Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ ba, 02/07/2024 09:15 GMT+7

Trung tướng Trần Quyết - Sâu sát trong chiến đấu bảo vệ biên giới

Biên phòng - Trung tướng Trần Quyết (tên khai sinh là Phạm Văn Côn), sinh năm 1922, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang, đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Là người lãnh đạo gắn bó suốt đời với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng Công an nhân dân nói chung, Công an nhân dân vũ trang nói riêng, Trung tướng Trần Quyết đã để lại trong lòng bao thế hệ người lính hình ảnh người chỉ huy thông minh, mưu trí và đầy lòng nhân ái. 

Trung tướng Trần Quyết, Bí thư Trung ương Đảng khóa V, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (Bộ Công an), Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang (1977-1980). Ảnh: Tư liệu

Thiếu tướng Nguyễn Tấn, nguyên Phó Tư lệnh thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng biết đồng chí Trần Quyết từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước. Khi ấy, ông là Khu ủy viên, Giám đốc Công an khu Tây Bắc, còn Thiếu tướng Nguyễn Tấn phụ trách một đơn vị chiến đấu, chuyên đi xây dựng cơ sở và tiễu phỉ ở Mường La, Mai Sơn, Sông Mã... Về người thủ trưởng cũ của mình, ông kể với tấm lòng trân trọng: "Thời kỳ đầu Tây Bắc mới được giải phóng là giai đoạn khó khăn, vất vả nhất, đặc biệt đối với những người làm nhiệm vụ tiễu phỉ, trừ gian, xây dựng cơ sở, bảo vệ biên giới. Suốt giai đoạn đó, tôi thấy đồng chí Trần Quyết là một vị chỉ huy thông minh, mưu trí, đặc biệt là rất kiên quyết, sắc sảo và bám sát thực tế. Với cương vị là Thường vụ Khu ủy, Giám đốc Công an Khu Tây Bắc, ông xông xáo, có khi xuống tận cơ sở trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo tiễu phỉ, trừ gian ở Mường La, Mai Sơn (Sơn La), ở Hồ Thầu, Giào San (Lai Châu)… Cho đến bây giờ, nhiều người già vùng biên giới vẫn còn nhớ đến ông, hình ảnh người cán bộ nhỏ thó, tóc húi cua, đi lại nhanh như con sóc giữa núi rừng Tây Bắc. Tính quyết đoán của ông mà tôi học được đã giúp tôi rất nhiều trong công tác lãnh đạo, chỉ huy sau này. Ấn tượng nhất với tôi là cách xử lý thông minh của ông đối với một số tên trùm phỉ.

Đầu tháng 1/1959, một tên phỉ (xin được giấu tên) được trinh sát giác ngộ đã bí mật mang súng ra hàng ta, xin lập công chuộc tội. Trinh sát báo cáo nguyện vọng của hắn với đồng chí Trần Quyết. Suy nghĩ một hồi lâu, đồng chí Trần Quyết đồng ý và hướng dẫn cho trinh sát cách "dùng phỉ đánh phỉ". Quả đúng như kế hoạch của ông, tên phỉ đó đã bí mật mang súng quay trở lại hang ổ phỉ, bất ngờ bắn chết tên trùm phỉ Vàng A Chai, rồi kêu gọi cả toán phỉ hơn chục tên về đầu thú chính quyền để hưởng lượng khoan hồng.

Với cách đánh ấy, sau này trở thành Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang, ông đã vận dụng chỉ đạo truy quét FULRO ở núi rừng Tây Nguyên rất sáng tạo. Hồi ấy, ở Tây Nguyên có đến vài nghìn tên FULRO, ngày ẩn náu trong rừng, tối vào các buôn làng cướp thóc, gạo, gà, lợn của dân, giết cán bộ, bộ đội và cán bộ chính quyền cơ sở. Đồng chí Trần Quyết chỉ đạo tăng cường công tác vận động quần chúng để người dân giác ngộ, ra rừng gọi chồng, con, em mình về đầu thú. Từ đó thuyết phục, cảm hóa một số tên FULRO, rồi giao nhiệm vụ cho họ mang súng trở lại rừng, bí mật giết tên cầm đầu gian ác, kêu gọi những tên còn lại về với nhân dân và chính quyền cách mạng. Với cách làm như vậy, ta đã kéo được nhiều toán FULRO ra hàng.

Việc diệt tên trùm phỉ gian ác Vàng Xư Xô trên đỉnh đèo Mây ở dãy Hoàng Liên đầu năm 1959 đến bây giờ, người già ở Phong Thổ còn nhớ mãi. Sau nhiều lần bộ đội truy quét ở Phong Thổ, cụm phỉ bị tiêu diệt, chỉ còn tên trùm phỉ gian ngoan Vàng Xư Xô và một số tay chân chạy thoát vào rừng lẩn trốn trên tận đỉnh đèo Mây. Ban ngày Vàng Xư Xô ẩn náu trong hang, đêm đến mò vào bản dùng súng khống chế bà con lấy lương thực, thực phẩm, bắt dân phải tiếp tế cho hắn. Nếu ai không nghe lời, hắn sẵn sàng bắn bỏ. Nhiều người dân trong bản sợ hãi không dám báo cho công an. Nghe trinh sát báo cáo chuyện này, ông chỉ đạo bí mật bắt bằng được tên tiếp tế cho Vàng Xư Xô để khai thác, nắm quy luật đi lại, hoạt động của hắn. Đồng thời, dùng chiến thuật "đòn gió" dụ địch ra khỏi hang để bắt.

Hôm đó, trời quang, mây tạnh, tầm quan sát được xa và rộng. Ông chỉ đạo đưa một đại đội, chia làm nhiều mũi rầm rộ truy quét khu vực đèo Mây. Đại đội Cơ động cố ý hoạt động một cách lộ liễu, mục đích để cho nhiều người trông thấy; sau đó lại rút quân về cũng rầm rộ, công khai như lúc đến. Tên trùm phỉ không ngờ rằng, ông đã chỉ đạo bí mật cài lại một tổ giỏi bắn súng và vũ thuật phục kích bên con đường độc đạo mà hắn hay về bản. Quả nhiên, đúng như nhận định của ông, khi thấy bộ đội rút đi xa, đêm xuống, hắn lén lút mò về bản. Vừa ra khỏi hang chưa được bao xa, hắn đã bị tổ phục kích bất ngờ xông ra bắt gọn. Khai thác tên trùm phỉ Vàng Xư Xô, ta còn nắm được nhiều cơ sở của hắn cài trong các bản làng lân cận.

Vào đầu những năm 1959, ở huyện Văn Chấn, bộ đội, Công an nhân dân vũ trang truy quét và tiêu diệt hầu hết bọn phỉ, chỉ còn lại tên trùm phỉ Lý Tẩn Nha, người Dao là ngoan cố không chịu ra hàng. Với khẩu súng và nhiều băng đạn trong tay, hắn ẩn náu trong một hang đá cao, địa thế hiểm trở; từ trên đó, hắn có thể quan sát đường đi và đội hình truy quét của bộ đội ta.

Đồng chí Thiết Hùng, lúc đó là Huyện đội trưởng đã mang cả đại đội lên truy bắt, nhưng không có kết quả. Đồng chí Trần Quyết trực tiếp lên quan sát địa hình, địa vật thấy không thể bắt phỉ theo kiểu quân sự đơn thuần được, mà phải mưu trí, khôn ngoan mới đạt kết quả. Sau khi phân tích tình hình, ông chỉ đạo đưa trinh sát vào các bản lân cận điều tra tình hình và được biết, còn hai tên tay chân thường xuyên tiếp tế lương thực, thực phẩm cho hắn. Lập tức, ông chỉ đạo bắt giữ một tên, tên còn lại tiếp tục giáo dục, thuyết phục, cảm hóa và xây dựng thành đặc tình của ta. Trinh sát cho đặc tình bí mật vào hang tiếp tế lương thực cho Lý Tẩn Nha và tác động cho hắn biết là nơi ẩn náu đã bị lộ, phải tìm chỗ khác ở, mới mong tiếp tế được.

