Biên phòng - Một bản báo cáo trình Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mới đây cho biết, Afghanistan và toàn khu vực đang đối diện với nguy cơ leo thang bất ổn an ninh vì những tổ chức khủng bố chống nhà cầm quyền Taliban. Mặt khác, bản thân phong trào Taliban cũng cho thấy những dấu hiệu bất ổn, không phù hợp để lãnh đạo một đất nước trong thời kỳ hiện đại.
Gần một năm sau khi giành quyền kiểm soát đất nước, phong trào Taliban từng bước thiết lập một chính phủ với nguyện vọng nhận được sự công nhận của quốc tế, bao gồm sự tương tác trở lại với hệ thống tài chính quốc tế, nhận viện trợ nhân đạo để giải quyết các cuộc khủng hoảng kinh tế đang ngày càng tồi tệ. Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ từ một số quốc gia, phần còn lại của thế giới cho rằng, Taliban không phù hợp để lãnh đạo đất nước có vị trí địa lý chiến lược nhạy cảm này. Sự phản đối Taliban là có cơ sở xác đáng, khi tổ chức này chưa cho thấy sự cấp tiến trong việc điều hành quốc gia, phù hợp với thời cuộc. Hơn hết, Taliban cũng đang phải đương đầu với rất nhiều mối đe dọa an ninh, nhất là từ các tổ chức khủng bố muốn sử dụng lãnh thổ Afghanistan như một “thiên đường an toàn”.
Báo cáo của các chuyên gia Liên hợp quốc có nêu, Taliban đang phải duy trì quan hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda như một biện pháp củng cố quyền kiểm soát đất nước. Mặt khác, mối thù truyền kiếp giữa Taliban và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày càng leo thang, song hành với sự nổi dậy của các nhóm tàn quân chế độ Afghanistan cũ bị Taliban lật đổ. Các lực lượng này đang duy trì phương thức tấn công kiểu du kích gây nhiều nỗi hoang mang trong dư luận về hệ thống an ninh của Taliban.
Dẫu vậy, các chuyên gia của Liên hợp quốc nhận định, cả IS và al-Qaeda hiện đều chưa có khả năng thực hiện các cuộc tấn công khủng bố với quy mô quốc tế cho đến năm 2023. Tuy nhiên, thực trạng hoạt động của 2 nhóm khủng bố này gây nên nhiều quan ngại về việc Afghanistan là vùng lãnh thổ được các tổ chức khủng bố nương náu và trỗi dậy, từ đó triển khai tấn công sang các quốc gia láng giếng, cũng như trên phạm vi quốc tế rộng lớn hơn.
Các chuyên gia của Liên hợp quốc cũng cho rằng, Taliban có cách thức lãnh đạo tiềm ẩn nhiều bất ổn, đặc biệt là trong cơ cấu tổ chức của chính quyền với xu hướng ưu ái những nhân vật có lòng trung thành, thâm niên tham gia phong trào và mang tính phân biệt sắc tộc, thay vì bổ nhiệm nhân sự có năng lực thực chất. Mặt khác, quy cách bố trí nhân sự trong chính quyền của Taliban không dựa trên những tiêu chí rõ ràng, thiếu nhất quán, thậm chí có tới 41 nhân vật cấp cao nằm trong danh sách đen trừng phạt của Mỹ.
Cũng theo các chuyên gia, kể từ khi thành lập chính phủ đến nay, nội bộ Taliban đã nhiều lần xảy ra bất hòa, chia rẽ căng thẳng. Điểm lại lịch sử của Taliban, giới chuyên gia cho biết, giai đoạn 1996-2001, Taliban cai trị Afghanistan với quy cách hà khắc. Khi bị lật đổ sau vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ, Taliban trở thành một lực lượng nổi dậy và hoạt động theo tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Đến nay, khi trở lại nắm quyền kiểm soát đất nước, nội bộ Taliban phân cực rõ rệt, một phe thực dụng và một phe cứng rắn.
Điều đáng nói, phe cứng rắn có tư duy lãnh đạo bảo thủ cực đoan đang nắm thế thượng phong trong tổ chức này và muốn lãnh đạo đất nước theo quy cách cổ hủ hà khắc truyền thống. Trên thực tế, ngay thời kỳ 1996-2001, Taliban đã cho thấy sự lạc hậu, cổ hủ trong lãnh đạo đất nước. Đến nay, sau 2 thập kỷ thế giới phát triển, hệ tư tưởng trên nếu được “hồi sinh” thì càng không thể tương tác với xã hội hiện đại. Yếu tố này đang tạo nên mâu thuẫn rất lớn trong việc Taliban điều hành đất nước.
Bài toán đặt ra là phải tìm được sự hài hòa, cấp tiến của một hệ tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, cực đoan để hội nhập được với nền văn minh chung của quốc tế. Đây có thể là lằn ranh mà Taliban khó có thể vượt qua để nhận được sự công nhận và sự ủng hộ, hỗ trợ của quốc tế.
Thanh Trúc