Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 05/07/2024 08:53 GMT+7

Tương lai rối ren ở Bolivia

Biên phòng - Những ngày qua, Bolivia rung chuyển bởi một cuộc đảo chính. Dù âm mưu này bất thành nhưng đã thúc đẩy những bất ổn âm ỉ trong cả chính trường lẫn xã hội.

Lực lượng an ninh Bolivia thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh khủng hoảng chính trị. Ảnh: Reuters

Đảo chính bất thành

Truyền thông quốc tế dẫn các nguồn phân tích cho biết, Bolivia là quốc gia hứng chịu nhiều cuộc đảo chính nhất trên thế giới kể từ năm 1950 với 23 cuộc, bao gồm 12 cuộc thất bại.

Cuộc đảo chính mới nhất diễn ra vào ngày 26/6 vừa qua do Tướng Juan Jose Zuniga cầm đầu. Theo đó, Tướng Zuniga vốn là Tổng tư lệnh lực lượng quân đội Bolivia, đã bị cách chức vào ngày 25/6 do có những lời đe dọa chống lại cựu Tổng thống Evo Morales vì chính trị gia này thông báo ý định tái cử vào năm 2025. Ông Morales từng giữ chức Tổng thống từ năm 2006 đến năm 2019, là Tổng thống người bản địa đầu tiên ở Bolivia.

Sau khi bị cách chức, cựu Tướng Zuniga đã đưa ra lời đe dọa chiếm Phủ Tổng thống. Thực hiện âm mưu này, ông Zuniga đã dẫn đầu một nhóm binh sĩ dưới quyền, cùng xe bọc thép và sự yểm trợ của một đoàn xe quân sự hướng tới Quảng trường Murillo, trung tâm Thủ đô La Paz, nơi đặt trụ sở Phủ Tổng thống.

Trong một tuyên bố, ông Zuniga cho biết, cuộc tấn công vào trụ sở chính quyền nhằm thiết lập lại nền dân chủ và giải phóng các tù nhân chính trị. Và ông sẽ trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị và những sĩ quan quân đội hiện đang bị giam giữ.

Các phương tiện truyền thông đại chúng của Bolivia đăng tải nhiều hình ảnh cho thấy, xe bọc thép cùng binh lính vũ trang, bịt mặt đột nhập vào Phủ Tổng thống.

Phản ứng sau vụ việc, Tổng thống Bolivia Luis Arce lên tiếng tố cáo âm mưu đảo chính. Đồng thời bổ nhiệm ngay lập tức Thiếu tướng Jose Wilson Sanchez đảm nhiệm chức Tổng tư lệnh quân đội Bolivia thay thế ông Zuniga và kêu gọi vị cựu Tư lệnh kiềm chế, không gây đổ máu trong quân đội.

Phát biểu tại lễ nhậm chức, tân Tổng tư lệnh quân đội Bolivia Sanchez yêu cầu các binh sĩ trở về đơn vị và không nên có những hành động bất cẩn gây đổ máu.

Vài giờ sau vụ đảo chính, người dân ủng hộ chính phủ đã bao vây các khu vực xung quanh nơi phe nổi dậy tiến hành đảo chính để phản đối hành động vi hiến này. Đại diện của các tổ chức xã hội từ nhiều vùng trên đất nước Nam Mỹ cũng xuống đường tuần hành để bảo vệ nền dân chủ, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng thống Arce.

Bộ Ngoại giao Bolivia cũng lập tức phát thông cáo kêu gọi cộng đồng quốc tế và người dân Bolivia tôn trọng các giá trị dân chủ và ủng hộ chính phủ của Tổng thống Arce được bầu hợp hiến, thể hiện ý chí của người dân Bolivia.

Theo Chính phủ Bolivia, ngay sau cuộc đảo chính bất thành, các binh sĩ đã trở về nơi đóng quân và một vụ án hình sự đã được mở ra nhằm chống lại những người tham gia.

Quốc tế phản ứng gay gắt

Ngày 27/6, Bộ trưởng Nội vụ Bolivia Carlos Eduardo Castillo xác nhận, cảnh sát nước này đã bắt giữ ít nhất 17 sĩ quan quân đội dính líu đến hành vi tổ chức âm mưu đảo chính ở quốc gia Nam Mỹ. Trong số những người bị bắt giữ có Tướng Zuniga. Các lời khai cho thấy âm mưu đảo chính đã được lên kế hoạch từ tháng 5/2024.

