Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 30/06/2024 12:29 GMT+7

Trung tướng Trịnh Trân - Người chỉ huy Biên phòng tài năng, mẫu mực

Biên phòng - Trung tướng Trịnh Trân (tên khai sinh là Trịnh Ngọc Chân, bí danh là Thanh Tùng), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội; nguyên Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; sinh năm 1928, tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Vì hoàn cảnh nghèo khó, gia đình ông phải chuyển lên lập nghiệp, sinh sống ở khu phố Vườn Cam, thị xã Cao Bằng và mảnh đất này đã nuôi dưỡng ông lớn lên, gắn bó cùng ông, để lại cho ông nhiều kỷ niệm của một thời thơ ấu.

Trung tướng Trịnh Trân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa IX, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (1991-1996). Ảnh: Tư liệu

Ông là cán bộ tiền khởi nghĩa. Từ tháng 7/1945, ông đã tham gia Thanh niên cứu quốc Mặt trận Việt Minh tỉnh Cao Bằng. Ông được kết nạp vào Đảng khá sớm (11/1946) và đầu năm 1947, ông trở thành chiến sĩ vệ quốc đoàn. Năm 1949, ông tốt nghiệp trường võ bị Trần Quốc Tuấn, sau đó tiếp tục trở về đơn vị, tham gia chiến đấu trên các cương vị: Cán bộ Tham mưu, Đội trưởng biệt động Trung đoàn 74, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 251 của Sư đoàn 316. Năm 1953, ông được cấp trên tin tưởng cử tham gia đoàn cán bộ chỉ đạo phong trào cải cách ruộng đất. Năm 1955, ông được bổ nhiệm chức vụ Phó Chính ủy Trung đoàn; rồi Phó Trưởng ban tuyên huấn Sư đoàn 315, sau đó được điều về giữ chức Trưởng phòng Dân vận của Tổng cục Chính trị.

Bước ngoặt chính trong sự nghiệp làm cách mạng của ông là tháng 4/1959, ông được Bộ Quốc phòng điều chuyển sang công tác ở lực lượng Công an nhân dân vũ trang - Bộ đội Biên phòng ngày nay.

Từ đó cho đến ngày nghỉ hưu, ông luôn gắn bó máu thịt với biên cương, với lực lượng Công an nhân dân vũ trang - Bộ đội Biên phòng. Ở đâu trên biên giới gian khổ vất vả, có phỉ, có bạo loạn, có tranh chấp chủ quyền, là có hình bóng của ông. Trong những thời khắc gay cấn đó, ông luôn đưa ra những quyết sách sáng suốt, đúng đắn để chỉ huy bộ đội chiến đấu giành thắng lợi.

Chức vụ đầu tiên ông đảm nhận ở lực lượng Công an nhân dân vũ trang là Trưởng phòng Dân vận, thuộc Cục Chính trị. Với phong cách nghiêm túc, khoa học, cộng với kiến thức, kinh nghiệm đã từng công tác ở Tổng cục Chính trị, cùng với quá trình tìm hiểu thêm tình hình dân tộc, tôn giáo ở biên giới, biển, đảo, có thể nói, ông là người đầu tiên đặt nền móng cho công tác Dân vận của lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Đây chính là một biện pháp nghiệp vụ rất cơ bản của lực lượng Công an nhân dân vũ trang - Bộ đội Biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Tháng 5/1963, ông được bổ nhiệm Cục phó Cục Tham mưu. Hai tháng sau đó, một sự kiện đáng nhớ trên mặt trận chống gián điệp biệt kích đã có dịp thử thách bản lĩnh, năng lực chỉ huy tác chiến của ông.

Đó là vụ gián điệp biệt kích Mỹ - Tưởng, do tên Thượng tá đặc vụ Trịnh Kỳ Thiệu cầm đầu, đột nhập vào vùng biển Hải Ninh tháng 7/1963. Qua tin tức tình báo, ta biết toán đặc vụ này, sau khi vượt qua vùng biển Hải Ninh, chúng sẽ đi sâu vào vùng Thập Vạn Đại Sơn, giáp biên giới Việt - Trung, để lập căn cứ chống phá cách mạng hai nước Trung Quốc và Việt Nam.

Bộ Tư lệnh chỉ thị cho Công an nhân dân vũ trang Hải Ninh bố trí lực lượng đón bắt. Nhận lệnh, Công an nhân dân vũ trang Hải Ninh kịp thời báo cáo tình hình với Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ty Công an và triển khai kế hoạch phối hợp với các lực lượng dân quân, thủy sản tăng cường cảnh giác, phát hiện địch. Bộ Tư lệnh đã cử Tham mưu phó Trịnh Trân xuống Hải Ninh trực tiếp chỉ đạo Công an nhân dân vũ trang "lót ổ" chờ địch để bắt, khai thác phục vụ cho công tác đánh địch trước mắt và lâu dài.

Đến Hải Ninh, ông nhanh chóng đưa ra ý kiến với phương châm: Phải đánh, bắt gọn toán biệt kích trên cơ sở giữ bí mật tuyệt đối và kiên quyết tiến công, truy đuổi nếu chúng bỏ chạy, bảo đảm an toàn lực lượng. Sau khi bàn bạc thống nhất với Ban Chỉ huy chung của tỉnh do đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách, ông cho triển khai một đại đội Công an nhân dân vũ trang theo phương án đã vạch sẵn, ém trên bờ biển, chờ địch tới. Đúng 12 giờ đêm ngày 28/7/1963, tổ cảnh giới Cửa Đài phát hiện 3 chiếc xuồng máy từ khơi xa đang tiến dần vào bờ để đổ quân. Chờ cho địch vào bờ xong, theo phương án các hướng, các mũi xông ra vây bắt được 14 tên, tiêu diệt 5 tên ngoan cố chống cự. Bọn còn lại vội chạy thục mạng lẩn trốn vào rừng Tấn Mài, thuộc huyện Hà Cối.

Ta khai thác bọn chúng biết được toán biệt kích xâm nhập gồm có 26 tên, do tên Thượng tá đặc vụ Trịnh Kỳ Thiệu chỉ huy. Toán biệt kích này thuộc Chi đội 3 và Chi đội 4 của bọn phản cộng cứu quốc quân, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc (một bộ phận của Cục Tình báo Trung ương Bộ Quốc phòng, Quốc Dân đảng Tưởng). Chúng xuất phát ngày 18/7/1963. Từ căn cứ Đàm Thủy, Đài Loan, toán đặc vụ này lên hai chiếc thuyền lớn ngụy trang là thuyền đánh cá mang tên "Đại Kim Hoàn I" và "Đại Kim Hoàn II" . Sau 5 ngày hành trình trên biển, bọn chúng đã đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tại đây, chúng đã liên lạc với bọn đặc vụ Tưởng đang hoạt động ở miền Nam để tìm đường xâm nhập.

Sau khi khai thác các đối tượng bị bắt, biết Trịnh Kỳ Thiệu và một số tên cầm đầu đã trốn vào rừng, ông cùng với Ban Chỉ huy chung của tỉnh vạch phương án chỉ đạo các mũi, các hướng tiếp tục truy lùng, vây bắt số còn lại. Được sự chi viện của một phân đội thuộc D.12 và C.39 quốc phòng, ta tổ chức thành 5 mũi truy quét. Sau 10 ngày kiên trì lùng sục trong rừng, đến đêm 8/8/1963, các chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang Hải Ninh đã bắt được tên toán trưởng Trịnh Kỳ Thiệu và một số tay chân tại Pò Hèn. Hai ngày sau đó, các chiến sĩ bắt được tên cuối cùng là Đài trưởng ở cống Nam Châu (Hà Cối). Vụ xâm nhập của toán biệt kích vào vùng biển Hải Ninh kết thúc. Ta bắt sống 18 tên, bắn chết 6 tên, bắn bị thương 2 tên, thu 3 xuồng máy và các loại vũ khí, điện đài, đô la Hồng Kông, nhân dân tệ Trung Quốc, phá tan âm mưu lập căn cứ chống phá cách mạng của hai nước Việt - Trung.

