Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 03/07/2024 07:47 GMT+7

Trung tướng Trần Linh - Người cán bộ Chính trị bản lĩnh và sâu sắc

Biên phòng - Trung tướng Trần Linh, sinh năm 1929, nguyên quán xã Cự Khối, huyện Gia Lâm, nay là phường Cự Khối, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Thân phụ ông, cụ Trần Như Ngôi là lớp nhà giáo được đào tạo dạy chữ quốc ngữ đầu tiên thời thuộc Pháp. Năm 1930, ông giáo được điều về dạy ở trường tiểu học làng Quê Phương, nay là xã Bình Dân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Thân mẫu ông là người phụ nữ nông thôn vùng Kinh Bắc, thuộc tầng lớp dân nghèo, buôn bán nhỏ, hết lòng yêu chồng, thương con. Theo chồng về dạy học tại làng quê Kim Thành, bà giáo ngày ngày tất tả, ngược xuôi buôn bán, để phụ giúp chồng lo việc mưu sinh cho cả nhà, tạo điều kiện cho các con ăn học.

Trung tướng Trần Linh, Phó Tư lệnh Chính trị Bộ đội Biên phòng (1985-1996). Ảnh: Tư liệu

Được sự giáo dục khắt khe của cha và lớn lên trong tình thương bao dung của mẹ, khi học tiểu học, ông đã tham gia phong trào Hướng đạo sinh và được cán bộ Việt Minh tuyên truyền, giác ngộ về lòng yêu nước, căm thù giặc Pháp. Tháng 5/1945, ông được cán bộ Việt Minh trong Hướng đạo sinh là Đàm Quang Vỹ (sau này là Bí thư huyện ủy Ninh Giang) đưa vào tổ chức Thiếu niên Cứu quốc thị trấn Ninh Giang, phân công làm liên lạc viên. Tháng 7/1945, ông thoát ly hẳn tham gia vào Đội tuyên truyền xung phong của huyện. Ông tham gia giành chính quyền cách mạng tại huyện Ninh Giang.

Tháng 4/1946, ông nhập ngũ vào Vệ quốc đoàn, được biên chế vào Đội tuyên truyền vũ trang thuộc Tiểu đoàn Quảng Yên. Tháng 8/1946, được cử đi học lớp Chính trị viên Trung đội ở Liên khu 3. Ra trường ông được bổ nhiệm là Chính trị viên Trung đội, tham gia chiến đấu ở mặt trận Kiến An - Hải Phòng. Tháng 4/1947, đơn vị ông được Liên khu 3 chọn tham gia thành lập Tiểu đoàn chủ lực cơ động của bộ, đưa lên chiến khu Việt Bắc, với phiên hiệu Tiểu đoàn 160. Ông giữ chức Chính trị viên Trung đội 6, Đại đội 243, Tiểu đoàn 160. Năm 1948, Tiểu đoàn 160 chuyển về trực thuộc Trung đoàn 308 (sau này là Đại đoàn 308), lấy phiên hiệu Tiểu đoàn 11. Ngày 25/7/1948, Tiểu đoàn 11 được giao nhiệm vụ tiêu diệt đồn Phủ Thông, Bắc Kạn. Đây là trận đánh công kiên đầu tiên của quân đội ta. Sau trận đánh, Tiểu đoàn 11 được Bộ Tổng Tư lệnh tặng danh hiệu "Tiểu đoàn Phủ Thông". Sau này, tuy Tiểu đoàn có thay đổi phiên hiệu, nhưng danh hiệu "Tiểu đoàn Phủ Thông" mãi mãi là biểu tượng của Tiểu đoàn 11 cho đến ngày nay. Cũng trong trận Phủ Thông, ông đã bị thương nặng, phải đưa về tuyến sau. Ra viện, ông về lại đơn vị, giữ chức vụ Chính trị viên đại đội. Sau chiến dịch Biên giới, Tiểu đoàn 11 chuyển về thuộc Trung đoàn 141, Đại đoàn 312.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đảm nhiệm chức vụ Chính trị viên Tiểu đoàn 11, Bí thư Đảng ủy tiểu đoàn, tham gia đánh cứ điểm Him Lam. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được cử đi học trường Quân chính Bắc Sơn. Sau đó được bổ nhiệm là Trưởng ban Tuyên huấn Đại đoàn 312. Năm 1958, ông được cấp trên bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 325, Quân khu 4, đóng quân tại Quảng Bình. Cuối năm 1958, ông đi học trường Trung cao Chính trị (Học viện Chính trị ngày nay), được giữ lại trường và được bổ nhiệm là Phó Chủ nhiệm Phòng Chính trị, Chủ nhiệm Khoa công tác Đảng, công tác chính trị. Năm 1959, ông được phong quân hàm Trung tá. Năm 1962, ông là một trong những cán bộ được chọn đi học Học viện Quân chính Lê-nin (Liên Xô cũ). Về nước, ông tham gia biên soạn tài liệu, giáo trình công tác Đảng, công tác chính trị tại Tổng cục Chính trị. Sau đó, ông được bổ nhiệm Cục phó Cục Chính trị kiêm Trưởng phòng Tổ chức Học viện Chính trị.

Năm 1966, không quân Mỹ tập trung bắn phá ác liệt địa bàn Quân khu 4, Bộ quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Phòng không trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Ông được cử vào làm Phó Chính ủy, Bí thư Đảng ủy. Tháng 2/1968, lực lượng Phòng không Quân khu 4 chuyển vào phía Nam, thành lập Sư đoàn Phòng không 375, ông được bổ nhiệm Chính ủy Bộ Tư lệnh phòng không Nam Quân khu 4, Chính ủy Sư đoàn phòng không 375. Là người chiến đấu và trưởng thành ở những đơn vị bộ binh, nay chuyển sang giữ cương vị chủ trì một quân chủng kỹ thuật, chiến đấu ở địa bàn gian khổ, quyết liệt, nhưng ông đã nhanh chóng hòa nhập và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông đã phát huy tốt vai trò của người Chính ủy, luôn đảm bảo giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo thực hiện tốt các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, góp phần vào chiến thắng của lực lượng phòng không Quân khu 4.

Năm 1969, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Chính trị Cục Chính trị Quân khu 4. Năm 1970, ông được điều về Học viện Chính trị, tiếp tục giữ chức Phó Chủ nhiệm Chính trị. Khi Bộ Quốc phòng thành lập Binh đoàn 678 có nhiệm vụ thống nhất quản lý, chỉ huy các lực lượng quân tình nguyện và chuyên gia quân sự giúp bạn Lào, ông được bổ nhiệm là Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn. Ông đã cùng với Tư lệnh Trần Văn Quang tổ chức xây dựng đơn vị và chỉ đạo các lực lượng giúp bạn. Sau khi Binh đoàn hoàn thành nhiệm vụ và giải thể, ông được cử đi học tại Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng).

Phải chăng cuộc đời binh nghiệp của ông luôn gắn liền với "nghiệp" làm cán bộ Chính trị. Qua nhiều giai đoạn, nhiều chiến trường, trên các cương vị khác nhau ông vẫn thủy chung, vững vàng với cái "nghiệp" của mình. Và đây có lẽ là nguyên do chính, để sau khi hoàn thành khóa học tại Học viện Quốc phòng, ông được Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị gọi lên giao nhiệm vụ: Đảm nhiệm chức trách Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng, mới từ Công an vũ trang thuộc Bộ Nội vụ chuyển sang Bộ Quốc phòng. Một lực lượng đang trong giai đoạn củng cố tổ chức, rất cần một người chủ trì về công tác Đảng, công tác chính trị có đủ bản lĩnh và năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Hiểu được băn khoăn của ông khi nhận nhiệm vụ mới, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị đã động viên: "Bộ đội Biên phòng đang tổ chức lại theo Chỉ thị 85 của Bộ Tổng Tham mưu, yêu cầu củng cố kiện toàn lãnh đạo, chỉ huy, tăng cường công tác Đảng, công tác chính trị, rất cần một Chủ nhiệm Chính trị có bản lĩnh và kinh nghiệm. Tổng cục cân nhắc chọn anh và đã báo cáo Thường vụ Quân ủy quyết định rồi"!

