Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ năm, 04/07/2024 12:02 GMT+7

Trung tướng Phạm Kiệt: Một bản lĩnh, một nhân cách lớn

Biên phòng - Trong đội ngũ tướng lĩnh Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc từ 1945-1975, Trung tướng Phạm Kiệt là một vị tướng đặc biệt. Điều đặc biệt đó, không chỉ vì ông là Đội trưởng Đội du kích Ba Tơ huyền thoại, khiến kẻ thù khiếp sợ mỗi khi nghe đến tên Tê-đơ (T.deux, T2, bí danh của đồng chí Phạm Kiệt), một học trò gần gũi của Bác Hồ, được Người dành cho tình cảm và niềm tin đặc biệt, được Người tặng cho 3 bảo vật vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ - 1954, mà ở ông, còn có mối quan hệ sâu sắc và thân tình với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, một nhân duyên lớn, mẫu mực về tình bạn chiến đấu, tình cảm chân thật, trọn vẹn nghĩa tình của ba vị tướng - ba con người huyền thoại...

Trung tướng Phạm Kiệt, Thứ trưởng Bộ Công an, Đại biểu Quốc hội khóa III, IV. Tư lệnh CANDVT (1961-1968). Tư lệnh kiêm Chính ủy CANDVT (1968-1975). Ảnh: Tư liệu

Từ trước đến nay, đã có nhiều cuốn sách, bài viết về Trung tướng Phạm Kiệt, song cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn những đóng góp cho đất nước; tìm hiểu đầy đủ hơn về nhân cách và bản lĩnh lớn của một con người suốt đời vì đại nghĩa, tận tụy với Tổ quốc và nhân dân. Ở bài viết này, người viết cũng chỉ mong đóng góp một phần rất nhỏ về chân dung một vị tướng tài, đức của Quân đội nhân dân Việt Nam, của lực lượng Công an nhân dân vũ trang - Bộ đội Biên phòng.

Phạm Kiệt - tên thật là Phạm Quang Khanh, cất tiếng khóc chào đời ngày 10/1/1910, trong một gia đình nông dân yêu nước ở làng An Phú, nay là thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Quê hương ông là vùng đất linh khí của núi Ấn, sông Trà tụ hội; tượng trưng cho sĩ khí Quảng Ngãi, cặp biểu tượng "Danh sơn đại xuyên" (Trà Giang, Thiên Ấn, chuông gầm sóng/Vang tiếng nghìn năm đất Cẩm Thành). Lại có người từng nói: "Không quá cao để mà xa vời, không quá rộng để mà mông lung, không quá dựng để mà hiểm hóc". Gần gũi với những dáng nông phu trên đồng, dưới sông, trầm tĩnh, tự tại, như bậc trí nhân biết mình biết thời và có dòng sông luôn chung thủy một bên để mà soi dõi, gội rửa cõi lòng, cõi trần: "Trà Giang nguyệt/Như kính hạ ngân lưu" (Trăng sông Trà/Như tấm gương soi dòng nước bạc).

Ngày nay, lữ khách mỗi lần qua đây, nhìn những bánh xe nước dẫn thủy nhập điền, quay tròn bên bờ sông Trà, đã không khỏi ngạc nhiên, khâm phục và liên tưởng đến hình ảnh của sự nhẫn nại, đức cần cù và tiềm năng sáng tạo lớn lao của người dân miền núi Ấn, sông Trà. Sách "Đại Nam nhất thống chí" nhận xét: "Quảng Ngãi đất bạc, dân chăm, tính tằn tiện, không xa hoa, người quân tử thích việc nghĩa, giữ khí tiết". Sách "Người Việt Đất Việt" cũng cho rằng: "So với người Bình Định, Phan Thiết, Nha Trang, thì người Quảng Ngãi đảm hơn tất cả". Địa thế vùng đất này tuy hẹp nhưng khí mạch rất hậu, nên đời nào cũng có hạng danh thần, nhiều người trường thọ, nhiều sĩ phu dĩnh ngộ, tuấn tú... Trong kháng chiến giải phóng dân tộc, vùng đất này đã ghi dấu những chiến công huy hoàng, đồng thời cũng là nơi chịu nhiều đau thương, mất mát.

Nơi đây chính là cái nôi văn hóa đầu tiên hình thành nhân cách con người Phạm Kiệt, là cội nguồn bồi đắp cho ông những giá trị tinh thần cao quý và là điểm tựa vững vàng cho ông trong mọi hoàn cảnh, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng về sau. Cũng như bao con người trên quê hương Quảng Ngãi, qua thử thách trong môi trường xã hội và tự nhiên khắc nghiệt, Trung tướng Phạm Kiệt đã tự rèn đúc cho mình một ý chí vươn lên, một tính cách mạnh mẽ, dám xông pha, chịu gian khổ, sẵn sàng hy sinh để xây dựng cuộc sống và luôn ý thức vì nghĩa lớn, vì cộng đồng đất nước.