Trong hai năm 1963-1964, tuyến biên giới thuộc hai huyện Kỳ Sơn, Tương Dương (Nghệ An) là khu vực mà đế quốc Mỹ và phản động Lào thường có các hoạt động xâm nhập, kích động, lôi kéo một bộ phận quần chúng lạc hậu nổi phỉ, gây bạo loạn vũ trang, cướp chính quyền ở một số vùng hai bên biên giới của hai tỉnh Nghệ An - Xiêng Khoảng. Chúng tạo ra các cuộc bạo loạn dưới hình thức "Châu Phà" (Vua trời), rồi tổ chức "xưng vua", "đón vua" gây ra tình hình rất phức tạp. Hậu thuẫn cho các cuộc bạo loạn này là lực lượng phản động phái hữu Lào và tên trùm phỉ Vàng Pao có căn cứ ở Loong Chẹng. Các đơn vị Công an nhân dân vũ trang Nghệ An đã nhiều lần tổ chức các đợt truy quét, tiêu diệt phỉ, bảo vệ dân. Nhưng do các đơn vị Biên phòng vừa mới được củng cố, còn ít kinh nghiệm chiến đấu trên địa hình rừng núi, chưa thông thạo địa hình, bất đồng ngôn ngữ, nên gặp không ít khó khăn trong tác chiến cũng như trong công tác vận động quần chúng, ổn định địa bàn.

Trước tình hình đó, ngày 7/1/1964, Bộ Tư lệnh cử Trung tá Trịnh Trân, Cục phó Cục Tham mưu và một số cán bộ của Bộ Tư lệnh lên Mường Xén (Nghệ An) kiểm tra tình hình và quán triệt chủ trương của Bộ Tư lệnh. Đồng chí Trịnh Trân chỉ rõ: "Từ hình thức "Châu Phà" địch đã tiến lên vũ trang bạo loạn ở Phà Bún; đây là việc địch có tính toán. Địch đã lợi dụng trình độ nhận thức thấp của các dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào Mông và một số cán bộ địa phương bất mãn trong cải cách dân chủ ở miền núi để gây phỉ, bạo loạn vũ trang; chống phá cách mạng của Bạn và chính quyền trong khu vực biên giới ta. Bọn nổi loạn lần này có thể kết hợp với kế hoạch tấn công mùa khô của Mỹ và của bọn phái hữu Lào vào Xiêng Khoảng và cánh đồng Chum. Ta phải tập trung lực lượng giải quyết càng sớm càng tốt. Phải vừa kết hợp công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân và những người theo phỉ, đồng thời phân hóa, trừng trị đích đáng những tên đầu sỏ ngoan cố".

Phương án chiến đấu được triển khai. Tiểu đoàn Cơ động 12 được Bộ Tư lệnh điều vào tăng cường. Lực lượng ta được bố trí lại. Các đồn Biên phòng lập phương án bám sát, bảo vệ đoạn biên giới thuộc khu vực đồn phụ trách theo kế hoạch HK 70. Các tuyến nam Đường 7; các hướng Na Ngoi, Phù Xai... kết hợp với phân đội công binh làm công trình (gài mìn, cạm bẫy) để ngăn chặn địch. Từ Khe Kiền đến Na Ngoi do Tiểu đoàn 12 đảm nhiệm. Đơn vị cơ động Biên phòng Nghệ An có nhiệm vụ tiêu diệt các cụm phỉ ở nam Đường 7. Chỉ huy sở đặt tại 2 bản Na Loi, Na Khướng (thuộc xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn). Công tác hậu cần được thực hiện với quy mô lớn hơn. Các trạm quân y dã chiến được thiết lập ở nhiều địa điểm.

Sáng ngày 9/2/1964, ta bao vây tấn công căn cứ Phà Bún, sào huyệt của tên phỉ Già Xây Xua bị đập tan. Ngày 15/2/1964, ta tiêu diệt bọn phỉ ở Phùng Khen. Tình hình 8 bản Mông ở xã Na Loi, Huổi Tụ trở nên phức tạp. Ta tích cực tiến hành công tác binh vận. Kết quả 175 tên phỉ ra hàng, nộp 121 súng. Để cứu vãn tình hình, bọn phái hữu Lào đổ lực lượng đặc biệt của Vàng Pao xuống Huổi Luông. Máy bay Mỹ thả dù tiếp tế vũ khí, lương thực cho chúng. Nhưng ta tập trung lực lượng tấn công dữ dội, làm cho âm mưu gây bạo loạn của chúng thất bại hoàn toàn.

Là Cục phó Cục Tham mưu, kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu, qua thực tế các đợt tham gia chỉ đạo chiến đấu chống đặc vụ, thổ phỉ... ông nhận thấy điểm hạn chế rất cơ bản của công tác tham mưu, đó là khi có tình huống đột xuất xảy ra, cơ quan tham mưu và cán bộ tham mưu còn bị động, lúng túng, cách xử lý tình huống chậm. Vì vậy, ông đề nghị với đồng chí Cục trưởng và Bộ Tư lệnh cần khẩn trương tổ chức biên soạn tài liệu: "Công tác Tham mưu Công an nhân dân vũ trang" để tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu trong toàn lực lượng.

Khi báo cáo thông qua đề cương tổng quát, ông đề nghị nhấn mạnh quan điểm, định hướng trong chỉ đạo công tác tham mưu, đó là: "Cơ quan Tham mưu Công an nhân dân vũ trang là cơ quan chủ yếu của người chỉ huy về mặt quân sự và cả công tác nghiệp vụ Biên phòng; giúp người chỉ huy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc và nhiệm vụ tác chiến trong mọi tình huống xảy ra. Nhiệm vụ cơ bản của cơ quan tham mưu Công an nhân dân vũ trang là: Nghiên cứu đề xuất ý kiến với người chỉ huy làm tham mưu cho các cấp ủy đảng và chính quyền ở Trung ương và địa phương về công tác biên phòng. Chuẩn bị cho người chỉ huy hạ quyết tâm tổ chức quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, vùng biển và nhiệm vụ tác chiến trong mọi tình hình. Không những phải tổ chức hướng dẫn các hành động tác chiến của bộ đội, mà còn phải tổ chức hướng dẫn bộ đội chấp hành đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các Hiệp định, Hiệp nghị quốc tế; chủ trương, đối sách nghiệp vụ trong công tác Biên phòng...". Nhận thấy đây là một định hướng về quy tắc, quy chế để xây dựng nền nếp chính quy cho công tác tham mưu của toàn lực lượng, Bộ Tư lệnh đã quyết định tiếp tục tổ chức nghiên cứu, soạn thảo hoàn chỉnh để ban hành...

Công tác tham mưu dần đi vào nề nếp, phục vụ tốt cho nhiệm vụ nắm đánh địch cả trong nội biên và ngoại biên, thu được những thắng lợi giòn giã, đặc biệt là trên mặt trận chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đồng thời Công an nhân dân vũ trang đã chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt chi viện cho chiến trường miền Nam.

