Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 12:16 GMT+7

Trở lại xứ sở sương mù

Biên phòng - Đã 8 năm, tôi mới có dịp trở lại xã Y Tý, vùng đất nổi tiếng bởi mây mù bao phủ gần như quanh năm. Diện mạo nơi đây giờ đã khác xưa nhiều. Đồn BP Y Tý đã được xây dựng bề thế theo mẫu thiết kế của Bộ Quốc phòng trên nền đất cũ. Cách đó không xa là UBND xã và trường học được xây dựng khang trang. Sự thay đổi ấy cùng với các con đường đang được bê tông hóa mang tới cho tôi dự cảm tốt lành về vùng đất biên cương xa xôi này.

5x0c_9a-1.JPG
Cán bộ Đồn BP Y Tý cùng nhân dân trên địa bàn.

Nằm ở độ cao trên 2.000m so với mặt nước biển, xã Y Tý luôn chìm trong sương mù, vì thế mới có biệt danh "xứ sở sương mù". Sáng sớm, đứng giữa sân Đồn BP Y Tý, tôi tận hưởng bầu không khí trong lành. Trời quang đãng, mây trắng trải dài ngút mắt. Núi nhấp nhô như đâm chồi trong biển mây ấy. Nắng ban mai rọi những tia sáng đầu tiên. Vậy mà, khoảng 5 phút sau, sương mù không biết từ nơi nào sầm sập ùa ra.

Trong phút chốc, bao phủ lên tất cả, dãy Nhù Cồ San chìm khuất hẳn trong sương khiến tầm nhìn chỉ tính bằng bước chân. Nhưng chỉ một lát sau, trời trong trở lại rồi lại mù sương kèm mưa bay, mây, núi, sương, mưa cứ thế vờn nhau.

Thượng tá Phạm Hồng Vương, Chính trị viên Đồn BP Y Tý bảo, thời tiết ở đây là vậy, mưa, nắng thất thường. Tính trong năm, số ngày nắng chỉ khoảng 3 tháng, còn lại là những ngày mù sương. Mùa đông, sương mù dày đặc tới mức đứng cách nhau ba bước chân không nhìn rõ mặt nhau. Quần áo lúc nào cũng ẩm ướt. Có những đợt, trời rét lạnh tới mức xuất hiện mưa tuyết phủ trắng xóa toàn bộ vùng này. Như để minh chứng cho lời nói của mình, các anh chỉ huy đồn cho tôi xem hình ảnh tuyết rơi phủ trắng xóa vẫn còn lưu giữ trong điện thoại. Dấu chân người lính in dày trên tuyết trắng.

Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, địa hình đồi núi cách trở, ảnh hưởng không nhỏ tới nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới của những người lính nơi đây. Đồn BP Y Tý được giao quản lý 5 cột mốc quốc giới với hơn 23km đường biên, phụ trách địa bàn 3 xã A Lù, Ngải Thầu và Y Tý. Do địa bàn quản lý rộng, đơn vị phải lập 3 tổ công tác địa bàn, tổ xa nhất cách đơn vị 25km. Đường sá đi lại hết sức khó khăn do bị sạt lở liên tục. Vì thế, công tác tuần tra, kiểm soát biên giới những năm trước đây rất vất vả, nhất là vào những ngày mưa rét.

Năm 2014, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã tham gia đổ bê tông 4km đường giao thông nông thôn tại các xã do Đồn BP Y Tý quản lý. Ngoài ra, con đường từ UBND xã tới thôn Lao Chải, chạy qua Trạm KSBP Y Tý đang được thi công với số vốn 15 tỉ đồng. Khi con đường hoàn thành, việc đi lại của bà con và cán bộ Biên phòng ở đây sẽ thuận lợi hơn.

Theo anh Vương, dù còn nhiều khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ của đồn luôn xác định rõ trọng trách của mình, khắc phục gian khổ, yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị, với người dân. "Những năm gần đây, đoạn biên giới do đơn vị quản lý ổn định, quan hệ hai bên Đồn - Trạm ngày càng được tăng cường, củng cố, phát triển.

Năm 2013, đơn vị đã ký kết nghĩa với Trạm kiểm soát biên giới Mã Ngán Tý, đồng thời cùng chính quyền địa phương tổ chức ký kết nghĩa bản - bản giữa thôn Lao Chải, xã Y Tý, Việt Nam với thôn Địa Tây Bắc, xã Mã Ngán Tý, Trung Quốc. Tới nay, tình hình chấp hành quy chế biên giới của nhân dân hai bên được nâng lên rõ rệt, không còn tình trạng vi phạm như những năm trước" - Anh Vương nói, giọng chắc nịch.

Tôi háo hức bước theo anh Vương đến chợ Y Tý. Chợ chỉ họp mỗi tuần một lần vào ngày thứ 7, nhưng như thế đã là niềm hạnh phúc lớn với nơi đây. Bởi trước kia, muốn mua bán phải đi chợ bên kia biên giới hoặc đi 20km qua rừng già Dền Sáng ngược xuống chợ Mường Hum. Giờ thì bà con ở Y Tý đã có chợ của riêng mình để mua, bán, giao lưu và trò chuyện. Mặt hàng bày bán nhiều nhất ở chợ là các loại nông sản do bà con trồng được.

