Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 04:43 GMT+7

“Trợ lực” cho người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Biên phòng - Với phuơng châm “bộ đội góp sức, cùng dân góp vốn”, Đồn Biên phòng Dục Nông (BĐBP Kon Tum) đã triển khai hoạt động giúp dân bằng những việc làm, mô hình cụ thể. Việc làm này đã giúp nhiều hộ nghèo được tiếp cận với cây, con giống mới và hơn cả là đã “thay đổi nếp nghĩ, cách làm” để từ đó có thêm động lực vươn lên thoát nghèo.

Thiếu tá Bùi Triệu Phú cùng ông Phạm Văn Long chăm sóc vườn cau. Ảnh: Trúc Hà

Bắt kịp chủ trương

Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” do Tỉnh ủy Kon Tum phát động đã được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh. Với việc quản lý 2 xã Đắk Dục và Đắk Nông (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), có tỷ lệ người đồng bào dân tộc Giẻ - Triêng chiếm đa số, cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, bởi vậy, Đồn Biên phòng Dục Nông đã nhanh chóng bắt nhịp với cuộc vận động bằng việc lựa chọn 2 gia đình để xây dựng mô hình điểm nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững. Sau hơn 1 năm triển khai, đến nay đã cho những tín hiệu rất khả quan.

Gia đình ông Xiêng Lăng Bình (60 tuổi, dân tộc Giẻ - Triêng) là 1 trong 2 hộ được đơn vị chọn làm điểm. Gia đình ông lâu nay được biết đến là hộ khó khăn ở thôn Dục Nhầy 1, xã Đắk Dục. Những lần đến thăm, Đại úy Lục Văn Hoàng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Dục Nông nhận định, gia đình ông Bình gặp khó khăn không hẳn vì thiếu đất sản xuất, mà vì chưa biết cách làm để gia tăng thu nhập. Điển hình là khu vườn rộng 500m2 của gia đình gần như bỏ hoang sau khi trồng sắn đã bạc màu. Đại úy Lục Văn Hoàng đã ngỏ ý việc bộ đội sẽ đến giúp gia đình ông Bình cải tạo vườn tạp.

Ông Bình nghe vậy rất vui nhưng ngại ngần chuyện “vốn”. Đại úy Hoàng động viên: “Ông có bao nhiêu thì cứ góp, bộ đội sẽ giúp ông mua giống cây và phân bón. Đích thân cháu sẽ cùng ông chăm sóc cho đến khi cây cho thu hoạch”. Thế rồi, khu vườn tạp đã được thay bằng những cây mít Thái. Qua 1 năm, cây đã bén rễ vào đất, được chăm bón đúng cách nên phát triển tốt. “Hàng xóm giờ hay sang nhà tôi xem vườn mít vì thấy cây lên đẹp quá. Có vài nhà hỏi kĩ lắm, chắc họ cũng muốn làm giống nhà tôi” - Ông Xiêng Lăng Bình phấn khởi cho biết.

Bà Y Nguyệt (dân tộc Giẻ - Triêng, trú tại thôn Nông Nhầy 2, xã Đắk Nông) có chồng là thương binh, mọi công việc đều do bà gánh vác nên cuộc sống khá vất vả. 6 người con đã ra riêng nên mảnh vườn với cái ao rộng gần như bỏ không. Thế nhưng, khi cán bộ Đồn Biên phòng Dục Nông đến đặt vấn đề giúp cải tạo vườn để trồng cây ăn quả, bà Y Nguyệt rất lưỡng lự. Bao năm nay, bà quen trồng cây ngắn ngày, tuy thu nhập không nhiều, nhưng nhanh và nhìn thấy tiền trước mắt, giờ chuyển sang cây ăn quả, thời gian thu hoạch lâu hơn và liệu có thành công hay không. Thiếu tá Bùi Triệu Phú đã “gỡ bí” bằng cách tìm đến con rể của bà Y Nguyệt là anh Kring Thiết, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Nông Nhầy 2 để “nói chuyện”.