Trong "Biên niên, sự kiện" của mình, đồng chí Trịnh Trân có ghi: Ngày 21/3/1975, chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng được mở ra, ông là một trong ba trưởng đoàn được Bộ Tư lệnh cử vào chiến trường B2, có mặt trước khi chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn. Nhiệm vụ của ông là giúp cơ quan chỉ huy Tiểu ban An ninh vũ trang miền Nam về các mặt công tác xây dựng, chiến đấu, bảo vệ và nghiên cứu, khảo sát tình hình biên giới, bờ biển, vùng mới giải phóng, đề xuất góp ý kiến với cấp ủy, chính quyền địa phương về dự kiến nghiên cứu phương án tổ chức hệ thống đồn, trạm Biên phòng.

Ngày 3/4/1975, đoàn của đồng chí Trịnh Trân đã vượt qua Tây Trường Sơn, đi thẳng vào Tây Ninh. Ngày 22/4, đoàn đã đến núi Bà Đen để kịp cùng với Tiểu ban An ninh vũ trang miền Nam tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng thời bảo vệ cơ quan Trung ương Cục miền Nam về tiếp quản Sài Gòn và chỉ đạo công tác tổ chức triển khai bảo vệ các mục tiêu quan trọng sau khi Sài Gòn giải phóng.

Với kinh nghiệm tham gia công tác tiếp quản thành phố Hà Nội năm 1954 và những năm tháng chỉ đạo công tác bảo vệ mục tiêu nội địa, cửa khẩu ở miền Bắc, đồng chí Trịnh Trân đã trực tiếp chỉ đạo kế hoạch tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Sài Gòn, Tổng nha Cảnh sát, Ngân hàng, Cảng xăng dầu Nhà Bè. Chỉ mấy ngày sau giải phóng, hệ thống Cảng Sài Gòn từ Nhà Rồng, Khánh Hội, Tân Thuận, Bến Nghé đến Nhà Bè đã hoạt động thông thương trở lại. Các tàu của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa tấp nập vào ra cảng Sài Gòn. Sân bay Tân Sơn Nhất cũng nhanh chóng ổn định, đón các đoàn lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế đến Sài Gòn an toàn tuyệt đối.

Tháng 5/1974, ông được bổ nhiệm Quyền Cục trưởng Cục Tham mưu và đến tháng 5/1975, ông được trên bổ nhiệm chức Cục trưởng Cục Tham mưu Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Lý Vạn (Cao Bằng) cùng dân quân địa phương tuần tra bảo vệ mốc giới. Ảnh: Tư liệu

Đất nước thống nhất, độc lập, hòa bình chưa được bao lâu; lực lượng Công an nhân dân vũ trang đang bước vào giai đoạn triển khai thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn cả nước thì cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Đêm 14/1/1977, bọn Pôn Pốt đã dùng một lực lượng lớn có hỏa lực yểm trợ, bất ngờ tập kích Đồn Biên phòng số 7 và số 8 thuộc Công an nhân dân vũ trang Đắk Lắk, mở đầu cuộc chiến tranh ác liệt trên toàn tuyến biên giới Tây Nam.

Để công tác lãnh đạo, chỉ huy phù hợp với tình hình, nâng cao hiệu suất chiến đấu của các đơn vị, trên cương vị Tham mưu trưởng, ông đề xuất với Bộ Tư lệnh chỉ đạo các đơn vị "Chuyển trạng thái chiến đấu và phương thức tác chiến, nêu cao tinh thần chủ động, tìm địch mà diệt, bám địch mà đánh, đánh địch bằng tất cả các biện pháp. Yếu tố quyết định thắng lợi là tinh thần chủ động tiến công, một người cũng đánh, một tổ cũng đánh, đánh tiêu hao, tiêu diệt địch ở mọi lúc, mọi nơi và có cách đánh linh hoạt, cơ động, đạt hiệu quả chiến đấu cao để bảo vệ biên giới". Tư tưởng chủ động tấn công, bám địch mà đánh đã được cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trên tuyến Tây Nam vận dụng linh hoạt, kịp thời và có hiệu quả.

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam kết thúc. Độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc được giữ vững. Trong thắng lợi chung của toàn dân, toàn quân, có sự đóng góp xứng đáng của lực lượng Công an nhân dân vũ trang và ông, một trong những người chỉ huy thông minh, tài giỏi.

Thời gian này, trên biên giới phía Bắc tình hình cũng rất căng thẳng. Để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh xâm lược, giới cầm quyền phản động Trung Quốc đã mở chiến dịch tuyên truyền vu cáo Việt Nam là "Bài Hoa, chống Trung Quốc, xâm lược Campuchia". Chúng bày ra cái gọi là "nạn kiều", đóng các cửa khẩu, cản trở bà con Hoa kiều trở về Trung Quốc, gây nên cảnh lộn xộn về trật tự an ninh. Có sự chỉ đạo của phía Trung Quốc, một số người Hoa dùng gậy gộc, gạch đá, cản lại các đoàn cán bộ của ta đến để vận động, tuyên truyền, giải thích, đã tạo nên tình trạng căng thẳng, dễ bùng nổ xô xát ở khu vực cửa khẩu.

Trong bối cảnh nóng bỏng ấy, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ đạo các địa phương có phương án tổ chức lực lượng, nhanh chóng ổn định tư tưởng nhân dân, giải tỏa số người tụ tập gây nên cảnh ùn tắc ở cửa khẩu. Điểm nóng nhất là khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn. Bộ Tư lệnh đã kịp thời cử đồng chí Trịnh Trân lên cùng với lãnh đạo địa phương và Công an nhân dân vũ trang Lạng Sơn thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; đồng chí Trịnh Trân làm Phó ban Thường trực, trực tiếp chỉ đạo giải quyết điểm nóng cửa khẩu Hữu Nghị. Đồng thời Bộ Tư lệnh điều Đoàn cơ động Thanh Xuyên đến để phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trịnh Trân, các lực lượng Công an nhân dân vũ trang, quân đội phối hợp dân quân và phụ nữ tỉnh Lạng Sơn đến vận động nhân dân bỏ lán trại quay về quê cũ làm ăn. Qua công tác vận động quần chúng, nhiều người thấy được âm mưu thâm độc của bọn phản động đã trở về quê.

Bị nhân dân đấu tranh, cô lập, bọn phản động rất lo lắng, nên chúng hung hăng làm liều. Ngày 20/8/1978, chúng ngang nhiên cưỡng ép số dân còn lại lên đồi cao cắm lều lán cố thủ, gây khó khăn cho ta. Sáng hôm đó, một đội công tác của Đoàn Thanh Xuyên, vũ khí để lại trong doanh trại, tay không cùng một số cán bộ Hội Phụ nữ lên đồi cao vận động bà con, ổn định tình hình. Họ đã bị bọn côn đồ dùng dao, gậy, gạch, đá tấn công, làm chiến sĩ Lê Đình Chinh hy sinh và nhiều người bị thương nặng. Trước tình hình diễn biến ngày một phức tạp, đồng chí Trịnh Trân liền ra lệnh cho Đoàn Công an nhân dân vũ trang Thanh Xuyên nhanh chóng chiếm lĩnh cao điểm đồi Pò Cốc Phung, tổ chức đội hình chiến đấu. Đội hình chiến đấu của ta nhanh chóng chiếm lĩnh cao điểm, lớp trước cầm dao, búa, gậy, lớp sau dương lưỡi lê đầu súng, tất cả đồng loạt xông lên. Bọn côn đồ nhìn thấy đội hình của ta khiếp vía, vội chạy về bên kia biên giới. Nhân thời cơ này, đồng chí Trịnh Trân chỉ đạo giải tỏa luôn số người còn ứ đọng ở trên đồi và cửa khẩu, vận động những người lầm lạc, bị ép buộc, nhanh chóng trở về quê cũ làm ăn...