Ông xác định trách nhiệm và bước vào nhiệm vụ mới. Tháng 7/1981, Đại tá Trần Linh về lực lượng Bộ đội Biên phòng nhận công tác với cương vị Chủ nhiệm Chính trị. Chiếc ba lô trận mạc đã cùng ông sinh tử, đi khắp các chiến trường, giờ được ông đèo sau xe đạp đến số 4 Đinh Công Tráng - trụ sở Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Đứng trước vườn hoa đối diện Viện Quân y 108, ngắm hàng cây sấu già xòe tán xanh mát trong không gian tĩnh lặng, ông thấy lòng mình xốn xang. Từ đây, không gian xanh với những tán cây cổ thụ kia sẽ cùng ông gắn bó trong nhiệm vụ mới được giao. Và những tháng ngày đầy thử thách cũng đang chờ đợi ông...

Dựa vào tập thể Đảng ủy Cục, các Phó Chủ nhiệm, đặc biệt là đồng chí Nguyễn Hữu Lược (Tư Hà), Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Chủ nhiệm Trần Linh bắt tay ngay vào công việc. Trước hết, ông nhanh chóng nắm tình hình tư tưởng và tổ chức của Cục Chính trị. Thời gian này, thực hiện Chỉ thị 85/CT-BTTM ngày 26/5/1981 của Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thực hiện chức năng là cơ quan tham mưu và chỉ đạo nghiệp vụ công tác biên phòng. Công tác Đảng, công tác chính trị do Cục Chính trị các Quân khu chỉ đạo các đơn vị trong địa bàn. Đảng ủy, cơ quan Chủ nhiệm Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành trực thuộc Đảng ủy Quân sự tỉnh. Phòng Chính trị quân sự tỉnh trực tiếp chỉ đạo tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị ở các đơn vị Biên phòng. Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng đang trong quá trình rút gọn tổ chức, biên chế. Tổ chức của Cục chưa ổn định; phương hướng, phương pháp nề nếp công tác còn lúng túng. Trong khi đó tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ không yên tâm, chán nản, chờ đợi, hoạt động cầm chừng, nhất là số cán bộ từ các tỉnh, thành phố điều về nhận nhiệm vụ ở cơ quan Cục.

Trước tình hình đó, ông đề nghị Thường vụ Đảng ủy, Chỉ huy Cục mở đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Cục. Trọng tâm của đợt sinh hoạt chính trị là quán triệt Chỉ thị 85/BTTM của Bộ Tổng Tham mưu, giúp cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ vị trí, chức năng của Bộ đội Biên phòng, trong đó có vai trò trách nhiệm của cơ quan Bộ Tư lệnh, Cục Chính trị, đối với công tác biên phòng. Qua đợt sinh hoạt đó, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên trong toàn Cục đã thông suốt với sự chỉ đạo của trên, xác định trách nhiệm, ổn định tư tưởng, kiện toàn tổ chức, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trong cơ chế mới.

Những ngày đầu đảm nhiệm cương vị mới, do từ quân đội mới chuyển sang nên ông chưa hòa nhập ngay được với cơ quan. Một số cán bộ có vẻ ngại ngần, giữ khoảng cách với ông. Có những ánh mắt dò xét, "đong đo" xem năng lực chỉ huy, thái độ ứng xử, cách làm việc của vị Thủ trưởng Cục mới thế nào? Cảm nhận được những rào cản đó, ông vẫn bình tĩnh triển khai công việc.

Thử thách ban đầu của ông là trong lần Cục Chính trị diễn tập sẵn sàng chiến đấu, thực hiện phương án di chuyển cơ quan. Mục đích, yêu cầu của cuộc diễn tập đã được quán triệt cụ thể đến mọi cán bộ, chiến sĩ. Theo kế hoạch, khi có lệnh cấp trên, từ thủ trưởng đến cán bộ, chiến sĩ cơ quan Cục đều phải mang theo tài liệu, vũ khí, quân tư trang, khẩn trương hành quân di chuyển đến vị trí mới. Khi toàn cơ quan vào vị trí tập kết, Chủ nhiệm Trần Linh phát hiện một sĩ quan cấp tá chỉ mang chiếc ba lô sơ sài, không có cặp tài liệu. Nhìn bộ dạng của người sĩ quan, Chủ nhiệm Trần Linh nghiêm giọng hỏi: "Cặp tài liệu của đồng chí đâu?". Người sĩ quan thản nhiên trả lời: "Báo cáo Chủ nhiệm, tài liệu tôi chứa trong đầu hết rồi, nên không cần mang cặp ạ!". Cả sân vận động xầm xì, xen lẫn tiếng cười khe khẽ. Trước thái độ thiếu nghiêm túc của người cán bộ thuộc quyền, tuy rất giận, nhưng ông vẫn kiềm chế, điềm tĩnh chỉ huy buổi diễn tập đạt kết quả theo yêu cầu của Bộ Tư lệnh đề ra.

Sau này qua tìm hiểu, ông biết, đồng chí cán bộ đó trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, có năng lực và trình độ, nhưng cũng rất "ngang". Với đồng chí đó, trong công tác và sinh hoạt hằng ngày ông vẫn giữ thái độ đúng mực. Cảm phục về sự chân tình, rộng lượng của ông, đồng chí cán bộ đó, sau này đã tự phê bình, nhận lỗi và trở thành một cộng sự đắc lực, tin cậy của ông. Từ câu chuyện của người cán bộ đó, đã cho ông hiểu: Phải đi từ đâu để tìm ra biện pháp chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ? Cách tiếp cận và ứng xử với cấp dưới ra sao để xóa đi ngăn cách, mặc cảm? Những tâm tưởng đó cứ xáo trộn trong ông, khiến cho những vòng quay của chiếc xe đạp ông đang đi dường như chậm lại. Con đường từ cơ quan Bộ Tư lệnh về phố Lý Văn Phức - nhà ông - thấy dài thêm ra...

Những ngày sau đó, Chủ nhiệm Trần Linh trực tiếp làm việc với các phòng: Tổ chức, Tuyên huấn, Vận động quần chúng, Cán bộ, Bảo vệ an ninh, để tìm hiểu hoạt động và kinh nghiệm của các phòng; lắng nghe ý kiến đề xuất của chỉ huy các phòng. Ông hiểu: Bên cạnh việc tiếp tục tăng cường công tác Đảng, công tác chính trị theo chế độ quy định chung của quân đội, thì phải xây dựng được một mô hình phù hợp, một phương thức tiến hành hiệu quả của công tác Đảng, công tác chính trị trong Bộ đội Biên phòng. Ông đề nghị chỉ huy Cục phân công cán bộ xuống làm việc với các Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thành, trực tiếp đề xuất, tham mưu cho Phòng Chính trị chỉ đạo về nội dung, biện pháp tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị đối với các đồn Biên phòng.

Đối với cơ quan Cục ông chỉ đạo, định hướng hoạt động của Đoàn Văn công, Điện ảnh, Báo Biên phòng. Ông cùng Đảng ủy, chỉ huy Cục báo cáo Bộ Tư lệnh tổ chức lại Bảo tàng, Nhà văn hóa; thành lập Xưởng in Biên phòng. Với các đồng chí chỉ huy chính trị các tỉnh được điều về Cục, ông rất trân trọng, gặp gỡ, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, lắng nghe kinh nghiệm và ý kiến tham gia của các đồng chí đó. Ông đề xuất với Bộ Tư lệnh thành lập Ban Tổng kết công tác Đảng, công tác chính trị giai đoạn Công an nhân dân vũ trang, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, làm cơ sở cho công tác chỉ huy, chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị của Bộ đội Biên phòng các giai đoạn sau này.

