Biên phòng - “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và sự chung tay, góp sức của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, quê hương tôi đang khởi sắc theo thời gian. Chúng tôi rất tự hào khi chứng kiến Trường Sa đang “xích lại” gần hơn với đất liền..."
Bài 3: Trường Sa mắt thấy, tai nghe
Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được triển khai vào thực tế đang từng bước đưa huyện đảo Trường Sa khởi sắc, giàu mạnh. Các đảo của huyện đảo Trường Sa đều đã có điện sinh hoạt, sóng điện thoại bao phủ, nhiều đảo lớn có trường học, trạm y tế, các công trình thiết chế văn hóa, cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, âu neo đậu cho tàu thuyền tránh trú bão... Từ đó, "thế trận quân - dân" ở Trường Sa không ngừng được vun đắp, phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Làng quê bình yên giữa biển cả
Trong hải trình dài, chúng tôi được gặp và nghe ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa chia sẻ: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và sự chung tay, góp sức của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, quê hương tôi đang khởi sắc theo thời gian. Chúng tôi rất tự hào khi chứng kiến Trường Sa đang “xích lại” gần hơn với đất liền, toàn bộ các đảo đều đã có sóng điện thoại, có điện, nước sinh hoạt đầy đủ, nhiều đảo lớn có trường học, cơ sở y tế, âu neo đậu tàu thuyền... phục vụ quân, dân trên đảo và ngư dân từ đất liền ra khai thác hải sản". Câu chuyện của Chủ tịch UBND huyện Trường Sa càng làm mọi người háo hức, mong chờ sớm được đặt chân lên vùng đất của Tổ quốc nằm giữa trùng khơi.
Sau rất nhiều giờ đồng hồ, khi mặt trời vừa nhô lên khỏi mặt biển, tàu đã thả neo, đảo Song Tử Tây - địa điểm đầu tiên trong hải trình đã hiện lên rõ nét với một màu xanh của cây cối, âu neo đậu tàu thuyền, ngọn hải đăng cao sừng sững... Mọi người nhanh chóng dồn về mạn tàu để được tận mắt nhìn thấy và chờ hiệu lệnh được đặt những bước chân đầu tiên lên đảo. Sự mệt mỏi sau hải trình kéo dài xuất phát từ đất liền trong mọi thành viên đoàn dường như biến mất, thay vào đó là sự xúc động, bồi hồi.
Từ sáng sớm, tại âu tàu, quân và dân trên đảo Song Tử Tây đã chờ đón đồng bào từ đất liền ra thăm đảo. Trong phút gặp mặt, mọi người trao cho nhau những cái ôm thật chặt như người trong cùng một gia đình được đoàn tụ sau thời gian xa cách. Tham gia Lễ chào cờ Tổ quốc, dưới nắng vàng, lá cờ đỏ sao vàng tung bay, mọi người cùng hát Quốc ca hào hùng của dân tộc. Trong phút giây thiêng liêng ở vùng đất giữa trùng khơi, đã có nhiều người không cầm được nước mắt.
Rời Song Tử Tây, đoàn chúng tôi còn được đến thăm các đảo: Sinh Tồn, Cô Lin, Đá Tây A, Trường Sa... Được mắt thấy, tai nghe càng thêm thán phục, biết ơn công lao của các bậc tiền nhân đã xác lập, khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ông Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thực tế, khi đến thăm Trường Sa, tôi càng thêm tự hào về công lao của các bậc tiền nhân, khâm phục ý chí của quân và dân đang thực hiện nhiệm vụ, sinh sống nơi vùng đất giữa trùng khơi của Tổ quốc. Cùng với các thiết chế văn hóa, các âu neo đậu tàu thuyền, sự xanh tốt của cây cối trên các đảo của Trường Sa tạo cho mọi người cảm giác như đang ở một vùng quê yên bình trong đất liền”.