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn trên biên giới phía Bắc. Hơn 60 vạn quân, hàng ngàn xe tăng, hàng trăm máy bay đã đồng loạt tiến công dữ dội trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung. Các đồn Biên phòng là mục tiêu chủ yếu của chúng. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang là những người đầu tiên dũng cảm chiến đấu, kiên cường bám trụ, đương đầu với số lượng địch đông gấp bội, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Các đơn vị đã đẩy lùi nhiều đợt tấn công rất ác liệt của chúng như đồn Pò Hèn (Quảng Ninh), Pò Mã (Lạng Sơn), Lũng Làn (Hà Tuyên), Pha Long (Hoàng Liên Sơn), Xì Lờ Lầu (Lai Châu)... Tuy nhiên, trước lực lượng quá mạnh của địch, một số đồn quân số bị hao hụt, cơ số đạn do chiến đấu dài ngày cạn dần. Là người trực tiếp chủ trì cơ quan tham mưu, chỉ huy tác chiến, đồng chí Trịnh Trân đã nhạy bén đề xuất Bộ Tư lệnh chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng thay đổi phương án tác chiến. Đó là không lùi về sau; không bám trụ "chôn chân" ở chiến hào, mà phải cơ động, linh hoạt, chia nhỏ, luồn sâu, tập hậu, cắt sườn, đánh "quần lộn" với địch.

Chính lối tiến quân dàn trận ào ào xốc tới của chúng đã bị chiến thuật "quần lộn" của ta băm nát, khiến chúng không tìm ra cách nào mà đánh, hướng nào mà tránh; đội ngũ trở nên rối loạn và bị ta tiêu diệt. Cách đánh "quần lộn" này đã giúp ta bảo toàn được lực lượng, ít thương vong hơn và giữ vững được khu vực địa bàn. Ngày 3/5/1979, kẻ địch phải tuyên bố rút quân, chấp nhận đàm phán với Việt Nam. Sau chiến tranh biên giới, Đảng và Nhà nước đã tặng cho lực lượng Công an nhân dân vũ trang phần thưởng cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tháng 7/1980, ông được bổ nhiệm chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng. Quá trình tham gia chỉ đạo thành lập 7 Trung đoàn Công an nhân dân vũ trang sang giúp cách mạng Campuchia, cũng như chấp hành Nghị quyết 22/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 10/10/1979 về việc chuyển lực lượng Công an nhân dân vũ trang từ Bộ Công an sang Bộ Quốc phòng, đã làm cho ông phong phú thêm về kinh nghiệm tổ chức và năng lực thực hiện những chủ trương lớn.

Từ khi lực lượng chuyển qua Bộ Quốc phòng, công tác tập huấn, huấn luyện được Bộ Tư lệnh và đồng chí Trịnh Trân rất coi trọng. Trên cương vị Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng, đồng chí Trịnh Trân đã mở nhiều lớp tập huấn quân sự cho cán bộ chủ trì cấp tỉnh, thành, phòng, ban, cơ quan Bộ Tư lệnh và các đồn Biên phòng.

Mục đích các đợt tập huấn này là huấn luyện cho cán bộ nắm vững cách đánh và vận dụng hình thức chiến thuật phân đội nhỏ của Bộ đội Biên phòng trong chiến đấu, đảm bảo tính chắc thắng và có hiệu suất chiến đấu cao. Nâng cao trình độ chỉ huy của cán bộ chỉ huy đồn và đơn vị cơ động trên cơ sở đó huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị mình nhằm hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu và phòng thủ khu vực. Các nội dung tập huấn tập trung vào các chuyên đề: Đánh diệt biệt kích, thám báo địch xâm nhập; chiến đấu liên hoàn trong cụm xã chiến đấu khi địch tấn công lấn chiếm; chiến đấu luồn sâu, diệt địch ở sau lưng địch; xây dựng tư tưởng tiến công địch; tích cực chủ động tìm đánh địch; kiên cường bám trụ, chiến đấu quần lộn với địch trong mọi tình huống...

Khi lực lượng Bộ đội Biên phòng chuyển sang Bộ Nội vụ, với quan điểm "lấy hoạt động chính trị và nghiệp vụ Công an là chủ yếu", đồng chí Trịnh Trân đã báo cáo Bộ Tư lệnh kế hoạch xây dựng và huấn luyện các đội Trinh sát Đặc nhiệm của Bộ đội Biên phòng để tổ chức hoạt động ở vùng hành lang biên giới đối diện. Chủ trương là luồn sâu, điều tra, phát hiện tình hình, từ đó đề xuất, tham mưu cho Bộ Tư lệnh phương án bố trí lực lượng, chủ động đối phó khi chúng có âm mưu hoạt động phá hoại biên giới ta.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới. Với quan điểm mở cửa giao lưu quốc tế, "Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước"; ta rút quân tình nguyện ra khỏi Campuchia.

Để phù hợp với xu hướng chung của toàn khu vực và trên thế giới, Trung Quốc và Việt Nam đều muốn cải thiện mối quan hệ, tiến tới bình thường hóa giữa hai nước.

Ngày 16/1/1989, Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị số 08/CT về việc "Nhân dân các xã giáp biên giới phía Bắc qua lại biên giới Việt Nam - Trung Quốc". Chỉ thị quy định:

"1- Đồng ý để Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc có thể căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương mà cho phép: Nhân dân có hộ khẩu thường trú trong khu vực biên giới của Việt Nam được qua lại mua bán những hàng hóa thiết yếu cho đời sống và sản xuất hằng ngày và thăm hỏi người thân. Nhân dân Trung Quốc ở phía biên giới Trung Quốc - Việt Nam được sang xã bên kia biên giới mua bán và thăm người thân với điều kiện tuân thủ luật pháp Việt Nam; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của nhà chức trách Việt Nam.

2- Với sự hướng dẫn của Bộ Nội vụ, Bộ Nội thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới, căn cứ vào thực tế của địa phương mà đề ra những quy định về việc đi lại, mua bán của nhân dân hai bên trên nguyên tắc, tạo thuận lợi cho nhân dân, nhưng không được phương hại đến trật tự an ninh và quốc phòng, giữ vững chủ quyền của ta...".

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Nội vụ, Bộ Tư lệnh đã giao cho đồng chí Trịnh Trân chỉ đạo các đơn vị tuyến biên giới phía Bắc nghiêm chỉnh thực hiện Chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng, tổ chức bố trí lại lực lượng tuyến biên giới Việt - Trung cho phù hợp; tiến hành tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu và đường tiểu ngạch; có phương án chống kẻ xấu, bọn thám báo xâm nhập móc nối, xây dựng cơ sở ngầm hoặc tổ chức các hoạt động bất hợp pháp gây rối trật tự an ninh ở các địa phương. Ông đã trực tiếp cử cán bộ Tham mưu sang Cục Xuất nhập cảnh của Bộ Nội vụ để thống nhất làm mẫu hộ chiếu, chứng minh thư, giấy thông hành, phục vụ cho việc qua lại biên giới.

