Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 10:45 GMT+7

Trưng bày di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và nghệ thuật Xòe Thái

Biên phòng - Nằm trong khuôn khổ Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: 2021-2025, Trung tâm Thông tin du lịch thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) sẽ thực hiện chương trình trưng bày di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào ngày 1/12, tại Hà Nội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên sẽ được trưng bày để lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: TTXVN

Trong khuôn khổ hoạt động trưng bày sẽ diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn như: Không gian trưng bày di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và nghệ thuật Xòe Thái; gian hàng xúc tiến quảng bá du lịch vùng dân tộc thiểu số; cung cấp thông tin du lịch, giới thiệu sản phẩm du lịch, giao lưu trải nghiệm ẩm thực đặc sắc của địa phương…

Đặc biệt, trong dịp này, Trung tâm Thông tin du lịch ra mắt video clip quảng bá cho hoạt động trưng bày di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đó, video clip có độ dài 30 giây gồm nhiều hình ảnh đẹp mắt, mang đến cho du khách góc nhìn về Tây Bắc tươi đẹp với những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng, núi rừng trùng điệp bao bọc, nuôi dưỡng những bản làng của đồng bào các dân tộc, trong đó có dân tộc Thái - chủ nhân của nghệ thuật xòe độc đáo. Trước đó, ngày 15/12/2021, UNESCO đã ghi danh Nghệ thuật xòe Thái của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cùng với nghệ thuật Xòe Thái, trong video clip quảng bá cũng sẽ có những hình ảnh thể hiện nét đẹp của mảnh đất Tây Nguyên, trong đó có không gian văn hóa cồng chiêng đậm đà bản sắc gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào các dân tộc Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Rơ Măm, Mạ…

Với những giá trị nổi bật, ngày 25/11/2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thùy Chi

Bình luận

ZALO