Theo Bộ trưởng Tư pháp và Minh bạch thể chế Bolivia Ivan Lima Magne, Tướng Zuniga - người cầm đầu âm mưu đảo chính có thể bị kết án từ 15 đến 20 năm tù vì đã chủ ý tấn công nền dân chủ và hiến pháp. Ông Magne khẳng định, những tuyên bố trước đó của Tướng Zuniga rằng, âm mưu đảo chính được thực hiện theo yêu cầu của Tổng thống Bolivia Luis Arce là sai sự thật.

Tổng thống Bolivia Luis Arce tuyên bố: “Chúng tôi cần người dân Bolivia tổ chức và tập hợp chống lại cuộc đảo chính. Chúng ta không thể để cuộc đảo chính cướp đi sinh mạng của người Bolivia một lần nữa”.

Hành vi đảo chính ở Bolivia đã vấp phải sự lên án mạnh mẽ của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các thông tin về âm mưu đảo chính quân sự ở Bolivia và kêu gọi bảo vệ trật tự hiến pháp ở quốc gia này. Đồng thời kêu gọi tất cả các thành phần trong xã hội Bolivia, bao gồm cả lực lượng vũ trang bảo vệ trật tự hiến pháp và duy trì hòa bình.

Tổng Thư ký Tổ chức các quốc gia châu Mỹ Luis Almagro lên án mạnh mẽ vụ đảo chính ở Bolivia, đồng thời nhấn mạnh rằng, quân đội phải phục tùng chính quyền dân sự được bầu cử hợp pháp.

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết, EU lên án bất kỳ âm mưu nào nhằm phá vỡ trật tự hiến pháp ở Bolivia và lật đổ chính phủ được bầu cử dân chủ.

Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng (Mỹ) John Kirby cho biết, Mỹ đang theo dõi sát sao tình hình và hối thúc kiềm chế tại Bolivia.

Cùng với đó, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố lên án mạnh mẽ âm mưu đảo chính quân sự ở Bolivia, đồng thời cảnh báo chống lại bất cứ sự can thiệp, phá hoại nào của nước ngoài vào công việc nội bộ của Bolivia, cũng như với các quốc gia khác.

Tổng thống Brazil Lula da Silva xác nhận rằng, ông sẽ thực hiện chuyến thăm Bolivia vào ngày 9/7 tới nhằm củng cố nền dân chủ và bày tỏ lập trường ủng hộ người đồng cấp nước chủ nhà Luis Arce.

Cùng chung phản ứng về âm mưu đảo chính này, các nhà lãnh đạo Chile, Paraguay, Ecuador, Peru, Mexico, Colombia, Venezuela, Tây Ban Nha... kịch liệt lên án các hành vi vi phạm trật tự hiến pháp ở Bolivia hoặc bất kỳ quốc gia nào, cũng như kêu gọi tôn trọng nền dân chủ.

Theo giới chuyên gia chính trị, Bolivia là quốc gia có lịch sử chính trị đầy bất ổn. Phân tích dữ liệu của các học giả cho thấy, trong thời kỳ các chế độ độc tài quân sự từ năm 1964 đến năm 1982, nơi các tổng thống thuộc mọi thành phần chính trị đều bị lật đổ bằng vũ lực. Đến năm 1982, xã hội Bolivia mới hoàn toàn chấp nhận nền dân chủ trong các cuộc bầu cử. Bolivia đã có nền dân chủ không gián đoạn kể từ năm 1982, khi các hệ thống dân chủ được khôi phục.

Bình luận về vụ tấn công ngày 26/6 vừa qua, nhiều nhà phân tích Bolivia nhìn nhận, trong xã hội Bolivia có luồng ý kiến cho rằng, chính đương kim Tổng thống là người dàn dựng cuộc đảo chính này để lấy lòng cử tri trong bối cảnh mức độ tín nhiệm đang rất thấp. Phản bác luận điệu này, chính quyền Bolivia cáo buộc rằng, có những nhân vật chính trị gia đang trở thành “con rối” cho chủ nghĩa đế quốc với ý định cướp bóc đất nước.

Vụ đảo chính vừa qua ở Bolivia được đánh giá là có cách thức triển khai không đáng lo ngại và cũng không gây thiệt hại đáng kể. Dù chỉ là một hành động đảo chính tương đối nhỏ, nhưng lại phản ánh những rối ren trong nước rất lớn, được chất chứa trong nhiều năm. Từ chính trường đến toàn xã hội Bolivia chắc chắn sẽ còn tiếp tục phải trải qua những ngày tháng bất ổn với những diễn biến phức tạp khó đoán định.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO