Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:18 GMT+7

Trung tướng Hà Ngọc Tiếu - Mưu trí, sáng tạo trên mặt trận an ninh biên giới

Biên phòng - Trung tướng Hà Ngọc Tiếu tên thật là Nguyễn Văn Hoàn, sinh năm 1921 trong một gia đình lao động. Quê ông là xã Trực Tuấn, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1943, tại địa bàn thành phố Hải Phòng và Hà Nội. Khi bị lộ, ông vào Sài Gòn - Chợ Lớn (thành phố Hồ Chí Minh) tiếp tục hoạt động cách mạng.

Trung tướng Hà Ngọc Tiếu, Phó Tư lệnh CANDVT (1976-1980)

Ngày 23/8/1945, ông dẫn đầu Nghiệp đoàn công nhân da giày, tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn. Sau đó không lâu, ông bị địch bắt. Thông qua trao đổi tù binh theo Hiệp định sơ bộ Pháp - Việt ngày 6/3/1946, ông được trả tự do. Ông tham gia quân đội, lần lượt giữ các chức vụ: Chỉ huy phó, rồi Chỉ huy trưởng Thành bộ Tự vệ Sài Gòn-Chợ Lớn, Chính ủy Trung đoàn Phạm Hồng Thái - đội quân chủ lực của thành Sài Gòn-Chợ Lớn và Phó ban Quân báo Liên khu Nam bộ.

Năm 1960, với cấp hàm Trung tá, ông được điều từ Cục Quân báo, Bộ Quốc phòng sang lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Ông lần lượt giữ các chức vụ Cục phó Cục Trinh sát, Cục phó Cục Tham mưu, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang, Phó Tư lệnh phụ trách công tác Trinh sát. Cuối năm 1980, ông được điều trở lại Bộ Công an, đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng cục trưởng Thường trực, Tổng cục Cảnh sát. Ông nghỉ hưu năm 1990.

Ông Nguyễn Quang Ngọc, người đã làm liên lạc cho Trung tướng Hà Ngọc Tiếu thời kỳ hoạt động bí mật ở Sài Gòn-Chợ Lớn, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã kể: "Tên của Trung tướng Hà Ngọc Tiếu có từ ngày ông ở trong nhà tù của địch. Khi đó, thấy kẻ địch xét hỏi mình có vẻ khờ khạo về nghiệp vụ, ông đã bật cười lớn, chế giễu chúng. Quá cay cú, ngày nào địch cũng tra tấn ông với đủ các ngón đòn hết sức dã man. Đồng đội và bạn tù xót thương hỏi tại sao ông cười để bị địch đánh cho đau. Và cái tên Hà Ngọc Tiếu được ra đời từ đó. Hà có nghĩa "tại sao", Tiếu có nghĩa "cười". Hà Ngọc Tiếu, "tại sao cười" là biệt danh do các bạn tù nghĩ ra và đặt tặng ông thay cho tên cúng cơm Nguyễn Văn Hoàn do cha mẹ đặt. Chúng tôi quý mến ông là người biết cười, dám cười trong mọi hoàn cảnh. Cười để giữ niềm tin của mình và của bạn tù với nhau. Trước bọn cai ngục, dù bị hành hạ dã man, ông vẫn cười và can ngăn chúng gây tội ác. Chuyện lâu rồi nhưng tôi vẫn nhớ như in".

Trung tướng Hà Ngọc Tiếu đến với lực lượng Trinh sát Công an nhân dân vũ trang sau hơn một năm lực lượng ra đời. Ngày 4/11/1961, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục phó Cục Trinh sát, thay cho đồng chí Nguyễn Hoàn sang Liên Xô học. Đây là một công việc hoàn toàn mới mẻ, đầy khó khăn, thử thách đối với ông.

Đại tá Nguyễn Văn Chức, một trong số cán bộ có mặt đầu tiên từ ngày đầu Cục Trinh sát được thành lập. Ông nguyên là Cục trưởng Cục Trinh sát đã kể lại: "Cục Trinh sát được thành lập vào ngày 23/4/1959, với 40 cán bộ đầu tiên, gồm các trinh sát Quân báo Quân đội, trinh sát Công an và một số cán bộ giúp Lào từ Ban Cán sự miền Tây chuyển sang. Ban đầu, Cục có một Cục phó là đồng chí Nguyễn Hoàn, nguyên Chính ủy Trung đoàn. Dưới Cục có 2 phòng và 2 ban. Phòng Trinh sát Nội biên do đồng chí Đại úy Nguyễn Câu phụ trách. Phòng Trinh sát Ngoại biên do Đại úy Lê Hiếu Liêm, cán bộ Công an sang làm Trưởng phòng. Ban Tổ chức - Huấn luyện do Thượng úy Nguyễn Văn Chức phụ trách. Ban Văn thư - Mật quỹ do Thượng úy Hoàng Dương Tạo phụ trách. Lực lượng Trinh sát ở cấp khu và các tỉnh, thành còn rất thiếu".

Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương, trực tiếp là Đại tá Nguyễn Quang Việt, Cục Trinh sát khẩn trương nhanh chóng bước vào thời kỳ nghiên cứu, xây dựng và xác định lại tính chất, nhiệm vụ, tổ chức, phương thức hoạt động của lực lượng Trinh sát Biên phòng. Xác định, đây là một biện pháp công tác mũi nhọn, cần được đẩy mạnh và đi vào hoạt động hiệu quả.

Để hoàn thành nhiệm vụ, vừa xây dựng lực lượng, vừa chiến đấu thắng lợi với một số lượng cán bộ vừa thiếu, vừa yếu trong buổi đầu, lại bao gồm những con người từ mọi miền quê trong cả nước, từ nhiều đơn vị khác nhau, cho nên công tác chính trị tư tưởng, đặc biệt là vấn đề đoàn kết nội bộ, thống nhất ý chí được hết sức coi trọng. Lãnh đạo đơn vị, cao nhất là những đồng chí chỉ huy Cục, phải là hạt nhân của đoàn kết.

Công tác Trinh sát Biên phòng không giống như công tác Trinh sát của Bộ Công an, cũng không phải là trinh sát Quân báo như ở Bộ Quốc phòng, mà là loại hình công tác đặc biệt; vừa mang tính chất quân báo, vừa mang tính chất công an; có trách nhiệm đánh địch bí mật từ bên ngoài vào, từ trong Nam ra câu kết với nhau, hoạt động trên địa bàn biên giới. Cán bộ Trinh sát Biên phòng phải là những sĩ quan có năng khiếu và văn hóa; nếu công tác ở biên giới thì phải biết ngoại ngữ và tiếng dân tộc... Những vấn đề cơ bản này được Hội nghị Công an nhân dân vũ trang lần thứ nhất xác định, là quan điểm xuyên suốt trong công tác xây dựng lực lượng Trinh sát Biên phòng, từ buổi đầu cho đến tận hôm nay.

Với kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm phong phú được tích lũy trong quá trình hoạt động cách mạng, trải qua nhiều năm công tác trong ngành Tình báo quân đội, Trung tá Hà Ngọc Tiếu bước vào thực hiện nhiệm vụ đầy tự tin và nhanh chóng thích nghi với môi trường mới.

Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, tình hình biên giới Việt - Trung còn nhiều phức tạp. Đặc vụ Tưởng và các tổ chức phản động khác thường xuyên câu kết với các đối tượng phản cách mạng ở biên giới, xây dựng cơ sở, lập căn cứ vũ trang, nhen nhóm nổi phỉ, gây bạo loạn, hòng lật đổ chính quyền cơ sở, gây mất ổn định cho tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới.

Tháng 4/1960, tại xã Quốc Khánh (Lạng Sơn), xuất hiện một nhóm phản cách mạng do Hoàng Văn Sáng cầm đầu. Nhóm này được tổ chức phản cách mạng ở Khéo Mèo, Trung Quốc, bí mật giúp đỡ, lập căn cứ, chuẩn bị nổi phỉ, gây bạo loạn. Âm mưu của nhóm Sáng là bước đầu vũ trang, nổi dậy cướp chính quyền xã, tiến đến đánh chiếm Đồn Biên phòng Pò Mã. Trước tình hình đó, Cục phó Hà Ngọc Tiếu đã chỉ đạo, đưa đặc tình H5 thâm nhập vào đội ngũ địch. Chuyên án VA 500 được thành lập.

Với vai đóng phù hợp và sự mưu trí, dũng cảm, cùng với sự chỉ đạo sáng tạo của Trinh sát phụ trách, H5 nhanh chóng gây được sự tin cậy của nhóm phản cách mạng Hoàng Văn Sáng, đã góp phần đắc lực để chuyên án kết thúc thắng lợi. Ta bắt 5 đối tượng, trong đó trao trả cho Trung Quốc 2 tên. Trong bức điện gửi Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lạng Sơn, Cục phó Hà Ngọc Tiếu biểu dương cán bộ, chiến sĩ tham gia bóc gỡ nhóm phản động Hoàng Văn Sáng và chỉ rõ: "Công trạng của H5 cần ghi vào hồ sơ công tác của đặc tình; khi nào không còn cần giữ bí mật nữa thì đề nghị tặng bằng khen. Về hiện vật, thưởng 25 đồng".

Đầu tháng 12/1962, trinh sát Công an nhân dân vũ trang tỉnh Cao Bằng phát hiện có 3 người Trung Quốc sang Việt Nam móc nối với một số đối tượng ở xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh, để thành lập tổ chức vũ trang, lập mật khu chống phá cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc. Chúng đã có súng, giấy tờ giả. Đặc biệt có hai cơ sở đang làm thợ rèn ở thị trấn Trùng Khánh và làm công nhân ở mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng). Công an nhân dân vũ trang tỉnh Cao Bằng báo cáo Cục Trinh sát cho lập chuyên án và xin tăng cường lực lượng. Cục phó Hà Ngọc Tiếu đồng ý cho lập chuyên án, đồng thời, ông cử các đồng chí Lê Hoàng Giáp và Vũ Như Ánh, cán bộ của Cục Trinh sát tham gia; các trinh sát của Công an nhân dân vũ trang tỉnh Cao Bằng là các đồng chí Nông Văn Tạo, Lê Khôi, Nguyễn Minh, Lê Văn Cuông cùng tham gia trong Ban Chuyên án. Lực lượng đánh án được chia thành hai tổ. Đồng chí Lê Hoàng Giáp làm tổ trưởng tổ 1. Đồng chí Vũ Như Ánh làm tổ trưởng tổ 2. Đồng chí Lê Văn Cuông là chỉ huy chung.

Qua phát động quần chúng, kết hợp với công tác nghiệp vụ, Ban Chuyên án đã làm rõ tổ chức và hoạt động của bọn phản cách mạng mang tên "Giải phóng quân nhân dân Nam Phương độc lập đoàn". Tổ chức này phát triển được 62 đối tượng, trong đó có 18 đối tượng là người Trung Quốc do Triệu Kim Phúc cầm đầu. 44 đối tượng còn lại là người Việt Nam. Chúng kết hợp buôn lậu với tổ chức trấn cướp để lấy kinh phí hoạt động; từng hai lần đóng giả Công an Biên phòng chặn dân qua lại biên giới, "tịch thu" hàng, tiền của họ; bắt trộm 70 con trâu, ngựa của dân mang sang Trung Quốc tiêu thụ.

Chuyên án kết thúc vào ngày 28/10/1963, bắt 23 đối tượng cầm đầu và cốt cán của tổ chức "Giải phóng quân nhân dân Nam Phương độc lập đoàn", trong đó có 11 đối tượng người Trung Quốc, trong đó có: Đảng trưởng, Tham mưu trưởng, Chính trị viên của tổ chức. Số đối tượng này được ta trao trả cho Trung Quốc.

Chỉ tính từ năm 1959 đến cuối năm 1963, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương. Sau là Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, trực tiếp là Cục Trinh sát, Công an nhân dân vũ trang tuyến biên giới Việt-Trung, tuy còn thiếu cả lực lượng lẫn kinh nghiệm công tác, nhưng đã xác lập và phá thành công 10 chuyên án phản cách mạng, trong đó có vai trò rất quan trọng của đồng chí Hà Ngọc Tiếu.

Cũng như tuyến biên giới Việt - Trung, tình hình tuyến biên giới Việt - Lào và tuyến biển thời kỳ này cũng rất phức tạp. Tháng 3/1960, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 186/CT-TW của Ban Bí thư về "Cuộc đấu tranh chống bọn phản cách mạng" đã nhận định: "Việt - Lào là hướng trọng điểm xung yếu nhất, kẻ địch sẽ xâm nhập và phá hoại lâu dài"; đồng thời quyết định mở "Cuộc vận động thường trực chiến đấu", trong các đơn vị Công an nhân dân vũ trang, trọng điểm là các đơn vị tuyến biên phòng Việt - Lào. Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương chỉ thị cho các đơn vị: "Khẩn trương tăng cường công tác trinh sát ngoại biên". Các đội công tác "ba mặt" lần lượt được phái sang nước Bạn. Thế trận bí mật hai bên biên giới tiếp tục được củng cố. Các Đội công tác "ba mặt", công tác Trinh sát ngoại biên đã sát cánh cùng lực lượng bảo vệ biên giới của Bạn giăng bẫy, chờ đón thời cơ diệt địch.

Theo sự phân công, Chính ủy Nguyễn Quang Việt cùng Cục Phó Hà Ngọc Tiếu đi Tây Bắc. Ở đó, ông đã phối hợp với Trinh sát Công an, Trinh sát Quân đội tổ chức điều tra nắm tình hình để làm tham mưu cho cấp ủy và chỉ đạo các đơn vị chỉ huy tác chiến.

Tính từ năm 1961 đến hết năm 1964, địch đã tung ra miền Bắc 59 toán gián điệp biệt kích với đủ các loại thủ đoạn xâm nhập khác nhau. Chúng đã bị lực lượng Công an nhân dân vũ trang với vai trò nòng cốt, phối hợp với Công an và Bộ đội địa phương tiêu diệt và bắt sống 427 tên, thu nhiều vũ khí, điện đài và các phương tiện khác. Khu Công an nhân dân vũ trang Tây Bắc được Bác Hồ kính yêu tặng thưởng cờ luân lưu "Thi đua khá nhất" và nhiều huân chương các loại.

Khu vực Giới tuyến Vĩnh Linh là một địa bàn đặc biệt. Ngay từ những ngày đầu, Cục Trinh sát đã thông báo kịp thời, chính xác cho Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh về tình hình tổ chức và âm mưu của bè lũ Mỹ - Diệm ở bên kia giới tuyến. Địch đã sử dụng khu phi quân sự phía Nam làm đầu cầu tình báo, đưa gián điệp sang Vĩnh Linh. Có tất cả 11 cơ quan tình báo, quân báo, phản gián các cấp của Mỹ-ngụy, đặt trụ sở tại Quảng Trị.

Để chủ động tấn công địch, đồng chí Hà Ngọc Tiếu đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh chỉ đạo công tác Trinh sát Giới tuyến theo một mô hình tổ chức đặc biệt. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh, Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh đã tổ chức đưa 4 đội trinh sát Chính trị sang hoạt động trong lòng địch ở bờ Nam sông Bến Hải. Nhiệm vụ của từng đội là vừa làm công tác trinh sát, vừa giúp cán bộ địa phương xây dựng cơ sở, tham gia diệt ác, trừ gian. Đồng chí Hà Ngọc Tiếu còn chỉ thị cho Ban Trinh sát Vĩnh Linh tổ chức một đơn vị thuyền đi biển gọi là B6, do đồng chí Lê Bá Đằng chỉ huy, xuất phát từ Vĩnh Linh, vượt ra ngoài đảo Cồn Cỏ, rồi đột nhập địa bàn Nam Quảng Trị, để chuyên chở vũ khí, tài liệu và đưa đón cán bộ ra vào vùng địch. Trong thời kỳ địch kiểm soát chặt chẽ toàn tuyến, nhưng đội thuyền này vẫn lập được nhiều thành tích xuất sắc.

Ngày 25/12/1962, Bộ Tư lệnh quyết định thành lập Phân đội Trinh sát Đặc công, mang phiên hiệu Phân đội 3. Bộ Tư lệnh giao cho Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh trực tiếp chỉ huy. Sau một thời gian chuẩn bị, toàn đội đã vào chiến trường Nam Giới tuyến, phối hợp với 4 Đội Trinh sát Chính trị vào trước.

Ngày 8/11/1963, Cục Trinh sát, trực tiếp là Cục phó Hà Ngọc Tiếu đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh thành lập tiếp 4 phân đội Trinh sát vũ trang, lấy phiên hiệu 19, 21, 32, 25 để chi viện cho chiến trường Nam Quảng Trị. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, Công an nhân dân vũ trang đã đưa 4 Đội Trinh sát Chính trị cùng 5 Đội Trinh sát Vũ trang vào Nam tuyến. Thời điểm 1962-1963, chủ lực Quân giải phóng chưa xuất hiện ở chiến trường Nam Quảng Trị, nên sự có mặt của các phân đội trinh sát của Công an nhân dân vũ trang có sức cổ vũ lớn, hỗ trợ đắc lực cho phong trào cách mạng trong vùng.

Năm 1964, sau khi Nguyễn Khánh lên cầm quyền ở miền Nam, Cục Trinh sát đã thông báo cho Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh về hoạt động tăng cường của bọn quân báo, bọn tình báo Mỹ-ngụy. Trong đó, tổ chức "Ban sưu tầm vùng 1 chiến thuật" của địch có 5 toán gián điệp, đánh số từ 11 đến 16 (không có toán 13). Cục phó Hà Ngọc Tiếu chỉ đạo trinh sát, Vĩnh Linh cần chú ý toán 11 và 16. Toán 11 lấy bí danh "Bắc Ải Vân", hoạt động từ Quảng Trị ra tận Đồng Hới (Quảng Bình). Toán 16 còn gọi là "Toán Lao Bảo", gồm toàn người dân tộc thiểu số, hoạt động ở vùng rừng núi Quảng Trị, chuyên thu thập tin về đường dây 559. Ngoài hai toán này, Cục lưu ý cho trinh sát Vĩnh Linh cần chú ý đến hoạt động phối hợp giữa Phòng nhi Sư đoàn I, vùng chiến thuật 1, với Quân báo Vương quốc Lào. Bọn này thường tổ chức đưa người của chúng từ Sê Pôn ra hoạt động ở địa bàn Cù Bai...

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Tư lệnh về nhiệm vụ phòng, chống gián điệp biệt kích ở khu vực biên phòng, Cục Trinh sát kịp thời hướng dẫn cụ thể biện pháp triển khai thực hiện, đồng thời cử nhiều đoàn cán bộ tăng cường cho các tỉnh. Đoàn tăng cường cho Vĩnh Linh do đồng chí Lương Bá Thụ là trưởng đoàn, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cục phó Hà Ngọc Tiếu, phối hợp với trinh sát địa phương triển khai kế hoạch phản gián ở hai địa bàn Vĩnh Giang và Vĩnh Sơn.

Cùng với việc chỉ đạo công tác nghiệp vụ, ông còn thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tham mưu cho cấp ủy, chính quyền khu Vĩnh Linh xây dựng lực lượng, xây dựng phòng tuyến nhân dân bảo vệ trị an, thực hiện tốt công tác 3 phòng (phòng gian, phòng hỏa, phòng tai nạn) đều khắp. Nhờ các phong trào này hoạt động có hiệu quả, nên từ năm 1961 đến 1963, 7 đường dây gián điệp của địch tung ra Vĩnh Linh đều bị ta bóc gỡ. Số thì bị bắt, số thì dao động, không dám vượt sông Bến Hải ra Bắc. Tính đến năm 1965, địch đã đánh ra bờ Bắc 61 vụ gián điệp nhằm điều tra các đơn vị Quốc phòng, Công an nhân dân vũ trang và các đơn vị chi viện cho chiến trường miền Nam. Các vụ này đều bị ta phát hiện và chặn đứng. Trong số đó, có những vụ do đồng chí Hà Ngọc Tiếu trực tiếp chỉ đạo và tham gia đánh án.

Vào một đêm tối trời năm 1962, có một chiếc thuyền từ bờ Nam chèo sang bờ Bắc. Người lên trình diện với Đồn Công an giới tuyến là một phụ nữ mang thai sắp đến ngày sinh. Người phụ nữ đó quê ở Cát Sơn bên bờ Nam. Từ năm 1954 đến năm 1957, người phụ nữ này thường xuyên qua bờ Bắc đi Hồ Xá và từng phối hợp với một đơn vị kinh tế ở Vĩnh Linh, xuất nhập hàng qua giới tuyến. Mỗi lần sang sông, người phụ nữ này đều báo cáo rõ với ta là cảnh sát ngụy ở Quảng Trị đặt điều kiện khi trở về bờ Nam phải mang theo báo chí công khai của miền Bắc. Ta cho mang báo chí vào, có khi còn hướng dẫn người phụ nữ này cách khai báo với cảnh sát ngụy. Người phụ nữ này cũng cung cấp cho ta một số tin tức.

