Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 06/07/2024 11:48 GMT+7

Tư tưởng lớn trong kế hoạch tổng tiến công mùa Xuân 1975

Biên phòng - Bản kế hoạch tổng tiến công giải phóng miền Nam được Bộ Chính trị thông qua lần thứ 8 thể hiện ý đồ chiến lược chia cắt quân địch ra từng mặt trận, rồi đánh tổng lực toàn thắng vào mùa Xuân năm 1975. Tư tưởng lớn mang tính xuyên suốt của quân dân ta là: thần tốc - táo bạo - bất ngờ, làm cho địch không kịp trở tay.

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên (thứ 2, từ phải sang) hướng dẫn Bí thư thứ nhất Lê Duẩn (thứ 3, từ phải sang) thăm đường Trường Sơn ở Quảng Bình, năm 1973. Ảnh: Tư liệu

“Đáp số” được tìm ra ở chiến trường

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Vài ngày sau, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã đi kiểm tra thực tế ở chiến trường Quảng Bình, ở lại ăn Tết Quý Sửu năm 1973 tại Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (ở thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã báo cáo với đồng chí Lê Duẩn về tình hình vận tải trên toàn bộ chiến trường Trị - Thiên, Khu 5, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và mở xong tuyến đường Đông - Tây Trường Sơn, hệ thống thông tin liên lạc...

“Tư tưởng xuyên suốt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, là binh chủng hợp thành, tính cơ động quân chủ lực của ta rất nhanh trên các hướng, các mặt trận. Đây là yếu tố bất ngờ làm cho Mỹ - ngụy không kịp trở tay. Nghệ thuật quân sự của ta đã đạt trình độ cao, dựa vào địa hình, địa thế và lực lượng địa phương, chủ lực, tạo nên thế trận tổng hợp-liên hoàn” - Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên nói.

“Bí thư thứ nhất Lê Duẩn hỏi tôi: Một sư đoàn bộ binh hành quân từ Nam Quảng Bình vào đến Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước mất hết mấy ngày? (Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn kể lại với tôi khi ông còn sống).

- Báo cáo anh, một trung đoàn xe ô tô vận tải chở gọn một sư đoàn bộ binh, hành quân từ Nam Quảng Bình vào đến Lộc Ninh mất hết 8 ngày.

- Vậy, một quân đoàn kèm theo cơ sở vật chất, binh khí kỹ thuật đi hết bao nhiêu ngày?

- Một sư đoàn xe vận tải chở hết một quân đoàn và các khí tài quân sự kèm theo, đi thẳng vào Lộc Ninh cũng mất thời gian 8 ngày (thời điểm này, chúng ta chưa thành lập quân đoàn chủ lực).

Tôi vừa mới nói đến đây, nét mặt đồng chí Lê Duẩn tươi hẳn lên, ông dùng tay đập xuống mặt bàn nghe: sạt, rồi nói rất to: “Thế đã rõ. Đáp số là đây”. Bây giờ, tôi mới dám nói, chứ lúc đó không ai dám nói. Bộ đội Trường Sơn đã giải đáp số cho Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương về di chuyển quân chủ lực cơ động, bảo đảm hậu cần... từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Chỉ khi nào đưa được các đơn vị chính quy thiện chiến ở miền Bắc vào miền Nam mới giải phóng và thống nhất đất nước”.

Làm việc xong tại Sở chỉ huy, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên mời Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đi xem trận địa pháo phòng không bảo vệ bến phà Long Đại (xã Hiền Ninh). Đồng chí Lê Duẩn hỏi: Bắc cầu phao có hai làn xe chạy có tốn kém nhiều không? Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên trả lời: Tốc độ xe hành quân vào - ra chiến trường là nhiệm vụ số 1 hiện nay. Nếu để cầu phao chỉ đi được một làn xe thì vô nghĩa, cũng giống như xe chạy phà. Đây là một sáng tạo có tính toán, có tính chủ động rất cao - đồng chí Lê Duẩn khen.

Căng địch ra để đánh

Bí thư thứ nhất Lê Duẩn từ tuyến lửa Quảng Bình trở về Hà Nội, tổ chức họp Bộ Chính trị mở rộng, bàn về bức tranh toàn cảnh của chiến trường miền Nam. Quyết định thành lập Tổ soạn thảo kế hoạch giải phóng miền Nam, vào tháng 4-1973, với mật danh “Tổ trung tâm”, gồm đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, làm tổ trưởng; đồng chí Vũ Lăng, Cục trưởng Cục Tác chiến; đồng chí Võ Quang Hồ và đồng chí Lê Hữu Đức, Cục phó Cục Tác chiến...

Các vấn đề then chốt đặt ra đó là, chọn mũi tiến công đột phá đầu tiên là hướng nào? Làm thế nào để nhanh chóng tạo thời cơ? Cần làm gì để “chớp” thời cơ, không được để lỡ? Hướng chiến lược là đâu? Đánh như thế nào để tiêu diệt chiến đoàn và sư đoàn ngụy?... Tất cả phải được đưa vào bản kế hoạch, lý giải một cách khoa học và thực tiễn.

Ngày 20-7-1974, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn có cuộc gặp riêng và chỉ đạo với các đồng chí “Tổ trung tâm” tại Đồ Sơn, Hải Phòng: “Ta phải có cách đánh khiến Mỹ phải chịu, cần đẩy lực lượng địa phương lên giải quyết cho được chi khu, quận lỵ. Chủ lực đánh cỡ tiểu đoàn, trung đoàn, diệt sinh lực địch từ ngoài vào trong, tiến lên diệt sư đoàn, thị xã. Cần chú ý đặc công. Nhằm vào đầu não, cơ sở vật chất, sân bay, bến cảng, đường giao thông... Kết hợp quân sự, chính trị, nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy. Đánh địch ở nông thôn, đồng bằng, đô thị. Căng địch ra mà đánh, bao vây mà tiêu tiệt ở nơi hiểm yếu...”.

Cầu Long Đại nằm trên đường Hồ Chí Minh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, trong chiến tranh chống Mỹ là bến phà - cầu phao của tuyến đường chi viện Trường Sơn. Ảnh: Hải Luận

Bộ Thống soái của ta đã căng quân chủ lực của địch ra hai đầu chiến tuyến. Phía Bắc giữ địch ở mặt trận Trị - Thiên. Phía Nam giữ địch ở miền Đông Nam Bộ, tổ chức đánh mạnh để “cầm chân” các sư đoàn thiện chiến ở hai đầu chiến tuyến. Thế trận ta sắp đặt, để tạo nên “điểm hở” Tây Nguyên và các tỉnh ven biển miền Trung. Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chọn đánh mở màn Tây Nguyên.

Bộ Tổng hành dinh của ta đã điều động các đơn vị đánh nghi binh và mở thêm nhiều đường lừa địch ở Bắc Tây Nguyên. Quân địch đã “sập bẫy” ý đồ của ta, chúng đưa nhiều đơn vị từ Nam Tây Nguyên lên phía Bắc ứng phó. Ta bất ngờ đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột. Bị mất Buôn Ma Thuột, quân địch cả Tây Nguyên bị rối loạn, các mũi quân ta đồng loạt cắt đứt các tuyến đường chi viện và rút lui của quân địch. Giải phóng Tây Nguyên, quân ta cơ động đánh xuống các tỉnh ven biển, chia cắt quân địch làm đôi ở miền Nam Việt Nam và lần lượt giải phóng các tỉnh, đi đến toàn thắng.

Hải Luận

Bình luận

ZALO