Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 05:22 GMT+7

Tỷ phú và khát vọng

Biên phòng - Hơn 30 năm bám biển mưu sinh, từ hai bàn tay trắng, anh Lê Văn Giúp đã tạo dựng cho mình nhà cửa khang trang, bề thế cùng khối tài sản gồm 5 chiếc tàu đánh bắt xa bờ trị giá hàng chục tỷ đồng. Song, điều có ý nghĩa lớn hơn là việc anh giữ vai trò tổ trưởng một tổ hợp tác đánh bắt cá ngừ đại dương (cá bò gù) gồm 20 phương tiện. Anh đã nỗ lực dẫn dắt anh em trong tổ đoàn kết, bám biển làm ăn, vươn lên trở thành "tập đoàn" dẫn đầu về quy mô phương tiện hành nghề và sản lượng khai thác ở TP Tuy Hòa.

xf64_10a-1.JPG
Ngư dân Lê Văn Giúp giới thiệu về những con tàu trong tổ liên kết đánh bắt trên bến cảng Đà Rằng. 
 
Tay trắng dựng cơ nghiệp

Mặc dù có trong tay tổng tài sản hơn chục tỷ đồng, nhưng tỷ phú Lê Văn Giúp ngày ngày vẫn miệt mài, cần mẫn làm việc không biết mệt mỏi. 

Tuổi thơ trong ký ức Lê Văn Giúp là những ngày sống lam lũ trong ngôi nhà lá ọp ẹp ở làng chài Phú Câu với những bữa cơm không đủ no. Nhà có 6 chị em, sống ở biển mà không thuyền, không ghe, phương tiện làm nghề chỉ có vài tấm lưới mành. Cha anh suốt ngày lao động cật lực kiếm từng bữa ăn cho cả nhà bằng nghề chài lưới ven bờ khiến người ông gầy rộc, đau bệnh quanh năm. Do hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên năm 12 tuổi, anh bỏ học, xin các chủ ghe trong làng cho làm thuê để kiếm tiền thuốc thang cho cha và phụ giúp gia đình.

Anh Giúp kể, hồi đầu mới đi biển, chủ ghe thường sai làm những công việc lặt vặt như tát nước ghe, phụ đẩy mái chèo, gỡ cá, thu lưới. "Thời đó ghe thuyền tròng trành, lại không có máy móc hiện đại như bây giờ. Người làm biển phải căng tai, căng mắt để nghe ngóng từng cơn gió, từng con sóng, nhìn trời, nhìn sao để định hướng đi cho ghe, đoán thời tiết, lái ghe chạy hướng nào để tránh tai nạn" - Anh Giúp nhớ lại. Những bài học vỡ lòng về làm biển học được từ những lão ngư ngày đó giúp anh có sự nhạy bén đặc biệt với nghề.

Sau một thời gian học nghề và làm thuê nuôi gia đình, năm 1986, nhặt nhạnh khoản dư tích góp, Lê Văn Giúp hùn phần lưới chài với người bác họ vừa đóng ghe, rồi đi bạn trên ghe ông. Sau hơn hai năm, lấy tiền lãi từ phần hùn lưới, anh vay thêm ngân hàng sắm mới chiếc ghe công suất 36CV, dài 15 mét, bắt đầu vào vị trí một chủ phương tiện. "Ngày cho ghe hạ thủy, tôi vừa hồi hộp, lo lắng vừa mừng, lúc nào cũng tự nhủ phải hết sức quyết tâm" - Lê Văn Giúp tâm sự.

Những chuyến biển nghề lưới rút của một người chủ trẻ, vừa là thuyền trưởng nhanh nhạy đã giúp anh có đủ thu nhập nuôi gia đình và một phần dư để tích góp. Năm 1995, nghề đánh bắt cá bò gù bắt đầu du nhập về làng biển Phú Câu, Lê Văn Giúp là một trong số những chủ phương tiện tiên phong tiếp cận nghề, rồi trở thành một trong những ngư phủ đánh bắt cá bò gù siêu giỏi tại làng biển này.

"Hồi mới có nghề bò gù, có một Việt kiều về làng lập trại thu mua cá ngừ, tôi thường đến trò chuyện, hỏi cách làm nghề này ở mấy nước trên thế giới. Nếu bộ dụng cụ gây tê theo công nghệ Nhật Bản để giữ chất lượng cá gần đây mình mới nhập, khá mới lạ đối với nhiều chủ tàu, thì tôi đã sắm và sử dụng cách đây gần 10 năm. Cá đánh bắt về bao giờ cũng đạt chất lượng, bán được giá cao. Mỗi lao động trên tàu có thu nhập trung bình từ 8 đến 12 triệu một chuyến biển. Năm biển no, mỗi chuyến chia được 25 đến 35 triệu một người”  - Anh Giúp chia sẻ.