Ông đề xuất xây dựng nề nếp, chế độ làm việc của cơ quan; phát huy tính dân chủ, đồng thời tôn trọng lắng nghe các ý kiến tham gia về các kế hoạch, chủ trương biện pháp công tác của cơ quan Cục, do đó đã tạo được tính thống nhất, giữa tập thể chỉ huy Cục và các phòng, ban, đơn vị. Với tác phong giản dị, dân chủ, cởi mở và cầu thị, ông đã tạo được sự gần gũi, xóa được hoài nghi, xây dựng lòng tin của cán bộ, chiến sĩ, tạo nên khí thế làm việc mới trong cơ quan Cục. Từ thực tế và cách tiếp cận công việc ông đã tự rút ra một phương pháp làm việc cho mình là: Hết sức lắng nghe ý kiến phản ánh, đề xuất của cấp dưới, kể cả ý kiến trái chiều; trân trọng những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo từ cơ sở; mọi việc được bàn bạc dân chủ để đi đến thống nhất, khi đã thống nhất rồi, người chỉ huy phải định ra kế hoạch, xác định trọng tâm, trọng điểm, nội dung biện pháp chỉ đạo, đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm túc; nắm chắc, hiểu sâu tư tưởng, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ để khi giải quyết những vướng mắc về tư tưởng của cấp dưới được thấu lý, đạt tình. Phương pháp này là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời binh nghiệp của ông.

Cùng với việc củng cố hoạt động của Cục Chính trị, ông tranh thủ gặp các đồng chí trong Bộ Tư lệnh, nhất là Tư lệnh Đinh Văn Tuy và chỉ huy các Cục để hiểu thêm về nhiệm vụ, tính chất và các biện pháp công tác biên phòng, nhất là nhiệm vụ, tính chất an ninh của Bộ đội Biên phòng và công tác Trinh sát.

Là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với ông, qua tìm hiểu, ông biết nhiệm vụ của Cục Trinh sát vừa là cơ quan tham mưu đề xuất cho Bộ Tư lệnh, chỉ đạo, đồng thời vừa là đơn vị trực tiếp chiến đấu thực hiện các nhiệm vụ tình báo, phản gián Biên phòng, trong đó có Công tác xây dựng thế trận bí mật, lập kế hoạch đấu tranh với các loại tội phạm ở khu vực biên giới. Đến với Cục Trinh sát, sau khi làm việc với Chỉ huy cục và Phòng Chính trị, ông đề nghị gặp riêng đồng chí Cục trưởng - vốn là một cán bộ từ Bộ Công an chuyển sang - để mượn tài liệu và đề nghị đồng chí Cục trưởng nói kỹ hơn về các biện pháp nghiệp vụ, như điều tra cơ bản, kế hoạch triển khai chuyên án, vụ án... Thấy ông yêu cầu chân tình và cầu thị, đồng chí Cục trưởng Cục Trinh sát cũng cởi mở, trao đổi cặn kẽ, giúp ông hiểu thêm về nghiệp vụ Trinh sát Biên phòng, về tính chất an ninh, bên cạnh tính chất quốc phòng, đối ngoại của Bộ đội Biên phòng.

Ông dành nhiều thời gian đi xuống các đồn, trạm Biên phòng để hiểu sâu hơn về Công tác Biên phòng và hoạt động của Bộ đội Biên phòng ở cơ sở. Chuyến đi đầu tiên của ông là đi cùng Tư lệnh Đinh Văn Tuy đến biên giới Lạng Sơn. Thời điểm này, tình hình biên giới Lạng Sơn vẫn còn trong tình trạng chiến tranh. Đối phương không chỉ đe dọa sử dụng lực lượng vũ trang lấn chiếm biên giới, mà còn thực hiện kiểu "Chiến tranh phá hoại nhiều mặt" đối với đất nước ta. Họ dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt như: Gián điệp thu thập tình báo, tung biệt kích, thám báo bắt cóc cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, tràn hàng lậu qua biên giới phá hoại kinh tế của ta. Thâm độc hơn, họ còn dùng tiền, hàng, câu móc vào các phần tử thoái hóa trong cơ quan nhà nước, người nhẹ dạ, cả tin có uy tín trong đồng bào dân tộc để mua chuộc, thu thập tin tức, ly gián, chia rẽ nội bộ ta.

Tư lệnh Đinh Văn Tuy cùng ông xuống khảo sát thực tế tại đồn Tân Thanh (huyện Văn Lãng), một trọng điểm của "Chiến tranh phá hoại nhiều mặt". Sau khi nghe Đồn trưởng báo cáo tình hình, Tư lệnh Đinh Văn Tuy cùng ông đi kiểm tra các trạm biên phòng, đội công tác, chốt biên giới, trực tiếp tìm hiểu về tình hình nhiệm vụ, các hoạt động cụ thể và khả năng xử lý tình huống của cán bộ, chiến sĩ cũng như tâm tư, tình cảm của những người lính trên tuyến đầu, chỉ đạo giải quyết cụ thể các vấn đề thực tế của đồn đặt ra.

Sau chuyến kiểm tra thực tế tại Đồn Biên phòng Tân Thanh, Tư lệnh Đinh Văn Tuy cùng đoàn công tác trở về Hà Nội. Ông ở lại để tìm hiểu thêm tình hình một số đồn Biên phòng như: Bình Nghi, Pò Mã, Xuất Lễ, Ba Sơn. Sau đó, ông về làm việc với Chỉ huy Biên phòng tỉnh, nghe báo cáo cụ thể việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 85/CT-TM của Bộ Tổng Tham mưu và công tác giáo dục chính trị tại cơ sở. Ông sang làm việc với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, tìm hiểu thêm các mối quan hệ với Bộ đội Biên phòng; về sự chỉ đạo, hướng dẫn công tác Đảng, công tác chính trị của Bộ Chỉ huy quân sự, Phòng Chính trị đối với các đồn Biên phòng. Qua chuyến công tác thực tế, đã trực tiếp bồi dưỡng cho ông kiến thức về Công tác Biên phòng và Bộ đội Biên phòng; giúp ông thấy được những vấn đề thuận lợi, khó khăn của công tác Đảng, công tác chính trị trong Bộ đội Biên phòng; hiểu rõ hơn về lực lượng nòng cốt, chuyên trách bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bằng các biện pháp nghiệp vụ, theo ba tính chất: An ninh, quốc phòng, đối ngoại.

Ông nhận thấy một trong những nguyên nhân làm cho hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị của Bộ đội Biên phòng chưa phát huy hiệu quả là: Do Cục Chính trị các quân khu và Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo, nên không sát với nhiệm vụ và thực tế hoạt động của Bộ đội Biên phòng. Công tác giáo dục chính trị được thực hiện theo mô hình của những đơn vị huấn luyện tập trung như bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương. Trong khi đó, các đồn, trạm Biên phòng đóng quân phân tán, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới thường xuyên, liên tục 24/24 giờ nên rất khó tập trung để tổ chức học tập. Chính vì thế Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn cũng như các tỉnh, việc không đảm bảo nội dung, thời gian học tập theo quy định là nguyên nhân cần tháo gỡ. Cục Chính trị Quân khu, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh đánh giá Bộ đội Biên phòng chưa chú trọng công tác giáo dục chính trị là đúng thực tế. Vì vậy các đơn vị Biên phòng rất lúng túng trong tổ chức thực hiện, nhất là công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đã tạo nên không khí nặng nề giữa cơ quan quản lý, chỉ đạo và các đơn vị.

Với trách nhiệm và uy tín cá nhân, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng Trần Linh đã trực tiếp báo cáo với Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và các Cơ quan Tổng cục về tình hình trên. Ông đưa các đoàn công tác của Cục Tổ chức, Cục Tuyên huấn trực tiếp đi khảo sát, tìm hiểu thực trạng các đồn, trạm Biên phòng trên địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn. Chuyến đi này đã giúp cho các Cơ quan Tổng cục Chính trị hiểu rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức biên chế, các biện pháp công tác của Bộ đội Biên phòng, từ đó có hướng dẫn chỉ đạo các phương thức tổ chức giáo dục chính trị tư tưởng phù hợp cho cán bộ, chiến sĩ Biên phòng.