Trinh sát bày cho đặc tình chỉ cho hắn đến vị trí ẩn náu vừa an toàn, vừa dễ dàng tiếp tế. Đặc tình phân tích cho hắn thấy, địa điểm này có 2 đường đến, khi có tình huống bất trắc có thể tiến và thoái được. Nghe đặc tình nói, hắn quyết định làm theo. Nhưng hắn rất cảnh giác, còn rút súng chĩa vào ngực đặc tình dọa: "Nếu mày làm phản, tao sẽ bắn chết mày và cả gia đình". Được trinh sát hướng dẫn trước, đặc tình thản nhiên trả lời: "Có dọn đi hay không là tùy ông thôi". Thấy thái độ bình tĩnh của đặc tình, hắn đành chấp nhận và hỏi: "Bây giờ đi đường nào đến?". Đề phòng sự cảnh giác của tên trùm phỉ Lý Tẩn Nha, ông chỉ đạo cho phục kích trên cả 2 con đường. Đúng như dự kiến, đi được nửa đường, tên trùm phỉ cáo già Lý Tẩn Nha bắt đặc tình phải đổi hướng đi đường khác. Nhưng hắn có ngờ đâu trên đoạn đường đó, trinh sát cũng bố trí một tổ phục kích thứ 2. Chờ cho Lý Tẩn Nha lọt vào trận địa phục kích, các chiến sĩ xông ra bắt gọn tên trùm phỉ, tước vũ khí, làm hắn không kịp đối phó.

Phần lớn số phỉ sau khi bị bắt được ta đưa vào các lớp quản huấn để cải tạo. Trong lớp quản huấn, mỗi ngày họ được học tập chính sách nửa ngày, còn nửa ngày phải đi lao động cải tạo. Chương trình, kế hoạch học tập, giảng dạy được xây dựng và thực hiện khá chặt chẽ. Có những bài giảng do đồng chí Trần Quyết trực tiếp xuống giảng. Lớp quản huấn này bế mạc, lại mở lớp khác, mỗi năm phải có tới 7-8 lớp mới hết số phỉ cần phải cải tạo.

Theo ông, mục đích của lớp quản huấn là làm cho họ thấy rõ âm mưu thâm độc của kẻ thù là lợi dụng sự nhận thức còn hạn chế của đồng bào các dân tộc để lừa bịp, lôi kéo chống đối cách mạng. Đồng thời, làm cho họ hiểu hơn đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách đại đoàn kết dân tộc và chính sách khoan hồng với những người lầm đường lạc lối. Nhiều người trong bọn họ sau khi học tập xong trở về làng bản đã chịu khó làm ăn, trở thành người lương thiện.

Điển hình trong số này có tên trùm phỉ Nông Văn Kiểm ở Phong Thổ. Học xong lớp quản huấn, ông gặp hắn hỏi cảm tưởng trong thời gian học. Nông Văn Kiểm nói: "Lúc đầu, tôi rất oán các ông, về sau thì phục. Vì trước kia, lúc còn làm việc cho Pháp, bọn châu đoàn, tổng đoàn bị tôi đánh như két, mà chúng vẫn cứ gây lộn, đánh chửi nhau. Nay, các ông trông coi chúng tôi chỉ có mấy cán bộ mà kỷ luật đâu ra đấy. Các ông không đánh đập, sỉ nhục mà lấy lao động, chính nghĩa, lẽ phải ra giáo dục, làm chúng tôi cảm phục".

Đồng chí Trần Quyết lại hỏi: "Học xong rồi, tôi thả về Phong Thổ, anh có dám nổi phỉ, gây bạo loạn chống chúng tôi không? Nếu cần, tôi cấp thêm cho anh 400 khẩu súng nữa, anh thấy thế nào?". Nói xong, ông phân tích, đám phỉ mà hắn tôn thờ chỉ là một thứ ô hợp, liệu chống chọi với công an, bộ đội được bao lâu. Nghe Tướng Trần Quyết phân tích, mặt Nông Văn Kiểm bạc đi. Hắn quỳ xuống nói như van lạy: "Tôi biết tội của tôi là đáng chết. Nhưng các ông không chỉ khoan hồng tha mạng sống, mà còn dạy bảo cho tôi biết điều hơn lẽ phải. Sau đó còn cho tôi về gia đình đoàn tụ, làm ăn sinh sống. Ơn này cao hơn cả trời xanh, tôi đâu dám làm phản". Khi biết Nông Văn Kiểm đã hối cải, ông liền giao nhiệm vụ cho y về đất Phong Thổ, nếu có bọn nào dám nổi phỉ, gây bạo loạn thì phải báo cho ông ngay.

Về sau, trên đất Phong Thổ có xảy ra 2 vụ nổi loạn, ở Hồ Thầu và Giào San. Ông cho gọi Nông Văn Kiểm lên hỏi, hắn rất sợ và nói: "Tôi không ngờ bọn phản động người Dao ở Hồ Thầu và bọn phản động người Mèo ở Giào San lại dám nổi phỉ. Tôi không hề biết". Thực ra, trước khi gọi Nông Văn Kiểm lên, ông đã cho trinh sát đi điều tra và được biết: Khi Hồ Thầu và Giào San nổi phỉ thì bọn châu đoàn, tổng đoàn ở Phong Thổ có đến gặp và hỏi ý kiến Nông Văn Kiểm. Anh ta quát: "Chúng bay không được làm bậy, chỉ ít ngày quân đội và công an đến thì đám phỉ sẽ tan thôi!". Khi Nông Văn Kiểm cải tạo xong về quê, ông đã bàn với chính quyền giao cho anh ta vào làm Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở địa phương.

Ở Phong Thổ còn có tên Đèo Văn Ngảnh, nguyên là Phó Tỉnh trưởng, con trai tên phản động Đèo Văn Ân. Khi Pháp thua đau phải rút chạy khỏi Phong Thổ, đã "cắm" Đèo Văn Ngảnh ở lại.

Biết y là nhân vật có uy tín với lớp phìa, tạo, châu đoàn, tổng đoàn ở Phong Thổ, ông chủ trương "điệu hổ ly sơn", không bắt giam mà đưa y về khu công an, bố trí chỗ ăn, chỗ ở chu đáo. Ông còn cử cán bộ có trình độ tiếp xúc với y, đưa sách báo của Đảng cho y đọc, tối nào có phim hay lại dẫn y đi xem.

Có lần y tâm sự với ông: "Tôi đã làm Phó Tỉnh trưởng, nhiều lần gây phỉ chống lại các ông. Nay, tuy các ông không bắt bỏ tù, nhưng vẫn chưa tin tôi. Thế là phải, bởi tôi đã theo Pháp, theo Quốc dân đảng. Bây giờ, tôi hiểu ra, mình đã lầm đường lạc lối. Rất tiếc là gặp các ông quá muộn".

Sau đó, ông cho Đèo Văn Ngảnh về quê sống, y đã trở thành cơ sở tốt của công an.

