Biên phòng - Trong những năm qua, các đơn vị thuộc BĐBP Đắk Lắk đã tích cực tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương. Các tủ sách pháp luật được xây dựng tại các đồn Biên phòng và được xem là một biện pháp hiệu quả để khơi dậy văn hóa đọc, góp phần nâng cao ý thức, nhận thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân vùng biên giới.
Khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk gồm 4 xã thuộc 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp, là nơi chung sống của 24 dân tộc, trong đó, đa số là đồng bào các dân tộc thiểu số. Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận thông tin chưa thuận lợi dẫn đến nhận thức pháp luật của bà con còn hạn chế.
Những năm qua, thực hiện đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo”, hàng chục tủ sách pháp luật đã được xây dựng tại các đồn Biên phòng, với hành nghìn đầu sách, báo, tài liệu, trở thành một trong những kênh thông tin hữu hiệu, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân tại địa phương.
Khoảng 5 năm về trước, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn là một “điểm nóng” về tình trạng vi phạm lâm luật, với hàng trăm vụ việc được phát hiện và xử lý mỗi năm. Tuy nhiên, những năm gần đây, số vụ vi phạm lâm luật đã giảm mạnh, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn khu vực biên giới cơ bản ổn định. Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực, chung tay của các lực lượng chức năng trên địa bàn như BĐBP, Công an, Kiểm lâm trong triển khai thực hiện hàng loạt biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật mang tính tổng thể. Trong đó, không thể không nhắc đến vai trò của mô hình “Tủ sách pháp luật vùng biên” được triển khai hiệu quả tại các đồn, các đội công tác Biên phòng và các xã biên giới.
Tại Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, đơn vị đã tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật thông qua việc hỗ trợ địa phương củng cố tủ sách pháp luật trên địa bàn. Theo đó, tủ sách pháp luật xã Krông Na được đầu tư bài bản theo đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo”, với số lượng đầu sách lớn và đa dạng về nội dung.
Ông Đặng Phi Uyển, cán bộ Tư pháp – Hộ tịch xã Krông Na cho biết: “Cùng với các biện pháp tuyên truyền, tủ sách pháp luật do đồn Biên phòng xây dựng đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong xã. Vì thế mà tình hình an ninh trật tự tại địa bàn cũng từng bước ổn định”.
Ngoài tủ sách pháp luật được bố trí tại UBND 4 xã biên giới, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk còn bố trí tủ sách pháp luật tại các đội công tác địa bàn của các đồn Biên phòng. Đại úy Nguyễn Hữu Lương, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk cho biết: “Thời gian qua, những nội dung tuyên truyền đến với nhân dân biên giới do BĐBP phối hợp với các lực lượng tổ chức thường được thu thập, tra cứu từ tủ sách pháp luật. Bởi tủ sách pháp luật là nguồn thông tin tương đối phong phú để cán bộ tham khảo, từ đó, xây dựng nội dung tuyên truyền có tính thời sự, kịp thời đưa thông tin nhanh đến với bà con”.
“Tủ sách pháp luật là một trong những mô hình hoạt động mà chúng tôi xác định là trọng tâm trong thực hiện đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” - Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy BĐBP Đắk Lắk nhấn mạnh.
Tại Đội công tác địa bàn của Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê đứng chân tại xã Ea Bung, huyện Ea Súp, chúng tôi chứng kiến từng tốp người dân vào mượn sách về đọc sau một ngày bận rộn trên nương rẫy. Những người đến với tủ sách pháp luật của đội có nhiều lứa tuổi khác nhau, người già có, người trẻ có, người làm nông, người làm tiểu thương và cả cán bộ, công chức cũng có. Thường xuyên đến tìm đọc, mượn sách pháp luật tại đội và được cán bộ đội công tác địa bàn gọi là “độc giả trung thành”, ông Đào Xuân Toàn, thôn 2, xã Ea Bung, huyện Ea Súp chia sẻ: “Có điều gì thắc mắc, chưa rõ, chỉ cần tìm đến tủ sách pháp luật sẽ hiểu hết. Tôi đến đây đọc để con cháu học theo và rèn luyện cho con cháu biết yêu sách, biết trau dồi kiến thức pháp luật cho bản thân”.
Ngọc Lân