Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 08:18 GMT+7

Trên đất lửa Quảng Bình

Biên phòng - Những năm tháng đất nước bị cắt chia thành 2 miền Nam-Bắc, tỉnh Quảng Bình luôn được xem là “đất lửa”. Dưới làn mưa bom, bão đạn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Roòn đã cùng với các lực lượng chức năng và nhân dân địa phương anh dũng chiến đấu, bảo vệ an toàn địa bàn, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển, lao động sản xuất.

Phân đội trực chiến Đồn CANDVT Roòn sẵn sàng chiến đấu bắn trả máy bay địch đến gây tội ác ngày 16/7/1967. Ảnh: Tư liệu

Dựng xây phòng tuyến nhân dân chống gián điệp, biệt kích

Thành lập ngày 3/3/1959, Đồn CANDVT Roòn, tỉnh Quảng Bình (lúc đầu mang phiên hiệu 92, sau đó đổi thành Đồn 120, rồi Đồn 184 và nay là Đồn Biên phòng Roòn) được giao quản lý địa bàn 4 xã vùng biển gồm: Quảng Đông, Quảng Phú, Cảnh Dương và Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, với chính diện chiều dài 20,7km bờ biển. Nhận rõ trách nhiệm chính trị của mình, cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Roòn (sau đây tạm gọi là Đồn Roòn) đã vượt qua mọi gian khổ, khó khăn, kiên trì bám dân, xây dựng phong trào nhân dân vững mạnh. Giai đoạn trước năm 1965, 4 xã thuộc địa bàn của đồn phụ trách có 1 xã khá, 3 xã kém. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn tăng cường các biện pháp xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, cả 4 xã đã có phong trào bảo vệ trị an khá.

Thời điểm diễn ra chiến tranh phá hoại, khu vực chân đèo Ngang là vùng hiểm trở và xung yếu, kẻ địch thường xuyên tung các toán biệt kích người nhái từ biển vào ẩn nấp để thực hiện các hoạt động phá hoại, chỉ điểm cho máy bay đánh phá, nhất là khi có những đoàn xe chở hàng hóa từ miền Bắc chi viện vào chiến trường miền Nam qua phà Roòn.

Để ngăn chặn hoạt động xâm nhập của kẻ địch ở khu vực chân đèo Ngang, Ban Chỉ huy đơn vị đã tham mưu các cấp vận động nhân dân ra làm ăn, sinh sống và thành lập Hợp tác xã 19/5, vừa đảm bảo sản xuất, vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trị an. Trong quá trình triển khai việc di dân, cán bộ, chiến sĩ Đồn Roòn đã giúp đỡ bà con về mọi mặt. Sau khoảng thời gian được xây dựng, củng cố, Hợp tác xã 19/5 đã có phong trào bảo vệ an ninh tốt, ý thức cảnh giác của người dân được nâng cao, tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh, bắt sống biệt kích, giữ vững an toàn trên vùng xung yếu. Từ những năm 1960, kẻ địch ráo riết tung nhiều toán gián điệp, biệt kích ra miền Bắc, chúng tập trung vào các địa bàn xung yếu trên khu vực Biên phòng, nhất là nơi cơ sở ta còn yếu... Chấp hành mệnh lệnh của Ban Chỉ huy CANDVT tỉnh Quảng Bình, đơn vị đã chủ động nghiên cứu nắm tình hình, tấn công truy kích địch với phương châm “Nghiêm túc, chặt chẽ, nhẹ nhàng, làm chủ ban ngày, thống trị ban đêm”.

Ngày 29/12/1962, địch dùng xuồng cao su chở 7 tên xâm nhập vào Khe Lũy thuộc vùng bờ biển Hà Tĩnh định đặt mìn phá cầu Khe Lũy nằm trên Quốc lộ 1A. Cùng lúc, chúng dùng kế nghi binh cho một bộ phận vượt Đèo Ngang vào bắt liên lạc với bọn phản động ở xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch. Tuy nhiên, bọn chúng đã bị cán bộ, chiến sĩ của đơn vị cùng dân quân và một phân đội thuộc Đại đội 1 cơ động, CANDVT tỉnh Hà Tĩnh bao vây, truy bắt. Toán biệt kích gồm 7 tên do Lê Khoái cầm đầu đã bị ta bắt gọn tại xã Quảng Đông. Trong trận này, Hạ sĩ Nông Minh Hoạt, chiến sĩ của Đồn Roòn lần đầu tiên sử dụng chó nghiệp vụ bắt sống địch.