Thu nhập gia đình tăng nhanh từ nghề bò gù, hết năm đầu tiên, Lê Văn Giúp bắt đầu nâng máy ghe từ 36CV lên 90V rồi tiếp tục cải hoán, sắm thêm máy đàm, máy định vị để hỗ trợ làm ăn. Một năm sau, anh đóng mới chiếc tàu 90CV và 280CV. Thêm 3 năm làm ăn tích góp, anh lại tiếp tục đóng chiếc 350CV, rồi chiếc 400CV, sắm hàng chục máy móc hiện đại, ngư cụ trên mỗi tàu để vươn khơi, bám biển, thỏa khát vọng làm giàu từ biển.

"Thủ lĩnh" của ngư dân

"Tập đoàn Lê Văn Giúp" là cách mà bà con làng biển phường 6, TP Tuy Hòa vẫn gọi ngưỡng mộ, diễn tả sự hùng hậu của tổ liên kết gồm 20 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương do anh Lê Văn Giúp làm tổ trưởng. "Họ lập tổ trên tinh thần tự nguyện. Mỗi chuyến biển, 20 con tàu sẽ đồng loạt nổ máy, cùng xuất bến ra khơi và sẽ cùng trở về khi cả 20 chiếc đều no cá" - Lão ngư Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6 nói.

Ngay từ lúc chưa gặp Lê Văn Giúp, chúng tôi đã biết đến đội tàu của anh, khi tình cờ chứng kiến những con tàu phường 6 ra khơi vào đầu mùa biển năm nay. Thời điểm đó, cửa biển Đà Diễn bị bồi lấp, tàu thuyền ra, vào cửa biển liên tục bị mắc cạn. Nỗi lo tàu bị nạn khiến hàng trăm chủ tàu dù đã sắm chuyến, nhưng vẫn phải nằm chờ mà không dám xuất bến.

Hôm ấy, 10 giờ sáng, thủy triều lên, cảng Đà Rằng rộn ràng trong âm thanh khởi động máy của tàu thuyền chuẩn bị ra khơi. Từ trong bến, một con tàu rồ ga, nhả khói đen ngòm rồi tiến ra cửa biển. Tiếp theo, một đoàn nhiều chiếc tàu lớn lần lượt nối nhau đi ra. Trên bờ cảng, hàng trăm ánh mắt căng thẳng dõi về cửa Đà Diễn.

Chợt, có giọng của một người phụ nữ át cả âm thanh chộn rộn trên bến cảng: "Đúng, đó là tàu của... tập đoàn ông Giúp". Đoàn tàu vượt cửa biển an toàn và dừng lại bên ngoài như chờ đợi. Trên bờ cảng, tiếng loa của Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phan Thuẫn như thúc hối, "tàu nào xuất bến, thuyền trưởng cho vượt cửa nhanh theo tập đoàn anh Giúp. Lỡ có mắc cạn, nhờ anh em lai dắt qua giùm, kẻo lại mắc kẹt tiếp"...

Đó là một trong rất nhiều lần tổ tàu của Lê Văn Giúp tự đặt mình trước trách nhiệm hỗ trợ những con tàu trong làng khi vượt cửa. "Anh Giúp luôn dặn anh em tôi, nghề biển khó tránh khỏi rủi ro bất chợt. Hễ cố gắng được, ráng giúp bà con khi họ gặp sự cố. Làm được điều này, chúng tôi vui vì được bà con tin cậy, hơn nữa, còn hãnh diện về sức mạnh đoàn kết của tổ mình" - Anh Nguyễn Thanh Nhã, Tổ phó  bộc bạch.

Cũng theo anh Nhã, dù tự nguyện liên kết nhưng mọi thành viên đều tôn trọng, tuân thủ quy tắc hoạt động tổ đề ra. Ra biển, các tàu tỏa ra vùng ngư trường đã được phân công. Tàu nào gặp luồng cá thì thông báo tập trung cả tổ đến đánh bắt. Ai có vướng mắc chuyện làm ăn thì giãi bày tại các buổi họp tổ chứ không to tiếng với nhau trên biển.

"Ngày họp tổ, anh em luôn đông đủ, đến trước cả giờ quy định. Việc thảo luận thì thoải mái, nhưng chuyện gì anh Giúp đã "quyết", mọi người sẽ răm rắp làm chứ không nói tới nói lui. Ai sai phạm là bị phê bình sát rạt" - Anh Nhã quả quyết.

