Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 29/06/2024 08:10 GMT+7

Trốn tránh nghĩa vụ quân sự có bị xử lý hình sự?

Biên phòng - Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, song có những thanh niên đã trốn tránh và tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Thanh niên thành phố Quy Nhơn (Bình Định) háo hức lên đường nhập ngũ. Ảnh: Thanh Bình

Bác Hồ đã từng nói Quân đội là “trường học lớn” để lớp lớp thế hệ thanh niên phấn đấu rèn luyện, trưởng thành. Được phục vụ trong môi trường quân đội, cống hiến sức trẻ bảo vệ Tổ quốc là niềm vinh dự, tự hào của mỗi công dân.

Môi trường quân ngũ với đặc tính thống nhất, kỷ luật nghiêm minh, tinh thần tập thể và tình đồng chí, đồng đội… là điều kiện tốt để mỗi thanh niên phấn đấu rèn luyện, không ngừng hoàn thiện nhân cách, phát triển toàn diện. Điều này không những thuận lợi cho thanh niên trong thời gian phục vụ quân ngũ, mà còn giúp tích lũy hành trang cho tương lai sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Hiến pháp và Luật Nghĩa vụ quân sự.

Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định: “Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi”.

Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng. Quá trình này không chỉ mang tính hình thức, mà còn là thời gian để các thanh niên rèn luyện sức khỏe, tính cách kỷ luật cho bản thân, trải nghiệm cuộc sống quân đội và hiểu sâu hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của Quốc phòng và vai trò của mỗi công dân trong xã hội.

Chế độ và chính sách đối với hạ sĩ quan và binh sĩ trong và sau thời gian phục vụ tại ngũ luôn được nhà nước quan tâm và đảm bảo. Các hạ sĩ quan được đào tạo chuyên sâu về kiến ​​thức và kỹ năng quân sự, cùng với đó là đạo đức nghề nghiệp. Họ sẽ có cơ hội tiếp cận các chế độ, chương trình đào tạo và phát triển nghề nghiệp, để từng bước thăng tiến trong sự nghiệp quân ngũ. Binh sĩ cũng được trang bị kiến ​​thức quân sự cần thiết và có thể tham gia các khóa huấn luyện chuyên môn để nâng cao kỹ năng. Ngoài ra sau khi thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ có nhiều quyền lợi, chế độ theo quy định của Nhà nước về bảo hiểm, đào tạo nghề,…

Tuy nhiên, một số bộ phận thanh niên hiện nay vẫn chưa hiểu được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, tìm cách để trốn tránh nghĩa vụ quân sự, điều này là trái với quy định pháp luật hiện hành. Theo Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 thì hành vi trốn tránh, chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Về xử lý hình sự, Điều 332 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định:

“1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

b) Phạm tội trong thời chiến;

c) Lôi kéo người khác phạm tội”.

Về xử phạt hành chính, theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 việc không thực hiện khám nghĩa vụ quân sự theo lệnh có thể bị xử phạt tiền hoặc bị cưỡng chế thực hiện.

Những quy định trên nhằm đảm bảo sự nghiêm túc và trách nhiệm của công dân trong việc tham gia nghĩa vụ quân sự. Chính sách này nhằm đảm bảo tính công bằng và tuân thủ luật pháp, khuyến khích sự chung tay trong việc bảo vệ đất nước và xây dựng Quốc phòng mạnh mẽ. Mỗi công dân cần có sự nhìn nhận, thái độ đúng đắn và thực hiện việc tham gia nghĩa vụ quân sự đúng theo quy định của pháp luật.

Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng, cao quý nhất, thực hiện nghĩa vụ quân sự không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà cao hơn cả đó còn là niềm tự hào của mỗi thanh niên Việt Nam để góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, giữ gìn bản sắc, truyền thống dân tộc, tự tin hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Tin rằng, các thế hệ thanh niên Việt Nam khi tham gia nghĩa vụ quân sự sẽ tiếp tục đem sức trẻ của mình để ra sức rèn luyện, tu dưỡng, học tập, công tác, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh đi trước và xứng đáng với niềm tin của Đảng và Nhân dân dành cho các thế hệ thanh niên Việt Nam.

Minh Hải

(Viện kiểm sát quân sự BĐBP)

Bình luận

ZALO