Sự xuất hiện đột ngột sau 5 năm bặt vô âm tín của người phụ nữ đó, lại sắp đến kỳ sinh nở khiến trinh sát lúng túng. Trưởng ban Trinh sát Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh điện hỏi ý kiến Cục phó Hà Ngọc Tiếu. Đồng chí Hà Ngọc Tiếu chỉ đạo: Dùng thông tin từ các đối tượng bị bắt trước đó để xét hỏi, tiến hành khai thác nhanh sau đó thả về bờ Nam.

Qua đấu tranh, Thị đã phải thú nhận, được tên Phó Tỉnh trưởng Quảng Trị tung sang bờ Bắc để truyền đạt chỉ thị gấp cho bọn tay sai ở đây. Sau khi khai thác xong, nắm được rõ âm mưu của địch, ta nhanh chóng thả thị về bờ Nam, ném trả lại mớ bòng bong cho địch.

Tình hình ngày càng phức tạp, nhu cầu thông tin ngày càng cấp bách. Theo chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Trinh sát dưới sự chỉ đạo của Cục phó Hà Ngọc Tiếu đã xây dựng cơ sở đánh vào mạng lưới thông tin mặt mã của địch. Mặt công tác nghiệp vụ này đã thu được nhiều kết quả. Nhờ đó, nhiều lần các xã Vĩnh Giang, Vĩnh Trung, Vĩnh Tú, tổ chức dân sơ tán trước khi máy bay B52 thực hiện các phi vụ ném bom hủy diệt. Cũng nhờ thông tin từ cơ sở của ta trong màng lưới thông tin của địch nên 3 phân đội xe tăng của bộ đội ta tập kết ở Bãi Hà đã kịp thời di chuyển ra khỏi khu vực trước 2 giờ, tránh được đợt ném bom rải thảm của địch. Đặc biệt là màng lưới mật đã giúp phát hiện được nhiều tay chân của địch cài cắm trong nội bộ ta.

Thực hiện nhiệm vụ chủ động tấn công địch để bảo vệ cơ sở ở bờ Nam, bảo vệ Giới tuyến, lực lượng Trinh sát Công an nhân dân vũ trang và mạng lưới cơ sở bí mật của ta ở địa bàn Vĩnh Linh đã vượt qua muôn vàn thử thách khắc nghiệt, chiến đấu dũng cảm. Trong đó có những người đã thầm lặng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại với mảnh đất Vĩnh Linh anh hùng. Đó là các đồng chí: Dương Văn Đa, Trần Hữu Phấn, Nguyễn Nhơn, Lê Thanh Cải và đặc tình Bùi Văn Xá, đặc tình Mai. Một số đồng chí vinh dự được Đảng, Nhà nước ta tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, như Trương Chí Cương, Đào Xuân Phương...

Khi Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, các đối tượng phản động lợi dụng tôn giáo tưởng thời cơ đã đến, nên tích cực hoạt động trở lại. Chúng thực hiện các hoạt động nhằm phá hoại tư tưởng, ca ngợi Mỹ, đả kích chế độ, gây tâm lý hoang mang sợ hãi, tạo các vụ tranh chấp trong giáo dân theo đạo Thiên chúa, đồng thời chuẩn bị lực lượng, chờ thời cơ phối hợp hành động. Đến năm 1968, chúng đã nhen nhóm được 15 tổ chức phản động, với 315 đối tượng tham gia; tổ chức 25 vụ với 223 người trốn vào Nam.

Trước tình hình trên, ngày 9/5/1968, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị về "Công tác vận động đồng bào theo đạo Thiên chúa trong tình hình mới".

Vào thời điểm này, Cục Trinh sát đã nhập vào Cục Tham mưu, trở thành Phòng Trinh sát. Đồng chí Hà Ngọc Tiếu được bổ nhiệm là Cục phó Cục Tham mưu, trực tiếp phụ trách Phòng Trinh sát. Tháng 2/1968, Chính ủy Nguyễn Quang Việt lên đường chi viện cho An ninh miền Nam, do đó, đồng chí Hà Ngọc Tiếu thêm phần trách nhiệm trong vai trò tham mưu và trợ thủ cho Bộ Tư lệnh về công tác trinh sát.

Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, ngày 10/12/1968, Bộ Tư lệnh ra Chỉ thị số 72/CT-TS, hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ và công tác của các đơn vị trong vùng Công giáo. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy địa phương, phong trào bảo vệ trị an ở 207 xã thuộc khu vực biên phòng được phát động rộng rãi. Công tác trinh sát nhờ đó có những bước phát triển mới.

Ngày 16/11/1971, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Ninh Bình cho biết: Từ tháng 7/1970, một số thanh niên ở Cồn Thoi, thỉnh thoảng vào tối thứ 7, sau khi đi lễ nhà thờ về, thường tụ tập với nhau học hát, học nhạc, đôi khi bàn tán thời cuộc. Qua công tác nắm tình hình, các trinh sát viên nhận thấy, có một đối tượng ở Kim Mỹ, Hà Nam, nói là đến khu vực Cồn Thoi để đóng cối, song không thấy đối tượng đóng cối cho ai. Đã vậy, hắn còn chuyển cho nhóm thanh niên Cồn Thoi một số tài liệu gì đó.

Nổi lên trong nhóm thanh niên có biểu hiện bất minh ở Cồn Thoi là Thành và Nhiệm. Hai người quan hệ rộng, nhưng đôi khi còn lén lút làm điều gì đó bí hiểm.

