Nghị định 117/2020/NĐ-CP cũng vấp phải vấn đề tương tự từ nhiều năm qua, khi thuốc lá được bày bán công khai nhiều nơi và bán cho bất cứ lứa tuổi nào. Các cơ quan chức năng chưa thể kiểm soát được tình trạng này thì sẽ khó xử phạt được người hút thuốc nơi công cộng.
Các chuyên gia khẳng định, khi ban hành luật lệ, quy định, cơ quan chức năng đã tính đến việc thực thi, bởi chính hiệu quả của việc thực thi mới mang lại giá trị hữu dụng của luật lệ, quy định. Nhưng quy định ban hành mà thiếu tính khả thi sẽ phản tác dụng và nguy hại hơn là dẫn đến tâm lý “nhờn luật”.
Cần phải khẳng định, việc ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP về quy đinh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và trước đó là Luật Phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, được xem là những cơ sở pháp lý quan trọng với các biện pháp chế tài mạnh mẽ được trông chờ sẽ góp phần từng bước hạn chế những tác động tiêu cực do lạm dụng rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Tuy nhiên, những quy định, chế tài xử lý của pháp luật muốn đi vào đời sống vững chắc, các nhà làm luật, các cơ quan hữu quan cần phải sớm đưa ra những hướng dẫn cụ thể để nhận diện hành vi vi phạm. Không chỉ vậy, cần quy trách nhiệm xử lý vi phạm cho từng tổ chức, cá nhân cụ thể và hơn hết là ai không thực hiện đều phải bị xử lý nghiêm minh, cho dù đó là ai, thì mới mong chính sách đạt hiệu quả như mong muốn.
Rõ ràng, để kiểm soát tác hại của rượu bia, mỗi người dân không chỉ đồng thuận, tuân thủ pháp luật, mà còn phải tự giác xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh.
Thanh Thảo