Trách nhiệm với đất nước của Trung tướng Phạm Kiệt được biểu hiện rõ trong thơ của vợ ông là bà Trần Thị Ngộ với "Lời thề Ba Tơ" năm xưa viết về ông, "Thề sống chết có nhau, một lòng cứu nước". Và lời thề đó đã đi theo ông suốt cả cuộc đời. Lời thề ấy được chắt lọc từ mạch nguồn ca dao, dân ca Quảng Ngãi, thể hiện nỗi lòng, nhiệm vụ của người dân đối với đất nước:

Ngủ đi con, ngủ đi con

Cha còn trả nợ nước non chưa về

Non sông nặng một lời thề

Cha đi cứu nước, chưa về cùng con.

Dường như chính sự nghèo khó của quê hương và truyền thống gia đình đã tạo nên tính cách gan góc, kiên cường, thẳng thắn, chính trực, nhưng giàu lòng nhân ái và sâu nặng nghĩa tình của những người con ưu tú như Trung tướng Phạm Kiệt. Sinh ra trong một gia đình nghèo, lớn lên trên vùng đất có bề dày lịch sử-văn hóa và truyền thống cách mạng, đồng chí Phạm Kiệt đã mau chóng giác ngộ, trở thành người cộng sản kiên cường. 15 tuổi, binh lửa tràn ngập khắp quê hương, chàng trai Phạm Kiệt đã sớm tham gia "Phong trào văn thân" chống Pháp, hoạt động yêu nước và từ đó dấn thân vào con đường cách mạng cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng. Quê hương và gia đình là "cái nôi" được coi là tác nhân cực kỳ quan trọng đến nhân cách của một con người. Sự tác động giữa quê hương và gia đình cũng là nhân tố chính tạo nên đặc trưng nhân cách trong con người đồng chí Phạm Kiệt. Từ một quê hương, một gia đình như thế đã hình thành ở Trung tướng Phạm Kiệt một nhân cách lớn: Trung thực, khiêm tốn, giản dị, sống có tình người, một lòng một dạ thương yêu nhân dân, yêu thương cán bộ, chiến sĩ, luôn đặt lợi ích của nhân dân, Tổ quốc lên trên hết.

Điểm nổi bật của Trung tướng Phạm Kiệt là tính khiêm tốn. Khi xem hồi ký "Từ núi rừng Ba Tơ" của ông, mọi người đều có cùng nhận xét, ông ít nói về mình, không khoe công mình, mà chỉ xem phần đóng góp của mình như một giọt nước giữa đại dương bao la. Về sau cũng vậy, ông rất khiêm nhường, không quan cách, tôn trọng anh em. Trong cuộc sống, ông rất biết kiềm chế để tự chiến thắng mình, không bao giờ kiêu ngạo. Ông luôn thể hiện là người có nhân cách, sống theo ý tưởng cao đẹp, càng trải nghiệm nhiều, hiểu biết nhiều càng không kiêu ngạo. Đó là sự khiêm nhường của một nhân cách lớn.

Ông không nhận bất cứ quyền lợi nào dành riêng cho mình. Khi làm Tư lệnh kiêm Chính ủy lực lượng Công an nhân dân vũ trang, thấy cuộc sống gia đình ông còn nhiều khó khăn, cơ quan muốn trang bị cho ông một số tiện nghi, ông đã từ chối. Ông không muốn người khác dành ưu tiên cho mình, bởi ông cho rằng, cái gì không phải của mình thì chớ nên nhận. Tính cách đó cũng đã ảnh hưởng đến những người thân như vợ, con ông cho đến tận hôm nay. Họ noi theo tấm gương ông, không muốn làm hoen ố thanh danh gia đình.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết về ông: "Trọn đời cống hiến tận tâm, trọn vẹn cho đồng bào, đất nước, không bao giờ đòi hỏi, thu vén cho gia đình. Anh sống giản dị và chất phác, luôn chăm lo cho cấp dưới, cho mọi người với tất cả những gì có thể, ai từng công tác, tiếp xúc, hay cấp dưới đều kính trọng, kính nể, kính phục và yêu quý anh Phạm Kiệt".