Vững vàng "thế trận quân - dân"
Trong điều kiện thời tiết thuận lợi, trên hải trình ra thăm quân, dân Trường Sa và Nhà giàn DK1, chúng tôi bắt gặp rất nhiều tàu cá của ngư dân nước ta đang hành nghề khai thác hải sản trên biển. Đặc biệt, ở vùng biển gần các đảo: Song Tử Tây, Sinh Tồn, Côn Lin, Đá Tây A, Trường Sa..., mật độ xuất hiện của tàu cá càng lớn hơn nhiều.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được những người lính Hải quân chia sẻ, ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ và phía Nam luôn xác định vùng biển Trường Sa là ngư trường truyền thống. Những năm gần đây, nhiều đảo thuộc huyện đảo Trường Sa có âu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, đội dịch vụ hậu cần nghề cá càng làm bà con ngư dân tin tưởng bám vùng biển này để hành nghề.
Cùng với lực lượng chấp pháp, đội dịch vụ hậu cần nghề cá tại các điểm đảo sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; cung cấp dầu, đá lạnh với giá cả bằng trong đất liền; sửa chữa tàu cá, cấp nước ngọt miễn phí cho ngư dân...
Khi chúng tôi đến đảo Đá Tây A, trong khu neo đậu tàu thuyền có nhiều phương tiện của ngư dân đang vào “tiếp” nhiên liệu, đá lạnh, nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cho quá trình đánh bắt hải sản. Ông Vũ Chí Thuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây A cho biết: “Khu neo đậu tàu thuyền trên đảo có thể sắp xếp được trên 200 tàu cá công suất lớn vào tránh trú bão, cùng với đó là khu nhà ở đủ bố trí cho khoảng 1.000 ngư dân nghỉ ngơi, sinh hoạt khi cần thiết. Bên cạnh đó là xưởng sản xuất, cung cấp đá lạnh, dầu, nhu yếu phẩm cho ngư dân với giá cả như trong đất liền. Chúng tôi cũng có bể chứa nước ngọt trữ lượng lớn, đội thợ lành nghề và trang thiết bị đủ năng lực sửa chữa mọi hỏng hóc của các loại tàu cá”.
Sau khi bán hải sản cho các tàu dịch vụ ra thu mua, anh Nguyễn Thái Hưng, chủ tàu cá BTh97659TS, huyện Phú Qúy, tỉnh Bình Thuận cho phương tiện vào đảo Đá Tây A tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm cần thiết để tiếp tục bám biển hành nghề. Cán bộ Trạm Biên phòng đảo Đá Tây A, Đồn Biên phòng Trường Sa cũng đến gặp anh Hưng để tuyên truyền pháp luật, động viên ngư dân hành nghề. Còn dưới sự vận hành của công nhân, đá lạnh lần lượt chạy từ xưởng sản xuất theo băng chuyền, qua máy xay tự động, rồi đổ thẳng xuống hầm tàu.
Suốt hải trình, chúng tôi cũng ghi nhận, cùng với dịch vụ hậu cần nghề cá, trên các đảo của huyện đảo Trường Sa còn có bệnh xá với đội ngũ y, bác sĩ giỏi và trang thiết bị hiện đại để kịp thời khám, chữa bệnh cho quân và dân. Chỉ trong quý I/2023, riêng Bệnh xá đảo Song Tử Tây đã tiếp nhận khám, cấp thuốc miễn phí cho 72 lượt ngư dân gặp nạn khi đang đánh bắt hải sản trên biển, trong đó có nhiều trường hợp nguy hiểm đến tính mạng.
Điển hình, vào tháng 2/2023, kíp trực của Bệnh xá đảo Song Tử Tây đã tiếp nhận bệnh nhân Lê Ngọc Huy (sinh năm 1989, quê ở Phú Yên), thuyền trưởng tàu cá PY96238TS, hành nghề câu cá ngừ trên vùng biển Trường Sa. Khi vào cơ sở y tế trên đảo, anh Huy trong tình trạng hoa mắt, sau đó bị liệt nửa người bên trái. Nhưng được sự tận tình chăm sóc của đội ngũ quân y, sau 9 ngày, bệnh nhân Huy đã ổn định trở lại và theo tàu về đất liền.
Được mắt thấy, tai nghe có thể khẳng định, Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị được triển khai vào thực tế đã giúp huyện đảo Trường Sa từng bước trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bài 4: Lời gửi gắm giữa trùng khơi
Viết Lam - Ngọc Lâm - Thùy An