Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 31/10/2024 07:21 GMT+7

Trên phên giậu xanh Si Ma Cai

Biên phòng - Huyện biên giới Si Ma Cai những năm gần đây được nhiều người biết đến nhờ nét hoang sơ, dung dị, mộc mạc trên vùng cao Lào Cai và không gian văn hóa mang bản sắc riêng, còn nguyên vẹn của 15 dân tộc thiểu số. Nhưng ấn tượng hơn cả là sự vươn lên mạnh mẽ của những con người gắn bó nơi núi đá, sương mù bao phủ quanh năm.

0xps_15a
Cán bộ Đồn Biên phòng Si Ma Cai hướng dẫn, ôn tập bài cho các cháu đơn vị nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng. Ảnh: Tuấn Long

Vùng đất của những tiềm năng

Từ sân Đồn Biên phòng Si Ma Cai trên độ cao 1.500m so với mặt nước biển, phóng tầm mắt về phía xa là những con đường liên thôn - bản được bê tông hóa vắt ngang núi, vạt đồi tựa dải khăn lụa của cô gái Mông. Xa hơn nữa, những bản làng trù phú giáp biên của hai nước Việt Nam - Trung Quốc trải dọc hai bờ sông Chảy và cặp cửa khẩu Hóa Chư Phùng (Việt Nam) - Seo Pả Chư (Trung Quốc), nơi thông thương, giao lưu văn hóa của nhân dân hai bên biên giới.

Trong cái se lạnh giữa hè đầy thú vị, tôi nghe thật rõ tiếng người, xe và cả tiếng vó ngựa khua vang đầu dốc đá... Tất cả như thúc giục, lôi cuốn mọi người đến với chợ phiên vùng cao. Hôm nay - Chủ nhật là ngày chợ chính của chợ trung tâm Si Ma Cai. Chợ nằm ở lưng chừng dốc, được xây dựng từ thời Pháp, trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, nhưng những dấu ấn còn lại cho thấy nơi đây từng là một trung tâm thương mại sầm uất của đồng bào các dân tộc hai bên biên giới Việt - Trung. Khi ánh nắng mỏng manh ôm lấy thị trấn cũng là lúc người ở các bản xa về tới chợ. Hàng hóa tràn ngập, chia thành các khu nông thổ sản, gia súc, gia cầm... không thiếu một thứ gì. Tiếng chào hàng, gọi nhau, xen lẫn tiếng mặc cả, đủ ngôn ngữ các dân tộc, tạo ra nét văn hóa đặc biệt cho chợ phiên.

Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai, Giàng Sín Chớ hào hứng giới thiệu cho tôi những công trình phúc lợi hiện đại đang tạo nên diện mạo nông thôn mới trên vùng cao như hệ thống trường học, trạm y tế, thủy lợi, điện lưới quốc gia, sóng viễn thông đã phủ khắp các xã trong huyện. Ông cho biết: “Cách đây 10 năm, đường vào nhiều xã chỉ có ngựa mới đi nổi. Nhiều bản xa tách biệt với cộng đồng, người dân không được chăm sóc sức khỏe, trẻ em không được đến trường... Có được cuộc sống như hôm nay là nhờ cố gắng rất lớn của các cấp, các ngành và công sức người dân nơi đây”.

Tháng 9-2000, huyện Si Ma Cai  được tái lập, tách ra từ huyện Bắc Hà có diện tích tự nhiên 23.454ha. Do địa hình rừng núi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất sản xuất nông nghiệp, nên Si Ma Cai luôn là huyện khó khăn nhất của tỉnh Lào Cai với tỷ lệ hộ nghèo hiện chiếm trên 32%. “Nhưng bù lại, Si Ma Cai là địa phương có độ che phủ rừng cao nhất tỉnh Lào Cai. Ngoài hơn 5.071ha rừng phòng hộ được bảo vệ nghiêm ngặt, huyện đã giao khoán chăm sóc, bảo vệ  được 8.398ha rừng, 439ha rừng sản xuất và khoanh nuôi tái sinh được 400ha rừng. Từ đầu năm đến nay, nhân dân trong huyện Si Ma Cai đã trồng mới 300 nghìn cây sa mộc và gieo ươm 400 nghìn cây quế, xoan trên diện tích 300ha đất dốc, đồi núi trọc...” - Phó Chủ tịch Giàng Sín Chớ phấn khởi cho tôi biết.

iljr_15b
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Si Ma Cai giúp nhân dân làm đường nông thôn mới. Ảnh: Tuấn Long

Kinh tế rừng kết hợp với phát triển du lịch được Đảng bộ, chính quyền huyện Si Ma Cai xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, hướng phát triển bền vững và lâu dài. Thực tế đang chứng minh chủ trương trên là đúng đắn. 6 tháng đầu năm 2018, Si Ma Cai đã thu hút gần 12 nghìn lượt khách du lịch, tăng 2 nghìn lượt so với cùng kỳ năm trước, chưa kể hàng vạn lượt du khách đến tham dự các lễ hội đầu năm và các phiên chợ trên địa bàn huyện. Hiện tại, nguồn thu từ rừng và lâm sản, du lịch đang giúp các hộ dân có nguồn thu nhập ổn định, góp phần giảm 5% hộ nghèo mỗi năm.

Tình người Si Ma Cai

Thượng tá Nguyễn Khánh Tùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Si Ma Cai hào hứng nói về sự ấm no đang hiện hữu trong mọi ngôi nhà ở 3 xã biên giới đồn quản lý, gồm Si Ma Cai, Nàn Sán, Sán Chải. Thuộc lớp cán bộ lên Si Ma Cai sau chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, anh Tùng vẫn còn nhớ cảm giác gai người khi bám theo xe tải vượt qua những khúc cua tay áo dựng đứng, vào mùa mưa những tảng đá, vạt đất đổ ụp xuống đường bất kể lúc nào.

Thiếu tá Lý Seo Tỏa, người dân tộc Mông, sinh ra ở xã Si Ma Cai, có hơn 20 năm gắn bó với Đồn Biên phòng Si Ma Cai, khẳng định: “Nền Biên phòng toàn dân hình thành từ những ngày “dầm mưa, dãi nắng”, từ hằng tháng trời “bốn cùng” với nhân dân. Xuống bản, thấy bà con làm gì, bộ đội lập tức làm cùng, vừa làm, vừa nhẹ nhàng vận động, phổ biến kiến thức cho người dân để rồi họ nghe ra mà tự giác làm theo”.

Trong nhiều câu chuyện cảm động, những việc làm thiết thực của Đồn Biên phòng Si Ma Cai giúp đồng bào các dân tộc trên biên giới phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí..., hình ảnh hằng ngày, các chú bộ đội dùng xe máy đưa đón các em học sinh đến các điểm trường, cách xa đơn vị gần chục cây số là một minh chứng đậm nét cho tình quân dân ở nơi đây. Hành động nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng tại đồn 4 em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do thiếu vắng bàn tay chăm sóc của cha mẹ và đứng trước nguy cơ phải bỏ học, đã để ấn tượng tốt đẹp trong lòng cấp ủy, chính quyền và nhân dân biên giới. Với những việc làm xuất phát từ khẩu hiệu "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt", cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Si Ma Cai luôn được đón nhận những tình cảm cao quý mà nhân dân tin yêu, trao tặng: “Bộ đội Cụ Hồ”.

Gần 30 năm qua, “Ngày Biên phòng toàn dân” đã và đang được triển khai sâu rộng trong huyện Si Ma Cai. Trên địa bàn huyện, kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển, tạo tiền đề để xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Tuấn Long

Bình luận

ZALO