Với kiến thức và kinh nghiệm hoạt động đối ngoại Biên phòng, ông và Bộ Tư lệnh đã tham mưu để Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao tham khảo thêm trong việc tổ chức các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai nước tại nhà khách quốc tế Điếu Ngư Đài ở Thủ đô Bắc Kinh.

Tháng 4/1990, ông được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng bổ nhiệm chức Quyền Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và tháng 9/1991 ông được bổ nhiệm là Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Qua những năm tháng đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh, ông vừa lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt vai trò của người chủ trì; đồng thời luôn khiêm tốn lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm, bồi đắp cho mình kiến thức tương đối toàn diện; một tác phong chỉ đạo linh hoạt; một lối sống dung dị, mẫu mực. Không chỉ am tường về công tác Tham mưu, ông còn thể hiện được năng lực trong chỉ đạo các công tác Nghiệp vụ, công tác đảng, công tác chính trị và xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng.

Đại tá Nguyễn Hải, nguyên Cục phó Cục Trinh sát đã có lần kể, Trung tướng Trịnh Trân là người rất coi trọng công tác Tình báo Biên phòng. Ông thấy rất rõ tầm quan trọng của nó trong công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Ông thường xuyên chỉ đạo Cục Trinh sát kế hoạch củng cố mạng lưới, mở rộng khả năng hoạt động, nhằm thu thập nhiều tin tức có giá trị để đánh địch trước mắt và lâu dài. Dưới sự chỉ đạo của ông, công tác Tình báo đã có nhiều đổi mới. Đến cuối năm 1993, toàn lực lượng đã có 17 đơn vị triển khai phương thức bí mật bất hợp pháp; 7 đơn vị kết hợp cả hai phương thức hoạt động là công khai hợp pháp và bí mật bất hợp pháp. Riêng Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã triển khai đưa trinh sát ra ngoại biên hoạt động, lấy phiên hiệu "Đội K", bước đầu tạo vỏ bọc tốt, được bạn Lào ủng hộ, đồng thời nắm được nhiều tin tức về hoạt động của cụm phỉ Gia Xay Phia.

Gia Xay Phia là tên cầm đầu tổ chức phỉ ở Phù Xa Lênh (Lào). Tổ chức phản động này năm 1986 đã bị phá. 5 tên bị bắt, nhưng do xử lý chưa triệt để nên chúng đã hoạt động trở lại. Chúng đã cho tay chân về móc nối với một số đối tượng ở Buộc Mú, Phà Mòi để thành lập tổ chức phản động "Mặt trận dân chủ người Mông". Sau khi xác định nguồn tin, Trung tướng Trịnh Trân chỉ đạo xác lập chuyên án KT78, nhằm phát hiện âm mưu, ý đồ, hệ thống tổ chức, đường dây hoạt động của mặt trận này; từ đó có phương án đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động phục kích, tập kích, xưng vua, nổi phỉ của chúng ở địa bàn phía Nam đường 7, Kỳ Sơn, Tương Dương (Nghệ An). Dưới sự chỉ đạo của Tư lệnh Trịnh Trân, chỉ sau một thời gian ngắn, các lực lượng đánh án đã bắt hai đối tượng Lầu Tống Kê và Lầu Bá Tếch, cơ sở ngầm của phỉ cài cắm ở bản Nậm Khiên, xã Nậm Càn, Kỳ Sơn; vô hiệu hóa được 14 đối tượng có liên hệ với phỉ, đồng thời nắm được tổ chức, lực lượng, âm mưu, ý đồ của cụm phỉ Gia Xay Phia, từ đó giúp nước Bạn truy quét toàn bộ cụm phỉ này.

Ngày 4/2/1990, theo nguồn tin cơ sở ngoại biên của trinh sát Quảng Trị báo, có một toán phản động lưu vong người Việt đã xuất hiện ở bản Cò Sứa, xã Nọong, huyện Mường Noọng (Lào). Toán phản động này đang móc nối vào một số đối tượng người Lào để tìm đường xâm nhập vào Việt Nam (qua hướng Đường 9, Quảng Trị). Sau khi kiểm tra, xác minh nguồn tin, thấy chính xác, Cục Trinh sát báo cáo Tư lệnh Trịnh Trân và được ông chỉ đạo thành lập Chuyên án mang bí số AN42, với quyết tâm đón bắt bằng được toán phản động lưu vong để khai thác lấy tài liệu, phục vụ cho công tác đánh địch trước mắt và lâu dài. Tư lệnh Trịnh Trân chỉ rõ, địa bàn trọng điểm là đoạn biên giới do Đồn Biên phòng 613 và 617 phụ trách. Đúng như dự kiến của Tư lệnh, sau 2 tuần phối hợp với bạn Lào bám nắm đối tượng ở huyện Mường Noọng, đêm 22/2, tổ trinh sát ngoại biên phát hiện chúng xuất hiện ở bờ sông biên giới của Đồn 617. Khi đội mật phục của Đồn Biên phòng 617 xông ra vây bắt thì bọn chúng dùng súng, lựu đạn chống trả quyết liệt rồi rút chạy vào rừng Ma. Ban chuyên án được tăng cường (gồm cả công an và dân quân) bao vây rừng Ma, dùng loa phát thanh kêu gọi đầu hàng, kết hợp sử dụng chó nghiệp vụ truy kích. Đến 18 giờ cùng ngày, ta đã bắt được 4 tên, thu vũ khí, điện đài và nhiều tài liệu quan trọng khác.

Qua khai thác, ta biết được, bọn này thuộc lực lượng của tổ chức phản động lưu vong mang tên "Đảng nhân dân hành động" do Thái Quang Trung cầm đầu, có căn cứ tại Mục Đa Hán (Thái Lan). Nhóm phản động lưu vong này được giao nhiệm vụ thực hiện "kế hoạch vượt sóng", xâm nhập về Việt Nam để xây dựng cơ sở, tuyển chọn người, hình thành đường dây đưa người từ nội địa Việt Nam lên biên giới, qua Lào, sang Thái, để tổ chức huấn luyện thành gián điệp, rồi tung trở lại Việt Nam phá hoại.

Chuyên án AN42 kết thúc thắng lợi đã khẳng định việc dự báo, đánh giá tình hình, đề ra chủ trương tăng cường công tác chống xâm nhập, xây dựng thế trận an ninh nhân dân của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh mà trực tiếp là Tư lệnh Trịnh Trân là đúng đắn. Đồng thời, đây cũng là bài học về tính chủ động, sáng tạo trong công tác phối hợp hiệp đồng với bạn Lào và các địa phương, thực hiện kế hoạch chống bọn phản động lưu vong xâm nhập, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Đại tá, Anh hùng Trần Văn Trí, Chỉ huy trường Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã nói về Tư lệnh Trịnh Trân: "Trong công tác bảo vệ an ninh biên giới, Tướng Trịnh Trân là người có tầm nhìn bao quát chiến lược". Để minh chứng cho nhận định của mình, ông kể cho tôi nghe câu chuyện về Tư lệnh Trịnh Trân chỉ đạo chống phỉ ở Nghệ An: Nhận được báo cáo của Bộ đội Biên phòng Nghệ An về một toán phỉ bị ta bắt từ căn cứ ngoài biên giới. Chúng có mang theo 50 triệu đồng tiền Việt Nam (lúc đó giá trị rất lớn) giao cho Thào Bá Chía và Lý Cha Thào ở Thẩm Bình (Việt Nam) nhờ mua vũ khí tiếp tế cho phỉ Lào (Thào Bá Chía là đối tượng kiểm tra nghiệp vụ của Trinh sát biên phòng Nghệ An).

Tư lệnh Trịnh Trân liền chỉ đạo Trinh sát biên phòng Nghệ An nhanh chóng điều tra, xác minh và báo cáo Tư lệnh ngay. Sau khi điều tra, thấy cần phải đi sâu nắm chắc âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các cụm phỉ và các cơ sở của chúng cài cắm trên đất ta, Tư lệnh Trịnh Trân chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An xác lập chuyên án đấu tranh. Ngày 10/6/1994, Chuyên án V548 được xác lập. Trưởng ban là đồng chí Đại tá Trần Văn Trí, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An. Lực lượng tham gia trực tiếp đánh án gồm 15 cán bộ trinh sát; lực lượng phối hợp gồm 37 cán bộ, chiến sĩ thường xuyên tuần tra, kiểm soát, bí mật theo dõi hoạt động của bọn phỉ. Tháng 4/1995, đồng chí Trần Văn Trí nghỉ hưu. Đồng chí Đại tá Trương Gia Miễn được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng, đồng thời là Trưởng ban Chuyên án V548.

Sau 2 năm kiên trì đấu tranh, dù địa bàn đấu tranh Chuyên án V548 rất phức tạp, toàn rừng rậm, nhiều khe suối, thời tiết khắc nghiệt, song với tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, được sự chỉ đạo trực tiếp của Tư lệnh Trịnh Trân và có lúc ủy nhiệm cho đồng chí Nguyễn Tấn, Phó Tư lệnh và Cục Trinh sát theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo cụ thể, lực lượng đánh án đã thực hiện nhiều kế hoạch trinh sát, vận dụng nhiều chiến thuật, cách đánh như: Vận động tấn công chính trị, tác động đầu thú, câu nhử, mật phục, kéo địch ra để bắt... Kết quả, chuyên án đã làm rõ được 3 cụm phỉ ở ngoại biên, phát hiện 11 đối tượng trên khu vực biên giới của ta nằm trong đường dây cung cấp lương thực, vũ khí cho vùng phỉ, thu 47 súng các loại và nhiều hàng hóa mà đối tượng chuẩn bị đưa sang vùng phỉ. Trong quá trình thực hiện kế hoạch câu nhử, lực lượng phỉ đã chống trả quyết liệt, buộc lực lượng ta phải nổ súng tiêu diệt những tên phỉ ngoan cố, bắn bị thương một tên, bắt sống 6 tên, lực lượng đánh án an toàn.

Các đối tượng hoạt động trong Chuyên án V548 rất phức tạp. Xét về động cơ tham gia thì phần lớn đối tượng là do nhu cầu kinh tế thôi thúc và sự ràng buộc về dân tộc, thân tộc, anh em dòng họ. Vì vậy, khi Chuyên án V548 kết thúc, trên quan điểm thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Tư lệnh Trịnh Trân chỉ đạo về xử lý đối tượng, lấy mục đích thu hồi vũ khí là chính. Những trường hợp đối tượng phạm pháp đặc biệt nghiêm trọng, có tổ chức, đã cấu thành yếu tố truy cứu hình sự thì mới bắt, xử lý theo pháp luật. Còn các đối tượng phạm tội nhẹ, chưa cấu thành yếu tố phạm pháp hình sự thì tổ chức giáo dục, cảm hóa, đưa đối tượng về cộng đồng dân cư để giáo dục. Quan điểm này đã được Tỉnh ủy Nghệ An đồng tình và rất khen ngợi.

"Công tác nghiên cứu khoa học để phục vụ cho quá trình tổ chức, xây dựng lực lượng Công an nhân dân vũ trang, Bộ đội Biên phòng luôn được các thế hệ lãnh đạo Bộ Tư lệnh quan tâm. Ngay từ năm 1966, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đã chủ trương đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học quân sự nói chung và các công trình nghiên cứu khoa học về lực lượng Công an nhân dân vũ trang nói riêng. Nhiệm vụ này được giao cho đồng chí Trịnh Trân, lúc đó là Cục phó Cục Tham mưu, kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu, phụ trách. Hai công trình đầu tiên đồng chí Trịnh Trân tổ chức nghiên cứu là "Công tác tham mưu Công an nhân dân vũ trang" và "Quy định chức trách người chỉ huy các cấp trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang". Đến năm 1990, qua nhiều lần hội thảo và nghiệm thu, hai công trình này đã được Bộ Tư lệnh quyết định cho triển khai thực hiện trong toàn lực lượng.

Về biên soạn chương trình, tài liệu giáo khoa ở trong nhà trường, Thiếu tướng Nguyễn Kim Khanh nguyên là giáo viên, Trưởng khoa Quân sự trường Trung cao Biên phòng đã cho tôi biết: Nhiệm vụ của trường Trung cao Biên phòng là bổ túc cán bộ Chỉ huy Biên phòng. Sau hai năm đào tạo, các học viên ra trường sẽ trở thành những Chỉ huy Biên phòng cấp tỉnh với ba chuyên ngành Tham mưu, Chính trị, Trinh sát. Lúc ấy, chuyên ngành Chính trị sử dụng tài liệu của Học viện Chính trị; Học viện Nguyễn Ái Quốc, biên soạn thêm phần thực tiễn Bộ đội Biên phòng. Chuyên ngành Trinh sát sử dụng tài liệu của Trường Đại học An ninh có bổ sung phần sử dụng "lực lượng ngầm" của Biên phòng. Là Trưởng khoa Quân sự Biên phòng, khi ấy đồng chí Khanh thấy khó nhất là tài liệu chuyên ngành Tham mưu Biên phòng. Các tài liệu để tham khảo trong các nhà trường của ta đều không có. Chỉ có tài liệu của Liên Xô nhưng không phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Dựa vào những kinh nghiệm thực tiễn đúc kết gần 30 năm (1959-1989) của lực lượng và các tổng kết công tác hằng năm, Thiếu tướng Trịnh Trân tiến hành trực tiếp biên soạn thành giáo án để giảng dạy cho học viên. Đây là tập tài liệu mở đầu, tuy còn sơ khai nhưng nó vô cùng quý giá. Sau được nâng lên hoàn chỉnh thành giáo trình, trở thành xương sống của toàn bộ nội dung đào tạo chuyên ngành Tham mưu Biên phòng. Không chỉ lúc ấy mà đến tận bây giờ, nó vẫn còn nguyên giá trị và được sử dụng giảng dạy. Sau này giáo trình được bổ sung hoàn chỉnh thêm để làm tài liệu giảng dạy cho hệ đào tạo sau đại học. Có thể nói, đây còn là một công trình khoa học quân sự được nghiên cứu công phu về tổ chức công tác tham mưu và phương thức tác chiến của Bộ đội Biên phòng.

Để thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia thành một đạo luật chính thức và qua đó nâng cao vai trò, vị thế, nhiệm vụ, chức năng của Bộ đội Biên phòng, ngày 8/10/1984, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chủ động ra quyết định thành lập Ban nghiên cứu soạn thảo bước đầu Luật Biên giới quốc gia, do đồng chí Trịnh Trân làm Trưởng ban. Đại tá Nguyễn Tấn, Phó Tham mưu trưởng làm phó ban và cùng 5 chuyên viên giúp việc. 4 năm sau, vào tháng 2/1988, dự thảo "Luật Biên giới quốc gia" đã bước đầu hoàn thành bản thảo. Sau 15 lần chỉnh sửa dự thảo và tranh thủ ý kiến phối hợp của Ban Biên giới, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp, làm cơ sở để sau đó Bộ Quốc phòng tiếp tục hoàn chỉnh trình lên Quốc hội Khóa XI thông qua.