Thiếu tá Bùi Triệu Phú đề xuất với chỉ huy đồn cho “mượn người” để giúp bà Y Nguyệt cải tạo vườn. Ao cá được nạo vét, lấy bùn đắp cao bờ ao để trồng hàng dừa xiêm. Con rể bà Y Nguyệt cũng bỏ ra hơn 1 triệu đồng để mua cá trắm cỏ giống thả xuống ao cho mẹ vợ. Bà Y Nguyệt vui mừng nói: “Trước đây, do không có người hướng dẫn, tâm lí lại sợ nên không dám làm. Giờ thì tôi tin rồi và vui lắm. Nhà còn 2 đứa con trai chưa vợ, tôi sẽ bảo các con tập trung làm vì tương lai còn nhiều thứ phải lo”.

Chủ động tìm đến người dân

Không chỉ “làm cho hết nhiệm vụ, làm những gì được giao”, cán bộ Đồn Biên phòng Dục Nông còn “tự mình tìm cách, tự mình tìm việc”. Điển hình là Thiếu tá Bùi Triệu Phú, cán bộ biên phòng tăng cường cho xã Đắk Nông, đại biểu HĐND xã Đắk Nông nhiệm kì 2021-2026 (giữ chức Trưởng ban Pháp chế HĐND xã). Thế nhưng, anh luôn dành thời gian đi địa bàn để thực sự thấu hiểu cuộc sống của người dân, cũng là để nắm tình hình, kịp thời báo cáo với chỉ huy đơn vị.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Dục Nông giúp gia đình ông Xiêng Lăng Bình trồng mít. Ảnh: Trúc Hà

Gần Đội công tác địa bàn xã Đắk Nông (tại thôn Nông Nhầy 2, xã Đắk Nông) có ông Phạm Văn Long, quê ở Thanh Hóa, năm 1976 nhập ngũ vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Sau khi xuất ngũ, ông đã ở lại mảnh đất này lấy vợ, sinh con đẻ cái. Vợ chồng ông Long tuổi đã cao, sức khỏe yếu nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Gia đình ông Long có vườn khá rộng, nhưng sau một thời gian trồng cao su không cho mủ, ông đã chặt để trồng sắn. Sắn thu cũng chẳng đáng là bao, nên ông Long chỉ trồng một khoảng, còn lại để hoang. Sau nhiều lần đến chơi, thấy “đất bỏ không phí quá”, Thiếu tá Bùi Triệu Phú đã ngỏ ý với ông Long về việc cải tạo vườn.

Thiếu tá Bùi Triệu Phú dành thời gian ra Vườn ươm Kim Thảo (thị trấn Ngọc Hồi, huyện Ngọc Hồi) để tìm hiểu, nhờ tư vấn trồng cây gì, chăm sóc thế nào và được gợi ý trồng cây cau lùn và dừa xiêm. Nhà vườn cũng “hẹn” khi nào cây cau có quả sẽ giúp kết nối để bán, còn dừa thì nhiều hộ dân đã trồng và bán vì nhu cầu của người dân vùng thị trấn cũng nhiều. Cán bộ trong Đội công tác địa bàn xã Đắk Nông cũng sẵn sàng góp tiền để mua cây giống, phân bón cùng giúp gia đình ông Long.

Ý định ban đầu, mỗi người sẽ góp một vài trăm nghìn, coi như bớt tiền cà phê sáng. Thế nhưng, khi đã bắt tay vào cuộc, ai cũng tin rằng mô hình sẽ thành công và số tiền thì lên tới gần 4 triệu đồng. Mọi người xuống nhà ông Long, mỗi người giúp một tay, làm đất chuẩn bị cho việc trồng cây. Các con của ông Long thấy bộ đội làm nên dù ở xa cũng tranh thủ về giúp bố mẹ. Nhờ vậy, vườn cau và dừa xiêm của ông Long đã được hoàn thành. Vậy là, ông Long bàn với vợ mua thêm đàn gà, đàn vịt về nuôi. Trong khi chờ cây cau, dừa lớn, tranh thủ đất tốt mới cải tạo, ông bà trồng xen canh thêm cây gừng và các loại gia vị khác.

Thực tế cho thấy, những việc làm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Dục Nông không chỉ làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mà còn tạo động lực cho người dân lao động trên địa bàn sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO