Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 03:25 GMT+7

Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024)

Trong vòng tay nhân dân

Biên phòng - Những người lính "Bộ đội Cụ Hồ" từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu đã làm nên những chiến công vĩ đại trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân và làm nghĩa vụ quốc tế. Những người lính nhỏ bé nhưng vĩ đại ấy đã viết nên những trang sử hào hùng khiến cả thế giới phải kinh ngạc.

Nơi nào khó khăn, nơi đó có bộ đội. Ảnh: CT

Sự nhỏ bé vĩ đại

Việt Nam - một quốc gia nhỏ bé nhưng kiên cường, một quốc gia trong lịch sử hàng ngàn năm phải đấu tranh để giữ gìn bờ cõi, bảo vệ giống nòi. Một quốc gia đã đánh bại những cường quốc kinh tế và quân sự khiến cả thế giới phải kinh ngạc. Quốc gia ấy có những người lính nhỏ bé từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu đã làm nên những chiến công vĩ đại. Những người lính ấy đã mang chung một cái tên “Người lính Cụ Hồ” để làm nên một thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ. Những người lính ấy trong suốt hành trình chống lại kẻ thù xâm lược có tên, có tuổi, nhưng cũng có người nằm lại với đất chỉ với dòng chữ “Liệt sĩ chưa biết tên”. Thế nhưng, chiến công của những người lính ấy là bất diệt và họ hòa vào sông núi, hòa vào trong trí nhớ của nhân dân vĩnh cửu.

Có lẽ, chẳng ai có thể tưởng tượng được rằng, những người lính Cụ Hồ nhỏ bé đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, “mưa dầm cơm vắt”, “máu trộn bùn non” để làm nên một Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, đánh dấu chấm hết cho chủ nghĩa thực dân. Họ trở thành “một Thạch Sanh của thế kỷ 20” để chiến đấu và chiến thắng quân xâm lược Mỹ, để đất nước hát khúc khải hoàn cho độc lập dân tộc và hạnh phúc vững bền. Rồi họ trở thành người lính tình nguyện làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng man rợ, khiến nhân dân Campuchia trong ân nghĩa, chân tình đã gọi bộ đội Việt Nam với cái tên “Đội quân nhà Phật”.

Trong thời đại đầy biến động của thế giới, những người lính Cụ Hồ ấy còn làm nhiệm vụ quốc tế trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở nhiều quốc gia châu Phi. Những người lính QĐND Việt Nam tận tụy giúp đỡ, bảo vệ những người dân nghèo khổ nơi châu Phi xa xôi đang cần sự chia sẻ của tình người. Trong 10 năm qua, đã có hơn 800 lượt chiến sĩ được điều động tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Họ đã lan tỏa hình ảnh đầy bản lĩnh về "Bộ đội Cụ Hồ", được bạn bè quốc tế đánh giá cao không chỉ bởi trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm, mà còn để lại dấu ấn tốt đẹp với người dân địa phương.

Hình ảnh những người lính không ngại khó, không ngại khổ, hướng dẫn người dân bản địa làm nông nghiệp, hỗ trợ làm đường, xây trường học, trở thành giáo viên dạy học cho trẻ em khó khăn, khám chữa bệnh, phát thuốc cho người dân... xuất hiện thường xuyên. Bằng tình cảm gắn bó, sự có mặt của những người lính Việt Nam từ lâu đã trở thành nguồn động viên to lớn cho người dân tại đất nước châu Phi nghèo khó. Vượt lên trên bổn phận, trách nhiệm, những người lính mũ nồi xanh đã tiếp tục làm đẹp thêm hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" và ấn tượng về một Việt Nam không chỉ anh hùng trong chiến đấu, mà còn rất nhân văn giữa thời bình và hiền hòa với thế giới.

Những ngôi sao lấp lánh

Trong thời đại hòa bình, những người lính mang trong mình trái tim hướng về Tổ quốc, về nhân dân vẫn luôn học tập, tiếp thu, kế thừa, kết tinh, phát triển và nâng cao các giá trị văn hóa của lịch sử, nâng cao hình tượng người lính, viết thêm những kỳ tích mới. Là lực lượng chủ lực trong việc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, anh bộ đội lại tiên phong trong xử lý ô nhiễm môi trường hay rà phá bom mìn. Thiên tai ập đến. Nơi nào có lũ cuốn, có núi lở, có rừng cháy..., nơi đó bộ đội có mặt sớm nhất để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Nơi đồng bằng mưa bão ngập lụt, bộ đội dầm mình gặt lúa giúp dân. Bộ đội làm bác sĩ chữa bệnh. Bộ đội làm thầy giáo dạy trẻ cái chữ. Trong những ngày đại dịch Covid-19 vừa qua, với khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc”, bộ đội nhường chỗ ở, bộ đội làm bác sĩ, y tá, hộ lý, bộ đội làm “bà nội trợ” đi chợ giúp dân. Ở nơi biên giới xa xôi không chỉ có những cột mốc bằng xi măng cốt thép, còn có cả những người lính như "cột mốc sống" canh giữ từng phút bình yên cho đất Mẹ. Bộ đội đã đem lại cuộc đời mới cho người dân nơi hẻo lánh nhất.