Ông cống hiến nhiều, con người huyền thoại nhưng lại vô cùng bình dị. Ông sống đơn giản. Trong từng bữa ăn, trang phục, sinh hoạt cho thấy bản thân ông là một tấm gương cần kiệm. Món ăn thường ngày ưa thích của ông là cá bống kho, thịt rim, rau, dưa..., những thứ vốn là sản vật của miền núi Ấn, sông Trà như lúc ông còn ở quê nhà. Với gia đình, ông không để lại về vật chất, tài sản gì cho vợ con, nhưng ngược lại ông thường quan tâm, lo cho người khác hơn là lo cho người thân của mình. Ở ông, những ai đã gặp thường để lại ấn tượng về sự thân thiện, dễ gần.

Sự giản dị và khiêm tốn là những tính cách của ông trong suốt cuộc đời. Từ khi sinh ra, ông đã sống những năm tháng tuổi thơ đầy gian khó nơi vùng quê nghèo, quanh năm phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt để tồn tại và chống giặc ngoại xâm để bảo vệ quê hương. Chính vì vậy, con người ông cũng có những đức tính cần cù, chịu khó, yêu lao động, đặc biệt là tinh thần yêu nước nồng nàn, đoàn kết, thương yêu mọi người. Cho đến sau này, trong những tháng ngày hoạt động cách mạng đầy khó khăn ở núi rừng Ba Tơ, ở Trung bộ, lên chiến khu và đến khi hòa bình lập lại về Thủ đô Hà Nội, trở thành một vị tướng và đến cuối đời, sự giản dị đó vẫn là phẩm chất nổi bật trong phong cách, đạo đức của ông.

Ông rất nghiêm khắc nhưng khiêm nhường. Ở ông, ta luôn thấy được một phong thái điềm tĩnh, cởi mở, giọng nói trầm ấm, thân tình, rất dễ gần và dễ mến. Người xưa từng nói, người có nhân cách thật sự bao giờ cũng giản dị; cách cư xử của họ tự nhiên và thoải mái. Cốt cách giản dị của ông là một sự vĩ đại. Trong cuộc sống ta thường thấy một con người vĩ đại là một con người có phong cách sống giản dị nhất.

Trung tướng Phạm Kiệt là người sống đầy tình người. Trong ông, tình yêu quê hương, gia đình, tình mẫu tử là vô cùng thiêng liêng, không có thứ tình cảm nào thay thế được. Chính tình yêu thương đó đã cho ông sức mạnh để sống bao dung và vượt qua những thử thách lớn lao. Vì vậy, trong mọi sinh hoạt, trong từng lời nói và việc làm, ông luôn quan tâm tới mọi người, đặc biệt là người lính. Ông có tác phong sâu sát, dân chủ, lắng nghe ý kiến cấp dưới, tìm hiểu rất kỹ con người và sự việc, tôn trọng sự thật và chân lý.

Hình ảnh, tình cảm chân thành và ấm áp, luôn quên bản thân mình để dành tất cả cho đồng đội và chiến sĩ của ông là những kỷ niệm đẹp, sống mãi trong lòng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh. Ông hết lòng thương yêu chiến sĩ, ngày đêm lo toan cho cuộc sống của họ, luôn cố gắng dành 1/3 thời gian trong năm để đi đến những địa bàn xa xôi, khó khăn, gian khổ nhất. Khi đi đến các đồn Biên phòng, ông trăn trở vì đời sống anh em quá thiếu thốn, gian khổ. Ông chỉ đạo cấp dưới tìm mọi cách chăm lo mọi mặt để anh em đỡ vất vả, lo cho con em đồng bào các dân tộc. Trong một lần đi công tác gần Tết, thấy người dân không bán được hàng, thấm thía nỗi tủi phận của cái nghèo không Tết mà mình từng nếm trải thuở nhỏ, dẫu biết rằng, mang về chẳng biết làm gì, nhưng ông vẫn mua cho họ một số nồi đất với mong muốn họ có một cái Tết đầm ấm hơn. Tất cả những điều đó là biểu hiện của tình đồng loại, tình thương người dân nghèo lương thiện. Chính cốt cách thanh cao nhưng gần gũi của ông đã góp phần rất lớn tạo nên sức mạnh đoàn kết của cán binh, của nhân dân, làm nên chiến thắng.

Ngay từ những ngày đầu tham gia cách mạng, Trung tướng Phạm Kiệt đã sớm bộc lộ những phẩm chất thiên tư bẩm sinh tốt đẹp, phẩm chất đó dần được định hình và ngày càng thể hiện rõ là một người chỉ huy kiên quyết, táo bạo, tính quyết đoán, chủ động nắm bắt thời cơ, không chờ đợi; tư duy nhìn xa trông rộng và tính cách trung thực, dám nói, dám làm vì nghĩa lớn.