Sau thời gian ở lớp quản huấn, đồng chí Trần Quyết đã chỉ đạo xây dựng tên trùm phỉ, Thống lý người Mông, Thào Tráng Phủ làm đặc tình và giao nhiệm vụ cho y có tình hình gì phải báo cáo cho Trưởng Công an Phong Thổ. Hằng năm, ông đều gửi quà về cho Thào Tráng Phủ qua Công an huyện. Thấy y vẫn báo cáo tình hình, nhưng toàn là những tin tức ít giá trị, Công an huyện đã đề nghị ông xem xét lại đặc tình này. Ông hiểu, thời cơ chưa đến nên không đồng ý và chỉ đạo vẫn phải thường xuyên giữ mối liên lạc với y.

Quả nhiên về sau, trước khi vụ bạo loạn ở Giào San xảy ra, một số tên phản động người Mông đến hỏi ý kiến và muốn Thào Tráng Phủ ra cầm đầu, y đã mắng vào mặt bọn chúng và yêu cầu không được làm bậy. Đồng thời, Thào Tráng Phủ cho người nhà mang hòm than và chiếc lông gà là tín hiệu hỏa tốc, đi suốt đêm về Phong Thổ gặp đồng chí Lữ và Hoành báo tin, Xã đội trưởng đã nổi phỉ. Phủ còn nói rõ, hiện chúng đang ẩn náu ở đâu, có bao nhiêu tên, để ta kịp thời có biện pháp xử lý. Đến lúc đó, mọi người mới thấy tác dụng to lớn của "Đặc tình đơm đó" ở địa bàn.

Bọn phản động không lôi kéo, mua chuộc được Thào Tráng Phủ liền phao tin bịa đặt là Thào Tráng Phủ đã theo phỉ vào hang rồi. Để bác bỏ tin bịa đặt đó, ông chỉ đạo Công an huyện Phong Thổ nhằm vào phiên chợ Giào San, bố trí cho Thào Tráng Phủ địu con đứng giữa chợ, đồng thời cử một người Mông đứng ra giải thích, nhờ đó đã làm yên lòng dân. Trong vòng 3 tháng, ta đã dẹp xong vụ bạo loạn ở Giào San..."

Đầu năm 1977, ông được Chính phủ bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang (Bộ đội Biên phòng ngày nay) và được phong quân hàm Trung tướng. Lúc này, lực lượng Công an nhân dân vũ trang vừa triển khai nhiệm vụ Biên phòng trên địa bàn cả nước; đồng thời phải đối phó với hai cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc. Để nắm vững tình hình, ông đã dẫn đầu đoàn cán bộ, gồm một số đồng chí ở các Cục, Vụ của Bộ Công an và Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đi kiểm tra công tác chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu ở các đồn, trạm biên phòng trên tuyến biên giới phía Bắc và phía Tây Nam kéo dài nhiều ngày. Tuyến biên giới Việt - Trung từ Quảng Ninh đến điểm chót Lai Châu, đường sá lúc đó cực kỳ vất vả, lắm thác nhiều đèo, ổ voi, ổ trâu, chiếc U-oát của ông cứ trồi lên lại nhồi xuống, ngụp lặn trong các ổ đá của vùng đất biên cương. Dù ở ngưỡng tuổi sáu mươi, ấy vậy mà phong thái ông vẫn ung dung, nhẹ tênh. Khi cần, ông đi bộ, đi rất nhanh, leo dốc rất dẻo dai, phăm phăm lên đồn Biên phòng hay trèo lên điểm tựa cao chót vót.

Đến nơi, ông quan sát địa hình, xem bản đồ và bắt đầu làm việc ngay. Nghe chỉ huy các đồn, trạm báo cáo tình hình, ông hỏi kỹ những vấn đề cần xử lý trong các phương án chiến đấu và có ý kiến chỉ đạo ngay khi có tình hình, diễn biến xảy ra. Ông bắt chuyện rất giỏi. Chiến sĩ trinh sát, sĩ quan vận động quần chúng, xạ thủ súng máy, anh nuôi, tiếp phẩm…, với đối tượng nào ông cũng gần gũi, có chuyện vui để nói, công việc cần hỏi, trao đổi. Và ở đâu ông cũng được cán bộ, chiến sĩ quý mến, thích nói chuyện với ông, một vị Tướng "bình dân" sống chan hòa, gần gũi. Khi tuyến biên giới Tây Nam sắp xảy ra chiến tranh, ông đã đến hầu hết các đồn để kiểm tra, chỉ đạo công tác chiến đấu và động viên cán bộ, chiến sĩ kiên cường bám trụ để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Trong lần đi kiểm tra chiến đấu khu vực biên giới thuộc thị trấn Hà Tiên, vẫn tác phong quen thuộc của người chỉ huy dày dạn chiến trận, ông xem bản đồ và dùng ống nhòm quan sát phía Campuchia, nhận thấy lính Pôn Pốt có những hoạt động chuẩn bị gây chiến, ông liền trao đổi với đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó là Bí thư Huyện ủy Hà Tiên (nguyên Thủ tướng Chính phủ) đi theo đoàn, là nên có kế hoạch sơ tán nhân dân ở khu vực giáp biên. Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng đã nhanh chóng cho triển khai việc sơ tán trên. Vì thế, ít hôm sau, quân Pôn Pốt tràn sang cướp phá, không người dân nào bị thiệt mạng.

Đầu năm 1977, Pôn Pốt huy động khoảng 2 tiểu đoàn đánh vào Đồn Công an nhân dân vũ trang số 7 và số 8 (Đắk Lắk). Ở khu vực biên giới tỉnh An Giang, chúng bí mật câu kết với bọn phản động trong dân tộc Khmer lập tổ chức phản động mang tên "Mặt trận đoàn kết dân tộc Khmer hạ", do tên Acha Klong cầm đầu. Trung tướng Trần Quyết chỉ đạo Đồn 7 và Đồn 8 phối hợp với lực lượng chi viện của Bộ Quốc phòng đánh bật 2 tiểu đoàn Pôn Pốt ra khỏi biên giới; đồng thời chỉ đạo Công an nhân dân vũ trang An Giang lập Chuyên án mang bí số K756, điều tra tổ chức phản động Khmer hạ. Chuyên án K756, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông, trong một thời gian ngắn các trinh sát đã điều tra, nắm rõ ý đồ của bọn phản động trong dân tộc Khmer, là tập hợp lực lượng chống phá cách mạng, xây dựng chính quyền tự trị ở 6 tỉnh Tây Nam bộ. Kết thúc chuyên án, ta đã bắt 123 tên, thu toàn bộ tài liệu, vũ khí.

Vào những tháng cuối năm 1977, bọn Pôn Pốt liên tục mở các cuộc tấn công với quy mô khác nhau vào nhiều khu vực trên biên giới Tây Nam. Chúng hò hét thực hiện kế hoạch "giết sạch, đốt sạch, phá sạch”, có nơi quân Pôn Pốt đánh đi đánh lại nhiều lần như ở biên giới Gia Lai, Đắk Lắk... Trước tình hình trên, Tư lệnh Trần Quyết chỉ đạo Công an nhân dân vũ trang các tỉnh thành lập các đội trinh sát vũ trang, bí mật phục kích trên những địa bàn địch thường qua lại, nhằm bắt, khai thác, thu thập tin tức, tài liệu; tiêu diệt các toán vũ trang nhỏ, bọn gián điệp, biệt kích, thám báo xâm nhập biên giới. Đồng thời tổ chức mạng lưới cơ sở để phát hiện hoạt động của địch nhằm móc nối, cài cắm người trong biên giới ta, kịp thời phục vụ cho công tác chỉ huy chiến đấu. Bên cạnh các đội trinh sát vũ trang, ông đã chỉ đạo 4 tỉnh Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh, Đắk Lắk tổ chức thêm các tổ trinh sát kỹ thuật để thu thập tin tức hoạt động quân sự của địch. Ngoài ra, ở mỗi tỉnh còn tổ chức một tổ trinh sát để khai thác những người bị địch bắt, phân loại, đề nghị xử lý hoặc sử dụng vào những mục đích nghiệp vụ khác. Kết quả tổng hợp của những biện pháp trên, ta đã phát hiện, bắt giữ 928 người qua lại biên giới trái phép, trong đó có 16 tên do Pôn Pốt phái sang điều tra tin tức tình báo, góp phần làm rõ âm mưu và hành động thù địch chống Việt Nam của Khmer Đỏ. Trinh sát cũng nắm chắc được lực lượng quân sự, vũ khí, trang bị và hướng tấn công của Pôn Pốt vào biên giới phía Tây Nam, giúp cho công tác chỉ huy, chỉ đạo, tổ chức chiến đấu bảo vệ biên giới.