Với tầm nhìn sâu rộng, có ý nghĩa chiến lược về bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng, ông nhận thấy hiện tại thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được tăng cường, nhất là trên các địa bàn chiến lược, xung yếu phức tạp, nhưng công tác tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức về chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, về chức năng nhiệm vụ cũng như đặc điểm của Bộ đội Biên phòng với 3 tính chất quốc phòng, an ninh, đối ngoại cần phải được triển khai, giáo dục, phổ biến rộng rãi hơn nữa; đây là điều mà ông nung nấu và thiết tha mong đợi nếu nó được thực hiện.

Trung tướng Tăng Huệ, nguyên Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nói về vấn đề này như sau: "Trung tướng Trịnh Trân là người chuẩn bị nội dung và khởi xướng chủ trương "đưa nội dung công tác Biên phòng vào chương trình đào tạo của các nhà trường quân đội, trước hết là Học viện Quốc phòng". Mục đích nhằm trang bị những kiến thức cần thiết về lãnh thổ, biên giới quốc gia; xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới và các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác biên phòng và quan điểm biên phòng toàn dân. Trên cơ sở đó, tạo sự đồng cảm của các lực lượng vũ trang; phối hợp của các quân khu, quân binh chủng, các ngành, các tỉnh, thành với Bộ đội Biên phòng càng được tốt hơn.

Đây là việc rất lớn và quan trọng, mới mẻ và khó khăn, nhưng nếu làm được sẽ góp phần tạo nên sự ổn định và vững chắc của Bộ đội Biên phòng, tạo nhiều thuận lợi để bảo vệ biên giới. Bởi Học viện Quốc phòng là nơi chuyên đào tạo cán bộ cao cấp của các lực lượng vũ trang; của các Ban, Bộ, ngành ở Trung ương và các tỉnh, thành. Học viện Quốc phòng cũng là cơ sở chính đào tạo cán bộ cao cấp về quân sự cho một số nước Bạn. Đồng chí Trịnh Trân là người trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị giáo trình, tài liệu bài giảng, phim ảnh minh họa... Chủ trương này đã được Cục Nhà trường, Phòng Huấn luyện của Học viện Quốc phòng tích cực ủng hộ, giúp đỡ. Sau đó Bộ Quốc phòng và lãnh đạo Học viện Quốc phòng chấp thuận đưa vào chương trình giảng dạy của Học viện".

Đồng chí Thiếu tướng Phạm Hữu Bồng và sau đó, đồng chí Thiếu tướng Tăng Huệ được đồng chí Tư lệnh Trịnh Trân cử đi giảng bài tại Học viện. Chương trình và nội dung giảng dạy đạt được kết quả tốt và được Học viện Quốc phòng khen ngợi. Ý tưởng ban đầu đã trở thành hiện thực. Từ Tư lệnh Trịnh Trân đến các đồng chí Phạm Hữu Bồng, đồng chí Tăng Huệ đều rất vui mừng và nhận thấy: Qua thực tiễn, số học viên lần lượt ra trường trở về đơn vị công tác đã tích cực ủng hộ và phối hợp với Bộ đội Biên phòng, tăng cường đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc ngày một tốt hơn.

Trước yêu cầu bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Ngày 18/3/1995, Bộ Chính trị đã họp nghe báo cáo và cho ý kiến về đề xuất của Đảng ủy Công an Trung ương chuyển Bộ đội Biên phòng về Bộ Quốc phòng. Trong khi các ý kiến thảo luận còn khác nhau, Tư lệnh Trịnh Trân được mời dự họp. Ông đã phát biểu ý kiến, trình bày rõ những băn khoăn lo lắng qua 35 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội Biên phòng, đã có 4 nghị quyết của Bộ Chính trị, chuyển đi chuyển lại, lúc ở Bộ Quốc phòng, lúc ở Bộ Công an mà vẫn không có sự ổn định tổ chức. Ông nêu rõ nguyên nhân hạn chế, tồn tại trong tổ chức, chỉ đạo, có lúc chỉ nhấn mạnh phòng thủ tác chiến, có lúc chỉ nhấn mạnh chính trị nghiệp vụ. Hiện nay công tác quản lý Nhà nước về biên giới quốc gia rất nặng nề, vừa phải bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, vừa phải xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, vừa phải giữ vững kỷ cương phép nước, vừa phải phục vụ mở cửa giao lưu hợp tác quốc tế; đồng thời kết hợp chặt chẽ công tác Biên phòng với phát triển kinh tế, xã hội. Bộ đội Biên phòng phải mang 3 tính chất An ninh, Quốc phòng, Đối ngoại. Ông nêu ra những vấn đề tinh túy nhất của các nghị quyết trước đây, nhất là Nghị quyết 58... và sự ra đời Quyết định 419 của Bộ Quốc phòng để khắc phục những yếu kém trong thực hiện Nghị quyết 22. Bài phát biểu của ông có ý nghĩa thiết thực, giúp cho Bộ Chính trị có cơ sở kết luận, chỉ đạo soạn thảo nghị quyết mới, chính là Nghị quyết 11 về "Xây dựng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới" được ban hành ngày 8/8/1995.

Nghị quyết Bộ Chính trị chỉ rõ: "Bộ đội Biên phòng là một lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng và Nhà nước, là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, đồng thời là một lực lượng thành viên của khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới". Nhiệm vụ Biên phòng trong tình hình mới rất toàn diện và phức tạp bao gồm: Bảo vệ biên giới trên bộ, trên biển, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chống xâm nhập trái phép và chống buôn lậu qua biên giới; bảo vệ tài nguyên đất nước; xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị, hợp tác phát triển với các nước láng giềng. Đó là nhiệm vụ rất to lớn, nặng nề và lâu dài, nhằm góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của nhân dân ta là: Xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị cũng nêu lên một số vấn đề cơ bản về tổ chức chỉ huy thống nhất từ Trung ương đến Bộ Chỉ huy các tỉnh, thành, hệ thống đồn, trạm biên phòng và cơ chế quản lý của Nhà nước; về tổ chức Đảng và cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Bộ đội Biên phòng.

Đây là lần đầu Đảng ta có Nghị quyết toàn diện về công tác biên phòng và xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng, phải nói đến ý tưởng ban đầu của người tiền nhiệm là Trung tướng Tư lệnh Đinh Văn Tuy, người tiếp nối có vai trò quan trọng đó là Trung tướng Trịnh Trân. Là một trong những lớp người đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân vũ trang - Bộ đội Biên phòng, từng chứng kiến những thời khắc chuyển đổi, những thăng trầm của lực lượng, Tư lệnh Trịnh Trân hiểu rất rõ, cần phải có sự ổn định tổ chức của lực lượng chuyên trách, trên cơ sở có mô hình tổ chức phù hợp, xuất phát từ đặc điểm nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia của Tổ quốc. Vì vậy, trong quá trình chuẩn bị dự thảo nghị quyết, ông cùng tập thể Thường vụ, Bộ Tư lệnh đóng góp rất nhiều ý kiến, trong đó việc đề xuất với Bộ Chính trị, ông lạc quan, tin tưởng vào tính tất yếu khách quan của mô hình tổ chức chỉ huy theo 3 cấp từ Bộ Tư lệnh đến các tỉnh, thành và đơn vị cơ sở là đồn Biên phòng đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn và hiệu quả, được các cấp ủy Đảng các địa phương đồng tình ủng hộ và đề nghị xác định rõ Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc.