Sau phong trào cách mạng 1930-1931, Trung tướng Phạm Kiệt bị chuyển từ nhà tù Quảng Ngãi lên nhà tù Buôn Ma Thuột. Ở đây, ông cùng nhiều đồng chí cách mạng đã kiên cường đấu tranh chống chế độ hà khắc, tàn bạo của bọn cai ngục. Nhiều lần, ông đã dũng cảm đứng ra chịu đòn thay cho các bạn tù trong những cuộc đấu tranh. Chính tại nhà tù Buôn Ma Thuột, ông đã kết thân với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, là người đồng chí cùng trong lao tù, cũng là cầu thủ bóng đá, đồng thời là người thầy đã bồi dưỡng tri thức cách mạng cho ông.

Tại nhà tù Buôn Ma Thuột, ông đã được truyền đạt tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 của Đảng về Mặt trận Việt Minh và phương hướng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Chính nhờ vậy, sau này khi bị chuyển về Căng an trí Ba Tơ, ông đã cùng Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Ngãi và Chi bộ Căng an trí Ba Tơ lãnh đạo kịp thời cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, tiến tới thành lập đội du kích Ba Tơ mà ông là Đội trưởng, trước ngày phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp (11/3/1945).

Ngày ấy, một buổi chiều hạ tuần tháng 3/1945, đồng chí Phạm Kiệt cùng đồng đội tập hợp trên gò đất cao, lập linh đàn, thành kính chích máu ăn thề, ai nấy đều xác định quyết một lòng trung tín, giữ trọn lời thề thiêng liêng trong ngày thành lập, quyết hy sinh vì Tổ quốc. Cam kết giữ trọn lời minh thệ Ba Tơ, ông đã cùng đồng đội làm nên tiếng súng Ba Tơ rền vang khắp vùng và cả nước. Từ đốm lửa Ba Tơ, đã bùng lên thành ngọn lửa truyền thống, tiên phong - kiên cường - bất khuất cho đến tận hôm nay. Từ lời thề Ba Tơ, từ tiếng súng Ba Tơ, từ đốm lửa Ba Tơ, ông đã xông pha trên nhiều chiến trường cho đến ngày về Thủ đô Hà Nội, trở thành vị tướng. Nhưng truyền thống Ba Tơ luôn không phai trong tâm trí ông. Một nửa đất nước, trong đó có quê hương ông đang chìm trong máu lửa mà ông chưa một lần trở về. Lời thề Ba Tơ năm xưa, tiếng súng Ba Tơ ngày ấy và truyền thống Ba Tơ vẫn vang mãi trong con tim ông. Điều đó, giải thích vì sao trong suốt cả cuộc đời cống hiến cho Tổ quốc và nhân dân, bản lĩnh ấy vẫn son sắt, thủy chung trong trái tim Trung tướng Phạm Kiệt.

Tính quyết đoán, chớp thời cơ của Trung tướng Phạm Kiệt được thể hiện tiêu biểu trong khởi nghĩa Ba Tơ, trong những chuyến tháp tùng Bác Hồ đi công tác, trong chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân vũ trang bắn rơi hàng trăm máy bay Mỹ; đánh, bắt hàng trăm toán gián điệp biệt kích Mỹ-ngụy tung ra miền Bắc, trong bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc.

Trong đó, khởi nghĩa Ba Tơ là một minh chứng hùng hồn cho tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo của ông và những người lãnh đạo đội du kích. Thắng lợi Ba Tơ thuộc về một ban lãnh đạo nhạy bén, xuất sắc, dám táo bạo đưa ra những quyết sách chính xác, kịp thời, mà trước hết phải kể đến Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, Trương Quang Giao... có "tín tâm" và biết "quyết tâm", biết tạo lực, lập thế, tranh thời, dùng mưu để đánh và thắng địch. Vì vậy, Đại tướng Nguyễn Quyết đã viết: "Ba Tơ luôn được nhắc đến như một điển hình, một tấm gương, một tiên phong táo bạo, một bài học kinh nghiệm lớn cho chiến tranh nhân dân. Thắng lợi ở Ba Tơ là huyền thoại. Phạm Kiệt là một người chỉ huy Đội trưởng Đội du kích Ba Tơ tiêu biểu đã làm nên huyền thoại Ba Tơ ngày 11/3/1945". Quảng Ngãi không ngồi chờ để thời cơ đến. Có lẽ, đó là điều sáng suốt của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi. Phát huy thắng lợi Ba Tơ, ngày 14-15/8/1945, cách mạng ở Quảng Ngãi đã toàn thắng. Quảng Ngãi trở thành một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám - 1945. "Đấy cũng là thần thoại như huyền thoại Ba Tơ". Đấy cũng là tiên phong như Ba Tơ. Khu V đã làm nên một kỳ tích huyền thoại. Góp một phần làm nên lịch sử thời kỳ đầu kháng chiến ở Khu V là đồng chí Phạm Kiệt.