Thiếu tướng Nguyễn Tấn cũng cho biết: Cuối những năm 70 của thế kỷ trước, Công an nhân dân vũ trang từ lực lượng chủ yếu làm công tác chính trị, nghiệp vụ phải thực hiện cả nhiệm vụ chiến đấu. Nhiều đơn vị Công an nhân dân vũ trang phải tác chiến như những đơn vị chiến đấu của Bộ Quốc phòng. Trước tình hình đó, Tư lệnh Trần Quyết thống nhất trong Bộ Tư lệnh điều 2 Trung đoàn cơ động ra đóng ở những nơi xung yếu, khi cần là kịp thời chi viện cho các đồn Biên phòng. Ông còn là người chủ động đề xuất, bàn bạc thống nhất với Tư lệnh các quân khu có đường biên giới, tổ chức thêm những Trung đoàn cơ động của quân đội để hỗ trợ, phối hợp với lực lượng Công an nhân dân vũ trang rất thiết thực.

Sau cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, theo yêu cầu của Mặt trận dân tộc cứu nước Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang của Bạn đã mở cuộc phản công chiến lược, nhanh chóng đánh thẳng vào các đơn vị chủ lực và trung tâm đầu não của bọn Pôn Pốt - Ing-xa-ri. Ngày 7/1/1979, Thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng, cách mạng Campuchia thắng lợi. Chính quyền diệt chủng Pôn Pốt sụp đổ. Nhưng lực lượng của chúng bị tiêu diệt không nhiều, chủ yếu rút chạy về phía Tây, khu vực tiếp giáp với Thái Lan. Có nơi địch còn cả cấp sư đoàn, trung đoàn, chúng tiếp tục củng cố và tìm mọi cách phản công, chống phá Quân tình nguyện Việt Nam và hệ thống chính quyền của Bạn đang trong thời kỳ non trẻ. Đứng trước tình hình phức tạp như vậy, cuối tháng 1/1979, đồng chí Lê Đức Thọ, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã triệu tập Trung tướng Trần Quyết và các đồng chí trong Bộ Tư lệnh đến giao nhiệm vụ tổ chức các đơn vị Công an nhân dân vũ trang sang Campuchia giúp Bạn truy quét tàn quân Pôn Pốt, bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước Campuchia, đồng thời giúp Bạn về công tác Biên phòng và chiến đấu, bảo vệ tuyến biên giới Campuchia - Thái Lan.

Thực hiện Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tư lệnh Trần Quyết đã cùng tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang nhanh chóng thống nhất chủ trương lãnh đạo và chỉ đạo triển khai đợt sinh hoạt chính trị, quán triệt nhiệm vụ quốc tế, giúp đất nước Campuchia cho các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng. Đồng thời triển khai công tác tổ chức biên chế, điều động cán bộ, chiến sĩ sang giúp Bạn. Với khí thế chung của quân tình nguyện Việt Nam, ngày 23/1/1979, Đoàn 71 Công an nhân dân vũ trang là đơn vị đầu tiên có mặt ở Thủ đô Phnôm Pênh. Từ tháng 2/1979, các Trung đoàn chiến đấu Công an nhân dân vũ trang với quân số được tăng cường, đã lên đường sang chiến trường Campuchia. Đến tháng 4/1979, 8 Trung đoàn Công an nhân dân vũ trang đã có mặt ở khắp các tỉnh dọc theo bờ biển phía Tây Nam và tuyến biên giới Campuchia - Thái Lan. Ngoài ra, ông còn chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân vũ trang tổ chức nhiều đoàn chuyên gia sang huấn luyện, đào tạo cán bộ và giúp Bạn tổ chức cơ quan chỉ huy, triển khai hệ thống bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Trong thời điểm Bộ Tư lệnh đang tổ chức các Trung đoàn Công an nhân dân vũ trang giúp Bạn, thì ở miền Nam những năm đầu mới giải phóng, địa bàn biên phòng miền núi cũng như miền biển là nơi Mỹ thực hiện các chiến dịch "Thả chim về tổ" trong kế hoạch "Hậu chiến" của chúng. Mở đầu chiến dịch này là vụ án tàu Thương Tín I chở hơn một ngàn người di tản sang Mỹ quay trở về. Trong số này có nhiều tên đã được CIA huấn luyện thành gián điệp, rồi tung trở về Việt Nam hoạt động. Mục đích của chúng là tập hợp bọn phản động lưu vong bên ngoài và kích động bọn phản động bên trong thâm thù cách mạng, núp dưới chiêu bài "chống Cộng" hoặc "giải phóng, phục quốc" hòng mưu toan giành lại "thiên đường" đã mất.

Sau hơn một tháng điều tra, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung tướng Trần Quyết, Trinh sát Công an nhân dân vũ trang đã vạch mặt 2 tên phản động chủ mưu Trần Đình Trụ và Thái Văn Hòa. Khi bị bắt trong số 1.544 tên có mặt trên tàu, thì 1.078 tên là ngụy quân (trong số đó có 35 đại tá, 8 trung tá, 25 thiếu tá ngụy), 191 cảnh sát, 20 thợ máy và 246 thường dân. Hầu hết số này quê ở Sài Gòn, Vũng Tàu, Cam Ranh, Đà Nẵng... di tản sang Mỹ, sống rải rác ở nhiều vùng khác nhau, được địch thu nạp lại, mang về đảo Gu-am huấn luyện cấp tốc rồi tung về Việt Nam thực thi kế hoạch "Hậu chiến".

Thắng lợi của vụ án tàu Thương Tín I đã vạch trần bộ mặt của CIA, đánh đòn phủ đầu vào âm mưu và hành động quay trở lại Việt Nam của địch, tạo thêm kinh nghiệm đấu tranh cho Trinh sát Công an nhân dân vũ trang.

Sau vụ án tàu Thương Tín 1, Trung tướng Trần Quyết tiếp tục chỉ đạo Trinh sát Công an nhân dân vũ trang phá 8 vụ án xâm nhập từ nước ngoài về, bắt 30 tên ở các vùng ven biển tỉnh Đồng Nai, Kiên Giang, Nghĩa Bình, Bến Tre, Long An... trong chiến dịch "Thả chim về tổ" của địch. Điển hình là vụ ngày 2/2/1979, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Đồng Nai báo cáo cho biết, có một toán gồm 6 tên từ Malaysia xâm nhập vào bờ biển Việt Nam. Trong đó có tên Hải và Trần Văn Nhung đã xâm nhập khu vực xã Phước Tỉnh, Phước Lễ, huyện Long Đất. Nhận được báo cáo, ông vào ngay Đồng Nai. Sau khi tung trinh sát đi điều tra, nắm tình hình địa bàn, thấy đủ cơ sở pháp lý, Trung tướng Trần Quyết chỉ đạo Công an nhân dân vũ trang Đồng Nai xác lập Chuyên án mang bí số XN12 để đấu tranh. Nhiệm vụ đầu tiên của chuyên án là điều tra, phát hiện chỗ ở của Hải, bí mật bắt hắn để khai thác, từ đó truy tìm đồng bọn của chúng. Sau khi biết được chỗ ở và quy luật đi lại của Hải, trinh sát đã bắt hắn trên đường đi lễ nhà thờ Chu Hải. Khai thác Hải, biết được chỗ ẩn náu của bọn còn lại, Ban Chuyên án quyết định bắt tiếp Nguyễn Văn Cần và 4 tên khác đang trốn ở vùng đạo Phước Tỉnh.