Trong chuyến công tác tại Đồn Biên phòng Hoành Mô (Quảng Ninh), một cán bộ của Cục Tổ chức tâm sự với Chủ nhiệm Trần Linh: "Trước đây, tôi và cơ quan cứ nghĩ Đồn trưởng Đồn Biên phòng đảm nhiệm chức vụ như Tiểu đoàn trưởng của bộ đội địa phương. Qua chuyến đi này, thâm nhập thực tế mới biết Đồn trưởng Đồn Biên phòng thật vất vả! Nhiệm vụ Biên phòng rất toàn diện, phức tạp, phải xử lý nhiều tình huống khó khăn và nhạy cảm, để giữ vững chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh trật tự. Nếu không nắm sâu, tìm hiểu kỹ, cơ quan cấp trên dễ có cái nhìn phiến diện về anh em và chỉ đạo không sát thực tế!".

Chủ nhiệm Trần Linh bộc bạch: "Tổng cục chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị chung toàn quân trong điều kiện các đơn vị chủ yếu tập trung huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Bộ đội Biên phòng đóng quân phân tán, nhỏ lẻ, trực tiếp chiến đấu bằng các biện pháp nghiệp vụ là chính, liên tục 24/24 giờ. Nhiều vấn đề cần tháo gỡ cả về phương thức, nội dung, biện pháp tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị, đặc biệt là giáo dục chính trị tư tưởng, tạo điều kiện cho Bộ đội Biên phòng hoàn thành nhiệm vụ. Mong Tổng cục và các anh quan tâm giúp đỡ".

Đồng chí cán bộ Cục Tổ chức mỉm cười: "Mới có mấy năm, anh đã là người của Bộ đội Biên phòng thật rồi!" Lời động viên của đồng chí cán bộ Cục Tổ chức như một lời xác nhận cho Chủ nhiệm Trần Linh. Ba năm... khoảng thời gian hơn nghìn ngày ông đã vượt qua được những khó khăn, thử thách ban đầu, thực sự hòa nhập cùng cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Những chuyến công tác của Cơ quan Tổng cục đến với các đơn vị Biên phòng ngày càng dày thêm như: Chuyến đi khảo sát chuyên đề và công tác tư tưởng của Cục Tuyên huấn; chuyến đi thâm nhập cơ sở tìm hiểu vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ đồn Biên phòng của Cục Bảo vệ; tổ chức nghiên cứu chuyên đề về công tác vận động quần chúng trong đồng bào dân tộc Mông, Tây Bắc của Cục Dân vận... Đã tạo điều kiện để các Cơ quan Tổng cục từng bước hiểu thêm về Bộ đội Biên phòng và đặc điểm hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị của Bộ đội Biên phòng. Từ đó, vai trò và uy tín của Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng với Tổng cục Chính trị được nâng cao.

Tháng 1/1984, Tổng cục Chính trị đồng ý với đề xuất của Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng, tổ chức Hội nghị chuyên đề về "Công tác Đảng, công tác chính trị ở đồn Biên phòng" và giao cho ông trực tiếp chuẩn bị đề án. Trung tướng Nguyễn Nam Khánh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chỉ đạo hội nghị. Thành phần dự hội nghị gồm các Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thành phụ trách Biên phòng; Cục Chính trị các Quân khu; các cục chức năng của Tổng cục Chính trị, các phòng ban thuộc Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng và Phòng Chính trị các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Trường Đại học Biên phòng.

Tại hội nghị, sau khi nghe Tư lệnh Đinh Văn Tuy báo cáo tình hình công tác Biên phòng, Chủ nhiệm Chính trị Trần Linh đọc báo cáo tình hình công tác Đảng, công tác chính trị, nêu rõ những vấn đề cơ bản trong thực hiện công tác Đảng, công tác chính trị đối với đồn Biên phòng. Báo cáo xác định rõ đối tượng, mục tiêu, yêu cầu, nội dung, biện pháp tiến hành công tác giáo dục chính trị và vai trò lãnh đạo của chi bộ đồn Biên phòng; từ đó đề xuất những biện pháp chỉ đạo của Tổng cục Chính trị, Cục Chính trị Quân khu, Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng đối với hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị của đồn Biên phòng. Ông đề nghị: Trong điều kiện hiện tại, Tổng cục Chính trị cần có Chỉ thị về hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị đối với đồn Biên phòng; giải quyết mối quan hệ giữa Bộ Tư lệnh Quân khu và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị đối với đồn Biên phòng, nhất là nâng cao năng lực lãnh đạo, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ nơi tuyến đầu biên giới. Các đại biểu thảo luận đánh giá cao với báo cáo của Chủ nhiệm Trần Linh. Đồng chí Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nhất trí với những nội dung đề xuất của Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng đồng thời kết luận: Việc chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị đối với đồn Biên phòng nói riêng, Bộ đội Biên phòng nói chung phải sát với yêu cầu nhiệm vụ và đặc điểm hoạt động của Bộ đội Biên phòng. Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng phải chủ động phối hợp với Cục Chính trị Quân khu trong chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Biên phòng, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng và tổ chức trong các đơn vị Biên phòng.

Sau hội nghị, Tổng cục Chính trị có hướng dẫn chỉ đạo về "Hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị ở các đồn Biên phòng". Dựa theo tinh thần chỉ đạo của Tổng cục Chính trị, ông đề xuất với Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng và cùng với Chỉ huy Cục Chính trị tập trung khôi phục lại các chế độ hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, nhất là về chỉ đạo, hướng dẫn công tác Đảng, công tác chính trị đối với đồn Biên phòng. Từ đó phát huy tốt vai trò của công tác chính trị, tạo chuyển biến tích cực các mặt công tác Đảng, công tác chính trị trong Bộ đội Biên phòng, nhất là hiệu quả của công tác giáo dục chính trị tư tưởng ở các đồn Biên phòng đã chuyển biến rõ nét; ý thức chấp hành kỷ luật của các đơn vị được nâng lên, góp phần củng cố các mặt công tác, chiến đấu và xây dựng ở đồn Biên phòng trên các tuyến biên giới.

Từ thực tiễn chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị trong Bộ đội Biên phòng, đã được ông rút ra kết luận: Tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong Bộ đội Biên phòng cần vận dụng những nguyên tắc cơ bản công tác chính trị của Quân đội một cách sáng tạo. Trên cơ sở căn cứ vào nhiệm vụ thực tế của Bộ đội Biên phòng, cơ quan chủ trì cần chỉ đạo các đơn vị có phương thức tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong Bộ đội Biên phòng một cách phù hợp, hiệu quả. Với nhận thức trên, ông đã tập trung chỉ đạo và trực tiếp cùng lãnh đạo Cục Chính trị và các cơ quan chuyên môn tiến hành đổi mới phương thức chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị cơ sở thực hiện công tác Đảng, công tác chính trị phù hợp với tình hình của từng đơn vị, từng tuyến Biên phòng. Với chức năng là cơ quan đảm nhiệm công tác Đảng, công tác chính trị trong toàn lực lượng, Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng so với trước yêu cầu cao hơn, trách nhiệm nặng nề hơn, nhưng kết quả đạt được đã tạo đà cho Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng vững vàng ở vị thế mới.