Nhận được báo cáo, Cục phó Hà Ngọc Tiếu chỉ đạo Công an nhân dân vũ trang Ninh Bình lập chuyên án, xác minh, tìm hiểu âm mưu, động cơ hoạt động của nhóm thanh niên trên. Theo ông, ta mới chỉ nghi các đối tượng có âm mưu củng cố "Hội đoàn" trá hình, chưa có đủ tài liệu chứng cứ, việc xác minh sẽ gặp nhiều khó khăn, kéo dài, do đó, cần tập trung làm rõ hai vấn đề mấu chốt: 1/ Những ai thường tập trung vào tối thứ 7? Nội dung trao đổi của họ là gì? Sau khi tụ tập, hành động của mỗi người như thế nào? 2/ Nhiệm khai đã đóng 20kg thóc cho Thành và có tổ chức làm ruộng riêng để gây quỹ. Vậy quỹ này sử dụng để làm gì? Ai quản lý số thóc thu hoạch được từ năm 1970? Làm rõ hai vấn đề này sẽ giải quyết được các yêu cầu đề ra.

Thực hiện các ý kiến chỉ đạo, Trinh sát đã khéo léo gợi ý Ban quản trị hợp tác xã tiến hành thu hồi số thóc mà Thành thu hoạch được trên phần ruộng đất chiếm đoạt trái phép của hợp tác xã, tạo cớ để tiến hành điều tra. Sau khi tiến hành khám nhà Thành, ta đã thu được một số tài liệu phản động cùng một số bút tích quan trọng.

Trước chứng cứ rõ ràng, Thành buộc phải khai nhận, hắn đã lôi kéo được 10 người vào "Hội Tràng hạt"- một phần của "Hội đạo bình xanh". Hội này có từ đầu tháng 1/1969. Kết thúc chuyên án, Công an nhân dân vũ trang Ninh Bình đã làm rõ chân tướng của "Hội Đạo bình đức mẹ", cũng là "Hội Đạo bình xanh". Đây là một tổ chức phản động được thành lập để nhằm chống phá cách mạng. Hội này có tới 110 người ở 2 xã Cồn Thoi và Kim Mỹ. Bề ngoài, lấy tên là "Hội Tràng hạt", là để tránh bị chú ý và dễ bề phát triển tổ chức cũng như hoạt động của chúng.

Đây là một trong những chiến công xuất sắc của lực lượng Công an nhân dân vũ trang về đấu tranh chống bọn phản động lợi dụng tôn giáo, nhằm phá hoại công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta.

Song song với công tác chỉ đạo đánh án, ông rất quan tâm đến công tác đào tạo nghiệp vụ, đào tạo nguồn cho lực lượng Trinh sát. Được sự giúp đỡ tận tình của trường Công an Trung ương và các đơn vị bạn, trong những năm này, Cục Trinh sát đã mở được 34 lớp huấn luyện nghiệp vụ ngắn hạn và dài hạn cho 860 lượt cán bộ chỉ huy, trinh sát viên các cấp. Các khu, thành, tỉnh cũng mở trên 10 lớp tập huấn cấp tốc cho hơn 300 hạ sĩ quan, chiến sĩ để đáp ứng yêu cầu trước mắt và tạo nguồn đào tạo sĩ quan trinh sát lâu dài. Những cố gắng trên của Cục Trinh sát, trong đó có Cục phó Hà Ngọc Tiếu và đội ngũ cán bộ Trinh sát toàn lực lượng đã góp phần giải quyết khó khăn về công tác cán bộ và công tác chỉ đạo nghiệp vụ của chỉ huy các cấp đối với ngành Trinh sát trong những năm đầu lực lượng Công an nhân dân vũ trang mới thành lập. Lịch sử cuộc đấu tranh của lực lượng Công an nhân dân vũ trang chống tình báo, gián điệp biệt kích Mỹ-ngụy đã ghi nhận một đặc điểm là, ở những địa bàn chiến lược trọng điểm, trên các tuyến biên phòng, đều xuất hiện những vị chỉ huy xuất sắc trong công tác Trinh sát, như đồng chí Vân Hùng (giới tuyến Vĩnh Linh), Trần Kim Giá (Quảng Bình), Đinh Văn Tuy (Nghệ An), Chử Lương Thi (Lai Châu). Họ xứng đáng được vinh danh.

Từ năm 1972 đến cuối năm 1976, đồng chí Hà Ngọc Tiếu đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang (nay là Học viện Biên phòng), thay cho đồng chí Chu Đốc nghỉ hưu.