Theo sự chỉ đạo của Trung tướng Trần Quyết, trinh sát tách riêng từng tên ra khai thác thì biết thêm, toán xâm nhập này không phải 6 tên mà là 18 tên, đi trên 3 tàu, xuất phát từ đảo Pô-lô-tan-ga, Malaysia, xâm nhập Việt Nam cuối tháng 11/1978. Khi đến vùng biển Việt Nam thì một tàu của bọn này hỏng máy. Lập tức, chúng dồn người vào 2 tàu còn lại và xâm nhập theo hai hướng: Hướng Vũng Tàu, 12 tên, trong đó có 7 tên dùng phao bơi vào bờ, bị Công an nhân dân vũ trang Vũng Tàu bắt 3 tên, còn 4 tên đang lẩn trốn; hướng Phan Thiết có 6 tên, 4 tên bị bắt, còn 2 tên đang lẩn trốn.

Sau khi nắm chắc tình hình, Tư lệnh Trần Quyết chỉ đạo Công an nhân dân vũ trang Vũng Tàu-Bà Rịa, Đồng Nai và Thuận Hải triển khai kế hoạch nghiệp vụ vây bắt số tên xâm nhập còn lại. Phải mất gần một năm truy tìm gian khổ, được sự phối hợp của lực lượng nghiệp vụ trong ngành Công an, Trinh sát biên phòng tóm gọn toàn bộ toán xâm nhập gồm 18 tên. Khai thác toán xâm nhập, trinh sát biết nhiệm vụ của chúng được giao về bắt mối với tổ chức phản động "Mặt trận phục hưng nhân quyền", do tên Võ Sáu cầm đầu để gây bạo loạn, cướp chính quyền ở hai xã Tân Thuận và Tân Thành (Thuận Hải). Từ lời khai của bọn xâm nhập, Trung tướng Trần Quyết chỉ đạo Công an nhân dân vũ trang Thuận Hải lần ra toàn bộ đường dây phản động "Mặt trận phục hưng nhân quyền", bắt 57 tên, thu nhiều vũ khí, tài liệu, trong đó có cả "cương lĩnh" của "mặt trận".

Cuối năm 1978, đầu năm 1979, khi còn là phóng viên báo Công an vũ trang, tôi đã có lần tháp tùng Trung tướng Trần Quyết đi kiểm tra công tác truy quét FULRO ở Tây Nguyên. Gần một tháng trời, thầy trò chúng tôi rong ruổi từ ngã ba Đông Dương (Kon Tum) đến Ya Lâu, Ya Mơ (Gia Lai) giáp với Đắk Lắk. Mùa khô Tây Nguyên bụi mù trời mù đất, nhưng chiếc U-oát chở chúng tôi vẫn cần mẫn xuyên qua những cánh rừng già, bất chấp mọi hoạt động đe dọa của bọn FULRO và tàn quân Pôn Pốt. Phải nói, Trung tướng Trần Quyết thông minh, có trí nhớ tuyệt vời. Ông kể vanh vách cho chúng tôi nghe những trận tiễu phỉ ở Tây Bắc cách đó hơn 20 năm. Trong đấu tranh với lực lượng FULRO, ông cho chúng tôi biết: Để thực hiện kế hoạch "Hậu chiến", ngay từ trước năm 1975, CIA đã ráo riết đào tạo tay chân, bổ sung lực lượng, trang thiết bị, hy vọng biến FULRO thành lực lượng chủ yếu chống phá chính quyền cách mạng trong đồng bào Thượng ở Tây Nguyên và đồng bào Chăm ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ. Chúng tổ chức thành 2 cơ quan chỉ huy: Trung ương FULRO Thượng và trung ương FULRO Chăm, lực lượng của chúng ước tính còn 30.000 tên. Sau khi quân đội ta giải phóng Tây Nguyên, tàn quân FULRO Thượng chạy vào rừng lập căn cứ, tập hợp lực lượng hòng chống phá ta lâu dài. Đến tháng 3/1976, chúng chỉ còn 9.500 tên ẩn náu trong rừng và 19.700 tên cắm trong các buôn làng.

Sau khi nắm chắc quy luật hoạt động của bọn FULRO, Trung tướng Trần Quyết bàn với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tăng cường các đơn vị chủ lực, phối hợp với các đơn vị Công an nhân dân vũ trang khu vực Tây Nguyên, mở nhiều đợt truy quét, làm cho lực lượng FULRO suy giảm nhanh chóng. Tính đến cuối năm 1977, đã có 7.500 tên ở rừng bị tiêu diệt và bị bắt, 15.000 tên lẩn khuất trong dân bị phát hiện và vô hiệu hóa.

Không dừng lại ở đó, Trung tướng Trần Quyết thống nhất trong Bộ Tư lệnh chỉ đạo thành lập nhiều Đội công tác liên hợp, gồm cán bộ các cục Tham mưu, Trinh sát, Chính trị tăng cường cho Công an nhân dân vũ trang các tỉnh Tây Nguyên, xuống bám các khu vực trọng điểm như Thuận An, Krông Ana (Đắk Lắk); Ya Mơ, Ya Lâu (Gia Lai); Đắc Sú, Bờ Y, Rơ Khơi (Kon Tum); chỉ đạo phối hợp giữa các đồn Biên phòng, Công an huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức phát động các phong trào quần chúng, tham gia xây dựng cơ sở chính trị, lực lượng vũ trang, an ninh buôn làng, bóc gỡ cơ sở ngầm của địch, làm trong sạch địa bàn, làm mất chỗ dựa của bọn FULRO. Thế trận bí mật được phát triển cả về số lượng và chất lượng trên các địa bàn xung yếu. Đến cuối năm 1979, các đội công tác đã bóc gỡ hàng trăm cơ sở ngầm của địch, 532 người che chở, tiếp tế cho FULRO tự nguyện khai báo và tố cáo chúng với chính quyền. Ở Gia Lai, Đội Trinh sát do đồng chí Lê Ngọc Uyển phụ trách đã sử dụng cơ sở mật là Rơ-pơ-lang, vợ của tên Đại úy FULRO Ya Yêm, Chỉ huy trưởng Tiểu đoàn FULRO ở vùng núi Ngọc Rinh Rua, dẫn 6 tên về đầu thú Đồn Biên phòng 629. Và cũng chính Ya Yêm lại dẫn đường cho lực lượng vũ trang của đồn và 2 trung đội dân quân tập trung của 2 xã Rơ Khơi, Đắc Sú đến tiêu diệt căn cứ FULRO tại núi Ngọc Rinh Rua.

