Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 08/09/2024 07:21 GMT+7

Ước mơ của người Vân Kiều nơi đầu nguồn sông Bến Hải

Biên phòng - Vĩnh Ô là một xã miền núi đặc biệt khó khăn, nằm ở phía Tây huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) với hơn 85% là người Vân Kiều. Những năm qua, Vĩnh Ô đã có nhiều bước phát triển kinh tế đột phá nhằm nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, nhưng đằng sau những trảng rừng tràm xanh ngút tầm mắt, những khu rừng nguyên sinh rậm rịt và những đàn bò thong dong gặm cỏ, là cả một niềm khắc khoải, chờ mong…

t47d_11a
Cuộc sống của người dân nơi đây hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài.

Chốn nhiều... “không”

Khi biết chúng tôi có ý định đến với thôn tận cùng xã Vĩnh Ô, Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Sáu lo ngại: "Cách đây vài hôm, trời có mưa nên chắc giờ mực nước ở các sông, suối còn cao, chảy xiết, đường trơn trượt, hơn nữa phải đi bộ hơn 10km đường rừng thì mới tới tận thôn Mít. Các anh nên nán lại vài ngày đã rồi hãy đi". Bất chấp những lời "khuyến cáo" về hành trình gian khổ phía trước, chúng tôi vẫn quyết định lên đường cho kịp tới bản 9 (thuộc thôn Mít) trước khi trời tối.

Xã Vĩnh Ô chỉ có tuyến đường rải nhựa dài gần 30km từ thị trấn Bến Quan tới trung tâm xã (bản 2) được chính thức thông xe vào năm 2009 và hệ thống điện lưới quốc gia cũng chỉ mới vào bản 5. Người dẫn đường cho chúng tôi là anh Hồ Văn Dòi, Phó Công an xã Vĩnh Ô giải thích: "Nếu như nhìn trên bản đồ và tên ghi trong sổ sách hành chính thì Vĩnh Ô có các thôn, bản: Xà Lời, Xà Tèn, Xà Nin, Xà Ri, Cây Mê, Cây Tăm, Bản Thúc, Mít, nhưng người dân quen gọi tên các bản là bản 1, bản 2, bản 3... đến bản 8".

Đường đi mỗi lúc một khó khăn, nhiều đoạn phải men theo lối mòn nhỏ quanh co trên vách núi chỉ vừa đủ cho một người đi, một bên là vách núi cao, bên kia là vực thẳm hun hút. Đi đến bản 5 thì chúng tôi bắt đầu toát mồ hôi hột và thở dốc, suối dần sâu hơn và đường núi cheo leo hơn. Vừa đi, anh Dòi vừa ái ngại: "Từ trung tâm xã lên đến thôn Mít thì chỉ có hai con đường, một là đi bộ men theo đường mòn nhỏ trên núi; hai là đường đi giữa lòng sông, suối và vách núi chỉ có mấy chiếc xe công nông, xe U-ran ba cầu chở hàng hóa của các thương lái đi được. Hai đường đều khó khăn, vất vả như nhau".

Anh Dòi vừa dứt lời, chúng tôi bắt gặp một toán thanh niên đang hì hục lèn cây, bắn tời để kéo chiếc xe U-ran cũ kỹ, hầm hố lên khỏi vũng lầy. Mặc dù xe đã được độ chế nâng cao gầm, bánh cuốn xích sắt, gắn thêm bộ tời ở phía trước, nhưng chiếc xe vẫn "bó phép" với "con đường đau khổ" này. Ngoài dòng sông Bến Hải huyền thoại, nơi đây còn có rất nhiều con suối sâu và nước chảy rất xiết.

Để lội qua suối được dễ dàng hơn, người dân bản xứ đã sáng tạo ra cách đắp từng tảng đá hộc và ván gỗ từ bờ này qua bờ kia làm thành một cây cầu tràn mà bà con nơi đây quen gọi là "ngầm". Nhưng đây là giải pháp tạm thời vì chỉ sử dụng được vào mùa nắng, chứ mùa mưa lũ tất cả các "ngầm" đều bị cuốn phăng, các thôn bản bị cô lập hoàn toàn. Anh Dòi kể rằng, nhiều đợt lũ về hàng tháng trời, dân bản thiếu cái ăn trầm trọng. Cấp trên có phát gạo cứu đói ở UBND xã, nhưng bà con dân bản phải đợi mất vài tuần chờ nước rút mới về lấy được gạo cứu đói. Các em học sinh cũng phải nghỉ học cả tháng trời vì nước lũ.

Sau gần 4 giờ để vượt qua 12km đường rừng, chúng tôi đã đến trung tâm thôn Mít - ngọn nguồn sông Bến Hải. Xa xa những mái nhà sàn đơn sơ, nằm tản mác hiện ra mờ ảo dưới làn sương núi. Trưởng thôn Mít Hồ Văn Khang niềm nở bắt tay chúng tôi, rồi bảo vợ nấu cơm gạo mới đãi khách.

