Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:14 GMT+7

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và con đường huyền thoại

Biên phòng - "Ngày nối ngày, tháng nối tháng, năm nối năm” - Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng Chính phủ), Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã tổng kết như vậy. Ông vừa từ trần ngày 4-4-2019, hưởng thọ 96 tuổi. Tên của ông gắn liền với con đường huyền thoại - Hồ Chí Minh.

xqnp_5b
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên. Ảnh: Hải Luận

Tôi đã hai lần đến nhà riêng của ông phỏng vấn. Để tưởng nhớ đến vị tướng tài ba, bài viết này của tôi như nén nhang thơm tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng.

“Muốn đánh lớn ở miền Nam thì phải có các lực lượng ngang tầm. Cơ cấu trung đoàn xe độc lập là ngang tầm với chiến sự rồi, chúng tôi cho thành lập Sư đoàn xe độc lập, chở gọn một quân đoàn đi thẳng miền Nam luôn. Đã vượt tầm. Đây là yếu tố bất ngờ cho đối phương, vì chúng nghĩ rằng, quân ta chỉ đi bộ không thể có đánh lớn được. Sư đoàn xe chở quân, địch trở tay không kịp” - Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên khái quát sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử.

Đáp số bí mật cho Tổng Bí thư Lê Duẩn

Tết Quý Sửu 1973, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn vào Quảng Bình tìm hiểu thực tế để chuẩn bị vạch kế hoạch chiến lược lớn. Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nhớ lại: “Tại Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, tôi đã báo cáo với Bí thư thứ nhất Lê Duẩn khá đầy đủ về tình hình mở đường, vận tải hậu cần vào chiến trường, nâng cấp hệ thống thông tin. Tôi mới nói xong,  Bí thư thứ nhất hỏi:

- Nếu một sư đoàn hành quân từ Nam Quảng Bình vào Bù Đăng, Bình Phước, đi hết bao nhiêu ngày?

- Báo cáo anh, một trung đoàn xe vận tải chở một sư đoàn, hành quân đi thẳng không dừng ở các binh trạm, thì 8 ngày đến nơi.

- Nếu một quân đoàn, kèm theo vũ khí, phương tiên kỹ thuật, đi bao nhiêu ngày?

- Một sư đoàn xe độc lập chở gọn một quân đoàn, cũng mất 8 ngày vào điểm tập kết.

Tôi nói đến đây, nét mặt Bí thư thứ nhất Lê Duẩn tươi hẳn lên. Bất thình lình, ông vỗ tay xuống bàn, nói: “Thế đã rõ. Đáp số là đây”.

Tôi “khoét sâu” chi tiết: “Thế đã rõ. Đáp số là đây” là vấn đề gì? Ông Nguyên giải thích: “Lúc đó là tuyệt mật, nay tôi mới nói lần đầu tiên với cậu. Muốn giải phóng hoàn toàn miền Nam, nhất định phải có các đơn vị quân chủ lực tinh nhuệ miền Bắc đưa vào tham chiến. Trước đây, một người lính hành quân từ miền Bắc vào miền Nam, mất thời gian 6 tháng. Bây giờ, cả một quân đoàn hành quân mất 8 ngày. Đây là đáp số mà Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã tìm ra tại đường Hồ Chí Minh. Trước đó, chúng tôi đã cho thành lập 2 sư đoàn xe vận tải độc lập, duy nhất trên thế giới chỉ có Việt Nam mới cơ cấu cấp sư đoàn xe vận tải. Liên Xô, Mỹ mới chỉ có cấp trung đoàn xe. Đây là điểm bất ngờ lớn cho đối phương về khả năng đảm bảo hậu cần và di chuyển quân của ta.Tốc độ hành quân của các đơn vị chính qui từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam là ưu tiên số 1”. 

Tư lệnh Nguyên mời Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đến cầu phao Long Đại kiểm tra thực tế điểm “nút cổ chai” ở tuyến đường Hồ Chí Minh. Tại đây, ông Nguyên cho bắc hai cây cầu phao, để hai làn xe chạy liên tục không dừng. Thấy lạ, Bí thư thứ nhất quay sang hỏi ông Nguyên: “Lúc khó khăn, anh cho bắc hai cầu phao như vậy lãng phí quá!”. “Nếu chỉ bắc một cầu phao, xe đến đây phải dừng lại chờ nhau để vượt sông. Như vậy là vô nghĩa. Hai cầu phao cho phép xe chạy tuyến vào - tuyến ra không bị gián đoạn về tốc độ, vận tải phải nhanh hơn tốc độ phát triển ở các chiến trường” - Tướng Nguyên trả lời.

