Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 07/07/2024 09:06 GMT+7

Trụ đỡ của nền kinh tế

Biên phòng - Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn chồng chất, nông nghiệp đã khẳng định là trụ đỡ quan trọng cho nền kinh tế nước ta, đóng góp 10,4 tỷ USD vào xuất siêu cho nền kinh tế, đưa Việt Nam trở thành một trong 5 quốc gia trên thế giới có dòng thương mại mạnh nhất.

Thành tựu nông nghiệp rất đặc biệt trong bối cảnh thiên tai khốc liệt như mưa đá, hạn mặn, lũ lụt đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất; đại dịch Covid-19 làm đứt gãy kết nối thương mại nông sản giữa hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Không chỉ đảm bảo cho 100 triệu dân, nông nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng 2,68% so với năm 2019, mở ra nhiều kỳ vọng phát triển mới cho năm 2021. Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2020 đạt kỷ lục mới trên 42 tỷ USD. Trong đó, 9 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, nổi bật như gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12 tỷ USD; tôm đạt 3,66 tỷ USD; rau quả đạt gần 3,35 tỷ USD...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, sau 2 năm chống chọi với dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại chưa từng có, đến nay, tổng đàn lợn cả nước đã đạt trên 26 triệu con; sản lượng thịt lợn hơi cả năm 2020 đạt 3,5 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2019.

Điểm sáng trong hội nhập của nông nghiệp Việt Nam là thu hút mạnh mẽ đầu tư của doanh nghiệp vào công nghệ cao. Trong năm, có thêm 18 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng vào chế biến nông, lâm, thủy sản đi vào hoạt động. Qua đó, đã tạo bước đột phá về chế biến xuất khẩu, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng hàng nông sản, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.

Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra, ngành nông nghiệp tăng trưởng chưa đảm bảo bền vững. Thách thức về thiên tai, dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn khi khả năng chống chịu của nông nghiệp còn hạn chế, dễ bị tổn thất lớn khi có thiên tai.

Cơ sở hạ tầng của ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cạnh tranh quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thu nhập và đời sống người dân nông thôn, miền núi chỉ bằng 78% bình quân chung cả nước, tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 4 lần thành thị...

Yếu tố thiếu bền vững trong sản xuất nông nghiệp thể hiện trong công tác dự báo cung cầu thị trường còn yếu. Nhiều mặt hàng nông sản chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế do hạn chế trong các khâu bảo quản và chế biến. Mặt khác, tình trạng lạm dụng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng lãng phí nước còn diễn ra, dẫn đến chi phí sản xuất và tổn thất sau thu hoạch còn cao, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm môi trường.

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu cho ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng GDP toàn ngành trên 3%, kim ngạch xuất khẩu đạt 44 tỷ USD.

Muốn vậy, cơ cấu kinh tế nông thôn phải chuyển dịch đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích doanh nghiệp và nông dân đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng tài nguyên và tăng năng suất lao động.

Trước mắt, ngành nông nghiệp cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao, phát triển nhóm sản phẩm chủ lực xuất khẩu vào các thị trường chất lượng, đạt kim ngạch cao.

Phát huy lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo, điều hành sản xuất đáp ứng yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như hàng loạt các cam kết khác về lao động, môi trường, phát triển bền vững..., đưa xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trở thành lĩnh vực đem lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế, để nông nghiệp có thể phát huy tốt nhất vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong nhiều thời điểm.

Hoàng Lâm

Bình luận

ZALO