Trong giải quyết vấn đề FULRO ở Tây Nguyên, Trung tướng Trần Quyết luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ Biên phòng thực hiện chủ trương "lấy vận động quần chúng làm chính, quân sự làm áp lực, chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, dựa vào dân để giáo dục, cải tạo bọn bị bắt tại chỗ, kêu gọi đoàn kết các dân tộc". Ông kể, có lần tên Trung đoàn phó FULRO bị ta truy quét, bắn trọng thương. Ông chỉ thị cho quân y Công an nhân dân vũ trang phải nhanh chóng sơ cứu và đưa về bệnh viện gần nhất để cứu chữa. Ngay sau đó, ông đã đến tận bệnh viện thăm và động viên hắn chữa lành vết thương. Trước tấm lòng nhân ái của ông, tên Trung đoàn phó FULRO cảm động đến trào nước mắt. Khi tên Trung đoàn phó FULRO được chữa lành vết thương, Trung tướng Trần Quyết lại đến thăm. Hắn cảm động quỳ xuống trước mặt ông và nói: "Tôi đã từng giết nhiều cán bộ, bộ đội của các ông. Bàn tay tôi đã vấy máu. Nhưng khi tôi bị thương nặng, máu chảy nhiều, các ông chẳng những không giết, mà còn sơ cứu, rồi cáng tôi từ rừng sâu về bệnh viện tỉnh cứu chữa. Ơn này tôi không biết để ở đâu cho hết". Biết tên Trung đoàn phó FULRO đã bị cảm hóa, Trung tướng Trần Quyết chỉ đạo trinh sát sử dụng làm cơ sở và tung hắn trở về căn cứ của FULRO trong rừng. Và kết quả đúng như dự kiến, Trung đoàn phó FULRO này đã làm theo yêu cầu của trinh sát, kêu gọi, động viên đồng bọn mang súng ra hàng. Ta xóa sổ cả trung đoàn FULRO này mà không tốn công sức, xương máu của cán bộ, chiến sĩ.

Khi tôi hỏi Trung tướng Trần Quyết về FULRO Chăm ở các tỉnh Phú Khánh, Thuận Hải ngày đầu mới giải phóng, bỗng trán ông nhíu lại như suy nghĩ điều gì, rồi sau đó ông nói: FULRO Chăm hay FULRO Tây Nguyên đều nằm trong kế hoạch "Hậu chiến" của Mỹ đối với nước ta. Sau giải phóng (năm 1975), Mỹ cài lại ở địa bàn rừng núi Thuận Hải khoảng một trung đoàn FULRO Chăm, do Chuẩn tướng ngụy Huỳnh Ngọc Sáng chỉ huy. Trong trung đoàn này có 3 tiểu đoàn: Tiểu đoàn 1, do Thiếu tá Măng Long chỉ huy, hoạt động ở vùng núi Dù Long; Tiểu đoàn 2, do tên Trung tá mục sư Hà Văn Giáo chỉ huy, hoạt động ở vùng đèo Sông Pha; Tiểu đoàn 3, do Thiếu tá Lưu Quốc Thiều chỉ huy, hoạt động ở vùng An Phước, Bắc Bình.

Dừng một lát rồi ông nói tiếp, do có cơ sở xã hội, lại đứng chân ở vùng núi hiểm trở, FULRO Chăm nuôi hy vọng dựa vào Mỹ để lật đổ chính quyền cách mạng, chiếm vùng Chăm, lập nước "Chăm-pa tự do". Vì thế, hoạt động của chúng rất liều lĩnh. Đêm 1/2/1976, chúng cắt 3 toa tàu của ta chở gạo từ miền Nam ra miền Bắc, rồi đưa hàng trăm tên FULRO đến cướp đưa vào rừng. Đêm 9/4/1976, chúng tập kích vũ trang vào trại giam Du Long, Núi Chúa, nhưng bị lực lượng Công an nhân dân vũ trang và Công an trại giam đánh trả, chúng phải rút chạy vào rừng. Trung tướng Trần Quyết đã chỉ đạo Công an nhân dân và Công an nhân dân vũ trang các tỉnh Thuận Hải, Phú Khánh phối hợp tác chiến với lực lượng vũ trang Quân khu 5 mở nhiều chiến dịch truy quét FULRO; đồng thời trên cơ sở đường lối, chính sách của Đảng, dựa vào nhân dân, kiên trì phát động quần chúng tấn công chính trị kết hợp đẩy mạnh công tác trinh sát bí mật, nắm vững tổ chức, lực lượng, phương thức, quy luật hoạt động của FULRO Chăm, tách bọn ở rừng ra khỏi dân để tiêu diệt. Đối với địa bàn, nhanh chóng củng cố cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang tại chỗ, phát hiện, truy quét cơ sở tay chân còn trà trộn, ẩn náu trong dân, làm mất chỗ dựa của bọn địch ở trong rừng.

Theo chỉ đạo của Tư lệnh Trần Quyết, Công an nhân dân vũ trang Thuận Hải đã xây dựng được mạng lưới bí mật rộng khắp, nhanh chóng phát hiện âm mưu của FULRO là tập hợp lực lượng ra mắt "Mặt trận Chăm-pa" tại núi Long Du. Ngay trong buổi lễ ra mắt của tổ chức phản động này, lực lượng Công an nhân dân vũ trang đã bất ngờ tập kích, tiêu diệt tại chỗ 7 tên, bắn bị thương 12 tên, bắt 15 tên, có 5 tên ra hàng để xin lập công chuộc tội. Ta thu 20 khẩu súng, 15 quả lựu đạn. Ba tên đầu sỏ là Huỳnh Ngọc Sáng, Hà Văn Giáo, Măng Long vẫn liều lĩnh bắn trả rồi chạy vào rừng lẩn trốn.

Trung tướng Trần Quyết chỉ đạo Công an nhân dân vũ trang Thuận Hải phối hợp với lực lượng Công an tỉnh đi sâu vào tổ chức địch nắm chắc quân số, vũ khí, quy luật hoạt động để các lực lượng vũ trang của ta tấn công vào các hang ổ của FULRO ở Vĩnh Hy, Mỹ Tân, Cà Ná, Tuy Phong... Tại Vĩnh Hy, Công an nhân dân vũ trang bắt 15 tên, thu 15 súng; tại Mỹ Tân, bắt 10 tên, thu 14 súng; tại Cà Ná, bắt 7 tên, thu 2 súng ngắn, 5 súng các-bin, 10 quả lựu đạn; tại Tuy Phong, bắt 13 tên, thu 10 súng các-bin, 4 quả lựu đạn... Cùng lúc, đồng chí Đỗ Như Sang, Trưởng ban Trinh sát Công an nhân dân vũ trang cùng 5 cán bộ Ty Công an, mở đợt tấn công chính trị rộng khắp, buộc 156 tên cơ sở của FULRO ra đầu thú.

Căn cứ vào lời khai của bọn bị bắt, ông chỉ đạo Công an nhân dân vũ trang Thuận Hải đưa một phân đội cơ động phối hợp với lực lượng Công an tỉnh, dân quân địa phương mở đợt truy quét vào khu vực núi An Phước. Tên cầm đầu Mạnh Khá đã bị một "cơ sở" của ta cài vào hang ổ địch bắn chết. Tên Lưu Quốc Thiều hoang mang, lo lắng, đã dẫn toàn bộ bọn tay chân mang súng, xuống núi đầu hàng. Toàn bộ bọn FULRO trong hang ổ cuối cùng này ở Thuận Hải đã bị ta xóa sổ.