Những ngư dân trong "tập đoàn Lê Văn Giúp" rất tự hào khi nói về tình đoàn kết giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong tổ. Chị Nguyễn Thị Thu, vợ anh Nhã cảm động kể, con tàu 90CV của gia đình chị ra khơi đã hơn 10 năm. Anh chị cứ ao ước nâng cấp tàu nhưng không xoay ra tiền, cũng chưa dám thổ lộ cùng ai. Biết ý định của gia đình, cuối mùa biển năm ngoái, anh Giúp đã họp tổ, nêu ra vấn đề này.

Vừa xong cuộc họp, các thành viên trong tổ đã đến gặp vợ chồng anh Nhã, đăng ký cho mượn vốn. Người 5, 10 triệu, người 20 triệu góp vào giúp anh chị mạnh dạn nâng cấp tàu. Mùa biển này, họ đã vươn khơi với con tàu 400CV như từng ao ước. Chị Thu cho biết, tiền cải hoán con tàu tới cả trăm triệu, nhưng toàn bộ là của anh em cho mượn chứ không phải đi vay lãi cao đồng nào.

Bày tỏ lòng cảm kích, chủ tàu Nguyễn Văn Dũng cũng cho biết, mùa đánh bắt hai năm trước, tàu anh mắc cạn vào bãi đá ngầm ở đảo Trường Sa. Anh gọi thông báo, chỉ 1 giờ sau, 4 phương tiện trong tổ đã đến và tiến hành nối dây, dắt tàu ra khỏi vùng cạn. Nhưng, do va đá ngầm, chiếc tàu đưa về hư hỏng khá nặng.

Để "tiếp sức" cho anh Dũng nhanh chóng trở lại làm ăn, anh Giúp góp trước một khoản tiền hỗ trợ rồi kêu gọi cả tổ. Từng người, theo khả năng của mình đã tự nguyện giúp anh Dũng. Mùa đánh bắt năm rồi, tàu anh Dũng lại ra khơi, đi 9 chuyến biển, chuyến nào về cũng no. "Thấy đồng đội động viên, giúp đỡ chân tình, vô tư, mình không thể lùi mà càng phải cố gắng vươn lên" - Anh Dũng bộc bạch. 

Kể chuyện làm ăn, anh Dũng còn cho biết, có lúc ngư trường vắng cá, sau cả tháng trời bám biển, nhiều tàu trong làng đã chịu lỗ, quay về bến khiến anh em trong tổ nao núng. Song, anh Giúp vẫn cứng rắn ra mệnh lệnh, "tiếp tục bám ngư trường". Chuyến biển dài gần 50 ngày đã thành công ở phút chót khi gặp được luồng cá. Mỗi chiếc tàu trở về dưới hầm chứa trên 25 con cá, tiền chia cho mỗi lao động gần 7 triệu đồng.
Sau gần 10 năm làm ăn, tích góp, động viên, hỗ trợ nhau để nâng cấp và đóng thêm tàu, từ con số chỉ vài phương tiện công suất từ 45 đến 90CV, đến nay, cả tổ đã có 20 tàu, chiếc nhỏ nhất công suất cũng tới 280CV. Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phan Thuẫn khẳng định: "Tập đoàn Lê Văn Giúp có đội tàu lớn nhất, hoạt động hiệu quả nhất trong ngư dân các làng biển ở TP Tuy Hòa".

Điều khiến tôi hết sức nể phục về cái tâm của người thủ lĩnh này, khi biết trong anh còn nhiều điều lo nghĩ. Lê Văn Giúp tâm sự: "Dẫn dắt 20 con tàu không chỉ có 20 thuyền trưởng, chủ tàu mà kéo sau nó là cuộc mưu sinh của 200 lao động để nuôi gần 200 gia đình. Vậy là, đã có ít nhất 600 người chờ đợi, dõi theo chuyện "no", "đói" từ những chuyến biển của chúng tôi".

Tôi liền chất vấn thêm: "Anh học chưa hết bậc phổ thông cơ sở, nhưng điều hành một tổ có gần 200 người. Họ toàn những người "ăn sóng, nói gió", "đầu trần, chân đất" chứ không "mềm" để dễ thu phục?". Lê Văn Giúp bảo rằng, anh tâm đắc khi đã xây dựng và duy trì được cung cách làm ăn tích cực, văn minh của anh em trong tổ.

"Cuộc sống no đủ, cơ ngơi sản nghiệp phát triển như hôm nay của anh em chính là kết quả của việc đồng tâm, hiệp lực đoàn kết, bền bỉ làm ăn, biết chia sẻ và tôn trọng sự điều hành của tổ. Nhìn vào đó, anh em tự biết mình phải thế nào để luôn đồng hành cùng đồng nghiệp" - Anh Giúp nói.
Phương Oanh

Bình luận

ZALO