Trong giai đoạn này, đất nước ta đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách. Các thế lực thù địch dùng nhiều thủ đoạn thâm độc, tiến hành kiểu "Chiến tranh phá hoại nhiều mặt" nhằm chống phá cách mạng nước ta. "Bộ đội Biên phòng là lực lượng đứng chân bảo vệ cửa ngõ, tuyến đầu của Tổ quốc. Hằng ngày, cán bộ, chiến sĩ trong công tác phải trực tiếp giải quyết những vụ việc liên quan với đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhiều tổ công tác tiếp xúc với quần chúng nhân dân trên các địa bàn xa xôi, hẻo lánh. Hầu hết đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định. Tuy nhiên, do va chạm thường xuyên với các loại đối tượng, phần tử xấu, dễ bị nhiễm độc bởi những thủ đoạn thâm độc, trắng trợn của chúng. Trước cám dỗ của đồng tiền, một số cán bộ, chiến sĩ kém rèn luyện, bị sa ngã, biến chất". (Nghị quyết của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng về công tác Bảo vệ nội bộ). Một trong những điểm trọng tâm về công tác Bảo vệ an ninh nội bộ của thời kỳ này là các đơn vị Bộ đội Biên phòng tuyến biển.

Do tình hình kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn; các phần tử xấu lôi kéo, kích động, một bộ phận quần chúng tìm đến "miền đất hứa", tình trạng vượt biển trốn đi nước ngoài ngày càng nhiều. Các phần tử xấu tổ chức đường dây vượt biển đã câu móc vào các đối tượng thoái hóa, biến chất của chính quyền cơ sở và lực lượng vũ trang, trong đó có Bộ đội Biên phòng, bao che nhằm tiếp tay cho chúng. Nhiều địa bàn Biên phòng bị "chọc thủng", ảnh hưởng đến uy tín của Bộ đội Biên phòng. Vũng Tàu - Côn Đảo là một trọng điểm vượt biển. Đường thoát chính là qua địa bàn Đồn Biên phòng Bến Đá. Để khắc phục có hiệu quả, ông đã cùng các trợ lý của Cục đến đồn Bến Đá để nắm tình hình và trực tiếp chỉ đạo công tác bảo vệ nội bộ; tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của các vụ vượt biển đi thoát qua địa bàn đồn quản lý.

Qua rà soát nội bộ, ông nhận thấy đại bộ phận cán bộ, chiến sĩ là tốt, nhưng một vài chiến sĩ có biểu hiện không bình thường. Ở địa bàn, một số hộ buôn bán có những biểu hiện nghi vấn. Cửa hàng của họ có nhiều người lạ đến mua hàng, một số chủ động quan hệ qua lại, gây cảm tình với cán bộ, chiến sĩ của đồn. Ông yêu cầu trợ lý bảo vệ cùng Trinh sát Biên phòng tỉnh, bằng biện pháp nghiệp vụ, kết hợp nghiên cứu quy luật các lần người dân vượt biển, nắm chắc tình hình, xác minh làm rõ. Kết quả, đã phát hiện một chiến sĩ của đồn đã bị bọn xấu câu móc, chọn thời cơ, tạo điều kiện cho chúng trốn thoát. Ban Chỉ huy đồn thiếu cảnh giác, không thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nắm tình hình đơn vị. Công tác quản lý địa bàn chưa chặt chẽ, đồn chưa phối hợp với địa phương để ngăn chặn từ bên ngoài. Ông yêu cầu Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng với các cơ quan chức năng Cục Chính trị làm rõ nguyên nhân, từ đó rút ra kết luận, làm rõ những sai phạm về công tác quản lý giáo dục chính trị nội bộ, công tác giữ gìn bí mật quân sự, quản lý địa bàn, nhất là vai trò của cán bộ chủ trì đơn vị.

Qua công tác chỉnh đốn nội bộ, kết hợp cùng với cấp ủy chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ địa bàn nơi đóng quân, Đồn Biên phòng Bến Đá dần được củng cố, tình hình địa bàn được ổn định. Bài học rút ra từ Đồn Biên phòng Bến Đá, ông giao cho Cục Chính trị thông báo cho Bộ đội Biên phòng các tỉnh, trọng tâm là tuyến biên giới biển có nhiều đối tượng vượt biên, yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, rà soát nội bộ; quan hệ chặt chẽ với địa phương, bổ sung phương án phòng chống vượt biển trốn đi nước ngoài. Sau đó, ông còn trực tiếp xuống một số đồn Biên phòng tuyến biển miền Trung, đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng của Cục thành lập các đoàn công tác đi các tỉnh phổ biến kinh nghiệm, giúp Bộ đội Biên phòng các tỉnh bàn biện pháp phòng chống đạt hiệu quả. Tình hình vượt biển trốn đi nước ngoài ở các tỉnh vùng biển dần dần ổn định, khôi phục lại lòng tin của các Quân khu, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và nhân dân địa phương đối với Bộ đội Biên phòng.

Tháng 11/1985, ông được bổ nhiệm Phó Tư lệnh Chính trị Bộ đội Biên phòng, Đảng ủy Quân sự Trung ương chỉ định ông làm Phó bí thư Đảng ủy Bộ đội Biên phòng và tháng 12 năm đó, ông được phong quân hàm Thiếu tướng. Nhận những lời khen tặng, chúc mừng, ông vô cùng xúc động và thầm cảm ơn sự đánh giá của Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với ông sau những tháng ngày đồng cam, cộng khổ cùng đồng chí, đồng đội vì sự phát triển của Bộ đội Biên phòng.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng trong thực hiện Chỉ thị 85/CT-BTTM của Bộ Tổng tham mưu đã tạo được một số thuận lợi như: Đồn Biên phòng đã trực thuộc Chủ nhiệm Biên phòng tỉnh. Một số hoạt động của Bộ đội Biên phòng đã được tổ chức thực hiện thống nhất từ Bộ Tư lệnh đến Chủ nhiệm Biên phòng tỉnh, thành và đến đơn vị cơ sở đồn Biên phòng. Tuy vậy, do tồn tại chế độ song trùng, chỉ đạo, chỉ huy vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục như: Công tác đảm bảo hậu cần, công tác xây dựng Đảng, công tác chỉ huy, chỉ đạo toàn diện từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở. Những hạn chế đó làm ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng. Báo cáo của Bộ Tư lệnh Biên phòng đã mạnh dạn đánh giá, phân tích mặt tích cực và những hạn chế, tồn tại, đồng thời kiến nghị với Bộ Quốc phòng cần tổ chức lại Bộ đội Biên phòng theo mô hình chỉ huy 3 cấp. Phó Tư lệnh Chính trị Trần Linh được phân công cùng Tư lệnh Đinh Văn Tuy, báo cáo tại Hội nghị Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương mở rộng, làm căn cứ quan trọng để Hội nghị kết luận.

Ngày 4/4/1986, Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định 419/QĐ-QP về "chấn chỉnh tổ chức, chỉ huy và củng cố xây dựng Bộ đội Biên phòng". Quyết định của Bộ ghi rõ: Hệ thống tổ chức chỉ huy của Bộ đội Biên phòng có 3 cấp cơ bản: Bộ Tư lệnh, Ban chỉ huy Biên phòng tỉnh, thành và các đồn Biên phòng. Giải thể các Cục Biên phòng trực thuộc Quân khu. Bộ Tư lệnh Biên phòng được củng cố tổ chức thành cơ quan có chức năng lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo công tác Biên phòng và xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng trên phạm vi cả nước.