Đó là rau cải, đậu Hà Lan, khoai, sáp ong, măng, mía, củ cải, gừng, đỗ lạc... Tất cả đều tươi xanh mơn mởn, không có hóa chất. Chợ bán cả các loại dược liệu quý như đương quy, xuyên khung do bà con trồng trên núi cao. Đặc biệt, có tới 3 quầy hàng bán điện thoại di động với rất nhiều mẫu mã đẹp, hiện đại. Thanh niên thường tụ tập đông ở các quầy hàng này với ánh mắt háo hức, khát khao được sở hữu một chiếc điện thoại thông minh tiện ích. Rõ ràng là cuộc sống của đồng bào dân tộc ở vùng biên này đã có sự thay đổi tích cực.  

Tôi gặp rất nhiều phụ nữ Hà Nhì tại chợ. Họ không rụt rè, ngại tiếp xúc với người lạ như trước đây. Cộng đồng người Hà Nhì chiếm đa số hộ dân sinh sống tại Y Tý, trong đó, tập trung đông nhất ở thôn Lao Chải. Trong những lần công tác trước, tôi thấy phụ nữ Hà Nhì rất vất vả. Họ đảm nhiệm hầu hết công việc của gia đình, thậm chí cả việc cày ruộng. Đàn ông chỉ ở nhà uống rượu. Là lao động chính, nhưng mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình, người vợ đều phải xin phép chồng.

Bây giờ, sự phân công lao động trong gia đình, người Hà Nhì đã thay đổi, ngay việc đi lấy củi, một trong những công việc nặng nhọc vẫn do phụ nữ đảm nhiệm. Họ thường rủ nhau đi thành nhóm vào rừng nhặt củi. Chẻ củi ngay tại bìa rừng rồi địu bằng trán đi cả chục cây số về nhà. Luật tục của người Hà Nhì rất chặt chẽ, họ chỉ được nhặt những cành củi khô hoặc bị mục, không được chặt phá rừng, đặc biệt là rừng cấm. Thế nên trước cửa mỗi nhà của người Hà Nhì đều có đống củi to, nhưng rừng ở đây vẫn được bảo vệ tốt.

cwdm_9b-1.JPG
Các loại nông sản của bà con dân tộc bán tại chợ Y Tý.
 
Bây giờ, phụ nữ Hà Nhì được tham gia thảo luận và quyết định mọi việc trong gia đình và cả công việc của cộng đồng. Điều đó cho thấy, nữ giới Hà Nhì đã có vị thế nhất định trong gia đình và cộng đồng. Họ đã nhận được sự san sẻ từ người đàn ông. Trò chuyện với tôi, chị Sần Dờ Ngụ, một phụ nữ Hà Nhì 26 tuổi, mẹ của 2 con cho biết, chồng đi làm thuê, 3-4 ngày mới về nhà một lần. Những ngày không đi làm thuê, hai vợ chồng chị cùng đi làm nương. Chồng chị cũng giúp trông con và làm việc nhà.

Đề cập tới vị thế của người phụ nữ Hà Nhì, chị Đông Thị Xưởng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Y Tý, người gắn bó với vùng đất này gần 30 năm cho biết: "Cách đây 7 năm, chị em Hà Nhì còn rất e dè, xấu hổ đến mức không dám đi cùng chồng, không tiếp xúc, nói chuyện với người lạ. Bây giờ, chị em đã mạnh dạn hơn. Họ đi cùng chồng xuống chợ, nhờ chồng đưa đi khám thai. Họ cũng tham dự các cuộc họp của thôn, bản, đồng thời mạnh dạn trình bày ý kiến của họ. Cả hai vợ chồng cùng quyết định mọi việc trong nhà, thậm chí có những việc, người vợ toàn quyền quyết định".

Không chỉ có vậy, nhận thức về việc học của người Hà Nhì có sự tiến bộ rõ rệt. Trước đây, 100% phụ nữ Hà Nhì không biết chữ, không nói được tiếng phổ thông. Trẻ em thường xuyên bỏ học. Bây giờ, hầu hết lớp trẻ người Hà Nhì đều biết nói tiếng phổ thông. Tất cả trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được đi học.

Bước tiến dài trong nhận thức của người dân nơi đây là nỗ lực rất lớn của những người lính Biên phòng và những người làm công tác xã hội như chị Xưởng. Mấy năm trước, Đồn BP Y Tý đã mở lớp xóa mù cho phụ nữ trên địa bàn. Nhờ cán bộ Biên phòng thường xuyên vận động, tuyên truyền, họ đã coi trọng việc học chữ hơn. Không còn chuyện trẻ bỏ học ở nhà giúp cha mẹ làm việc nhà, đi nương, chăn trâu bò. Cũng chính những người lính BP Y Tý còn hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí, có mặt kịp thời giúp dân khi có thiên tai.

Những việc làm thầm lặng ấy đang kết nối, thắt chặt hơn tình cảm quân dân của vùng đất này. Trong cái rét buốt của vùng núi cao, tôi cảm nhận được hơi ấm của những người lính Biên phòng dành cho bà con nơi rẻo cao này. Họ đã và đang ngày đêm đồng hành cùng bà con dân tộc gìn giữ phên giậu đất nước, xóa bỏ đói nghèo, lạc hậu, xây dựng cuộc sống mới ấm no hơn.
Bích Nguyên

Bình luận

ZALO