Ngày 8/9/1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị 58/CT-TW về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị. Chấp hành Chỉ thị 58/CT-TW của Ban Bí thư, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tổ chức Hội nghị quán triệt và thực hiện Nghị quyết 11 cho cấp ủy, chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành, cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh. "Về lãnh đạo học tập quán triệt và thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị". Đảng ủy yêu cầu các cấp ủy phải ra nghị quyết chuyên đề và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 11 một cách cụ thể. Trong tổ chức triển khai thực hiện cần lưu ý quản lý chặt chẽ nội bộ; giữ vững đoàn kết và kỷ luật; đề phòng sơ hở; nảy sinh cơ hội; vi phạm kỷ luật, pháp luật; gây chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ. Đoàn kết với các cấp quân đội, công an theo quy chế chung; chống mọi biểu hiện biệt lập, mất đoàn kết. Nghị quyết Đảng ủy nhấn mạnh: Tập trung xây dựng lực lượng có số lượng hợp lý, có chất lượng cao đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng đồng bộ, toàn diện; vận dụng đúng quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, xây dựng tư tưởng, bản lĩnh vững vàng, chấp hành nghiêm mọi quy định, xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng vững vàng trong mọi tình huống".

Trên cả hai cương vị Tư lệnh, đồng thời là Bí thư Đảng ủy Bộ đội Biên phòng, ông luôn đề cao tính đảng, tính nguyên tắc, quyết đoán trong chỉ huy, tôn trọng nguyên tắc lãnh đạo của tập thể đảng ủy, thường vụ, trên cơ sở coi trọng xây dựng quy chế và duy trì thực hiện nghiêm các quy chế lãnh đạo, quy chế làm việc duy trì nề nếp chế độ sinh hoạt lãnh đạo, sinh hoạt học tập, tự phê bình, phê bình, vừa bảo đảm việc ra nghị quyết lãnh đạo toàn diện, vừa có các nghị quyết chuyên đề sát thực, vừa phát huy vai trò của Bộ Tư lệnh, theo chức trách nhiệm vụ trong cụ thể hóa triển khai thực hiện các chủ trương lãnh đạo; đồng thời ông coi trọng việc chỉ đạo xây dựng các tổ chức Đảng phải mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đảng viên phải gương mẫu, tiên phong. Phát huy vai trò lãnh đạo, nhất là các chi bộ đồn Biên phòng ông lưu ý phải tập trung lãnh đạo việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng và các tỉnh, thành ủy trong công tác Biên phòng và công tác xây dựng đơn vị, xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh. Với công tác cán bộ ông là người đặc biệt quan tâm đến việc phát hiện nguồn cán bộ chủ trì các cấp và việc đào tạo bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ với tầm nhìn xa, bước đi thích hợp.

Từ tháng 9/1991, đồng chí Trịnh Trân được chỉ định là Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương. Đồng thời, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội và là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội khóa IX.

Là đại biểu Quốc hội, đồng thời lại là người đứng đầu lực lượng Bộ đội Biên phòng có các đơn vị cơ sở đóng quân trên địa bàn cả nước, ông có điều kiện đi tới mọi vùng miền. Đến đâu ông cũng quan tâm, tìm hiểu đời sống nhân dân, nắm bắt tình hình bố phòng, phòng thủ và an ninh trật tự, an toàn xã hội. Ông đặc biệt lưu ý đến các vùng xung yếu; những âm mưu và các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch đối với nước ta. Ông được các cấp, các ngành báo cáo tình hình thực tiễn về công tác An ninh - Quốc phòng của địa phương; đồng thời lắng nghe ý kiến của nhân dân phản ánh qua các cuộc tiếp xúc cử tri, để từ đó có cơ sở báo cáo với Quốc hội và trao đổi với các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu giải quyết.

Đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; nhiều lần ông kiến nghị với Quốc hội qua các ý kiến phát biểu sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, có tầm chiến lược của ông và việc chủ động sớm triển khai, nghiên cứu của Bộ đội Biên phòng trong soạn thảo bước đầu luật biên giới quốc gia, là những đóng góp quan trọng làm cho vấn đề nghiên cứu, ban hành các đạo luật, pháp luật, nghị quyết về xây dựng tổ chức Bộ đội Biên phòng và các chính sách ưu tiên phù hợp với điều kiện của lực lượng Bộ đội Biên phòng được triển khai tích cực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác Biên phòng trong tình hình mới.

Nhằm nâng cao hiệu quả "Ngày Biên phòng", ông chỉ đạo Cục Chính trị nghiên cứu giúp cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh tham mưu, đề xuất lên Bộ Quốc phòng kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để sau này Chính phủ ban hành Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 28/3/1998 về "Tăng cường chỉ đạo xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; củng cố quốc phòng-an ninh ở các xã, phường biên giới, hải đảo". Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã cụ thể hóa một số yêu cầu về củng cố quốc phòng-an ninh, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, mở các lớp dạy chữ, khám chữa bệnh; đổi mới phương thức canh tác, phát triển đường giao thông, cung cấp điện và các phương tiện nghe nhìn... cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Đây chính là quan điểm, là bước phát triển mới trong nhận thức về Công tác Vận động quần chúng của Đảng, Nhà nước nhằm làm cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên biên giới từng bước được thay đổi, khởi sắc, trận địa lòng dân không ngừng được củng cố, phát huy trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ biên giới.

61 năm tham gia cách mạng, 60 năm tuổi đảng, 47 năm gắn bó với sự nghiệp Biên phòng, đối với đồng chí Trịnh Trân đây là một cuộc trường chinh không nghỉ với đầy ắp kỷ niệm, dồn nén những lo toan, suy nghĩ; những trăn trở, buồn vui. Đóng góp của ông đối với sự lớn mạnh, trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân vũ trang - Bộ đội Biên phòng và trong công cuộc chiến đấu, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc là viết thêm những trang lịch sử chói sáng. Hình ảnh của ông là dấu ấn của một con người đầy tâm huyết, bản lĩnh và trí tuệ, mẫu mực, giản dị, chân thành với một phẩm chất tốt đẹp, đầy trách nhiệm; đồng thời là người sống chan hòa, thủy chung, bao dung, gắn bó với bạn bè, đồng đội, được mọi người kính trọng và yêu mến.

Trong cuộc sống đời thường, ông hết lòng thương yêu, trọn vẹn nghĩa tình với đại gia đình và làm tròn bổn phận của người chồng, người cha. Và vợ con ông cũng luôn hết lòng với ông, là chỗ dựa vững chắc để ông toàn tâm, toàn ý với sự nghiệp của mình. Những lúc ông ốm đau, nhất là thời kỳ ông lâm bệnh nặng, vợ ông thực sự là người phụ nữ chu toàn, lo từng bữa ăn, giấc ngủ, nâng từng bước chân để ông vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, để ông tiếp tục đảm đương trọn vẹn cương vị, trọng trách của mình đối với sự nghiệp bảo vệ biên giới. Ông vẫn thường nói "của chồng, công vợ", và cũng đúng như câu dân gian đã tổng kết “sự thành công của người chồng bao giờ cũng có bóng dáng của người vợ".

Nhớ về ông, ta thấy hình ảnh của một vị Tướng tài năng, đức độ, một con người mà cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và đồng bào các dân tộc vùng biên cương Tổ quốc luôn khắc ghi và nhắc mãi tên ông.

Văn Bùi - Bằng Phan

Bình luận

ZALO