Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 30/06/2024 10:40 GMT+7

Tri ân "cánh chim đầu đàn"của nền văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số

Biên phòng - Để tri ân, tôn vinh những thành tựu của nhà thơ Nông Quốc Chấn (18/11/1923 - 4/2/2002), cánh chim đầu đàn, người đặt nền móng cho văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, vừa qua, UBND tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nhà thơ Nông Quốc Chấn với quá trình phát triển văn hóa, văn hóa nghệ thuật các dân tộc thiểu số trong những năm qua”. Cùng với đó, đêm thơ - nhạc “Cánh chim Việt Bắc” là những sự kiện để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Nông Quốc Chấn.

Nhà thơ Nông Quốc Chấn (ngoài cùng, bên trái) cùng các nhà thơ Chế Lan Viên, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông. Ảnh: Tư liệu

Là tên tuổi lớn của thơ ca cách mạng thế kỷ XX trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, nhà thơ dân tộc Tày - người con ưu tú của quê hương Bắc Kạn và đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam, nhà thơ Nông Quốc Chấn (tên thật là Nông Văn Quỳnh) đã để lại nhiều dấu ấn và những đóng góp, cống hiến to lớn cho sự phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật của đất nước, nhất là đối với văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số.

Nhà thơ Nông Quốc Chấn sinh ra tại xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Ông từng tham gia Mặt trận Việt Minh và tham gia du kích, giải phóng quân trước tháng 8/1945. Ông là đại biểu Quốc hội khóa II, từng là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)... Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà thơ Nông Quốc Chấn đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị, thiết thực đối với phong trào cách mạng và đời sống nhân dân, đóng góp lớn cho công tác vận động, tuyên truyền, cổ vũ tinh thần yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc... Năm 2000, nhà thơ Nông Quốc Chấn vinh dự được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật...

Thông qua các tham luận, ý kiến của các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học, những chia sẻ của các nhà văn dân tộc thiểu số, chân dung nhà thơ, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học Nông Quốc Chấn đã thực sự được khắc họa rõ nét, chân thực nhất. Nhà văn Cao Duy Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa các dân tộc nhận định: Chúng ta biết nhiều về nhà thơ Nông Quốc Chấn với vai trò là người tiên phong cho thơ văn học các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, chúng ta ít biết về sự trăn trở trong việc đào tạo thế hệ tiếp nối, kế cận, một công việc không dễ dàng gì với người dân tộc thiểu số. Hội thảo không chỉ đề cập đến giá trị thơ, mà còn đề cập đến rất nhiều công trình nghiên cứu văn hóa của ông. Đặc biệt là quá trình gắn bó với công việc nghiên cứu, sưu tầm văn hóa các dân tộc thiểu số tại Bắc Kạn.

Nhà thơ Dương Khâu Luông, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn khẳng định: “Dù nhà thơ Nông Quốc Chấn đã đi xa về cõi người hiền, nhưng những gì mà ông để lại mãi là một tài sản tinh thần vô giá như suối nguồn trong mát, như bếp lửa hồng đêm đông ấm áp mãi nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta. Riêng đối với tôi, Nông Quốc Chấn là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn, một người con ưu tú của dân tộc Tày luôn khiêm nhường, giản dị, một tấm gương mà tôi suốt đời học tập”.

Tuy nhiên, người đứng đầu Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn băn khoăn và suy nghĩ về việc tuyên truyền, phổ biến những tác phẩm của nhà thơ Nông Quốc Chấn. Nhà thơ Dương Khâu Luông cho biết: “Chúng ta đều biết, các tác phẩm của nhà thơ đều có giá trị lớn về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật, nhất là tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống bản sắc văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân tộc Tày và các dân tộc thiểu số miền núi nói chung, nhưng hiện nay, bạn đọc rất ít được tiếp cận với các tác phẩm của ông. Thậm chí có thể về đến quê quán, nơi ông sinh ra cũng thật khó tìm tác phẩm của nhà thơ Nông Quốc Chấn. Điều đó cho thấy, công tác tuyên truyền, quảng bá những tác phẩm của ông còn nhiều hạn chế và bất cập".

"Phải chăng chúng ta đã để lãng phí một tài sản có giá trị tinh thần lớn? Bên cạnh đó, việc giới thiệu các tác phẩm của nhà thơ Nông Quốc Chấn trên mạng internet cũng rất nghèo nàn tư liệu, tác phẩm. Nên chăng chúng ta cần suy nghĩ về công tác giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm hiệu quả hơn, bài bản, hệ thống, khoa học hơn không chỉ của riêng nhà thơ Nông Quốc Chấn mà là của tất cả các văn nghệ sĩ có tác phẩm mang giá trị sâu sắc về nội dung tư tưởng, nghệ thuật để văn học nghệ thuật thực sự đi vào đời sống, phục vụ đắc lực cho sự phát triển của đất nước” - nhà thơ Dương Khâu Luông nhấn mạnh.

Ông Vi Hồng Nhân, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) nhìn nhận, Nông Quốc Chấn là nhà hoạt động chính trị bằng văn hóa, bằng thơ, là nhà văn hóa tầm cỡ, nhà thơ nổi tiếng, vừa là nhà lý luận phê bình văn học, nhà dịch thuật, nhà quản lý, nhà giáo, nhà báo... Với người được gần gũi, hiểu về ông thấy dễ viết, muốn viết bởi cái tâm, cái tài và cái tình của ông với đất nước, quê hương, bạn bè, anh em, đồng chí, đồng nghiệp và đồng bào mình, cũng như tình cảm trân quý của mọi người dành cho ông.

“Với công lao và thành quả lao động sáng tạo suốt cuộc đời của ông, với cái tâm, cái tầm, cái đức ông để lại, với lớp chúng tôi và những lớp sau hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, ông là người anh, người cha, người thầy, người quản lý xuất sắc, người thủ trưởng mẫu mực. Thiết nghĩ, tỉnh Bắc Kạn nên có một con đường, một công trình văn hóa, một nhà lưu niệm mang tên Nông Quốc Chấn ở quê hương ông” - ông Vi Hồng Nhân mong mỏi.

Ngô Khiêm

Bình luận

ZALO