Đội chó nghiệp vụ của BĐBP thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, tháng 9/2024. Ảnh: Ngọc Lâm

Hơn một tháng qua khi siêu bão Yagi và thiên tai hoành hành, những mệnh lệnh của trái tim được khởi động. Quân đội đã huy động hơn 458.000 người và hơn 10.000 phương tiện sẵn sàng giúp nhân dân các tỉnh phía Bắc ứng phó với bão Yagi. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Quân đội vẫn luôn một lòng là người con trung hiếu của nhân dân. Những cán bộ, chiến sĩ lao vào cơn bão tố và thiên tai để giúp đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân. Một lần nữa, hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" lại tỏa sáng, truyền thêm niềm tin cho cộng đồng xã hội. Nhân dân nhìn thấy bộ đội là thấy an lòng.

Cả đất nước hướng về miền Bắc, nơi cơn bão lũ đi qua, nơi những trận sạt lở khủng khiếp để lại lắm tang thương và ở đó lại hiện diện hình ảnh những người lính. Những ngày gian khó ấy, ở những nơi nguy hiểm nhất, hình ảnh những người lính Cụ Hồ luôn đi đầu, sát cánh cùng với các lực lượng chức năng vượt mưa lũ, không quản ngày đêm, bất chấp gian khó, hiểm nguy để đưa người dân chạy lũ, tiếp tế lương thực, thực phẩm, tìm kiếm người bị nạn. Quên mình vì sự sống của nhân dân, họ ngày đêm xông pha vào những khu vực trọng yếu, bất chấp nguy hiểm để giúp dân chống chọi với thiên tai. Họ đội mưa, ngâm mình hàng giờ dưới dòng nước lũ để ứng cứu, đưa người bị cô lập đến nơi sơ tán. Những bữa ăn vội, những giây phút chợp mắt trên đống đổ nát cũng rất vội vàng bởi những người lính biết ngoài kia, người dân đang chờ được tiếp tế lương thực, được giải cứu và đâu đó dưới đống bùn đất kia có những người dân bị vùi lấp cần được đưa về.

Sự xuất hiện của “các chú bộ đội” luôn khiến người dân yên tâm hơn hẳn bởi một niềm tin “Có bộ đội đến là dân được cứu rồi!”. Để rồi, những người dân ở thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) hay các bản làng ở Hà Giang, Lai Châu, Yên Bái... đều bịn rịn khi chia tay những người lính đã hoàn thành nhiệm vụ. Những người lính mang trên mình ngôi sao vàng lấp lánh, đi giữa vòng tay nhân dân. Ở dân thương, đi dân nhớ là như thế đó.

Và những người lính có một mệnh lệnh khác từ nhân dân: “Đi đủ về đủ!”, bởi chẳng ai muốn giữa thời bình lại có thêm những sự hy sinh. Dẫu vậy, có những sự hy sinh, quên mình vì nhân dân, vì Tổ quốc như tấm gương Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm (sinh năm 1997), Lữ đoàn công binh 513 đã hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu nạn trong phòng chống bão Yagi tại Quảng Ninh. Hay sự ra đi vào những ngày trung tuần tháng 10/2020, khi 13 cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam đã bị vùi sâu trong lòng đất ngay Trạm kiểm lâm 67 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thừa Huế trong thời điểm đi cứu nạn 16 công nhân mất tích gần Thủy điện Rào Trăng 3. Ngày 16/10/2020, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy 13 cán bộ, chiến sĩ. Các anh vẫn còn nguyên vẹn hình hài, vẫn khoác trên mình quân phục với tâm thế sẵn sàng chiến đấu để nghe Tổ quốc gọi tên mình.

Giữa thời bình, niềm vui ngập tràn trên từng nẻo đường, góc phố. Bình yên hiện hữu trên mỗi gương mặt người. Hạnh phúc nhân lên trong từng mái ấm. Thế nhưng, nơi biên cương, hải đảo hay nhà giàn xa xôi, vẫn có những người lính ngày đêm lặng thầm làm nhiệm vụ. Những người lính Cụ Hồ dù ở bất kỳ mặt trận nào vẫn luôn là hiện thân của tinh thần và khí phách Việt Nam.

Minh Ngọc

Bình luận

ZALO