Về Hà Nội, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã yêu cầu Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng cho thành lập “Tổ trung tâm”, để soạn thảo kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Điểm mấu chốt của bản kế hoạch phải đưa quân chủ lực tinh nhuệ từ miền Bắc vào miền Nam. Tháng 10 –1973, ở miền Bắc, Quân đoàn 1 mang tên Quyết Thắng, binh đoàn chủ lực cơ động chiến lược đầu tiên của QĐND Việt Nam được thành lập. Năm 1974, tiếp tục thành lập Quân đoàn 2, 3, 4 để đủ sức tiến công toàn diện các chiến trường ở miền Nam.

Giỏi lừa địch

Hệ thống đường Hồ Chí Minh mang tinh thần chiến đấu của cả dân tộc. Người trực tiếp chỉ huy tuyến đường có một tinh thần thép và đầy mưu lược, để đối phó với bộ máy chiến tranh siêu cường của Mỹ. Không quân của Mỹ đã biến nhiều trọng điểm, trở thành “tọa độ lửa”, hủy diệt khủng khiếp nhất. Có những thời điểm bị tắc toàn tuyến, bộ đội phải bỏ xăng, dầu vào từng bao tải (phía trong ni-lông) đựng xăng dầu để vượt qua trọng điểm ác liệt. Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên phải chảy nước mắt: “Thấy anh em có những hành động gan dạ, kiên cường và bế tắc như vậy, tôi nói: “Các đồng chí làm như kiểu này chưa đủ cấp nội bộ; chiến trường cần hàng trăm, hàng nghìn xe bồn. “Tắc” đường là “tắc” chiến trường luôn. Phải nghĩ cách phá thế đường độc đạo”.

Tất cả Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đã xuống các trọng điểm nằm “mai phục”, tìm hiểu phương thức và thủ đoạn đánh phá của địch. Từ đó nghĩ ra nhiều cách “tránh né” và phương pháp đánh trả hợp lý. “Cuộc chiến tranh ngăn chặn đối với đường Hồ Chí Minh, đã được Nixon (Tổng thống Mỹ), người kế nhiệm Johnson, đẩy lên một nấc thang mới, ngăn chặn bằng chiến tranh “tự động hóa”, “điện tử hóa”, “hóa học hóa” và chiến tranh tổng lực. Không nắm bắt được diễn biến này, sẽ khó thấy được nét đặc thù của cuộc chiến tranh ngăn chặn và chống ngăn chặn trên đường Hồ Chí Minh” – Ông Nguyên nêu ra các “đề bài”.

Đồng thời, ông đưa ra các biện pháp đối phó: “Với thủ đoạn đánh phá mới của địch, chúng tôi lệnh cho các đơn vị cao xạ chốt giữ trọng điểm tập kích hỏa lực đánh tiêu diệt các máy bay thả phương tiện trinh sát điện tử và máy bay cường kích ném bom hỗn hợp, kết hợp xây dựng công sự kiên cố. Đưa nghi binh lừa địch lên đỉnh cao. Khi địch đánh mạnh tuyến nào, hướng nào thì nghi binh “mời” chúng vào hướng đó, tuyến đó ném bom. Nhanh chóng vu hồi, lật cánh đội hình vận chuyển sang hướng khác đi, để giữ vững sức đột kích liên tục theo đội hình”.

Những “kẻ hủy diệt” đã bị hủy diệt. Cùng với nó, những khí tài trinh sát điện tử khác của Mỹ cũng dần dần bị vô hiệu hóa. Có khi chỉ bằng những giải pháp giản đơn. “Cây nhiệt đới” là trạm thu tín hiệu truyền về trung tâm, địch thả xuống những nơi trọng yếu. Tư lệnh Nguyên đã cho thành lập những đơn vị chuyên đi săn tìm “cây nhiệt đới”. Khi phát điện được “cây nhiệt đới” thì đưa cái máy nổ cũ đến sát, nổ nghi binh. Và cứ thế, từng tốp máy bay địch kéo đến ném bom xuống những cánh rừng hoang vô tội. Rồi địch thả mìn lá để chặn bước tiến của quân ta, ông Nguyên cho máy húc có lắp càng phía trước dọn đường, làm mìn nổ như pháo tép.

Tư lệnh Nguyên nói như tổng kết: “Bằng việc vô hiệu hóa “kẻ hủy diệt” , “bom khôn ngoan” và “những người gác đường cần mẫn”..., Bộ đội Trường Sơn đã thực hiện thắng lợi việc gắn kỹ thuật với chiến thuật, phát huy cao độ không chỉ ý chí quật cường mà cả trí thông minh, sáng tạo của con người Việt Nam để chiến thắng nền khoa học quân sự phi nhân tính của Mỹ”.

Hải Luận

Bình luận

ZALO