Tư duy nhìn xa trông rộng không chỉ được thể hiện trong khởi nghĩa Ba Tơ, chiến trường Trung Bộ, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mà về sau trong lãnh đạo lực lượng Công an nhân dân vũ trang điều đó được khẳng định thêm rất rõ ràng. Khi Trung tướng Phạm Kiệt được Bác Hồ giao nhiệm vụ làm Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy lực lượng Công an nhân dân vũ trang, ông đã cùng lãnh đạo Bộ Tư lệnh thực hiện có hiệu quả nhiều nhiệm vụ như: Củng cố hệ thống tổ chức Công an nhân dân vũ trang 3 cấp, từ Bộ Tư lệnh đến các đồn, trạm Biên phòng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh trên các tuyến biên giới; tập trung xây dựng lũy thép Biên phòng toàn dân; bảo vệ an toàn tuyệt đối các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cơ quan ngoại giao, các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa đầu não quan trọng ở Thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền Bắc.

Với khát vọng thống nhất non sông khi hai miền còn nỗi đau chia cắt, ông chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân vũ trang đấu tranh bảo vệ Hiệp định Giơ-ne-vơ, bảo vệ Giới tuyến quân sự tạm thời - vĩ tuyến 17, nổi bật là các chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang dũng cảm, kiên cường, mưu trí đấu tranh với Mỹ - ngụy bảo vệ cầu Hiền Lương và cột cờ giới tuyến; giúp bạn Lào; chi viện cho lực lượng An ninh vũ trang miền Nam... Đặc biệt, trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, ông đã chỉ đạo Công an nhân dân vũ trang lập công lớn. Bản lĩnh của vị tướng tài ba được thể hiện rõ nét trong cuộc đọ sức quyết liệt với Mỹ-ngụy trên cả mặt trận rền vang tiếng súng, ít và không tiếng súng.

Điển hình là vụ Mỹ-ngụy tung gián điệp xâm nhập miền Bắc bằng đường biển đầu năm 1961 tại khu vực Hồng Quảng. Khi nhận được tin báo, đại diện lãnh đạo Bộ Công an và Tư lệnh Phạm Kiệt đã lập tức có mặt tại hiện trường, nơi toán gián điệp để lại dấu vết. Với giác quan nhanh nhạy, tầm nhìn xa rộng của một người chỉ huy, ông nhận định: Đây có thể là bọn gián điệp nguy hiểm, địch có ý định cài cắm vào miền Bắc để phá hoại lâu dài. Bọn này phải là người đã từng sống ở địa bàn Hồng Quảng.

Về Hà Nội, ông lại nhận được báo cáo: Bộ phận phản gián điện đài của Bộ Công an đã thu được sóng lạ ở khu vực Yên Hưng, Hồng Quảng. Không còn nghi ngờ gì nữa, ông đã chỉ đạo Công an nhân dân vũ trang Hồng Quảng phối hợp chặt chẽ với Ty Công an địa phương vào cuộc. Chỉ sau một thời gian ngắn, tên gián điệp mang mật danh ARES đã bị bắt. Từ lời khai của tên này, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cho xác lập Chuyên án BK63. Chỉ đạo trực tiếp là đồng chí Thứ trưởng Viễn Chi và Cục trưởng Cục Bảo vệ Chính trị Nguyễn Tài. Lực lượng trực tiếp tham gia đánh án được lựa chọn từ các đơn vị Công an nhân dân vũ trang và Ty Công an Hồng Quảng. Từ đây bắt đầu một cuộc đấu trí, đấu mưu với địch. Đây là Chuyên án kéo dài suốt mười năm, chỉ riêng về mặt nghiệp vụ, đã thành công ngoài mong muốn.

Thực hiện Chuyên án này, dưới sự chỉ đạo của Ban Chuyên án Bộ và Tư lệnh Phạm Kiệt, ta đã "dùng địch câu nhử địch", bắt thêm nhiều toán gián điệp biệt kích với hàng chục tên, thu nhiều vũ khí, điện đài, lương thực, thuốc men...