Anh Khang giới thiệu: "Theo cách phân giới địa chính ở đây thì thôn Mít gồm từ bản 6 tới bản 9, là bản tận cùng của xã Vĩnh Ô. Người dân ở đây hầu như sống biệt lập với thế giới bên ngoài và được mệnh danh là chốn nhiều không: Không có điện lưới quốc gia, không có đường, không có nguồn nước sạch, không sóng điện thoại, không sóng truyền hình và dịch vụ y tế cũng bằng không...".

Có một câu chuyện "cười ra nước mắt" rằng, trước đó có một người phụ nữ ở bản 8 trở dạ lúc nửa đêm. Vì trong bản không có bà đỡ nên người nhà đành phải cáng chị về trạm xá xã. Trên đường đi, vì đường sá gập ghềnh, nhiều đoạn xóc nảy lên, nảy xuống làm đứa bé đã "tuột" ra khỏi bụng mẹ lúc nào không hay. Khi nghe tiếng khóc oe oe của đứa bé vừa lọt lòng thì mọi người cõng cả mẹ và con trở về bản...

Anh Hồ Văn Khang cho biết, thôn Mít có tất cả 37 hộ với 166 nhân khẩu. Trong thôn có 27 em đang học tiểu học và 17 em độ tuổi mầm non học tại điểm trường bản 8. Vì đường sá đi lại khó khăn nên hầu hết các em chỉ học đến lớp 5, lớp 6 là bỏ học. Từ việc không có đường đã kéo theo nhiều hệ lụy, trở ngại cho người dân nơi đây. Việc học hành của các em học sinh bị đứt đoạn, mỗi khi có người đau ốm cũng không được chữa trị kịp thời và đại đa số dân bản đều hạn chế đi lại, vì thế đời sống của họ lại càng tách biệt hơn với thế giới bên ngoài.

Để giải tỏa phần nào khát khao có ánh điện, nhiều hộ dân đã lặn lội về tận chợ trung tâm huyện mua sắm máy tua-bin phát điện về đặt dưới suối để có điện sử dụng cho gia đình. Nhưng những chiếc máy phát điện này chỉ dùng được vào mùa đông vì khi mùa hạ đến, mực nước ở các con sông, suối đều khô cạn. Đến nay, toàn thôn Mít có 4 gia đình dùng máy tua-bin phát điện, các hộ còn lại dùng đèn dầu để thắp sáng. Còn nguồn nước sinh hoạt, ăn uống hằng ngày của người dân được lấy trực tiếp từ nguồn nước sông Bến Hải hoặc ở các hồ nước, sông suối gần nhà.

rzb1_11b
Người dân thôn Mít mong muốn có được một con đường để đi lại thuận tiện hơn. Ảnh Trần Thanh

Ước mong có một con đường

Đêm ở thôn Mít tối như mực, ngoài trời tiếng côn trùng rỉ rả, ếch nhái kêu oàm oạp. Chúng tôi tìm đến thăm nhà già làng Hồ Phở (78 tuổi). Già làng Hồ Phở nói như than: "Người dân thôn Mít và các thôn lân cận chỉ mong ước sao có được một con đường để đi lại thuận tiện hơn. Khi có đường thì mới có thể kéo điện, nước sạch về thôn bản được và con cháu sau này đi học, đi làm cũng sẽ bớt cực khổ. Có đường rồi thì sẽ có xe máy, xe đạp để đi, suốt mấy mươi năm cuộc đời rồi mà chưa một lần được ngồi lên xe, đi bộ mãi, bố mệt lắm".

Già làng Hồ Phở cho biết thêm: Người dân nơi đây trồng lúa nước, sắn, rừng tràm và còn nuôi cả trâu, bò, lợn, gà nhưng chỉ để phục vụ cho gia đình chứ ít khi mang đi bán. Vì không có đường đi nên việc người dân trao đổi hàng hóa dịch vụ với bên ngoài rất khó khăn, nông sản làm ra không bán được, nếu bán cho tiểu thương thì bị ép giá, còn muốn bán được giá cao thì phải len lỏi qua rừng, qua núi gùi về xuôi. Vì thế, dân bản bao đời nay vẫn nghèo.

Ông Hồ Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô giãi bày: "Thôn Mít là thôn chịu nhiều thiệt thòi nhất của xã, vì ở đó chưa có điện lưới, đường sá cũng chưa và chưa có cả nhiều thứ khác. Trước đây, có nhiều đoàn hội về đo đạc, khảo sát làm đường nhưng rồi... biệt tăm từ đó đến nay. Nếu có được một con đường vững chãi, kiên cố vào đến thôn Mít thì cuộc sống của người dân sẽ thay đổi nhiều lắm. Nhưng để làm một con đường như thế thì kinh phí lớn quá, vượt ngoài khả năng của chúng tôi".

Chia tay Vĩnh Ô khi trời vừa tảng sáng, chúng tôi mang theo cả niềm mong mỏi, khắc khoải của những người dân nơi đầu nguồn sông Bến Hải. Mong rằng, cơ quan, ban, ngành các cấp sớm có chính sách đầu tư, quan tâm hỗ trợ để người dân nơi đây có một con đường kiên cố đi lại, vững tâm làm ăn phát triển kinh tế nâng cao đời sống cho gia đình và địa phương.

Trần Thanh

Bình luận

ZALO