Để phù hợp với tổ chức mới của lực lượng, ông cùng lãnh đạo Cục Tổ chức (Tổng cục Chính trị) trực tiếp làm việc với Ban Tổ chức Trung ương, đề xuất mô hình tổ chức Đảng trong Bộ đội Biên phòng. Ngày 25/7/1986, Ban Bí thư Trung ương ban hành Quy định 77/QĐ-TW, xác định rõ hệ thống tổ chức, nhiệm vụ của Đảng ủy, tổ chức của cơ quan chính trị các cấp trong Bộ đội Biên phòng. Các đảng bộ Biên phòng tỉnh, thành chuyển từ Đảng ủy Quân sự tỉnh về trực thuộc các Tỉnh ủy, Thành ủy. Với cương vị Phó Tư lệnh Chính trị, cùng với cán bộ cơ quan, ông đi xuống một số Quân khu tiếp nhận bàn giao số cán bộ ở các Cục Biên phòng, bố trí sắp xếp về các đơn vị. Ông trực tiếp trao đổi, đề nghị các quân khu hướng dẫn Đảng ủy Quân sự tỉnh, thành, thực hiện tốt chỉ thị của Ban Bí thư về việc chuyển giao Đảng bộ Bộ đội Biên phòng về trực thuộc Tỉnh ủy, Thành ủy, đồng thời chỉ đạo Đảng ủy, Ban Chỉ huy Biên phòng các tỉnh, thành mở đợt sinh hoạt chính trị, tổ chức quán triệt chỉ thị của Ban Bí thư và Quyết định 419 của Bộ Quốc phòng. Ông nhấn mạnh: Các đơn vị cần quán triệt, tạo sự đồng thuận nhất trí với quyết định của Bộ, phát huy hiệu lực cơ chế tổ chức mới; động viên cán bộ, chiến sĩ đề cao trách nhiệm, tăng cường quản lý kỷ luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ Biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, không để xảy ra sơ suất, ảnh hưởng đến danh dự, truyền thống Bộ đội Biên phòng.

Triển khai thực hiện Quyết định 419/QĐ-QP của Bộ, cơ quan và Ban Chỉ huy Biên phòng các tỉnh, thành, theo mô hình tổ chức mới rất thiếu cán bộ, nhất là cán bộ chính trị và cán bộ quân sự. Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Biên phòng xác định phải mạnh dạn đề bạt từ dưới lên, đồng thời lựa chọn, điều động cán bộ cơ quan Bộ Tư lệnh xuống. Nhưng có những chuyên ngành, cán bộ không có điều kiện bổ sung, nhất là cán bộ chính trị, Bộ Tư lệnh chủ trương xin cán bộ từ Quân đội về bổ sung bù vào chỗ thiếu của Bộ đội Biên phòng. Ông trực tiếp làm việc với Cục Cán bộ, Học viện Chính trị-Quân sự để lựa chọn cán bộ. Ông chú trọng lựa chọn số cán bộ đã qua chiến đấu, cán bộ được đào tạo cơ bản, gắn với địa phương để bổ sung cán bộ. Ông đề nghị Bộ Tư lệnh mở lớp tập huấn Nghiệp vụ Biên phòng, giúp cho số cán bộ này hiểu sâu về chức năng, nhiệm vụ, hệ thống tổ chức của Bộ đội Biên phòng. Từ đó, nhiều đồng chí đã nhanh chóng hòa nhập, phát huy tốt vai trò, vị trí được bổ nhiệm, đóng góp tích cực vào việc xây dựng Bộ đội Biên phòng. Có đồng chí sau này trưởng thành, là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cơ quan Bộ Tư lệnh.

Bộ đội Biên phòng Bình Định canh gác bảo vệ an ninh vùng biển Tổ quốc. Ảnh: Tư liệu

Các đơn vị Biên phòng phía Nam, khi triển khai ra toàn quốc rất thiếu cán bộ, vì vậy phải tăng cường cán bộ từ phía Bắc vào. Sau một thời gian công tác, ở một số địa phương, đơn vị nổi lên vấn đề "cục bộ Bắc, Nam", nội bộ căng thẳng, mất đoàn kết, công tác trì trệ, biểu hiện tiêu cực. Tình hình đó được phản ảnh về Bộ Tư lệnh. Cùng với việc triển khai Quyết định 419/QĐ-QP, ông đề xuất Bộ Tư lệnh cho ông trực tiếp vào một tỉnh miền Tây Nam bộ, nơi có nhiều vấn đề nhất để giải quyết. Ông nghe Ban Chỉ huy tỉnh báo cáo tình hình, sau đó, ông trực tiếp xuống các đồn, gặp số cán bộ quê ngoài Bắc có tâm trạng nặng nề nhất, nghe họ phản ánh những vấn đề anh em cho là "cục bộ Bắc Nam". Qua tìm hiểu, ông thấy nhiều việc Ban Chỉ huy tỉnh giải quyết còn thiếu sót, chưa thông cảm hết với anh em ở phía Bắc vào, đặc biệt là những đồng chí có tâm tư về hoàn cảnh gia đình. Cách giải quyết vấn đề lại cứng nhắc, chủ quan, nóng vội, chưa thấu lý đạt tình. Về phía cán bộ cấp dưới, do bức xúc cá nhân, nên suy diễn, dẫn đến tiêu cực.

Sau khi nắm chắc tình hình, ông yêu cầu triệu tập Hội nghị toàn thể cán bộ. Với tinh thần dân chủ, tự phê bình và phê bình, đi thẳng vào từng việc, ông phân tích thực chất đúng sai, chỉ ra thiếu sót của Ban Chỉ huy tỉnh và những vi phạm của một số anh em ngoài Bắc. Ông yêu cầu từ Ban Chỉ huy tỉnh đến cán bộ, chiến sĩ cần nghiêm túc sửa ngay. Qua sinh hoạt dân chủ, trên, dưới thông cảm cho nhau, nội bộ đơn vị dần ổn định, đoàn kết, thống nhất. Cán bộ yên tâm công tác, hoạt động của đơn vị đã đi vào nề nếp, các mặt công tác chuyển biến tích cực. Nhiều cán bộ phía Bắc trưởng thành, sau này trở thành những cán bộ chủ trì của đơn vị.

Trường Nghiệp vụ Biên phòng ở Tây Ninh và Trường Hạ sĩ quan 2 Đà Nẵng cũng là những điểm nóng của tình trạng "cục bộ địa phương": Nội bộ căng thẳng, cán bộ tiêu cực, chỉ huy lúng túng trong biện pháp giải quyết. Chủ nhiệm Trần Linh phải xuống tận nơi để tháo gỡ khó khăn, ổn định tình hình. Qua tìm hiểu, ông thấy nội bộ khúc mắc với nhau chủ yếu xoay quanh vấn đề tổ chức cán bộ, bố trí sắp xếp, đề bạt, khen thưởng, đụng chạm nhau về quyền lợi. Vì vậy, cán bộ, giáo viên nhà trường chưa thông suốt, cho rằng Ban Giám hiệu thiên vị "đồng hương". Trong khi đó, Ban Giám hiệu lại thiếu dân chủ, chưa tôn trọng ý kiến của cán bộ, giáo viên. Ông xuống các Khoa, Ban chuyên môn trực tiếp nắm tâm tư tình cảm, những bức xúc của cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường. Khi tìm ra nguyên nhân, ông trao đổi thẳng thắn với đồng chí Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu để tìm tiếng nói chung, thống nhất phương án xử lý từng vụ việc. Từ đó nội bộ nhà trường ổn định, tạo được lòng tin cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong nhà trường.

Những kinh nghiệm xử lý vấn đề nội bộ của ông đã được Bộ Tư lệnh đánh giá cao, là cơ sở để Bộ Tư lệnh ra thông báo chỉ đạo Bộ đội Biên phòng các tỉnh phía Nam rút kinh nghiệm, yêu cầu các đơn vị tập trung giải quyết dứt điểm, không để xảy ra tình trạng "cục bộ địa phương", "cục bộ Bắc Nam"; kịp thời chấn chỉnh tác phong công tác trong lãnh đạo, chỉ huy để củng cố đoàn kết và ổn định đơn vị. Từ đó tình hình các đơn vị, nhà trường ở phía Nam dần đi vào ổn định. Nhiều đơn vị đã ban hành quy chế làm việc, phân công, phân nhiệm vụ cụ thể; không khí đơn vị đoàn kết nhất trí, chất lượng hiệu quả các mặt công tác được nâng cao. Bộ đội Biên phòng được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương tin tưởng, yêu mến.