Sau vụ gián điệp biệt kích xâm nhập bằng đường biển vào miền Bắc nước ta, Mỹ-ngụy chuyển hướng xâm nhập bằng đường không. Nhưng "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", dưới sự chỉ đạo của Trung tướng Phạm Kiệt, với chiến thuật "câu nhử" biến hóa "muôn hình vạn trạng", hai chuyên án PY 27 và KS16 trên địa bàn Sơn La, Công an nhân dân vũ trang đã bắt trên 30 tên gián điệp biệt kích, thu một khối lượng lớn vũ khí, chất nổ, đạn rốc-két và nhiều loại máy móc phục vụ cho hoạt động gián điệp của Mỹ - ngụy.

Thất bại trong các vụ tung gián điệp biệt kích bằng đường biển, đường không, Mỹ - ngụy dùng trực thăng đổ gián điệp biệt kích xuống vùng rừng rậm của Lào rồi tổ chức xâm nhập vào Việt Nam. Nhưng thủ đoạn này cũng không thoát khỏi sự trừng phạt. Các toán gián điệp biệt kích xâm nhập qua đường biên giới Việt - Lào đều bị phát hiện, ngăn chặn. Chỉ riêng Chuyên án LH 17, thực hiện trong 6 năm, Công an nhân dân vũ trang phối hợp cùng với các lực lượng vũ trang trên tuyến Việt - Lào, đã chặn bắt 5 toán gián điệp biệt kích, gồm 15 tên, thu rất nhiều súng, đạn các loại, cùng nhiều phương tiện thông tin liên lạc.

Như vậy, âm mưu tung gián điệp, biệt kích ra phá hoại miền Bắc của Mỹ - ngụy bằng cả đường biển, đường không, đường bộ đã hoàn toàn thất bại. Từ năm 1961 đến năm 1972, địch đã tung ra miền Bắc 16 toán gián điệp biệt kích, chưa kể số gián điệp con thoi qua lại Giới tuyến quân sự tạm thời, Vĩ tuyến 17, lực lượng Công an nhân dân vũ trang đã bắt 232 tên, diệt 137 tên, thu rất nhiều chiến lợi phẩm, đập tan mưu đồ chiến tranh gián điệp của Mỹ - ngụy đối với miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Trong chiến công to lớn ấy, có sự chỉ đạo của Trung tướng Phạm Kiệt, Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang.

Ngày 28/4/1965, Bộ Chính trị có Nghị quyết 116/NQ-TW về "Phân công nhiệm vụ giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang". Theo Nghị quyết trên, Công an nhân dân vũ trang bảo vệ trị an biên giới, giới tuyến, bờ biển chủ yếu bằng biện pháp Chính trị và Nghiệp vụ Công an; điều chỉnh tổ chức từ đồn Biên phòng xuống thành trạm Biên phòng. Quân số còn lại của các đồn và đơn vị cơ động, bàn giao sang Bộ Quốc phòng. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, đã nảy sinh một số vấn đề không phù hợp trong cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của lực lượng. Đứng trước thực tế đó, bản lĩnh vị tướng cương trực, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm lại được bộc lộ, tỏa sáng. Là Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang, một mặt ông chỉ đạo toàn lực lượng nghiêm chỉnh chấp hành Nghị quyết, mặt khác tham mưu chính xác, kiến nghị kịp thời lên cấp trên, tạo điều kiện thuận lợi để Công an nhân dân vũ trang hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Thời điểm này, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân rất ác liệt, tập trung vào vùng ven biển, hải đảo, biên giới và các mục tiêu kinh tế, giao thông quan trọng. Với nhận thức: "Giáng trả cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chứ đâu chỉ riêng Quân đội nhân dân", Trung tướng Phạm Kiệt đã chỉ đạo cấp dưới khẩn trương mở các lớp huấn luyện bắn máy bay địch bằng súng bộ binh, biến mỗi đồn, trạm Biên phòng thành một trận địa phòng không, một lưới lửa.

Từ đây, khí thế thi đua bắn rơi máy bay Mỹ trở thành cao trào. Từ biển khơi dậy sóng đến núi rừng hùng vĩ, đâu đâu cũng lập công xuất sắc. Trong 3 ngày đầu tháng 4 năm 1965, Phân đội 3 Công an nhân dân vũ trang Hàm Rồng bắn cháy 4 máy bay Mỹ.