Giai đoạn này, đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá trở lại miền Bắc. Trên biên giới, các hoạt động gián điệp, biệt kích, thám báo, xâm nhập vũ trang của địch cũng được tăng cường; các thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Nhu cầu cán bộ, sĩ quan Công an nhân dân vũ trang để tăng cường cho các tuyến biên giới, các chiến trường ngày càng lớn. Bộ Tư lệnh đã chỉ đạo nhà trường tìm mọi cách điều chỉnh nội dung, chương trình giảng dạy, rút ngắn thời gian học của lớp đào tạo sĩ quan Khóa 5, mà vẫn đảm bảo chất lượng. (Khóa này kết thúc thời gian đào tạo trước 10 tháng so với kế hoạch). Riêng đối với loại hình đào tạo bổ túc sơ cấp, trung cấp ngắn hạn, Bộ Tư lệnh giao cho nhà trường khẩn trương biên soạn lại toàn bộ tài liệu, giáo trình bài giảng cho phù hợp yêu cầu thực tế đặt ra.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh, vượt qua những khó khăn trong điều kiện thời chiến, Hiệu trưởng Hà Ngọc Tiếu cùng tập thể Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức cho giáo viên bắt tay vào công việc biên soạn giáo trình, tài liệu với cường độ rất cao. Thời gian lao động hằng ngày của mỗi giáo viên thường từ 10 đến 12 giờ. Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Huỳnh Thủ, có lần ở lại trường hàng tuần liền, cùng Hiệu trưởng Hà Ngọc Tiếu và chỉ huy các Khoa thông qua chương trình giảng dạy đối với từng loại hình đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Vốn là người có nhiều năm chỉ đạo công tác tình báo, phản gián Biên phòng, ông đã trực tiếp đóng góp nhiều công sức (cả lý luận và kiến thức thực tiễn) vào việc xây dựng chương trình và tài liệu giảng dạy của Khoa Trinh sát. Ông đã chỉ đạo tiến hành tổng kết mười hai năm hoạt động nghiệp vụ Trinh sát để làm cơ sở cho công tác biên tập giáo trình giảng dạy. Từ những vụ án chống bọn phản động đội lốt tôn giáo, chống bọn phản động trong các dân tộc ít người, đến kinh nghiệm nghiệp vụ xây dựng đặc tình, hoạt động trinh sát ngoại biên, xây dựng mạng lưới Trinh sát Chính trị, Trinh sát Vũ trang trong khu vực Nam giới tuyến Vĩnh Linh; kết hợp công tác phản gián với công tác tình báo Biên phòng, đều được ông chỉ đạo tổng hợp, hệ thống hóa, chuyển thành các tài liệu bổ ích, phục vụ cho công tác giảng dạy.

Nhìn Hiệu trưởng Hà Ngọc Tiếu hằng ngày ngồi lặng lẽ duyệt, sửa giáo án, trăn trở với từng con chữ trong gian nhà tranh sơ tán của thời chiến tranh, nhiều người cảm động, chia sẻ với ông. Một con người vốn ưa hoạt động, xông pha, lăn lộn khắp nơi, nay chịu "ngồi bó gối" một chỗ, duyệt từng nội dung bài giảng, mọi người càng thấy trân trọng ông hơn.

Đại tá Nguyễn Trọng Trình, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng) kể: "Trong quá trình bổ sung, biên soạn lại nội dung các bài giảng, chương trình giảng dạy, đồng chí Hà Ngọc Tiếu có nhiều đóng góp quý báu. Với bề dày hoạt động trên nhiều lĩnh vực, đồng chí đã tích cực trao đổi những kinh nghiệm rất thiết thực của mình để các giáo viên nghiên cứu, xây dựng nội dung bài giảng cho phù hợp".

Nhớ đến Hiệu trưởng Hà Ngọc Tiếu là nhớ đến đội bóng đá Sao vàng của Bộ Tư lệnh. Trong muôn vàn khó khăn của thời chiến, ông vẫn nhận trách nhiệm để Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang trực tiếp quản lý và xây dựng đội bóng Sao vàng phát triển. Suốt giai đoạn đồng chí làm Hiệu trưởng, đội bóng này là một thành viên của trường, hăng hái tham gia thi đấu nhiều nơi, đạt nhiều thành tích. Ngoài ra, trường còn có đội bóng chuyền mạnh. Không khí thể thao của trường thời gian đó cũng rất sôi động.

Nhớ đến ông, cũng phải nhớ đến sự kết nghĩa keo sơn giữa Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang với Nhạc viện Hà Nội. Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang đã giúp huấn luyện quân sự cho Nhạc viện. Nhạc viện giúp trường đào tạo các hạt nhân văn nghệ và thường xuyên tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại trường. Những buổi biểu diễn âm nhạc đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng cán bộ và học viên. Thời đó, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng trường cũng xây dựng được phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng phong phú, với một đội văn nghệ mạnh làm nòng cốt.

Đồng chí Hà Ngọc Tiếu là người có cách tiếp cận độc đáo với học viên. Về nhận công tác ở trường, đồng chí đã đề xuất với các đồng chí trong Đảng ủy - Ban Giám hiệu nên đến tận nơi các học viên học tập để nghe học viên thảo luận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ. Có người đưa ra vấn đề: "Học viên gặp lãnh đạo là ngại rồi, vậy mình ngồi ở đâu để giữ được bí mật trong lúc quan sát học viên?". Ông trả lời: "Trực tiếp gặp, trao đổi với học viên, mình cởi mở thì họ cũng cởi mở với mình". Quan điểm đó được tập thể Đảng ủy - Ban Giám hiệu nhất trí. Từ đó trở đi, phương pháp này của ông đã trở thành một phong cách làm việc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy - Ban Giám hiệu nhà trường.

Sau ngày 30/4/1975, thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh, Nhà trường mở cuộc vận động "Toàn trường tham gia đóng góp, chi viện cho miền Nam". Hưởng ứng cuộc vận động, 10 cán bộ, giáo viên đã vinh dự được điều động vào miền Nam công tác ngay từ những ngày đầu giải phóng. Tiếp đó, trường cử 21 cán bộ có kinh nghiệm gồm 10 giáo viên và 11 cán bộ quản lý vào miền Nam để xây dựng Trường Sĩ quan II, đặt tại Rạch Dừa, Vũng Tàu. Nhà trường cũng lần lượt tổ chức lễ tốt nghiệp cho học viên sĩ quan các Khóa 6, 7 và khai giảng Khóa 8, hệ đào tạo sĩ quan.

