Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 30/06/2024 09:11 GMT+7

Trao truyền hát lý cho thế hệ trẻ người dân tộc Cơ Tu

Biên phòng - Truyền dạy, bảo tồn di sản hát lý của dân tộc Cơ Tu là một trong những nội dung thuộc Dự án 6 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021-2025) đang được ngành Văn hóa phối hợp với ngành Giáo dục và chính quyền địa phương tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng tích cực triển khai trong thời gian vừa qua, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Lớp học hát lý của người Cơ Tu được tổ chức đều đặn mỗi cuối tuần ở nhà Gươl thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc). Ảnh: Tư liệu

Độc đáo, tinh tế bởi lối hát ẩn dụ

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, cộng đồng người Cơ Tu sinh sống chủ yếu tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và Phú Túc (xã Hòa Phú) đều thuộc huyện Hòa Vang. Trong đó, 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí có hơn 250 hộ dân Cơ Tu sinh sống. Tại 2 thôn này đều có nhà Gươl là địa điểm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, hội họp của người dân trong thôn và phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng thức các loại hình văn hóa truyền thống của du khách. Đây cũng là điểm trưng bày các sản phẩm nghề truyền thống Cơ Tu quan trọng nhất trong các dịp lễ, tết...

Từ thời điểm cuối năm 2023 đến nay, cứ đến cuối tuần là tại nhà Gươl thôn Tà Lang lại ngân vang những câu hát lý. Đây là những buổi học của lớp học hát lý truyền thống do Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang phối lợp với UBND xã Hòa Bắc tổ chức. Lớp học có sự tham gia của gần 30 học viên, do già làng, nghệ nhân Bùi Văn Siêng (còn gọi là Alăng Siêng, thôn Giàn Bí) và già làng, nghệ nhân Đinh Hồng Khanh (thôn Tà Lang) đứng lớp. Để thế hệ trẻ người Cơ Tu hiểu hơn về nghệ thuật nói lý, hát lý truyền thống của người Cơ Tu, mỗi buổi truyền dạy hát, già làng, nghệ nhân Alăng Siêng đã giảng giải cho lớp hậu bối hiểu về lối nói lý, hát lý trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Theo đó, nghệ thuật nói lý, hát lý được người Cơ Tu dùng để đối đáp, thử tài nhau giữa các bậc cao niên hoặc giữa chủ nhà với khách trong các sự kiện, lễ, tết, cưới hỏi, ma chay. Đặc biệt, vào dịp Tết cổ truyền, lễ mừng lúa mới, kết nghĩa ăn thề hay các hoạt động du lịch, hát lý được cất lên trong không gian sinh hoạt chung tại nhà Gươl, hòa nhịp cùng “vũ điệu dâng trời” tung tung da dá và tiếng cồng chiêng, tiếng trống ngân nga, dìu dặt của đồng bào. Nội dung của những câu hát lý là sử dụng hình ảnh này để ẩn dụ, ví von với hình ảnh kia. Trong mỗi câu hát bao hàm những ý nghĩa sâu xa để đối phương giải nghĩa. Người nói lý, hát lý giỏi là người biết kết hợp hình ảnh, nội dung, giai điệu phù hợp để đối đáp khéo léo. Vì sự độc đáo đó mà điệu hát lý của người Cơ Tu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2015.

Nhiều năm nay, trong cộng đồng người Cơ Tu ở 2 xã Hòa Bắc và Hòa Phú, huyện Hòa Vang, già làng Alăng Siêng và Đinh Hồng Khanh là 2 nghệ nhân có uy tín luôn được dân làng cậy nhờ trong những dịp đám hỏi, đám cưới. Giỏi nói lý, hát lý, nên 2 già làng này mới có thể đi làm ông mai (ông mối) cho nhiều đôi nam nữ người Cơ Tu nên duyên chồng vợ. Trong tập tục cưới hỏi của người Cơ Tu đều dùng những câu nói lý, hát lý. Bắt đầu lễ hỏi, ông mai nói lý để trình bày việc xin cưới với nhà gái. Sau khi chấp nhận lời hỏi cưới, nhà gái muốn thách cưới, đòi sính lễ gì đều sẽ hát lý để tỏ bày nguyện vọng. “Hai bên hát lý, đối đáp qua lại để thống nhất sính lễ. Bởi vậy, ông mai của nhà trai bao giờ cũng là người được kính trọng, tin tưởng mới giao phó trách nhiệm, phải biết hát lý, nói lý giỏi, hay để nhà gái không chê cười” - già làng Alăng Siêng cho biết.