Ngày 17/4/1965, Đồn Biên phòng Cha Lo bắn cháy 1 máy bay F100. Ba ngày sau, Đồn Biên phòng Cửa Lò, Công an nhân dân vũ trang Nghệ An bắn rơi 1 máy bay F105. Những ngày tháng tiếp theo là chiến công của các chiến sĩ Đồn Sốp Cộp, Phân đội 3, Công an nhân dân vũ trang Sơn La bắn cháy 2 máy bay F105; Công an nhân dân vũ trang Thái Bình bắn rơi 1 máy bay F4H... Hoa chiến công của các chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang nở rộ khắp nơi trên các tuyến Biên phòng. Ngay ở nội địa, Phân đội Công an nhân dân vũ trang bảo vệ Lai Vu (Hải Dương) cũng bắn cháy 1 máy bay F105 của giặc Mỹ. Bằng ý chí quyết đánh và quyết thắng, bằng lòng dũng cảm ngoan cường và cách đánh sáng tạo, phù hợp với trang bị hiện có, toàn lực lượng Công an nhân dân vũ trang đã bắn rơi 219 máy bay các loại của giặc Mỹ, phối hợp với các lực lượng khác bắn tan xác 225 chiếc, bắn bị thương 118 chiếc khác. Chiến công xuất sắc ấy đã góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Chiến công trên đã chứng minh một tư duy đúng đắn, có tầm nhìn xa và một bản lĩnh, quyết tâm của một vị tướng biết đánh và quyết thắng Mỹ. Và ông đã đúng trong chỉ đạo toàn lực lượng đánh địch bằng cả 3 biện pháp: Chính trị, Nghiệp vụ và Vũ trang.

Bản lĩnh trên còn được thể hiện khi ông đến thăm các chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh - đơn vị bảo vệ giới tuyến tạm thời (vĩ tuyến 17). Nơi đây, bom đạn địch cày xới ngày đêm. Đồng bào phải đội mưa bom, bão đạn, vừa sản xuất vừa chiến đấu, bám trụ cùng các lực lượng vũ trang bảo vệ quê hương, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Qua quan sát thực địa, Trung tướng Phạm Kiệt nảy ra sáng tạo: Đào địa đạo để đưa dân về sản xuất, ổn định cuộc sống, với phương châm: "Một tấc không đi, một li không rời". Ông chỉ đạo Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh, đồn Vĩnh Mốc đào hầm chữ U, hay bán nguyệt, sâu xuống lòng đất 10 mét, thông với nhau để tránh thương vong do bom đạn địch, đặc biệt là các loại bom có sức công phá lớn.

Với tinh thần quyết tâm cao, được Bộ đội Công binh góp sức, sau 3 tháng, 400 mét địa đạo gồm 2 tầng, tầng 1 có độ sâu từ 8-10 mét, tầng 2 có độ sâu 18-20 mét; trong địa đạo có kho chứa lương thực, thực phẩm, có giếng nước ăn, có nơi hội họp, học tập, vui chơi... đã hoàn thành. Thành công của địa đạo Vĩnh Mốc đã tạo ra một cuộc sống trong lòng đất, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân và bộ đội. Đây cũng là điểm tựa vững chắc để quân và dân nơi đây bám trụ chiến đấu, giành thắng lợi to lớn. Địa đạo Vĩnh Mốc đã đem lại hiệu quả thiết thực, ngoài mong đợi, Tư lệnh Phạm Kiệt đã chỉ đạo Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh cùng đồng bào Giới tuyến nhân rộng mô hình. Và cũng từ đây địa đạo được mở rộng từ Vĩnh Mốc sang Vĩnh Giang, Vĩnh Quang... Một công trình đã trở thành huyền thoại. Công trình ấy sau này trở thành Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Từ thực tế chiến đấu và xây dựng của lực lượng Công an nhân dân vũ trang, đặc biệt là những thành tích to lớn trên mặt trận đánh gián điệp biệt kích và chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc đã chứng minh, tổ chức và nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân vũ trang phải được trở lại như quy định đã được nêu ra trong Nghị quyết 58/NQ-TW của Bộ Chính trị (Khóa II).

Và sau này với sự tham mưu chính xác, những đề xuất kịp thời lên cấp trên, tổ chức và nhiệm vụ Công an nhân dân vũ trang đã thành hiện thực như mong muốn của Trung tướng Phạm Kiệt và cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng.

Đức tính thẳng thắn, trung thực, vì nghĩa lớn là một trong những phẩm chất của Trung tướng Phạm Kiệt. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: "Ông được nhiều người yêu qúy, vì là một con người trung thực, thẳng thắn, lúc nào cũng dám nói thẳng, nói thật, không úp mở, rào chắn, bởi trách nhiệm cao trong phụng sự nhân dân, Tổ quốc". Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau khi nắm chắc tình hình, ông là người đồng tình ủng hộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chủ trương chuyển hướng chiến lược từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, thắng chắc và là người có vai trò tích cực trong kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện chủ trương chuyển hướng chiến lược này.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Sau này mới biết có cán bộ lo ngại, nhưng khi đó không một ai nói lên ý nghĩ thật của mình vì ngại cho là dao động. Tôi đánh giá rất cao ý kiến của anh Phạm Kiệt... Tôi càng thấy rõ anh Kiệt là một cán bộ có trình độ chính trị và quân sự, có tinh thần kiên định, lại có bản lĩnh vì nghĩa lớn, nói lên sự thật không chút ngần ngại. Anh đã để lại cho chúng ta một tấm gương về đức tính, về bản lĩnh của người đảng viên cộng sản".

