Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 29/06/2024 09:36 GMT+7

Tủ sách pháp luật - kho tri thức của quân và dân ở khu vực biên giới

Biên phòng - Việc đưa sách, báo, tạp chí đến với cán bộ, chiến sĩ BĐBP và đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến vùng cao biên giới. Đồng thời, xóa dần khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền xuôi và miền núi, củng cố tình đoàn kết quân - dân, giữ gìn an ninh trật tự nơi biên cương của Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Gia Lai tìm hiểu kiến thức thông qua sách, báo tại tủ sách pháp luật của đơn vị. Ảnh: Kiên Quyết

Khu vực biên giới của tỉnh Gia Lai có 48 thôn, làng thuộc 7 xã, 3 huyện (Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông) với tổng dân số là 12.024 hộ/49.109 nhân khẩu. Trên địa bàn biên giới có 22 dân tộc anh em sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Jrai (chiếm 58,06% dân số).

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nằm nâng cao dân trí và đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân vùng biên giới, đưa văn hóa - thông tin, tri thức về cơ sở, trong đó có phong trào đưa sách, báo đến với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ vùng cao, biên giới, nơi tiền tiêu của Tổ quốc...

Từ năm 1993, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP thực hiện việc ký kết liên ngành nhằm đưa văn hóa - thông tin về cơ sở, nhất là ra các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn kịp thời các địa phương tổ chức thực hiện.

Với vai trò hạt nhân của hệ thống thư viện công cộng ở khu vực biên giới, thời gian qua, ngoài nguồn kinh phí được cấp, các đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã trích nguồn kinh phí để xây dựng tủ sách pháp luật, mua sách, báo, tạp chí, các trang thiết bị có liên quan... Ngoài ra, các đồn Biên phòng còn làm tốt công tác xã hội hóa, tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, các ban, ngành, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân và các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp kinh phí để xây dựng tủ sách pháp luật. Đến nay, 100%, các đồn Biên phòng, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, BĐBP Gia Lai đã có tủ sách pháp luật, thư viện, đặt trong phòng Hồ Chí Minh. Bình quân mỗi tủ sách pháp luật có từ 300 đến 500 đầu sách; 20-30 loại báo, tạp chí các loại.

Để có được kết quả trên không thể không nhắc đến vai trò của Cục Chính trị BĐBP, Thư viện tỉnh Gia Lai trong việc chỉ đạo, hướng dẫn luân chuyển sách, báo và tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện. Mỗi năm có hàng trăm đầu sách, báo, tạp chí được luân chuyển, làm cho tủ sách pháp luật ở đồn Biên phòng luôn phong phú về nội dung, kịp thời bổ sung thông tin, đem ánh sáng văn hóa đến với cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc thiểu số trên biên giới. Việc luân chuyển sách, báo, tạp chí tới các tủ sách pháp luật ở đồn Biên phòng cũng được thư viện các huyện biên giới trên địa bàn tỉnh Gia Lai hết sức quan tâm. Thông qua việc nghiên cứu sách, báo, tạp chí, cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng và nhân dân biên giới đã vận dụng linh hoạt kiến thức vào thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Púch, huyện Chư Prông nói: “Nhờ có tủ sách pháp luật của BĐBP mà người dân địa phương đã được mở mang kiến thức cả trong phát triển kinh tế cũng như chấp hành pháp luật. Tủ sách pháp luật đã trở thành địa chỉ để cán bộ, nhân dân có thể tra cứu các thông tin cần thiết liên quan đến cuộc sống và công việc”.

Để đưa kiến thức pháp luật đến với cán bộ, chiến sĩ BĐBP và đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta không chỉ tập trung đầu tư kinh phí lớn, chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp tổ chức thực hiện, mà còn làm tốt công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực, sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, các đoàn thể trong việc xây dựng và phát triển rộng khắp mạng lưới tủ sách pháp luật ở đồn Biên phòng.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Nghị, Phó Chính ủy BĐBP Gia Lai: Trong mỗi ngăn sách, ô sách của tủ sách pháp luật ở đồn Biên phòng có ít nhất trên 100 cuốn sách. Thông qua đó, cán bộ, nhân dân địa phương có điều kiện nghiên cứu, nắm vững và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật. Những kết quả từ việc đưa sách, báo, tạp chí đến với cán bộ, chiến sĩ BĐBP và đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới đã thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể, trong đó có ngành văn hóa và BĐBP đã góp phần nâng cao dân trí, là cầu nối quan trọng đưa pháp luật vào đời sống xã hội ở khu vực biên giới.

Kiên Quyết

Bình luận

ZALO