Trong lễ đâm trâu, mừng lúa mới của người Cơ Tu, bên cạnh điệu múa tung tung da dá, biểu diễn cồng chiêng, hát lý cũng là cách để mọi người chúc Tết, để người già căn dặn lớp trẻ vào dịp năm mới. Trong không khí đầm ấm, sum vầy của năm mới, dưới mái Gươl, những câu hát lý gửi gắm kỳ vọng của các bậc cao niên về một năm mới tốt đẹp hơn, trời đất phù hộ cho dân làng cơm no áo ấm, bản làng đoàn kết, gắn bó...

"Việc tổ chức và duy trì lớp học hát lý cho bà con Cơ Tu ở các thôn Tà Lang, Giàn Bí là cách để duy trì văn hóa, không để bản sắc của đồng bào Cơ Tu dần mai một. Thời gian tới, chúng tôi cũng mong muốn chính quyền tiếp tục hỗ trợ để hát lý được duy trì trong các lễ hội truyền thống cũng như các chương trình, sự kiện du lịch địa phương, góp phần gìn giữ, quảng bá nét văn hóa truyền thống độc đáo này” - già làng Alăng Siêng bộc bạch.

Trao truyền, bảo tồn, phát huy di sản

Còn tại tỉnh Quảng Nam, di sản nói lý, hát lý của dân tộc Cơ Tu đã được đưa vào trường học để truyền dạy cho học sinh người dân tộc thiểu số. Nhiều câu lạc bộ (CLB) nói lý, hát lý Cơ Tu đã được thành lập. Đơn cử như CLB nói lý, hát lý Cơ Tu của Trường Trung học phổ thông Quang Trung (thị trấn P’rao, huyện Đông Giang) thường xuyên duy trì các buổi sinh hoạt và trao truyền nói lý, hát lý cho học sinh.

Già làng Alăng Siêng giảng giải cho lớp học về nghệ thuật hát lý - nói lý truyền thống của người Cơ Tu. Ảnh: Tư liệu

Ra mắt và duy trì hoạt động hơn 2 năm qua, mỗi năm học, CLB nói lý, hát lý của trường có 48 học sinh tham gia. Gươl truyền thống đồng bào Cơ Tu trong khuôn viên trường là nơi sinh hoạt định kỳ của CLB. Tại các buổi sinh hoạt, các học sinh trong CLB nói lý, hát lý nhà trường được các vị có uy tín, các nghệ nhân Cơ Tu nói chuyện về cái hay, cái đẹp của nói lý, hát lý truyền thống của đồng bào mình. Các em cũng được các nghệ nhân hướng dẫn cách nói lý, hát lý.

Nghệ nhân Arất Tiếp (thị trấn P’rao) thường xuyên tham gia nói chuyện và hướng dẫn cách nói lý, hát lý cho học sinh, chia sẻ: “Phải truyền đạt nói lý, hát lý Cơ Tu một cách tốt nhất cho các cháu. Tôi cũng như các già làng, những người am hiểu nói lý, hát lý rất vui vì nhiều học sinh tiếp thu học hỏi về nói lý, hát lý truyền thống của đồng bào”.

Cùng với CLB nói lý, hát lý Cơ Tu tại Trường Trung học phổ thông Quang Trung, đến nay, huyện Đông Giang đã thành lập thêm CLB nói lý, hát lý tại thôn Bhờ Hôồng (xã Sông Kôn), CLB nói lý, hát lý thôn Tà Vạc (thị trấn P’rao) và CLB nói lý, hát lý thôn Tơngung Abung (xã A Roi).

Hầu hết thành viên tham gia các CLB nói lý, hát lý là học sinh và đoàn viên thanh niên. Sinh hoạt trong các CLB nói lý, hát lý, học sinh và đoàn viên thanh niên được các nghệ nhân Cơ Tu hướng dẫn nói lý, hát lý một cách bài bản. Nội dung nói lý, hát lý tập trung vào việc tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục; vận động người dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng nông thôn mới...

Thông qua CLB nhằm tuyên truyền sâu rộng đến thế hệ trẻ và người dân về bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, bản sắc của đồng bào; góp phần làm cho đời sống của đồng bào dân tộc Cơ Tu ngày càng tốt đẹp hơn.

Ngọc Ánh

Bình luận

ZALO