Điều đó cho thấy, Trung tướng Phạm Kiệt là một nhà quân sự có nhãn quan đặc biệt, sống trung thực, tất cả vì nghĩa lớn. Phẩm chất này, về sau ông vẫn thường nhắc đi nhắc lại với đồng đội và các con của mình: "Nói thẳng, nói thật cũng phải dũng cảm hi sinh không kém gì xông pha trên chiến trường". Một vinh dự lớn đến với Tư lệnh Phạm Kiệt, ông được Bác Hồ tặng chiếc ra-đi-ô. Bác nói: "Đây là chiếc đài tướng Đờ-cát-xtơ-ri dùng suốt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chú Vương Thừa Vũ tặng Bác, nay Bác tặng lại chú vì công đặc biệt xuất sắc góp phần vào thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ". Trước đó, sau chiến dịch biên giới năm 1950, Bác đã tặng Trung tướng Phạm Kiệt một khẩu Các-bin mang số hiệu 585440 vì có cống hiến xuất sắc. Và với người bạn đời của ông - bà Trần Thị Ngộ, Bác cũng rất quan tâm, quý mến.

Khi tập kết ra Bắc, tại chiến khu Việt Bắc, Bác đã tặng bà khẩu súng ngắn hiệu Mode 6,35 ly, để phòng thân. Do phẩm chất trung thực, thẳng thắn của mình, ông luôn giành được niềm tin đặc biệt của Bác Hồ, rất nhiều lần được Bác gặp, tâm sự về công việc, về cuộc sống và đi cùng Người trong nhiều chuyến công tác. Điều đó càng khẳng định một chân lý "Vàng ngọc không quý bằng lòng trung tín". Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng nhận xét: "Anh Kiệt là một tấm gương trong đến vô cùng".

Trong cuộc sống, Trung tướng Phạm Kiệt đã để lại trong lòng nhiều thế hệ người lính quân hàm xanh và biết bao người khác về hình ảnh một vị tướng thẳng thắn, trung thực, sống giản dị, giàu lòng vị tha, được cán bộ, chiến sĩ và mọi người vô cùng yêu mến.

Trong chiến đấu, ông là vị chỉ huy có bản lĩnh, dũng cảm, thông minh, có nhiều cách đánh sáng tạo, có hiệu quả. Ông là một vị Tướng luôn đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết.

Với những công lao đóng góp cho nhân dân, cho đất nước của Trung tướng Phạm Kiệt, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh (23/1/1975). Gần 40 năm sau khi ông về cõi vĩnh hằng, ngày 25/7/2012, Đảng, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung tướng Phạm Kiệt. Đây là phần thưởng xứng đáng cho công lao cống hiến của ông, nhằm tôn vinh người anh hùng suốt cả cuộc đời đã tận tụy vì Tổ quốc, vì nhân dân.

13 giờ ngày 23/1/1975, trái tim đầy nhân hậu của người anh hùng huyền thoại-Trung tướng Phạm Kiệt đã ngừng đập. Nhưng nhân cách và bản lĩnh của ông đã để lại huyền thoại về một con người tận trung với nước, chí hiếu với dân, một bài học lớn vô ngần về đức tính trung thực, dám nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm nói lên sự thật, vì đại nghĩa dân tộc, hạnh phúc nhân dân; tính cách dứt khoát, kiên quyết trong lãnh đạo, chỉ huy, nhưng trái tim đầy nhân hậu vẫn mãi ngời sáng. Tổ quốc đã ghi công ông. Các thế hệ đồng chí, đồng đội đã noi theo tấm gương và hình ảnh cao đẹp của ông, tiếp bước con đường ông đang đi dở.

Nhân dân trân trọng những công lao cả cuộc đời ông đã hiến dâng cho đất nước, cho nhân dân. Nhân cách, bản lĩnh và công lao của vị danh Tướng tài ba Phạm Kiệt đã và sẽ sống mãi trong lòng quê hương, đất nước và cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang, Bộ đội Biên phòng ngày nay.

Phạm Huy Tập

Bình luận

ZALO