Đại tá Trần Liêu, nguyên Tổng biên tập báo Công an nhân dân, nguyên Thư ký riêng nhiều năm cho Trung tướng Trần Quyết kể: Là Tướng nhưng ông Trần Quyết sống rất giản dị, chan hòa với mọi người. Ông có thể ngồi hàng giờ trên mỏm đá cao, hay ở đám cỏ xanh kể chuyện cho các chiến sĩ nghe về kinh nghiệm vận động quần chúng, tiễu phỉ ở Tây Bắc, truy quét FULRO ở Tây Nguyên và cũng có lúc ông xắn quần đến đầu gối lội suối, trèo đèo hành quân ra tuyến trước cùng với chiến sĩ. Tháng 8/1979, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc đang trong giai đoạn quyết liệt nhất, Trung tướng Trần Quyết lên tận Đồn Biên phòng Bạch Đích, Hà Giang để chỉ đạo phá chuyên án mang bí số PL92. Cuộc họp Ban Chuyên án hôm đó từ đầu giờ chiều đến nhá nhem tối mới xong. Vừa bước vào nhà ăn của đồn, một chiến sĩ đánh bạo xin được gặp Trung tướng Trần Quyết. Không kịp ăn cơm, ông kéo thư ký riêng và cậu chiến sĩ ra sân bóng chuyền của đồn ngồi nói chuyện. Anh chiến sĩ cảm động quá, ấp úng mãi vẫn không nói rõ được ý định của mình gặp thủ trưởng. Lúc này đồn đang đợi cơm khách, thư ký định lái câu chuyện để kết thúc cuộc gặp, nhưng Trung tướng Trần Quyết liền xua tay và nói với thư ký: "Tôi biết rồi, bình tĩnh nghe đồng chí chiến sĩ này nói đã. Chuyện chưa xong, ta ăn cơm sao ngon".

Rốt cuộc, hoàn cảnh đồng chí ấy đang gặp khó khăn. Bố mất sớm, mẹ một mình nuôi 2 chị em khôn lớn. Nay, mẹ ốm nặng đang nằm bệnh viện, chị gái đang ở cữ, không có tiền thuê người giúp việc. Đồng chí đó xin được xuất ngũ hoặc được nghỉ phép khoảng 20 ngày để chăm sóc mẹ già đau ốm ở bệnh viện. Chỉ huy đồn chưa giải quyết được, vì đơn vị đang trong giai đoạn thường trực chiến đấu bảo vệ biên giới, phải chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên... Thế là mọi việc đã được giải quyết, sau khi Trung tướng Trần Quyết trao đổi với chỉ huy đồn.

Xong việc, Trung tướng Trần Quyết nói với thư ký: Anh em ở đơn vị cơ sở ít có dịp gặp cấp trên nên nói năng còn lúng túng. Có khi anh em nói 10 điều, nhưng cái điều cần thiết nhất lại ẩn ở cuối cùng câu chuyện. Nếu ta sốt ruột, cắt đi thì không nghe được điều anh em muốn nói, việc giải quyết sẽ không có kết quả thỏa đáng. Là người chỉ huy, chúng ta phải biết kiên nhẫn lắng nghe, biết tôn trọng anh em, giải quyết những ý kiến đề nghị của anh em mới có lý, có tình. Nói nôm na là "phải gãi đúng chỗ ngứa". Quả là thấm thía. Đại tá Trần Liêu coi đây là bài học sâu sắc nhất trong cuộc đời làm thư ký của mình.

Cuối năm 1978, một đại đội tân binh Công an nhân dân vũ trang đóng quân gần biên giới, nhận nhiệm vụ huấn luyện để bổ sung quân số cho các đồn Biên phòng phía Bắc. Một ổ dịch bùng phát, không ai biết nó là dịch gì. Chỉ biết rằng, người mắc bệnh sốt rất cao, kéo dài 3-4 giờ, lên co giật rồi chết. Một ngày trong đơn vị và ngoài dân có 2-3 người "ra đi". Bác sĩ lúng túng, báo cáo y tế cấp trên nhưng vẫn chưa tìm ra phác đồ điều trị. Chỉ huy đơn vị thì lo lắng như ngồi trên đống lửa. Đang lúc "tang gia bối rối", lính mới sợ quá, chờ đêm xuống, 3 chiến sĩ bỏ đơn vị, trốn về xuôi. Đại đội trưởng Đại đội huấn luyện điện liên tục về báo cáo Bộ Tư lệnh. Trung tướng Trần Quyết chỉ đạo Phòng Quân y cử bác sĩ sang Cục Quân y, Bộ Quốc phòng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và xin thêm thuốc chữa bệnh. Ngay trong đêm, Trung tướng Trần Quyết và thư ký cùng đoàn quân y hỏa tốc đến ngay Đại đội tân binh. Có người lo ban đêm đi đường rừng núi không an toàn, nhưng ông gạt phăng: "Anh em đang sống trong nước sôi lửa bỏng. Ta nằm nhà sao có thể ngủ yên".

Đến nơi, Trung tướng Trần Quyết nghe báo cáo tình hình, chỉ thị đưa ngay chiếc quan tài "dự bị" mà các chiến sĩ có "sáng kiến" mua hồi chiều ra khỏi doanh trại che đậy lại, rồi động viên tư tưởng từng người một. Sau đó, ông chỉ đạo phân tán lẻ chiến sĩ ra nhiều nơi và tổ chức làm tốt công tác phòng ngừa dịch bệnh. Ông điện hỏa tốc sang Bộ Quốc phòng xin một máy bay trực thăng để đưa một tổ cán bộ y tế lên tận nơi tìm hiểu nguyên nhân, tổ chức phòng ngừa dịch và điều trị bệnh cho các chiến sĩ. Một tuần lễ sau dịch bệnh bị dập tắt, tình hình đơn vị trở lại bình thường.

Lần khác, ông đến kiểm tra một đồn Biên phòng bờ biển tỉnh Quảng Ninh. Được chỉ huy tỉnh điện báo trước, đồn khẩn trương chuẩn bị đón vị Tướng đến làm việc. Nhưng nhìn quanh, Đồn trưởng thấy hoảng. Đội trinh sát, Đội cơ sở đang bám địa bàn; Đội cơ động đang đi tuần tra trên biển; ở đồn chỉ còn hơn 20 người, chủ yếu là lính đồn bộ. Tuy vậy, nhưng Đồn trưởng vẫn quyết định tổ chức lễ đón ông theo điều lệnh với Đội danh dự 20 chiến sĩ cho hoành tráng. Có cán bộ đi trong đoàn đề nghị Tư lệnh cho hạ mức lễ nghi, chỉ đón tiếp thân mật, không có Đội danh dự bồng súng chào. Nghe ra cũng có lý, nhưng Tư lệnh Trần Quyết liền bảo: "Ở đây, chỉ huy đồn là chủ. Chỉ huy đồn đã chuẩn bị rồi, cứ để anh em làm. Khách cảm thấy phiền phức, nhưng chủ nhà lại thấy đây là một sự kiện lịch sử để làm truyền thống cho đơn vị về sau. Đừng làm anh em mất phấn khởi". Thế rồi vào lễ đón, Trung tướng Trần Quyết chỉnh đốn quân phục đường hoàng, đeo quân hàm, quân hiệu nghiêm chỉnh, duyệt Đội danh dự 20 người của đồn. Sau buổi đón tiếp, Trung tướng Trần Quyết nói với Đại tá Lê Liêm, Cục trưởng Cục Hậu cần Công an nhân dân vũ trang - người cùng đi trong đoàn: "Trang phục của chiến sĩ, có người do hà tiện, để dành nên còn mới, nhưng nhiều chiến sĩ quần áo đã bạc màu, có chỗ sờn, rách; giày vải, có đến nửa quân số bị rách mũi, thấy cả ngón chân. Có lẽ địa bàn ven biển này lắm sỏi đá, lội nước mặn, anh em đi tuần tra nhiều, vì vậy, một năm 2 đôi giày không đủ. Ta có thể tăng lên 3 đôi được không?". Đại tá Lê Liêm trả lời: "Dạ được, thưa Trung tướng".