Cuối năm 1976, Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang cùng các Trường Sĩ quan An ninh nhân dân và Sĩ quan Cảnh sát nhân dân được nâng cấp thành trường đại học theo Nghị định số 231/CP của Chính phủ. Đây là mốc đánh dấu sự thay đổi về chất trong quá trình đào tạo và phát triển của Trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang. Đối với Hiệu trưởng Hà Ngọc Tiếu, sự kiện này đáp ứng đúng nguyện vọng và tư duy mà ông ấp ủ từ lâu.

Tháng 4/1977, ông được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Phó Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang phụ trách công tác trinh sát. Trên cương vị Phó Tư lệnh, ông cùng tập thể Bộ Tư lệnh thường xuyên có mặt tại biên giới Tây Nam, chỉ đạo và khẩn trương triển khai các mặt công tác chuẩn bị cho cuộc chiến đấu chống bọn phản động Pol Pot, bảo vệ biên giới. Trong những ngày nóng bỏng ấy, Trung tướng Hà Ngọc Tiếu luôn có mặt nơi chiến tuyến để chỉ đạo các đơn vị chiến đấu. Đặc biệt ông đã chỉ đạo công tác trinh sát thực hiện có hiệu quả các Mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh trong chỉ đạo đánh địch, bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Để phục vụ cho các đơn vị chiến đấu bảo vệ tuyến biên giới Tây-Nam, thực hiện chủ trương của Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, ông đã chỉ đạo triển khai tổ chức một Đội Trinh sát, gồm 29 người, nằm trong biên chế của Trung đoàn 2 cơ động, kết hợp cùng 9 tổ trinh sát Đặc công, trực thuộc các tỉnh từ Tây Nguyên vào đến Kiên Giang. Khi thời cơ đến, ông cùng lãnh đạo Bộ Tư lệnh chỉ đạo lực lượng Trinh sát tiếp cận, giúp đỡ những người yêu nước Campuchia, tiến tới thành lập Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, để lãnh đạo nhân dân Campuchia phối hợp Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu giải phóng đất nước khỏi họa "diệt chủng", lập nên Nhà nước Campuchia dân chủ, phồn vinh.

Để từng bước khắc phục sự thiếu hụt về quân số và những hạn chế về trình độ, ông đã đề xuất với Bộ Tư lệnh ra chỉ thị và trực tiếp chỉ đạo Cục Trinh sát phối hợp với các trường Sĩ quan Công an nhân dân vũ trang 1, II và các trường Hạ sĩ quan Công an nhân dân vũ trang liên tục mở các lớp đào tạo, bổ túc nghiệp vụ cho sĩ quan chỉ huy, sĩ quan và hạ sĩ quan trinh sát, nhằm tạo bước chuyển biến mới về năng lực, trinh độ chuyên môn nghiệp vụ trinh sát, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ.

Liên tiếp các lớp Trinh sát ngoại biên, lớp huấn luyện cán bộ Trưởng, Phó Ban trinh sát được mở. Trường nghiệp vụ Trinh sát được thành lập. Các lớp học ngoại ngữ, tiếng Bắc Kinh, tiếng Quảng Đông, tiếng Campuchia nối tiếp nhau chiêu sinh. Bộ Tư lệnh còn bổ sung cho lực lượng Trinh sát nhiều sinh viên tốt nghiệp ở các trường Đại học Ngoại ngữ, Ngoại thương biết tiếng Anh, tiếng Bắc Kinh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Indonesia, tiếng Nga...

Tháng 8/1978, ông đã tham mưu đề xuất Bộ Tư lệnh điều chỉnh lại hệ thống chỉ huy ở một số tỉnh, thành phố; trong đó, bộ máy Trinh sát được tổ chức lại thành 30 Ban thuộc tỉnh, thành phố và 331 Đội Trinh sát ở đơn vị cơ sở đồn, trạm biên phòng.

Sau khi đất nước Chùa Tháp thoát khỏi họa "diệt chủng", chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đã thành lập 8 Trung đoàn "Quân tình nguyện", làm nhiệm vụ quốc tế trên đất Bạn. Các Ban Trinh sát cũng được thành lập đặt trực thuộc các trung đoàn này. 20 giáo viên Trinh sát của các trường Biên phòng được biên chế vào 8 Đội huấn luyện công tác Biên phòng của các Trung đoàn Quân tình nguyện Biên phòng.

Năm tháng trôi qua, bụi thời gian phủ mờ lên quá khứ. Đến hôm nay, Trung tướng Hà Ngọc Tiếu và phần lớn cán bộ cùng thời đều đã về cõi vĩnh hằng. Nhưng nhắc đến ông, những người đồng chí, đồng đội còn sống, công tác cùng thời với ông và các cán bộ thuộc lớp sau, đều trân trọng về ông với những kỷ niệm sâu sắc, không thể nào quên. Những câu chuyện kể trên đây chỉ là một phần trong những kỷ niệm ấy. Họ đều có chung một ý nghĩ rằng: Ông là một trong những vị tướng dày dạn kinh nghiệm đánh địch trên mặt trận bí mật, có tầm nhìn xa và đã có những đóng góp đáng quý vào việc đưa lực lượng Công an nhân dân vũ trang nói chung, đội ngũ Trinh sát nói riêng, phát triển và lớn mạnh như ngày hôm nay.

Ngọc Tuấn (Theo Những vị tướng Biên phòng, 1959-2016)

Bình luận

ZALO