Ngày 15/7/1964, Mỹ - ngụy dùng một chiếc tàu từ Cửa Việt chở 10 tên biệt kích xâm nhập khu vực đảo Hòn La. Từ đó, địch thả thuyền cao su chở bọn biệt kích đột nhập vào vùng Cao Lãnh, xã Quảng Đông, âm mưu bắt cán bộ, dân quân để moi hỏi tin tức. Tổ tuần tra của các đồng chí Phạm Xuân Mão và Nguyễn Đăng Rường của Đồn Roòn đã kịp thời phát hiện, nổ súng tiêu diệt tại chỗ một tên, số còn lại bơi ra biển trốn thoát.

Mưu trí, dũng cảm bắn rơi 7 máy bay địch

Song song với việc xây dựng phòng tuyến nhân dân, truy bắt biệt kích, thám báo, Đồn Roòn còn tích cực và chủ động chuẩn bị trận địa, phương án chiến đấu chống máy bay địch nên ngay từ giờ phút đầu tiên giặc Mỹ ném bom miền Bắc, đơn vị đã lập chiến công xuất sắc. Lúc 12 giờ 30 phút, ngày 5/8/1964, Đồn Roòn đã bắn rơi một chiếc F.100. Đây là chiếc máy bay phản lực Mỹ đầu tiên bị hạ bằng súng bộ binh trên miền Bắc.

Cán bộ Đồn Biên phòng Roòn thăm và tặng quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Thành Phú

Từ giữa năm 1965, đế quốc Mỹ tăng cường chiến tranh phá hoại miền Bắc, chúng đưa nhiều máy bay, tàu chiến đánh phá quyết liệt vùng Khu IV nhằm phá hoại các mục tiêu quân sự và ngăn cản chi viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam. 8 giờ sáng ngày 15/7/1965, tại khu vực cầu Hồ và xóm Ngạnh (xã Quảng Hưng), gần 30 người dân đang làm ăn sản xuất thì một tốp máy bay phản lực Mỹ ập đến đánh phá. Trước tình thế nguy hiểm đó, Đội vận động quần chúng của Đồn Roòn đang công tác tại xã Quảng Hưng đã mưu trí, dũng cảm dùng hỏa lực tập trung bắn vào đội hình máy bay địch, bảo vệ an toàn cho bà con. Tiếp đó, một máy bay không người lái, từ phía biển bay vào để chụp ảnh khu vực oanh tạc. Nhờ thường trực chiến đấu cao, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã bắn trúng mục tiêu ngay từ loạt đạn đầu, làm chiếc máy bay này bốc cháy. Đây là chiếc máy bay không người lái đầu tiên đã bị Đồn Roòn bắn rơi.

Trong 4 năm chiến tranh phá hoại, Đồn Roòn đã bắn rơi 7 chiếc máy bay địch, phối hợp với các đơn vị bạn bắn rơi 3 chiếc. Đặc biệt, đêm 20/6/1965, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã chiến đấu bắn rơi một máy bay phản lực, bảo vệ an toàn đoàn xe vận tải qua phà Roòn. Đây là chiếc máy bay bị bắn rơi vào ban đêm trên miền Bắc.

Trong điều kiện chiến đấu ác liệt, nhưng Đồn Roòn vẫn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, nêu cao tấm gương sáng về tinh thần kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồn Roòn đã được tặng Huân chương Quân công hạng Ba, 4 Huân chương Chiến công các hạng, liên tục đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”... Ngày 25/8/1970, đơn vị vinh dự được tuyên dương danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Chú dẫn: Bài viết dựa trên tư liệu của cuốn sách "Đơn vị và cá nhân Anh hùng trong BĐBP" và Biên niên sử của Đồn Biên phòng Roòn.

Phú Thành

Bình luận

ZALO