Việc tổ chức thực hiện Quyết định 419/QĐ-QP của Bộ Quốc phòng đối với toàn lực lượng được triển khai nhanh chóng, lực lượng đang từng bước ổn định về tổ chức. Ngày 30/11/1987, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 07/NQ-TW, chuyển Bộ đội Biên phòng từ Bộ Quốc phòng sang Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), đặt dưới sự chỉ đạo, chỉ huy toàn diện của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Khi tiếp nhận Bộ đội Biên phòng, lãnh đạo Bộ Nội vụ có chủ trương điều chỉnh lại chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, chỉ huy của lực lượng Bộ đội Biên phòng; chuyển Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành về trực thuộc Sở Công an, đổi tên thành An ninh biên phòng. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng kiên trì thuyết trình với lãnh đạo Bộ, giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức lãnh đạo, chỉ huy của Bộ đội Biên phòng như hiện tại. Nhiều lần Phó Tư lệnh Trần Linh đã cùng Bộ Tư lệnh làm việc với lãnh đạo Bộ về vấn đề này. Riêng về mặt công tác Đảng, công tác chính trị, ông trực tiếp làm việc với Tổng cục Xây dựng lực lượng và các Cục chức năng để thống nhất phương thức tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong Bộ đội Biên phòng. Ông báo cáo trực tiếp với đồng chí Thứ trưởng phụ trách Biên phòng về tính chất nhiệm vụ, kết quả hoạt động của Bộ đội Biên phòng, khẳng định cơ chế tổ chức lãnh đạo, chỉ huy hiện nay là phù hợp; đề nghị Bộ không nên chuyển Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành về Sở Công an. Từ những quan điểm đúng đắn, khách quan của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh cùng những căn cứ trong thực tế chiến đấu bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Bộ đội Biên phòng, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 23/QĐ-BNV ngày 7/1/1990, giữ nguyên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng, đồng thời chịu sự chỉ đạo nghiệp vụ của Giám đốc Công an các địa phương.

Năm 1991, một số tỉnh đã được Quốc hội ban hành nghị quyết chia, tách tỉnh. Theo đó, Bộ đội Biên phòng cũng được thành lập mới. Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, các đơn vị Bộ đội Biên phòng, nhiều tỉnh tiến hành thuận lợi, nhanh chóng ổn định, thực hiện tốt nhiệm vụ. Nhưng có tỉnh gặp khó khăn, chủ yếu về công tác cán bộ, nhất là phân công cán bộ ở lại, cán bộ đi tỉnh mới. Thời gian này ông đã là Phó Tư lệnh Chính trị. Ông chủ động đề xuất với Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh để ông trực tiếp giải quyết vấn đề. Ông biết, đây là việc rất nhạy cảm, liên quan đến cán bộ chủ trì của các đơn vị, làm không tốt sẽ tác động đến tư tưởng cán bộ, đồng thời ảnh hưởng đến quan hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Đến cơ quan Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, làm việc với cán bộ chủ trì, nghe cơ quan Chính trị báo cáo, ông còn nắm thêm ở một số cán bộ, tìm rõ nguyên nhân vì sao có ý kiến khác với quyết định của trên? Trực tiếp gặp gỡ, ông bình tĩnh lắng nghe những khúc mắc mà họ giãi bày; cảm thông với tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình của từng cán bộ. Đồng thời ông kiên trì thuyết phục bằng cả lý lẽ và tình cảm, động viên tư tưởng, tiếp nhận những đề xuất phù hợp, nên cuối cùng vướng mắc đã được thông suốt. Hầu hết số cán bộ trong kế hoạch điều chuyển đều chấp hành quyết định của trên. Ông trực tiếp làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, thống nhất bố trí nhân sự chỉ huy Biên phòng cấp tỉnh; trong đó ưu tiên bố trí cán bộ địa phương, đồng thời bố trí cán bộ đảm bảo theo quy hoạch chung của Bộ Tư lệnh. Các Tỉnh ủy đều nhất trí với quyết định của Bộ Tư lệnh Biên phòng, giúp cho Bộ Chỉ huy các tỉnh nhanh chóng ổn định, tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Trong quá trình chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị, nhất là biện pháp công tác vận động quần chúng, Phó Tư lệnh Trần Linh thấy rõ vai trò to lớn của quần chúng nhân dân địa bàn biên phòng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới còn khó khăn thiếu thốn, đặc biệt là công tác giáo dục, y tế, ở các thôn, bản biên giới phải được quan tâm hàng đầu. Ông đã khởi xướng, đề xuất với Bộ Tư lệnh ký kết chương trình phối hợp với Bộ Giáo dục "xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học" (7/1992), với Bộ Y tế về "tiêm chủng mở rộng, khám chữa bệnh cho đồng bào vùng cao" (9/1992), với Bộ Văn hóa "đưa văn hóa thông tin về vùng cao biên giới" (7/1993). Đồng thời, ông đã trực tiếp chỉ đạo sâu sắc các chương trình phối hợp đó từ buổi sơ khai, từng bước đạt hiệu quả để phát triển toàn diện sau này. Đó là vấn đề thể hiện tư duy nhạy bén của Phó Tư lệnh Trần Linh trong xây dựng phòng tuyến nhân dân trên biên giới.

Có thể nói: Ông luôn là người của công việc, xông xáo, sâu sát cơ sở. Những nơi gặp khó khăn, ông thường cùng cán bộ cơ quan Cục trực tiếp xuống các đơn vị, chủ động nắm tình hình thực tế, tìm nguyên nhân cụ thể. Ông điềm tĩnh lắng nghe ý kiến cấp dưới, kể cả ý kiến trái chiều, dân chủ bàn bạc, trao đổi thống nhất cùng bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định tình hình. Bằng thái độ chân thành, ông luôn tìm giải pháp để thuyết phục, động viên cán bộ, không áp đặt cứng nhắc, nhưng cũng không hữu khuynh, thỏa hiệp. Ông đã góp phần quan trọng trong việc củng cố đoàn kết nội bộ ở các đơn vị, được cán bộ cấp dưới yêu mến, tin phục.

Là Phó Tư lệnh Chính trị, ông rất chú trọng việc xây dựng quy hoạch cán bộ, nghiên cứu chức danh tiêu chuẩn cán bộ, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế tiếp, cán bộ khoa học, cán bộ người dân tộc. Ông đề xuất với Tư lệnh ra Chỉ thị số 154/CT-BTL ngày 5/10/1990 "Về việc tiến hành nghiên cứu chức danh, tiêu chuẩn cán bộ", ông trực tiếp chỉ đạo Cục Chính trị, Phòng Cán bộ thành lập bộ phận nghiên cứu chức danh cán bộ để từng bước hoàn chỉnh chức danh cán bộ trong Bộ đội Biên phòng. Sau khi có Nghị định số 57/NĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về việc nâng cấp Trường Sĩ quan Biên phòng thành Đại học Biên phòng, ông đã cùng tập thể Bộ Tư lệnh đề xuất phương án, sáp nhập Trường Trung cao Biên phòng vào Đại học Biên phòng để hoàn chỉnh quy trình đào tạo cán bộ trong Bộ đội Biên phòng; phê duyệt kế hoạch đào tạo cho nhà trường, đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu sử dụng sau này. Căn cứ tình hình đội ngũ cán bộ người dân tộc trong Bộ đội Biên phòng ngày càng giảm, ông trực tiếp chỉ đạo Phòng Cán bộ báo cáo tổng hợp tình hình cán bộ dân tộc toàn lực lượng. Giao cho Phòng Cán bộ tổ chức khảo sát thực tế tình hình cán bộ dân tộc tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang. Từ đó, đề xuất Đảng ủy Bộ đội Biên phòng ra Nghị quyết 23/NQ-ĐU ngày 25/7/1994 về "xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc trong Bộ đội Biên phòng". Đối với việc tạo nguồn cán bộ kế cận, kế tiếp các cấp mỗi khi xuống các tỉnh, thành, các đồn Biên phòng, ông thường xuyên lưu ý Thường vụ Đảng ủy, chỉ huy các đơn vị trực tiếp gặp gỡ cán bộ, phát hiện những đồng chí có phẩm chất, năng lực nổi trội, từ đó ông chỉ đạo cơ quan chuyên môn có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung cho quy hoạch vào vị trí lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, đồng thời dự kiến nguồn phát triển lâu dài.

Đối với đội ngũ cán bộ cấp Bộ Tư lệnh, sau khi được Đảng ủy thông qua nhân sự nguồn kế cận, kế tiếp, ông đề xuất Thường vụ Đảng ủy có kế hoạch bố trí sắp xếp cho cán bộ đi thực tế, đi học các trường theo tiêu chuẩn chức danh, tạo điều kiện cho các đồng chí đó phấn đấu vươn lên, kết hợp với việc bồi dưỡng sâu sát, thường xuyên của tổ chức để khi các đồng chí đó vào vị trí mới phát huy một cách vững vàng, đúng người, đúng việc. Đối với cơ quan làm công tác cán bộ, ông lưu ý, nhắc nhở cần có sự chủ động giúp Thường vụ Đảng ủy theo dõi việc thực hiện quy hoạch cán bộ, những nơi phân công sử dụng cán bộ không đúng, để báo cáo Thường vụ, Bộ Tư lệnh kịp thời điều chỉnh; đồng thời phải có chính kiến rõ ràng khi giải quyết các trường hợp cán bộ vấp váp, đảm bảo cho các đồng chí đó phát triển đúng quy hoạch.

Trên cương vị Phó Bí thư Đảng ủy Bộ đội Biên phòng hai khóa liên tục, đồng chí Bí thư kiêm Tư lệnh lại là Đảng ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, đại biểu Quốc hội, nên bận rất nhiều công việc, ông phải đảm nhiệm vai trò thường trực của Đảng ủy, Thường vụ giúp Bí thư điều hành hoạt động của Đảng ủy, bảo đảm nề nếp các chế độ sinh hoạt lãnh đạo, học tập, tự phê bình và phê bình. Ông chỉ đạo các cơ quan, nhất là Cục Chính trị chuẩn bị kỹ dự thảo các văn kiện, Nghị quyết phục vụ cho các kỳ họp của Đảng ủy, Thường vụ Đảng ủy, đồng thời chỉ đạo các bước triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết xuống cơ sở, gắn với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, chất lượng ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết. Công tác rèn luyện đảng viên về ý thức trách nhiệm về bản lĩnh chính trị, về chấp hành nguyên tắc điều lệ Đảng và từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy, cán bộ, đảng viên làm công tác chính trị ở cơ sở. Sau khi có Quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ của các loại hình tổ chức cơ sở Đảng nói chung, Phó Bí thư Đảng ủy Trần Linh sớm cho ý kiến chỉ đạo sâu sắc, bước đầu làm cơ sở cho sau này Cục Chính trị nghiên cứu từng bước cụ thể hóa về chức năng nhiệm vụ của 4 loại hình tổ chức cơ sở Đảng bộ trong Bộ đội Biên phòng: Đảng bộ, chi bộ cơ quan; đảng bộ, chi bộ các đơn vị chiến đấu (Đồn, Hải đoàn, Hải đội); Đảng bộ, chi bộ nhà trường; Đảng bộ, chi bộ doanh nghiệp.

Trước tình hình Bộ đội Biên phòng vẫn luôn trong trạng thái không ổn định, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nhận thấy đã đến lúc cần đề xuất với Ban Bí thư và Bộ Chính trị ra nghị quyết chuyên đề, xác định những vấn đề cơ bản về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức để ổn định lâu dài lực lượng Bộ đội Biên phòng. Sau khi thống nhất quan điểm, Thường vụ, Bộ Tư lệnh đã có báo cáo gửi Đảng ủy Công an Trung ương, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Ban Bí thư và Bộ Chính trị Trưng ương Đảng, làm rõ tính cấp thiết và những yêu cầu tất yếu khách quan, cần có Nghị quyết chuyên đề về Bộ đội Biên phòng. Được các đồng chí lãnh đạo Trung ương và Quân đội ủng hộ, ngày 18/3/1995, Bộ Chính trị họp mở rộng, sau khi nghe ý kiến của các đồng chí trong Bộ Chính trị và phát biểu của đồng chí Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương chuyển Bộ đội Biên phòng về Bộ Quốc phòng. Sau đó, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Khả Phiêu, Thường trực Ban Bí thư kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ông đã cùng với Văn phòng Đảng ủy Quân sự Trung ương và các cộng sự chuẩn bị dự thảo Nghị quyết Bộ Chính trị chuyển Bộ đội Biên phòng về Bộ Quốc phòng. Quá trình chuẩn bị Nghị quyết, nói lên khó khăn lớn nhất là: Các Tư lệnh Quân khu yêu cầu nếu Bộ đội Biên phòng về Bộ Quốc phòng, phải chuyển Bộ đội Biên phòng về các Quân khu. Ông đề xuất với đồng chí Tư lệnh phân công các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng đi các Quân khu, các tỉnh, thành có biên giới để trình bày quan điểm, đề xuất của Biên phòng, tạo sự đồng thuận của các Quân khu.

Về cơ bản các Quân khu, các Tỉnh ủy, Thành ủy đồng tình với cách đặt vấn đề của Bộ đội Biên phòng. Ngày 8/8/1995, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 11 "về xây dựng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới", chuyển Bộ đội Biên phòng từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng, một nghị quyết rất cơ bản, toàn diện về chức năng, nhiệm vụ, hệ thống tổ chức của Bộ đội Biên phòng, tạo ra không khí phấn khởi, quyết tâm mới trong toàn lực lượng. Phó Tư lệnh Chính trị Trần Linh cũng đã góp phần nhỏ bé vào sự hình thành Nghị quyết 11. Sau khi cùng tập thể Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bộ đội Biên phòng lần thứ X, tháng 3/1996 ông chính thức nghỉ hưu.

50 năm cuộc đời binh nghiệp của ông, trong đó có 15 năm ở lực lượng Bộ đội Biên phòng, Trung tướng, Phó Tư lệnh Chính trị Trần Linh đã để lại những dấu ấn khó phai. Với nhiều khó khăn thử thách, ông đã hòa nhập, gắn bó với Bộ đội Biên phòng. Cũng trong 15 năm ấy, từ Chủ nhiệm Chính trị đến Phó Tư lệnh Chính trị, bên cạnh sự cố gắng không mệt mỏi của bản thân, bên ông luôn có sự đồng hành, giúp đỡ của Tư lệnh Đinh Văn Tuy, người anh, người đồng chí thân thiết mà ông hằng kính trọng. Sự động viên và ủng hộ của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, sự gắn bó chân tình của đồng bào, đồng chí trên khắp miền biên giới đã cho ông niềm tin phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Với bản lĩnh vững vàng và sự sâu sắc trong công việc, ông đã vượt qua khó khăn, nhanh chóng hòa mình với cuộc sống mới; góp phần cùng đồng chí, đồng đội xây dựng và củng cố lực lượng Bộ đội Biên phòng. Đoàn kết, thống nhất trong Bộ Tư lệnh, tôn trọng lắng nghe ý kiến của các cấp, các đơn vị, không chủ quan áp đặt, không suy tính cá nhân, không tranh giành ảnh hưởng, sống chân tình, thanh bạch và giản dị là phẩm chất tính cách, con người ông. Từ cái thuở ban đầu bỡ ngỡ, những tháng ngày vượt qua những mặc cảm, khó khăn, đồng cam cộng khổ với đồng đội, ông đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận công lao cống hiến. Ông được Đảng, Nhà nước phong quân hàm Trung tướng, khen thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Đây là những dấu son tròn đầy ý nghĩa của một con người luôn thủy chung, gắn bó với "nghiệp" công tác Chính trị, hết lòng vì sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Đỗ Ngọc Sơn

Bình luận

ZALO