Trung tướng Trần Quyết không chỉ là người luôn chăm lo cho đời sống của cán bộ, chiến sĩ, lấy niềm vui, hạnh phúc của anh em làm niềm vui, hạnh phúc của mình, ông còn là người sống sâu sắc, thủy chung với anh em, đồng chí, đồng đội. Năm 1940, lúc đó mới 18 tuổi, trên quê hương mình (làng Ngọc Động, xã Hoàng Đồng, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) ông đã là Đội trưởng Đội Thanh niên cứu quốc, nhiều lần chỉ huy anh em chiến đấu dũng cảm chống địch càn quét, đốt phá xóm làng, bảo vệ nhân dân. Đầu năm 1942, ông bị địch bắt đưa về nhà giam Bá Vân, Thái Nguyên giam giữ. Trong nhà tù đế quốc, ông luôn thể hiện tinh thần chiến đấu kiên cường của người chiến sĩ cách mạng và ông đã được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam (4/1943). Đến cuối năm 1944, địch chuyển ông về giam tại nhà giam Nghĩa Lộ, Yên Bái. Tại đây, ông và các tù chính trị đã đồng lòng nổi dậy phá ngục, diệt bọn cầm đầu để trở về tiếp tục hoạt động cách mạng. Nhưng việc lớn không thành, thực dân Pháp đã đàn áp tù nhân đẫm máu. Trong trận nổi dậy đó, ông may mắn được đồng bào địa phương cưu mang, giúp đỡ nên thoát khỏi vòng vây của địch. Tháng 8/1945, ông được Đảng giao nhiệm vụ trở về địa phương lãnh đạo nhân dân giành chính quyền ở tỉnh Hà Nam và được chỉ định làm Ủy viên Quân sự tỉnh.

Sau cách mạng tháng Tám thành công, ông lao vào công tác tiễu phỉ, trừ gian, diệt tề hết miền biên cương này sang miền biên cương khác. Gần 40 năm sau, ông mới có dịp trở lại Văn Chấn, nơi mà đồng bào đã cưu mang, giúp ông thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù. Ông đến thăm Bảo tàng huyện, thắp hương trước Đài Tổ quốc ghi công, có ghi 7 liệt sĩ năm xưa đã cùng ông phá ngục tù Nghĩa Lộ. Ông đứng trầm ngâm suy tư trên nền nhà tù cũ rêu phong, nhớ lại hình ảnh ngày ấy bị thực dân Pháp tra tấn, đọa đày và gương mặt của những người đồng chí, đồng bào cùng ông chống thực dân, đế quốc. Trung tướng Trần Quyết nói với anh Võ Khắc Cường, lúc đó là Bí thư Huyện ủy Văn Chấn, nhờ tìm giúp nhà mẹ Thanh, người dân tộc thiểu số vùng này năm xưa đã giúp đỡ ông thoát khỏi vòng vây của kẻ địch. Nhà mẹ hồi đó nghèo lắm, đúng ra chỉ là một túp lều nhỏ. Nhưng mẹ có tấm lòng quý hơn vàng, dám chấp nhận tội chém đầu để che giấu, cưu mang trong nhà một người tù Cộng sản vượt ngục và nhường cho người tù ấy bát cơm nguội ít ỏi của mình.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy đã cử người đi hỏi thăm, xác minh, mãi mới biết chính xác nhà ông bà Thanh, người dân tộc Tày. Ông bà Thanh vẫn còn khỏe mạnh và rất nhớ người tù Cộng sản, tóc húi cua, nhỏ thó, nhanh nhẹn đã chạy vào nhà mình khi bị truy đuổi. Biết được địa chỉ, Tư lệnh Trần Quyết đã lập tức đến thăm gia đình ông bà Thanh và có lời tạ ơn. Hôm ấy, đúng vào dịp đón mừng năm mới, người tù Cộng sản năm xưa, không phải luồn rừng chạy trốn địch mà đi trên con đường rộng thênh thang vào nhà ông bà Thanh, lòng bồi hồi xúc động. Gặp lại Trung tướng Trần Quyết, ông bà Thanh rất đỗi vui mừng. Nhận gói quà từ tay ông Ủy viên Trung ương Đảng và lời cảm ơn, người mẹ dân tộc Tày không cầm nổi nước mắt. Bà nghẹn ngào nói: "Trời vẫn còn có mắt để chúng ta được gặp lại hôm nay…".

Lòng nhân ái, lòng tin đã giúp cho con người vượt qua bao nỗi gian nguy vất vả để giữ vững lẽ sống làm người. Bát cơm nguội năm xưa mẹ nuôi giấu người tù Cộng sản lúc cơ hàn - mẹ là ân nhân của cách mạng. Còn hôm nay, bữa cơm thịnh soạn gia đình mẹ đãi khách trong ngôi nhà sàn rộng rãi, khang trang, gỗ bóng loáng, cửa kính sáng trong - cách mạng là ân nhân của mẹ.

Đồng chí, đồng đội còn ghi nhớ, trong buổi lễ đón nhận Huân chương Sao Vàng mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng cho ông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trịnh trọng tuyên dương: "… Dù ở bất cứ cương vị nào, đồng chí Trần Quyết cũng phấn đấu hết sức mình vì mục tiêu lý tưởng cao cả của Đảng, là tấm gương sáng về đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, tận tụy trong mọi công việc...".

Có được công lao to lớn đó là có một phần đóng góp quan trọng của người đồng chí, người bạn đời của ông suốt cả chặng đường hơn nửa thế kỷ - "Trung tướng phu nhân", bà Điêu Thị Hảo. Thời thanh niên, Điêu Thị Hảo là một cô gái Thái đẹp người, tốt nết, lăn lộn trong phong trào đấu tranh trừ gian, diệt phỉ ở khắp vùng biên giới Sơn La. Khi về hưu, bà là Phó Vụ trưởng của Ủy ban Dân tộc và Miền núi. Bà là chỗ dựa vững chắc của Trung tướng Trần Quyết và 5 người con thành đạt. Trung tướng Phạm Ngọc Quảng là con trai ông bà còn rất trẻ. Anh trưởng thành từ một người lính trong lực lượng Công an nhân dân và hiện là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V - Bộ Công an. Anh sống giản dị, khiêm tốn như truyền thống cách mạng của gia đình.

Ngày 1/3/2010, gia đình, bạn bè, đồng chí, đồng đội đau buồn tiễn đưa Trung tướng Trần Quyết về cõi vĩnh hằng, sau một thời gian dài lâm bệnh nặng. Để tưởng nhớ công lao to lớn của Trung tướng Trần Quyết, Đảng và Chính phủ đã tổ chức lễ viếng, truy điệu và an táng cấp Nhà nước vô cùng trọng thể và trang nghiêm cho ông. Kết thúc bài viết nhỏ này, người viết xin được nhắc lại lời điếu văn của đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư đọc tại lễ truy điệu ông như là nén tâm nhang của những người lính Biên phòng khôn nguôi thương nhớ vị Tư lệnh kiêm Chính ủy của mình: "Nhắc đến Trung tướng Trần Quyết là nhớ đến người chỉ huy thông minh, mưu trí trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc; là vị Tướng hết lòng thương yêu chiến sĩ, biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến của cấp dưới. Ông có lối sống giản dị, khiêm tốn, gắn bó máu thịt với nhân dân, với đồng đội, luôn đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết".

Lưu Trần Vũ

Bình luận

ZALO