Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:21 GMT+7

Trong “rốn” dịch Covid-19 của Quảng Ngãi

Biên phòng - Phường Phổ Thạnh và xã Phổ Châu thuộc khu vực biên giới biển của thị xã Đức Phổ, những ngày qua đang trở thành “rốn” dịch Covid-19 của tỉnh Quảng Ngãi khi mỗi ngày có hàng chục ca nhiễm mới trong cộng đồng. Ngày 25-6, tỉnh Quảng Ngãi phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên trong đợt bùng phát dịch thứ 4, nhưng đến trưa ngày 13-7, số người  bệnh đã lên đến 179 ca, riêng khu vực phường Phổ Thạnh và xã Phổ Châu chiếm tới 165 ca.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Thắng, cán bộ Đồn Biên phòng Sa Huỳnh động viên, tư vấn sản phụ xin đi ra ngoài vùng dịch để sinh con. Ảnh: Văn Chương

Ngay khi có lệnh phong tỏa, các chốt kiểm soát phòng, chống Covid-19 được thiết lập trên địa bàn 2 địa phương này. Lực lượng chức năng, trong đó có BĐBP gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phong tỏa vì địa bàn có tuyến Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam đi qua và giáp ranh với huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Mặt khác, hàng loạt vấn đề phức tạp phát sinh do số dân bị phong tỏa quá đông, từ vận chuyển, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men, đến việc chăm sóc người đau ốm và người già, trẻ em trong các gia đình có người đi cách ly tập trung...

Chúng tôi đến các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại phường Phổ Thạnh và xã Phổ Châu đang phơi mình dưới nắng cháy nhưng vẫn có cảm giác nao người trên con đường vắng lặng dẫn vào “rốn” dịch, thi thoảng lại có xe cứu thương hụ còi hối hả.

Tại 2 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 đặt trên Quốc lộ 1A, bao gồm chân dốc Long Thạnh (phường Phổ Thạnh) và đèo Bình Đê (xã Phổ Châu), lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông và BĐBP liên tục di chuyển để kiểm tra, hướng dẫn các phương tiện cắt đường qua vùng dịch, không để xảy ra ùn tắc. Có một thuận lợi là Quốc lộ 1A qua khu vực này đã mở một tuyến đường tránh, phân làn. Nhờ đó, toàn bộ phương tiện hành trình tuyến Bắc - Nam được phân luồng đi qua đường tránh, sát hông tâm dịch phường Phổ Thạnh và xã Phổ Châu.

Cán bộ trực ở các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 không chỉ hướng dẫn phương tiện lưu thông, mà còn phải giải quyết những vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh. Thỉnh thoảng lại có người rời vùng dịch trên chiếc xe máy, trên tay cầm theo giấy xác nhận của Trạm Y tế phường Phổ Thạnh lên bệnh viện tuyến trên điều trị. Thiếu tá Nguyễn Xuân Thắng, cán bộ Đồn Biên phòng Sa Huỳnh cho biết, khi bà con có những lý do chính đáng như vậy, chốt phải giải quyết cho qua, nhưng anh em có thêm nhiệm vụ hướng dẫn, tư vấn kỹ càng người dân ra bệnh viện phải khai báo y tế, hạn chế tiếp xúc và tự cách ly.

Sáng 12-7, tôi chứng kiến cảnh 2 phụ nữ chở nhau với bộ dạng gấp gáp và dừng lại ở chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19. Người phụ nữ cầm lái trình ra phiếu chuyển từ Trạm Y tế phường Phổ Thạnh ra Bệnh viện Đa khoa Đặng Thùy Trâm. Người phụ nữ cầm lái nói với giọng gấp gáp về lý do xin chở người ra khỏi vùng dịch, mặc dù đi thì lo nhưng không còn cách nào khác. Người phụ nữ ngồi sau xe là chị Hồ Thị Tứ, sinh năm 1994, quê quán ở thôn Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh. Bác sĩ Trạm Y tế phường Phổ Thạnh chẩn đoán: Thai lần 2 đủ tháng, tiền chuyển dạ...

Ở “rốn” dịch phường Phổ Thạnh, phần lớn các ca dương tính với SARS-CoV-2 và F1 nằm ở thôn Thạch Bi 1 và Thạch Bi 2. Chị Tứ là người ở phường Phổ Thạnh, tuy nhiên, định cư ở ngôi làng nằm bên kia cửa biển, là nơi chưa có nhiều ca dương tính như khu dân cư ở phía Tây cửa biển. Vì vậy, việc giải quyết cho chị ra khỏi vùng dịch, dù là bất đắc dĩ, nhưng cũng phải tạo điều kiện. Các cán bộ trạm là Công an và BĐBP tiếp tục căn dặn kỹ: “Ra bệnh viện phải khai báo y tế ngay để các bác sĩ nắm được tình hình, mặc đồ bảo hộ khi tiếp xúc sản phụ, đồng thời bố trí cho nằm riêng để tránh nguy cơ lây nhiễm”.

Phường Phổ Thạnh, dân cư đông đúc tập trung ở 2 thôn Thạch Bi 1 và Thạch Bi 2. Tổng cộng 33.000 nhân khẩu nằm ở vùng phong tỏa, vì vậy, chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 ở dốc Long Thạnh và đèo Bình Đê giáp với huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định phải giải quyết rất nhiều trường hợp liên quan đến việc xin ra khỏi địa bàn vì lý do mua thuốc, điều trị bệnh, người già đau ốm nặng, những ca bệnh không thể điều trị tại trạm y tế cấp phường. Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 kiểm tra rất kỹ người, phương tiện qua lại, vì vậy, một số đối tượng bất hảo giống như cá bị đưa lên khỏi mặt nước, tự xuất đầu, lộ diện.

Điển hình, ngày 30-6, 2 đối tượng Nguyễn Hoàng P, sinh năm 1990 và Nguyễn Đức C, sinh năm 1991, cùng trú tại tổ dân phố Long Thạnh 1, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ điều khiển xe máy đến và nài nỉ xin ra ngoài với lý do, người thân bị suy thận nên đi mua thuốc và sẽ quay về sau 30 phút. Nhưng chờ khá lâu thì tên C mới quay trở lại. Trong thời gian đó, trinh sát Đồn Biên phòng Sa Huỳnh đã điểm mặt 1 trong 2 đối tượng nghiện ma túy nên rất có thể bọn chúng đang đi kiếm hàng. Tên C dù đóng kịch hoàn hảo nhưng cũng bị bắt với tang vật là một gói ma túy tổng hợp.

Lực lượng Biên phòng, Công an làm nhiệm vụ tại Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại chân dốc Long Thạnh. Ảnh: Văn Chương

Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 nằm chặn ở 2 đầu vùng dịch, nhưng bên trong vùng dịch còn nhiều chốt nội bộ ngăn giữa các xã, các thôn. Khi một người từ vùng dịch đi ra ngoài, hoặc từ ngoài đi vào đều có giấy tờ xác nhận. Trước đó, một ngày, chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 số 4 phát hiện một thanh niên đi xe máy và không có giấy tờ. Sau một hồi quanh co, tên này khai là N.L.T.V, quê ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, từ thành phố Hồ Chí Minh về quê qua sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định. Do thấy chốt gác đường quá kỹ nên V lách đường mòn để đi vào địa phương, tiện thể thấy chiếc xe máy dựng ven đường nên “chôm” luôn rồi bỏ chạy. Nhưng V không biết rằng, tại “rốn” dịch phường Phổ Thạnh và xã Phổ Châu, một dấu hiệu bất thường cũng có thể bị xét hỏi.

Thiếu tá Huỳnh Tấn Phương, cán bộ BĐBP tăng cường vào chốt thường xuyên chia sẻ hình ảnh các lực lượng ngày đêm bám chốt, có người thay ca mới được vào lều bạt nghỉ tranh thủ trên võng. Mỗi khi có đoàn cứu trợ vào “rốn” dịch, anh em lại tất bật hỗ trợ thêm việc bốc xếp hàng trung chuyển đến các khu dân cư bị phong tỏa. Thiếu tá Phương chia sẻ: “Thức ngày, thức đêm, bữa chính cơm hộp, bữa phụ mì tôm, vì không ai được phép rời bỏ chốt dù chỉ vài phút, nhưng chúng tôi tự hào được góp sức bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân và cộng đồng”.

Hiện nay, hàng ngàn tàu cá của ngư dân phường Phổ Thạnh neo tại bến để chờ hết dịch, 44 ngư dân ngoài địa bàn bị mắc kẹt tại vùng dịch đã được Đồn Biên phòng Sa Huỳnh trao quà của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Quảng Ngãi và Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bình Sơn, cùng với số tiền 15,5 triệu đồng. Đồn Biên phòng Sa Huỳnh còn hỗ trợ giúp địa phương quản lý, bảo vệ tàu cá cho các chủ tàu là F1 phải đi cách ly tập trung.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO